Dự án nạo vét 'bức tử' suối Gạo Bài 2: Câu trả lời không thể bỏ ngỏ!

  • 16/05/2019 06:50:04
  • Lê Hải – Tuấn Quang
  • Pháp luật
  • 0

Phải hoàn trả lại mặt bằng cho suối Gạo, giải quyết quyền lợi của người dân, đất được khai thác đem đi bán như thế nào…

 

Phải hoàn trả lại mặt bằng cho suối Gạo, giải quyết quyền lợi của người dân, đất được khai thác đem đi bán như thế nào… là những câu hỏi mà người dân thôn Xuân Him đang chờ các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình trả lời.

Đất nạo vét chỉ dùng san lấp đầm, ao, cải tạo vườn…

Ngày 23/10/2018, ông Quách Tự Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình ký quyết định số 796/QĐ-SNN (quyết định 796), phê duyệt phương án thực hiện dự án: Nạo vét khơi thông dòng chảy suối Gạo, suối Cái (chi lưu của sông Thanh Hà), đoạn chảy qua xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Tổng mức đầu tư trên 1,8 tỷ đồng, nguồn vốn tự huy động của Công ty cổ phần gạch ngói Hòa Bình.

 

 

Doanh nghiệp lợi dụng khơi thông dòng  chảy suối Gạo để khai thác đất     Ảnh PV

Theo quyết định 796, dự án nạo vét được thực hiện trong mùa khô và chia làm hai giai đoạn. Theo đó, giai đoạn một thực hiện từ năm 2018-2019, tổng khối lượng nạo vét đất cấp II là 41.958 m3, còn lại là đất cấp I (bùn rác); giai đoạn hai, thực hiện từ năm 2019-2020, tổng khối lượng nạo vét, san gạt tạo phẳng là 7.194 m3 (100% là đất cấp II).

Trong quyết định 796 ngoài việc ghi rõ những thông số khi nạo vét suối Gạo thì còn quy định rõ: Khối lượng đất trong quá trình nạo vét được sử dụng để san lấp mặt bằng tại địa điểm gia đình ông Nguyễn Thanh Xuân và một số hộ dân, tổ chức có nhu cầu san lấp đầm, ao, cải tạo vườn trong khu vực.

Người dân tố cáo, doanh nghiệp tận thu đất để bán cho nhà máy gạch

Nghiên cứu nội dung quyết định 796, nhiều người dân không khỏi ngạc nhiên, nghi ngờ trước sự việc Công ty cổ phần gạch ngói Hòa Bình bỏ ra một số tiền lớn chỉ để nạo vét suối Gạo, số đất nạo vét chỉ để san lấp đầm, ao, cải tạo vườn trong khu vực… Sự ngạc nhiên, nghi ngờ của người dân là hoàn toàn có cơ sở, bởi trước đó có rất nhiều trường hợp lợi dụng việc cho phép xã hội hóa hoạt động nạo vét, khơi thông luồng, tuyến đường thủy để tổ chức khai thác, tận thu cát sỏi, đất trái với quy định. Ví như, báo chí đã phản ánh kết luận thanh tra năm 2016 của Bộ GTVT chỉ ra sự việc Cục đường thủy nội địa Việt Nam cho phép nạo vét luồng lạch mà một số công ty chỉ tập trung vào hút cát, sỏi bán để thu lời.

Quay trở lại câu chuyện xảy ra ở xã Thanh Lương, người dân cho rằng, quyết định 796 quy định rõ ràng, nhưng lạ thay đơn vị thi công lại cố tình múc sâu xuống lòng suối gạo, có vị trí 5-6m; thậm chí còn múc sâu, múc sát vào thân đê. “Việc nạo vét của đơn vị thi công đã làm ảnh hưởng tới đất canh tác, hoa màu của dân. Bên cạnh đó, chúng tôi thấy họ chỉ chăm chăm khai thác đất để bán cho các lò gạch. Khi chúng tôi có ý kiến, phản ánh thì lại bị một số người lạ mặt đe dọa…” – anh Bùi Văn Vương, thôn Xuân Him, tâm sự.

Để giải quyết những vấn đề mà người dân đã phản ánh, ngày 21/1/2019, UBND xã Thanh Lương đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa nhân dân thôn Xuân Him với Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình. Tại buổi đối thoại này, ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần gạch ngói Hòa Bình thừa nhận: “Công ty thực hiện dự án làm sai quyết định 796, đại diện công ty tôi thành thật xin lỗi nhân dân. Việc một số công nhân do không được giáo dục về ý thức trong giao tiếp đã có những hành lời nói không đúng mực với nhân dân, tôi xin nhận lỗi trước nhân dân. Về một số hoa lợi của nhân dân trồng trên diện tích đất nằm trong dự án, phía công ty đã hỗ trợ, đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng, cụ thể giá trị đền bù là 25.000 đồng/1 cây tre. Một số diện tích nhỏ đất ruộng của nhân dân mà phía công ty nạo vét phạm phải, phía công ty đã san lấp trả lại mặt bằng...”.

Cần giải quyết thỏa đáng những nghi ngại của dân

Trao đổi với phóng viên, một số người dân tại thôn Xuân Him bày tỏ sự không đồng tình với phương án hỗ trợ, đền bù mà Công ty cổ phần gạch ngói Hòa Bình đã đưa ra. Bên cạnh đó họ cũng cho rằng, cần phải hoàn trả lại mặt bằng cho suối Gạo, làm rõ có hay không việc lợi dụng nạo vét để khai thác đất, bán đất trục lợi.

Những sự việc mà người dân thôn Xuân Him phản ánh và quan tâm là hoàn toàn có cơ sở, bởi ngay trong báo cáo của công an xã Thanh Lương gửi Lãnh đạo công an huyện Lương Sơn, Lãnh đạo công an đồn Chợ Bến, có nội dung: “Trong khi thực hiện công ty đã không thực hiện theo đúng thiết kế, cụ thể như sau: Độ sâu được nạo vét theo thiết kế là 2,5m nhưng công ty đã múc có chỗ sâu khoảng từ 7-10m và mang đất đi bán cho các lò gạch”.

người dân đề nghị chính quyền; doanh nghiệp giải quyết thỏa đáng

Tiếp tục làm rõ nội dung người dân thôn Xuân Him đã phản ánh, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần gạch ngòi Hòa Bình. Sau khi nắm bắt nội dung phóng viên phản ánh, trái ngược với thái độ tinh thần cầu thị đã thể hiện với người dân thôn Xuân Him, ông Toàn cho hay: Không phải giải thích gì cả. Muốn tìm hiểu sự việc, đề nghị phóng viên liên hệ với Sở NN&PTNT…

Cần phải nhắc lại để ông Toàn rõ, mỗi đảng viên, mỗi người dân đều thấm nhuần việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân chính là thể hiện tư tưởng “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bởi thế, sự việc người dân thôn Xuân Him đề nghị làm rõ những khúc mắc, làm rõ những vấn đề người dân quan tâm về dự án nạo vét là đòi hỏi chính đáng.

Trên thực tế, một dự án nạo vét được thông qua phải qua sự thẩm định, tham mưu của rất nhiều sở, ngành. Thế nhưng, vì sao vẫn có nhiều ý kiến phản đối của người dân về dự án nạo vét khơi thông dòng chảy suối Gạo? Khi những câu hỏi của người dân bị bỏ ngỏ, không nhận được sự quan tâm, giải quyết thỏa đáng thì chỉ làm dấy thêm những nghi vấn, nghi ngại từ phía người dân.

Để giải quyết sự việc mà người dân thôn Xuân Him đã phản ánh, các cấp chính quyền tỉnh Hòa Bình ngoài việc tiếp tục đối thoại, ghi nhận, giải đáp những ý kiến của người dân thì cũng cần làm rõ: Liệu có hay không việc “khoác áo” dự án nạo vét để khai thác đất để bán cho lò gạch?

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận