Dưới sự lãnh đạo, điều hành của Giám đốc kiêm Chủ tịch - Trần Văn Cường ngành điện lực Hải Dương có nhiều sai phạm, thậm chí có những sai phạm có dấu hiệu hình sự nhưng chưa được xử lý triệt để, gây bức xúc trong dư luận.
Sai phạm… nối tiếp sai phạm!
Vài năm gần đây, Công ty TNHH MTV điện lực Hải Dương (PC Hải Dương) dưới sự điều hành của ông Trần Văn Cường - Chủ tịch kiêm Giám đốc, trở thành điểm nóng không chỉ trong ngành điện lực, mà dư luận cũng rất quan tâm, chú ý bởi những sai phạm liên tiếp sai phạm nhưng chưa bị xử lý triệt để.
Từ năm 2017, nhiều cơ quan báo chí phản ánh về việc có dấu hiệu “dàn xếp” trong đấu thầu dẫn đến chất lượng công trình kém, được thể hiện ngay tại chất lượng của Dự án Cải tạo và nâng cấp nhánh Liên Hòa A sau trung gian Kim Thành B lên cấp điện áp 35kV, do PC Hải Dương làm chủ đầu tư. Đúng như dư luận hoài nghi, công trình mới được bàn giao đưa vào sử dụng khoảng 3 tháng thì hàng loạt cột điện “rủ nhau” bật gốc.
Về vấn đề này, Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình chỉ rõ: Kích thước hình học của móng cột không đạt yêu cầu; độ sâu chôn móng không đạt yêu cầu; mác bê tông móng cột không đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn TCXDVN 239-2006... Những cột điện chưa bật gốc cũng được Trung tâm Kiểm định chất lượng công trình đưa ra nhận định: Kích thước hình học của móng cột không đạt tiêu chuẩn yêu cầu.
Vậy, tiền của Nhà nước đổ vào dự án này sẽ được tính ra sao? Và điều mà dư luận quan tâm, đó là sai phạm đã xảy ra thì những người có trách nhiệm, sử dụng tiền của Nhà nước đầu tư không hiệu quả sẽ được Tổng Công ty điện lực miền Bắc xem xét, đánh giá, xử lý trách nhiệm như thế nào?
Dưới góc độ quản lý nhà nước, Nghị định 211/2013/NĐ-CP quy định rất rõ về việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, thất thoát trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình quản lý, phụ trách. Bởi thế, với những sai phạm đã xảy ra tại PC Hải Dương, các cơ quan chức năng cần phải xem xét, xử lý trách nhiệm đối với ông Trần Văn Cường theo đúng quy định tại Nghị định 211/2013/NĐ-CP.
Đến năm 2018, ngành điện lực Hải Dương lại tiếp tục xảy ra sự việc khi để lọt máy biến áp kém chất lượng của Công ty Quốc Trưởng vào lưới điện. Tại kết luận thanh tra số:1541/KLSCT-TT ngày 28/9/2018 của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương có nội dung: Công ty Đông Á và Công ty Quốc Trưởng cung cấp thông tin không trung thực, giả mạo hợp đồng, giả mạo con dấu có biểu hiện vi phạm luật hình sự.
Đặc biệt, dư luận còn phản ánh ông Trần Văn Cường ký hàng loạt các quyết định tổ chức hội nghị, hội thảo… trên giấy, nhưng thực chất là không tổ chức – lập khống chứng từ để rút tiền. Việc này khiến cho nhiều cán bộ, nhân viên của PC Hải Dương nghi ngờ có dấu hiệu bất thường, với mục đích “rút ruột” tiền của công ty nhằm phục vụ lợi ích nhóm. Vụ việc đang được cơ quan chức năng vào cuộc.
Bên cạnh đó còn có thông tin về việc PC Hải Dương vi phạm pháp luật trong việc cho thuê tài sản công, và vấn đề quản lý tài chính (Công an đang điều tra xác minh). Đồng thời có những sai sót về việc, bổ nhiệm, điều chuyển công tác của lãnh đạo, cán bộ trong đơn vị.
Cần truy cứu trách nhiệm hình sự
Hai vụ trộm cắp điện năng lớn, với trị giá hàng tỷ đồng, diễn ra một thời gian rất dài tại Điện lực Kim Thành, Hải Dương. Hành vi trộm cắp điện có dấu hiệu hình sự, buộc phải chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ, xử lý nghiêm trước pháp luật, nhưng lạ thay ông Trần Văn Cường - Chủ tịch kiêm Giám đốc PC Hải Dương lại “ỉm” đi, rồi ngụy biện trước các nhà báo rằng đã xử lý hành chính (!?).
Theo biên bản kiểm tra sử dụng điện số 21/KTĐ 19/BB-KTSDĐ, ghi rõ hiện trạng tại thời điểm kiểm tra tem niêm phong 10632017 - 10632018 - 10632019 - 10632020, quan sát bằng mắt thường tem bị rách, 02 chì KTCD12/PCHD2017 quan sát bằng mắt thường còn nguyên vẹn. Biên bản kiểm tra sử dụng điện Trạm biến áp (TBA) 560KVA - 35/0,4Kv Cộng Hòa A. Với sự có mặt của Đoàn kiểm tra PC Hải Dương và đại diện Cty cổ phần điện Hòa Vũ - đơn vị trực tiếp khai thác điện năng tại TBA trên.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành mở niêm phong phát hiện 03 sợi cáp đồng dài khoảng 185mm không qua hệ thống đo đếm công tơ. Từ đây, các bên thống nhất ghi rõ trong biên bản: Khách hàng đã vi phạm sử dụng điện, lấy một phần điện năng không qua hệ thống đo đếm sử dụng 03 sợi cáp dài mỗi đoạn 1m để đấu từ át tổng sang lộ bơm để điều khiển thông qua cầu dao tủ phân phối của khách hàng. Trước sự việc này, PC Hải Dương đã phạt hành chính với sản lượng điện bồi thường: 488.668kwh, số tiền bồi thường là 1.146.481.340 đồng.
Tiếp đến, tại TBA Thiện Đáp và Quỳnh Khê A đều thuộc xã Kim Xuyên, Kim Thành, đoàn kiểm tra PC Hải Dương đã tiến hành lập biên bản kiểm tra sử dụng điện cùng sự có mặt của lãnh đạo Cty cổ phần điện Kim Xuyên là đơn vị trực tiếp khai thác điện năng tại 2 trạm Thiện Đáp và Quỳnh Khê A. Biên bản kiểm tra của 2 TBA tại Kim Xuyên, Kim Thành với nội dung: Tại thời điểm kiểm tra toàn bộ phụ tải lộ sinh hoạt được cấp từ công tơ lộ bơm. Công tơ lộ sinh hoạt (ánh sáng) không có phụ tải (dòng đo Ia, Ib,Ic = 0), khách hàng đã vi phạm mục đích sử dụng điện tại thời điểm kiểm tra.
- TBA Thiện Đáp: Sản lượng bồi thường: 131.395kwh (trong đó: Bậc 2 giá sinh hoạt: 23.838kwh; Bậc 3 giá sinh hoạt: 107.557kwh), Số tiền bồi thường: 54.347.374 đồng.
- TBA Quỳnh khê A: Sản lượng bồi thường: 120.252kwh (trong đó: Bậc 3 giá sinh hoạt: 33.638kwh; Bậc 4 giá sinh hoạt: 86.614kwh), Số tiền bồi thường là 48.764.564 đồng.
Như vậy, cả 2 TBA Thiện Đáp và Quỳnh Khê A phải bồi thường: 251.647kwh. Số tiền bồi thường: 103.111.938 đồng.
Với người không có trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan thì không thể tác động vào trạm biến áp điện. Vậy mà sản lượng điện bị thất thoát là rất lớn, trong một thời gian dài mà PC Hải Dương không hề hay biết thì quả thật lạ lùng. Chỉ đến khi có người dân tố cáo, PC Hải Dương mới vào cuộc!? Nghịch lý nữa, điện thì thất thoát, nhưng các báo cáo về tổn thất điện năng của các đơn vị quản lý như không có chuyện gì, vẫn đạt chỉ tiêu? Số liệu báo cáo là gian dối? Có thể nói, đây là sự yếu kém trong quản lý.
Khoản 1, Điều 44, Nghị định số 134, năm 2013 hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ việc để truy cứu trách nhiệm hình sự, quy định: “Trường hợp có hành vi trộm cắp điện từ 20.000 kwh trở lên, người có thẩm quyền phải chuyển ngay hồ sơ cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền”. Pháp luật quy định rõ ràng là như vậy, nhưng không hiểu tại sao đến lúc này vụ trộm cắp điện năng xảy ra tại PC Hải Dương vẫn chưa được cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định đề nghị khởi tố vụ án?. Sự chậm trễ khó hiểu này khiến dư luận không khỏi hoài nghi việc Giám đốc PC Hải Dương không chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Hải Dương để truy cứu trách nhiệm hình sự là có dấu hiệu bao che cho tội phạm (!?).
Quôc Hưng