Vụ cháy chung cư làm 56 người tử vong: Chủ đầu tư phải bồi thường 25,5 tỷ đồng

Ngày 10/3, TAND TP Hà Nội xét xử 8 bị cáo trong vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân làm 56 người tử vong, 44 người bị thương.

 

Sáng 11/3, phiên tòa xét xử vụ cháy chung cư mini làm 56 người thiệt mạng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội tiếp tục với phần thẩm vấn.

Tại phiên tòa sáng 11/3, nhiều cư dân thừa nhận một phần lỗi do chủ quan, không quyết liệt khắc phục công tác PCCC. Tuy nhiên, theo họ, bị cáo Nghiêm Quang Minh – chủ đầu tư luôn tỏ thái rất vô trách nhiệm và không thành khẩn. Cụ thể, trong quá trình tòa nhà vận hành gặp sự cố, khi cư dân liên lạc đề nghị gặp để bàn bạc, thậm chí tìm đến tận nhà nhưng "cứ hẹn đến điểm này thì ông Minh lại nói đang ở điểm khác, không thể gặp được".

Cũng theo ý kiến của cư dân, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn do ông Minh đứng tên, vì vậy, việc ông Minh cầm sổ đỏ mà không chịu bàn giao khiến họ gặp khó khăn khi giao dịch với bên thứ 3. Một số cư dân cũng cho hay, khi biết về công văn đình chỉ, các cư dân cũng họp bàn và hỏi giá lắp đặt hệ thống PCCC thì có giá 200 - 300 triệu đồng. Khi muốn tìm ông Minh để bàn thì đều không được.

Cũng tại phiên toà, nhiều gia đình thắc mắc về công tác bồi thường thiệt hại là tài sản bị hỏa hoạn thiêu rụi, thiệt hại do phải nằm viện điều trị, vấn đề giải quyết với căn hộ,…

Trình bày tại toà, bà M. (sống tại căn hộ 504) vừa khóc vừa nói. Bà cho hay, vụ cháy đã cướp đi con trai, con dâu và 2 cháu. Nỗi đau khiến vợ chồng bà suy sụp, hằng đêm không thể nào yên giấc. Trong khi đó, chồng bà sang chấn tâm thần dẫn đến đột quỵ. Hai ông bà đều không có lương hưu, sau vụ việc ông bà không còn khả năng lao động, cuộc sống hiện nay lâm vào đường cùng.

Đại diện VKS cho biết, tài sản bảo đảm cho thi hành án của bị cáo Minh đã có và sẵn sàng được phát mãi để thực hiện trách nhiệm dân sự cho cư dân. Tòa dự tính chi phí tang lễ, điều trị, tổn hại tinh thần, thu nhập, tài sản mà chủ chung cư mini phải bồi thường cho gia đình 56 người chết và 44 người bị thương khoảng 25,5 tỷ đồng. Theo đó, mỗi căn hộ có một nhân thân qua đời sẽ được bồi thường phí ma chay 50 triệu đồng; tổn thương tinh thần tối đa 100 tháng lương cơ sở (mỗi tháng 2,34 triệu đồng). Nếu bị hại và đại diện có yêu cầu cấp dưỡng, tòa cũng xét theo lương cơ sở, với người già đến khi qua đời còn trẻ em đến 18 tuổi,…

Đối với các căn hộ bị cháy hoàn toàn, sẽ áp dụng giá đền bù theo công ty thẩm định giá. Chủ tọa phiên tòa bày tỏ trăn trở làm sao để cư dân về ở có thể yên tâm cuộc sống. Điều này đòi hỏi cấp chính quyền phải nỗ lực giải quyết.

“Các bị cáo là cán bộ làm về công tác PCCC tại địa phương nhưng chưa hiệu quả, quyết liệt, chưa đề xuất kịp thời những bất cập tồn tại để dẫn đến hậu quả rất lớn hôm nay. Cùng với đó, các cấp chính quyền đã làm ngơ để xây quá tầng, vi phạm nghiêm trọng về mật độ xây dựng. Nếu xây đúng mật độ đã dễ dàng bố trí chỗ thoát hiểm. Đây là vấn đề nhức nhối còn tồn tại và là bài học cảnh tỉnh về vi phạm trật tự xây dựng và PCCC tại các khu chung cư và các gia đình", HĐXX đánh giá.

Về phía cư dân, chủ tọa cho rằng, đành rằng các cư dân vì khó khăn về kinh tế mới phải mua những căn hộ không đảm bảo. Thế nhưng, mọi cư dân cần phải chấp hành nghiêm quy định nhà nước. Tại công trình này, mặc dù có công văn đình chỉ nhưng cư dân không chấp hành. Mọi người phải xác định mình phải bảo vệ mình trước. Trong khi thực tế đã có thông báo, đã có tuyên truyền về PCCC và công trình không đảm bảo. Đây là bài học cho người dân mua nhà, mua những căn nhà đủ điều kiện pháp lý, đảm bảo công tác PCCC.

Tại phiên tòa chiều 10/3, bị cáo Nghiêm Quang Minh, chủ đầu tư chung cư mini khai, từ năm 2016, sau khi bán xong các căn hộ, bị cáo có văn bản giao quyền sử dụng căn hộ cho cư dân, bị cáo chỉ chịu trách nhiệm quản lý, vận hành trong một năm đầu. Sau đó cư dân tự bàn bạc để bầu Ban quản trị để tự giải quyết. Do đó, bị cáo không nhận được văn bản đình chỉ do không đảm bảo PCCC. Tuy nhiên, ông Minh có nhận được cuộc gọi nói về việc đình chỉ từ một người dân.

"Tuy đã thỏa thuận như văn bản trên với cư dân, nhưng bị cáo vẫn nói khi tòa nhà làm gì thì mình vẫn ủng hộ 50% chi phí. Tất cả nội dung trao đổi chỉ qua điện thoại và đã lâu nên bị cáo này không nhớ đã nói với ai", bị cáo Minh khai.

Bị cáo này cho hay, từ khi bị bắt tạm giam đến nay đã hơn 1 năm, bản thân vẫn rất sốc và khổ tâm về những gì xảy ra. Trước vụ việc nghiêm trọng, chỉ mong cư dân thấu hiểu và tha thứ cho bị cáo.

Tại tòa, một số bị hại cũng được xét hỏi và cho phép được trình bày. Nhiều bị hại cho biết, hậu quả và di chứng nặng nề từ vụ cháy khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Bà Hà Thị Thu N. (60 tuổi) nói trong nước mắt, sáng nay bà cùng chồng bắt chuyến xe khách sớm tới dự phiên toà. Cả gia đình con gái bà đều tử vong trong vụ cháy kinh hoàng cách đây hơn 1 năm.

Con gái và con rể bà N. đều là kỹ sư xây dựng. Cặp vợ chồng trẻ vừa có con trai đầu lòng sinh năm 2020. Tuy nhiên, gia đình nhỏ hạnh phúc đã phải bỏ mạng trong đám cháy.

Bà N. kể lại, 11h đêm hôm ấy, bà chuẩn bị đi ngủ thì thấy con rể gọi điện nói chung cư đang cháy rất to. Bà hoảng sợ gọi lại cho con gái nhưng không thấy trả lời. Bà tiếp tục gọi lại cho con rể, bà chỉ kịp nghe giọng con hoảng hốt "khói nhiều lắm, con sắp chết rồi"…Vừa kể đến đây, bà N. lại khóc và nói “không biết bao giờ mới nguôi ngoai nỗi đau này".

Bị cáo Nghiêm Quang Minh tại toà.Là nạn nhân may mắn thoát chết, chị Lê Thị Th. (cư dân sống ở tầng 9) cho biết, trong lúc hoảng loạn, chị và con nhảy từ tầng 9 xuống tầng 6.

Nữ nạn nhân cho hay, từ cú nhảy đó, chị gãy xương chậu, gãy xương cột sống, cánh tay phải gãy làm 3 đoạn, gãy 3 xương sườn. Người phụ nữ cũng đang bị di chứng nặng nề của vụ cháy.

“Tôi là lao động chính trong nhà. Tôi phải điều trị đến tháng 4/2024. Tôi chỉ được hỗ trợ viện phí khi nằm viện cho 10 ngày nằm viện đầu tiên với số tiền là 85 triệu. Sau đó mọi chi phí do tôi, gia đình, bảo hiểm y tế và hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị…Tôi mong Tòa án xem xét để không bị thiệt thòi cho bản thân tôi”, chị Th. nói.

Chị Th. cũng cho rằng, với những người bị di chứng gãy xương như chị có ảnh hưởng rất lớn công việc và thu nhập sau này, do đó, chị Th. mong muốn HĐXX cân nhắc để không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của chị.

Với giọng khàn đặc do di chứng ngạt khói, chị Tạ Hương G. (cư dân tầng 2) cho biết, chị đã mất con gái trong vụ cháy. Căn hộ ở chung cư do mẹ chị mua cho. Khi mua căn hộ, bị cáo Nghiêm Quang Minh hứa sẽ bàn giao toàn bộ giấy tờ PCCC nhưng sau đó Nghiêm Quang Minh không thực hiện.

Chị Tạ Hương G. cho biết đã làm đơn rất nhiều lần yêu cầu Minh thực hiện đúng lời hứa, nhưng chủ đầu tư không thực hiện, thậm chí còn thuê người đến đe dọa.

Cũng theo chị G., chị cùng toàn bộ cư dân đã gửi đơn lên UBND phường, gửi đơn kêu cứu về PCCC nhưng không được giải quyết.

"Khi nghe lời khai của các bị cáo tại tòa, tôi cảm thấy các bị cáo rất vô trách nhiệm. Khi sự việc chưa xảy ra, lời nói của chúng tôi không có giá trị. Đến bây giờ, tôi phải trả giá là mất con gái, bản thân tôi không còn khả năng sinh sản", chị G. bộc bạch.

Cũng theo chị Tạ Hương G. vì chung cư này không phải chung cư mini theo đúng quy định nên cư dân sinh hoạt tự phát với nhau. Quá trình sinh hoạt, từ năm 2019 từ khi chị G. về sinh sống, ban quản trị được thay mỗi năm 1 lần. Cư dân có một nhóm trao đổi thông tin chung.

Tuy nhiên, trên nhóm chỉ nói về việc tập huấn PCCC chứ không nói đến các phương án xử lý khi xảy ra cháy.

Trả lời về việc biên bản đình chỉ của cơ quan chức năng ở tầng 1, chị Tạ Hương G. nói trước tòa: “Tôi có nghe thông tin về đình chỉ nhưng không có biện pháp giải quyết”.

Chị G. cũng khẳng định: "Nếu bản thân tôi có trình độ hiểu biết về phòng cháy chữa cháy, không bao giờ tôi mua căn nhà này. Nếu như không nghe những lời hứa của anh Minh là đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, không bao giờ tôi mua".

VTC News/VOV.VN
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận