Sự thật về mảnh đất của ông Thà - Bài 2: Ai tiếp tay cho cán bộ bán đất công?

Đi tìm sự thật về tranh chấp đất đai giữa ông Nguyễn Khắc Thà và ông Nguyễn Tiến Thích tại thôn Ninh Vũ, xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

 

Đi tìm sự thật về tranh chấp đất đai giữa ông Nguyễn Khắc Thà và ông Nguyễn Tiến Thích tại thôn Ninh Vũ, xã Bình Kiều, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, phóng viên (PV) cảm nhận thấy sự yên bình của một vùng quê không xa Hà Nội. Cổng làng khang trang, đường thôn ngang dọc được bê tông hóa sạch đẹp, người qua lại gặp nhau hỏi thăm cởi mở, thân tình. Có ai ngờ sự yên bình và tình người có thể mất đi vì buông lỏng quản lý đất đai…

Sự thật chưa được xem xét

Cho dù Tòa án nhân dân huyện Khoái Châu thừa nhận giao dịch ông Thích bán cho ông Thà quyền sử dụng 360m2 đất, nhưng Tòa không xem xét sự thật là mảnh đất đó đã bị ông Thích nhập nhèm nguồn gốc và cũng không làm rõ việc ông Thà trả tiền cho ông Thích như thế nào.

Tòa dựa vào chứng cứ ông Thích đưa ra, theo đó, ông Thà mới trả 500.000đ (năm 1993), số tiền còn lại 1.500.000đ ông Thà chưa trả. Trong bản viết tay của ông Thích mà Tòa đưa cho ông Thà xem có nội dung: “Hôm nay ngày 26/7/1993 (âm lịch), tôi Nguyễn Tiến Thích có nhượng cho anh Thà 1 sào đất gồm cây cối nằm trên diện tích 1 sào = 360m2... Tất cả thành tiền bằng hai triệu chẵn, chước (trước?) mắt anh Thà trả tôi năm chăm (trăm?) nghìn = 500000, còn một triệu năm trăm nghìn đến 15 tháng 9 anh trả 500.000 đồng một triệu (…không rõ chữ) anh Thà phải trả tôi nốt một triệu trước ngày 23 tháng mười 12 năm 93”. Thế nhưng, ông Thà cho biết: “Khi nhìn tờ giấy Tòa đưa, tôi bất ngờ, tờ giấy này đã bị tẩy xóa, không đúng”. Ông Thà khẳng định chỉ trả tiền làm 2 lần, mỗi lần 1 triệu đồng và đã trả hết. Từ khi được biết tờ giấy (bán đất) bị tẩy xóa ông Thích nộp cho Tòa, ông Thà yêu cầu Tòa giám định nhưng Tòa không làm mà đã “vội tuyên”, bỏ qua căn cứ quan trọng để đánh giá bản chất của vụ việc. Được biết là Tòa đã cử người về thôn, xã để xác minh và thấy rằng chưa bao giờ có chuyện ông Thích đòi tiền ông Thà, vậy mà Tòa vẫn tuyên ông Thà phải trả tiền còn thiếu cho ông Thích???

Ẩn chứa nhiều uẩn khúc đằng sau sự bình yên của xã Bình Kiều

Ông Thà kể lại: “Để có tiền trả nốt 1 triệu đồng cho ông Thích, tôi phải lên Hà Nội làm thuê, cố gắng tích cóp, đến cuối năm về quê, bảo vợ làm con gà rồi mời ông Thích sang uống rượu và trả nốt ông ấy đủ 1 triệu đồng. Khi trả tiền, vợ chồng tôi bảo ông Thích viết giấy. Nhưng ông ấy bảo không phải viết giấy, trả xong là xong, ở cái làng này có ai lừa ai bao giờ đâu, miếng đất ấy có giá trị gì mà lừa nhau… Bữa cơm hôm đó, có ông Hoàng Trê chứng kiến”. PV đề nghị được gặp ông Hoàng Trê thì ông Thà trải lòng rằng, ông đã gặp và nói ông Hoàng Trê làm chứng hộ, có như thế nào nói như thế. Nhưng ông Hoàng Trê bảo không dám nói vì thế lực gia đình ông Thích ghê gớm lắm, nói ra lại mang họa vào thân…

Lập lờ khi đối chất

Gặp ông Nguyễn Tiến Thích, có mặt Chủ tịch xã và cán bộ địa chính, PV hỏi: “Vì sao ông Thà nợ tiền ông suốt hơn 20 năm mà ông không đòi hay có biện pháp gì khác?”, ông Thích lớn giọng (xin không trích dẫn những từ ngữ ông Thích văng tục, thiếu văn hóa):

- Không đòi tiền vì tôi nghĩ là hai người thân thiết. Tôi giúp đỡ nó. Nó nói chỉ trả tiền lãi thì tôi lấy làm gì. Còn bảo nó có điều kiện cái gì, cháo không có mà húp lấy tiền đâu ra mà đòi. Nó là thằng nói bậy!... Tôi là Đảng ủy viên từ năm 1999, tôi là cán bộ nên chỉ nói mồm thôi (đòi tiền bằng mồm - PV), chứ tôi không có đơn đòi tiền. Tôi đã trót để rồi thì tôi chịu. Tôi không làm sai gì cả, không lấn chiếm đất của ai, tôi mua của người ta thế nào tôi lại để cho họ như thế…

- Ông Thà nói đã trả hết tiền rồi, ông có ý kiến gì? - PV hỏi.

- Nó mà nói với các anh như vậy thì không bằng con… - ông Thích bức xúc.

Ông Thích - Chủ tịch Hội CCB xã, khó nói hết sự thật trước sự chất vấn của PV Báo TNVN.

PV hỏi tiếp: “Ông Thà cho rằng, tờ giấy mua bán đất đã bị tẩy xóa và viết chèn nhiều nội dung không đúng với bản gốc trước đây, ông thấy thế nào?”. Ông Thích phân trần: “Tôi khẳng định tờ giấy đó chẳng tẩy xóa hay viết chèn gì cả. Giấy bán nhượng rõ ràng lại bảo là tờ giấy giả…”.

Ông Thích còn nói về nguồn gốc đất bố vợ ông mua cho ông từ năm 1985, rồi sau đó lại giãi bày: “Tôi mua của ông Thềm và bà Đáng 4,5 ngàn tiền mới (1985), thời điểm đó tổng diện tích khoảng hơn 800m2 gì đấy, nhưng tôi không nhớ ông bố vợ tôi mua là bao nhiêu, thực tế đo ra chỉ có hơn 600m2”.

Rất lộn xộn và lập lờ, vậy nên dù câu hỏi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, ông Thích vẫn không biết mình sử dụng đất là bao nhiêu m2. Khi PV đưa ra bài toán hỏi ông Thích là anh có hơn 1,6 sào (tức hơn 600m2) anh bán cho ông Thà 360m2 (tức 1 sào) thì anh còn hơn 200m2, lập tức ông Thích cướp lời và nói rằng không phải như vậy. Ông Thích nói: “Tôi chỉ biết rằng là bờ rào trở về giáp với đằng Đông bờ kênh mương thủy lợi, nếu như anh ấy trả tôi tiền ngay thì đã vỡ lẽ ra diện tích này chứ không phải thừa đất như bây giờ. Mà thừa là đất lưu không, chứ không phải của ủy ban quản lý, lúc đó đất của tôi là đất thổ cư chứ có phải là đất lấn chiếm đâu, có từ năm 1946”. Ông Thích nói tiếp: “Tôi chẳng nhớ của tôi là bao nhiêu chỉ biết hôm vừa rồi có quyết định của Tòa đây, có mặt ông địa chính đây, tôi chưa bao giờ hỏi của tôi là bao nhiêu. Tôi chỉ bán hoa màu trên đất, chứ tôi có bán đất đâu…”.

Không ai chịu trách nhiệm

Về pháp lý, Tòa công nhận sự mua bán giữa ông Thích và ông Thà, đồng thời chỉ rõ diện tích đất công mà ông Thích đã nhập nhèm vào một sào đất bán cho ông Thà hơn 26 năm trước. Điều đó có nghĩa là Tòa đã chỉ rõ hành vi lấn chiếm và bán đất công của ông Thích. Ở đây còn có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thế nhưng…

Ông Định - Chủ tịch và ông Hanh cán bộ Địa chính xã buồn bã vì vụ tranh chấp đất giữa ông Thà và ông Thích.

Ông Nguyễn Duy Định - Chủ tịch UBND xã Bình Kiều cho biết: “Tôi với cả hai ông, là chỗ anh em với ông Thích và ông Thà. Chúng tôi trước đây rất thân nhau, thường cùng nhau ngồi uống rượu. Tôi có gàn nhưng mà cả hai ông không nghe. Việc ông Thà mua đất của ông Thích là có thật, nhưng tiền nong thế nào tự hai ông giải quyết. Khi hai ông mua bán đất với nhau có báo với xã đâu. Đến khi xảy ra tranh chấp xã lại phải đứng ra giải quyết, mời hai ông lên hòa giải mấy lần rồi nhưng không được, thẩm quyền của xã chỉ làm được đến thế thôi… Hiện tại cả ông Thích và ông Thà chưa làm được sổ vì đang tranh chấp”. Khi PV đặt câu hỏi: Xã có biết việc ông Thích bán đất công cho ông Thà không? Quan điểm của Chủ tịch về việc cán bộ xã là người hiểu biết về pháp luật lại đem bán đất công? Ông Định nói: “Khi ông Thích bán xã không biết. Còn nếu ông Thích mà bán đất công thì phải xử lý theo pháp luật… Nếu đúng như vậy phải xử lý nghiêm”. Ông Phạm Văn Toán - Bí thư Đảng ủy xã Bình Kiều cũng đồng quan điểm về việc này. Còn ông Hoàng Văn Hanh - cán bộ địa chính xã (từ năm 1995 đến nay) khẳng định ông Thích chỉ có khoảng hơn 1,6 sào. Năm 1993, ông Thích bán cho ông Thà 1 sào. Thời điểm đó không cho mua bán đất nên hai bên viết giấy tay với nhau là bán hoa màu trên đất 1 sào, nhưng ông Thích chỉ ra cả cái mương rộng khoảng 4m,  dài khoảng 32m, mà đất bờ mương này xã quản lý. Ông Thích lấn ra mương, lấn cả ra phía sau thành 2,5 sào, nên sau khi bán cho ông Thà 1 sào ông Thích vẫn còn lại hơn 1,5 sào. Nếu ông Thích bán đúng chủ quyền thì ông chỉ còn lại 6 miếng.  Khi thực hiện chủ chương V-Lap (đo đạc xác định lại đất), ông Thà mới biết ông Thích bán cho mình đất bờ mương. Lúc đó, ông Thà làm đơn tố cáo ông Thích và yêu cầu xã đo đạc làm giấy chứng nhận, còn ông Thích thì có đơn cho rằng ông Thà chưa trả hết tiền trong giao dịch mua bán.

Vậy là xã Bình Kiều nắm rất rõ sự thật về mảnh đất 360m2 ông Thà mua của ông Thích, nhưng không ai chịu trách nhiệm nên khi xảy ra tranh chấp xã chỉ hòa giải và cho rằng không có thẩm quyền xử lý. Rồi 2 ông đưa nhau ra Tòa, và phán quyết của Tòa lại cho thấy trách nhiệm của chính quyền do buông lỏng quản lý đất đai.

Không làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm thực trạng này là tiếp tay cho cán bộ bán đất công. Đây là công việc mà xã Bình Kiều và huyện Khoái Châu cần quan tâm làm ngay và làm rốt ráo, đừng để đến khi đất đai phải thốt lên lời thì sự mất mát có thể sẽ lớn hơn rất nhiều so với tiền bạc và tình làng nghĩa xóm.

Báo TNVN sẽ tiếp tục trở lại vấn đề này.

                                                                                                                                                                                                                                                                                        Quốc Hưng

 

Bình luận

    Chưa có bình luận