Ngày 22/7 tới, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt hơn 360 tỷ đồng của Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) chi nhánh Hai Bà Trưng (Hà Nội) từ các hợp đồng mua bán khống khí gas hóa lỏng. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày.
Bốn bị cáo trong vụ án này gồm: Nguyễn Anh Quang (sinh năm 1976, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư Minh Quang), Nguyễn Văn Trọng (sinh năm 1981, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư vận tải Dầu khí Việt), Lê Sỹ Dũng (sinh năm 1981, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư dầu khí và khoảng sản quốc tế PASC), Trần Văn Biển (sinh năm 1980, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Dầu khí Việt) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, khoản 4, điểm a – Bộ luật Hình sự năm 1999.
Lập nhiều công ty để lừa đảo, chiếm đoạt 360 tỷ đồng
Theo cáo trạng, Công ty TNHH đầu tư Minh Quang đăng ký kinh doanh ngày 31/5/2004, do Nguyễn Anh Quang làm Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật. Ngoài ra, Quang còn thành lập và chỉ đạo điều hành 3 công ty khác, gồm: Công ty TNHH đầu tư vận tải Dầu khí Việt, Công ty cổ phần đầu tư dầu khí và khoáng sản quốc tế PASC, Công ty cổ phần đầu tư Dầu khí Việt. Quang thuê Nguyễn Văn Trọng, Lê Sỹ Dũng, Trần Văn Biển làm giám đốc 3 công ty này.
Từ khi lập công ty, bằng thủ đoạn sử dụng pháp nhân các công ty trên, Quang chỉ đạo Dũng, Biển và Trọng ký các hợp đồng, chứng từ mua bán hàng hóa khống là khí gas hóa lỏng để Quang sử dụng làm hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn và hồ sơ tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay để ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội, để vay tiền. Sau khi được các ngân hàng này giải ngân, Quang không sử dụng tiền để kinh doanh khí gas hóa lỏng mà dùng trả nợ cho các khoản vay trước đó và chi tiêu cá nhân, đến nay không còn khả năng trả nợ.
Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kết luận, các bị cáo đã chiếm đoạt của Ngân hàng VIB Sở giao dịch số tiền hơn 82 tỷ đồng, chiếm đoạt của Ngân hàng SeABank chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội số tiền hơn 254 tỷ đồng và hơn 1,2 triệu USD . Tổng số tiền chiếm đoạt của các ngân hàng là hơn 360 tỷ đồng. Đến nay, các bị cáo đã khắc phục toàn bộ số tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SeABank chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Ngoài ra, Viện Kiểm sát xác định các bị cáo còn gian dối trong việc sử dụng nhiều hóa đơn mua bán không có thật để lập hồ sơ xin hoàn thế giá trị gia tăng và chiếm đoạt hơn 16,3 tỷ đồng tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.
Trong số 4 bị cáo, Viện Kiểm sát đánh giá Nguyễn Anh Quang là bị cáo cầm đầu, chủ mưu thực hiện hành vi vi phạm, 3 bị cáo còn lại: Nguyễn Văn Trọng, Lê Sỹ Dũng, Trần Văn Biển đóng vai trò giúp sức cho bị cáo Quang. Ba bị cáo này trực tiếp tham gia ký khống các hợp đồng bán khí gas hóa lỏng, ký khống hóa đơn giá trị gia tăng, ký khống ủy nhiệm chi, ký hợp đồng vay vốn… nhằm giúp Quang làm hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng vốn vay và hồ sơ tài sản đảm bảo vay vốn ngân hàng, giúp Quang chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng.
Nhiều cán bộ ngân hàng bị điều tra vì vi phạm quy định cho vay
Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Bộ Công an xác định Nguyễn Thị Hương Giang (Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Ngân hàng SeABank chi nhánh Hai Bà Trưng, Hà Nội) là người chỉ đạo cho Công ty TNHH đầu tư Minh Quang vay vốn, ký các hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ và các hồ sơ thế chấp tài sản của Công ty Minh Quang và các công ty con.
Giang là người chỉ đạo nhân viên dưới quyền ký các hợp đồng thuê kho 3 bên, ký các biên bản thẩm định tài sản, các biên bản kiểm kê tài sản đảm bảo mà không cho nhân viên đi kiểm kê, giao nhận tài sản đảm bảo thực tế. Nguyễn Thị Hương Giang đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội khởi tố bị can về tội “Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” trong vụ án khác, hiện đang bỏ trốn, bị truy nã. Do vậy, chưa làm rõ được hành vi phạm tội của Giang trong việc cho Quang vay tiền của Ngân hàng SeABank rồi chiếm đoạt. Các cơ quan tố tụng đã quyết định tách mảng việc liên quan đến trách nhiệm của cán bộ Ngân hàng SeABank ra để củng cố tài liệu, chứng cứ, chờ bắt được Nguyễn Thị Hương Giang sẽ xử lý sau.
Liên quan đến vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 nhân viên Ngân hàng VIB về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” do có thiếu sót trong quá trình nhận và quản lý tài sản đảm bảo là hàng hóa hình thành từ vốn vay dẫn đến việc Nguyễn Anh Quang lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của VIB.
Tuy nhiên, qua điều tra cho thấy hành vi sai phạm của các nhân viên ngân hàng này là do sự tin tưởng doanh nghiệp là khách hàng lớn, có mối quan hệ từ lâu, có uy tín với ngân hàng; đồng thời do đặc thù của loại hàng hóa thế chấp là khí gas hóa lỏng chỉ kiểm tra được số lượng trên cơ sở chỉ số thể hiện tại kho và bảng kê số liệu do doanh nghiệp cung cấp; các nhân viên này không tư lợi cá nhân… Mặt khác, Ngân hàng VIB đã thực hiện việc trích lập quỹ dự phòng rủi ro đối với khoản vay của công ty Minh Quang, không còn hạch toán dư nợ trên hệ thống; và có văn bản đề nghị các cơ quan pháp luật xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho 3 nhân viên ngân hàng này. Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết định đình chỉ vụ án đối với 3 nhân viên ngân hàng nói trên./.
Theo PV/VOV.VN