Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng đất ở Vũng Tàu: Cần một phán quyết hợp tình, hợp lý

Niềm vui thắng kiện của ông Trịnh Văn Hậu chưa thể trọn vẹn khi mới đây TTAND Tối cao đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án của TAND tỉnh BRVT.

 

Niềm vui thắng kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của ông Trịnh Văn Hậu chưa thể trọn vẹn khi mới đây Tòa án Nhân dân Tối cao đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án của Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị xét xử lại.

Chưa thanh toán đúng theo hợp đồng đã tiến hành sang tên

Tháng 7/2014, ông Trịnh Văn Hậu ký hợp đồng chuyển nhượng khu đất rộng 16.154m2, tại số 888/1 đường 30/4, phường 11, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho vợ chồng ông Nguyễn Vũ Trung, bà Trịnh Thị Lan với giá 50 tỷ đồng. Ông Trung và bà Lan trả trước 22 tỷ đồng, số tiền 28 tỷ đồng còn thiếu sẽ trả vào ngày 11/1/2015.

Đến hẹn, do ông Trung, bà Lan không thanh toán nốt số tiền như thỏa thuận nên ông Hậu yêu cầu hủy hợp đồng. Trước tình thế này, ngày 2/2/2015, ông Hậu và vợ chồng ông Trung, bà Lan cùng đến Văn phòng Thừa phát lại lập Vi bằng với nội dung: Ông Trung, bà Lan phải thanh toán số tiền 28 tỷ đồng còn thiếu, chậm nhất là ngày 10/3; đến hạn không thanh toán, ông Hậu có quyền hủy hợp đồng chuyển nhượng, không giao đất và ông Trung, bà Lan bị mất số tiền 22 tỷ đồng xem như mất tiền đặt cọc…

Tuy nhiên, khi chưa thanh toán 28 tỷ đồng còn thiếu thì ông Trung, bà Lan đã tự ý tiến hành thủ tục đăng ký sang tên trước bạ và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Sau đó, ông Trung, bà Lan đem GCNQSDĐ thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - chi nhánh Bến Thành để vay tiền.

Ông Trịnh Văn Hậu bên khu đất tại 888/1 đường 30/4, phường 11, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: PV

Nhận thấy, ông Trung, bà Lan cố tình không thực hiện đúng thỏa thuận đã cam kết,  ông Hậu đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TP. Vũng Tàu và yêu cầu Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, cấm Ngân hàng TMCP Phương Đông - chi nhánh Bến Thành giải ngân các khoản vay liên quan đến tài sản thế chấp là khu đất 16.154m2 trên.

“Gia đình tôi mệt mỏi bao năm nay để theo đuổi miếng đất này nhưng bên đó cố tình lừa đảo và câu kết với ngân hàng để vay số tiền cao hơn giá trị miếng đất này và để lừa đảo khách. Tôi không ngờ việc chuyển nhượng ngay tình của tôi bị ông Trung – bà Lan lừa dối, chưa thanh toán đủ tiền, họ sang tên giấy chứng nhận mang tên mình rồi đem thế chấp ngân hàng lấy tiền”, ông Hậu nói.

Hủy hợp đồng chuyển nhượng

Ngày 18/12/2015, Tòa án Nhân dân TP. Vũng Tàu xử sơ thẩm, tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Trịnh Văn Hậu và ông Nguyễn Vũ Trung, bà Trịnh Thị Lan. Tòa cũng tuyên hủy GCNQSDĐ do UBND TP.Vũng Tàu cấp cho ông Nguyễn Vũ Trung, bà Trịnh Thị Lan. Đồng thời, ông Hậu không phải trả lại số tiền 22 tỷ đồng đã nhận của ông Trung và bà Lan.

Ngày 14/4/2016, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xét xử phúc thẩm và tiếp tục tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa hai bên và giấy GCNQSDĐ đã cấp cho ông Trung, bà Lan. Tại phiên phúc thẩm, ông Hậu tự nguyện hoàn trả cho vợ chồng ông Trung số tiền 20 tỷ đồng (trừ 2 tỷ đồng do ông Trung, bà Lan chậm thanh toán khiến phát sinh lãi) và được tòa ghi nhận.

Ngay sau phán quyết của tòa, ông Trung, bà Lan có kháng nghị lên Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM. Tuy nhiên, ngày 4/8/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM có thông báo nêu khẳng định bản án sơ của Tòa án Nhân dân TP.Vũng Tàu và bản án phúc thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tuyên xử là có căn cứ pháp luật. Đồng thời khẳng định, không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm do đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Trung, bà Lan không đưa ra những chứng cứ, tình tiết làm thay đổi nội dung, tính chất của vụ việc.

Ngày 20/3/2017, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM cũng có thông báo khẳng định Tòa án cấp phúc thẩm xét hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được ký kết giữa các bên và ghi nhận sự tự nguyện của ông Hậu đồng ý trả lại số tiền 20 tỷ đồng cho ông Trung, bà Lan là có căn cứ. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm.

Không đồng tình với thông báo của Tòa án Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM, ông Trung, bà Lan tiếp tục gửi đơn tới các cơ quan trung ương. Ngày 8/3/2019, Tòa án Nhân dân Tối cao đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án của Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đề nghị xét xử lại… Đến đây, ai cũng nhận thấy vụ việc có nguy cơ kéo dài, gây khó khăn cho người dân, làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chánh án Tòa án Nhân dân TP.Vũng Tàu, cho biết trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, hội đồng xét xử căn cứ vào các quy định của pháp luật để đánh giá và ra bản án. “Các chứng cứ trong vụ kiện đã được xem xét, đánh giá khách quan, vô tư và phù hợp với thực tế diễn biến của vụ án. Hai bên có ký kết với nhau 1 bản cam kết tại thừa phát lại được pháp luật công nhận là chỉ khi nào thực hiện xong việc thanh toán thì mới kết thúc chuyển nhượng mua bán, từ căn cứ này Tòa thấy rằng việc thanh toán 2 bên không thực hiện đúng cam kết nên từ đó đưa ra phán quyết hủy hợp đồng chuyển nhượng này...”, ông Sơn nói.         

Trên thực tế, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, ông Hậu đã chuyển nhượng toàn bộ thửa đất cho ông Trịnh Minh Cường. Ông Cường đã làm các thủ tục tách thửa và được UBND TP.Vũng Tàu đã cấp GCNQSDĐ.

Cần rút lại kháng nghị

Luật sư Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phân tích, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một hợp đồng song vụ, nghĩa là hai bên phải có quyền và nghĩa vụ song song với nhau, bên bán giao đất, bên mua giao tiền.

Khi chưa thực hiện xong nghĩa vụ của mình là thanh toán đủ tiền cho ông Trịnh Văn Hậu mà ông Trung, bà Lan đã tự ý làm thủ tục sang tên GCNQSDĐ và đem thế chấp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông - chi nhánh Bến Thành là không đúng quy định của pháp luật.

Theo luật sư Nguyễn Thị Hoa, vụ án đã được xem xét, giải quyết đúng pháp luật qua  cấp sơ thẩm, phúc thẩm… Tuy nhiên, việc ông Trung, bà Lan dù không có căn cứ pháp lý mới nhưng vẫn đề nghị Tòa án cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại TP. HCM xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, điều đó có dấu hiệu cố tình gây khó khăn, kéo dài thời gian xử lý dứt điểm vụ án.

Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, Ban dân nguyện đã nhận được đơn thư phản ánh của người dân kèm theo các chứng cứ của vụ việc này.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, khi hai bên đã ký kết hợp đồng, lập vi bằng thì phải thực hiện đúng theo thỏa thuận. Trước các phiên tòa, phía bên mua đất của anh Hậu đều thừa nhận đó là lỗi do họ. Chính vì chuyện này mà tòa cấp cao TP.HCM và Viện kiểm sát cấp cao TP. HCM trả lời cho phía đương sự khiếu nại rằng không có cơ sở để kháng nghị.

Thế nhưng, điều mà ông Nhưỡng cảm thấy đáng tiếc là sự việc Phó chánh án Tòa án tối cao Nguyễn Thúy Hiền ký quyết định kháng nghị bản án. Theo ông Nhưỡng, quyết định kháng nghị đã không xem xét đến các tình tiết rất quan trọng được thể hiện trong vụ án này cũng như thể hiện trong các bản án.

Ban dân nguyện đã chuyển đơn của ông Hậu và bản thân ông Nhưỡng đã có đề nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại vụ việc và bản án, và xem xét rút lại quyết định kháng nghị./.
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận