Điều bất thường tại một dự án ở Thanh Xuân

Mục tiêu tốt đẹp, nhưng cách làm tùy tiện đã gây ra nhiều khiếu kiện và hiện có gia đình vô cùng khốn khó. Về pháp lý, dự án này ở Thanh Xuân thực sự bất thường

 

Hai mươi mấy năm đã trôi qua kể từ khi quận Thanh Xuân (Hà Nội) quyết định thu hồi đất của hàng chục hộ dân để xây dựng Trường phổ thông trung học (PTTH) Khương Đình. 

Tháng 8/2001, Ban quản lý (BQL) dự án quận Thanh Xuân và Ủy ban nhân dân (UBND) quận Thanh Xuân xin phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trường PTTH Khương Đình theo tờ trình số 37/TT-BQL. Dự án này nhanh chóng được sự quan tâm của lãnh đạo các sở, ngành và ngay lập tức 4 tháng sau (tức ngày 21/12/2001), UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số: 7999/QĐ-UB V/v: phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trường PTTH Khương Đình, quận Thanh Xuân - thu hồi 13.639m2 đất để thực hiện dự án xây dựng trường học. Và điều bất thường, Quyết định 7999 vừa ban hành mới chỉ được 4 tháng, thì BQL dự án và UBND quận Thanh Xuân (lại thay đổi) đề nghị thành phố xin tăng thêm diện tích đất (từ 13.639m2 lên thành 14.524m2). Và đã được UBND TP Hà Nội (chấp thuận) ban hành Quyết định số: 2586/QĐ-UB ngày 18/4/2002.

Quyết định 2586, tại Điều III ghi rõ: “...Sau 12 tháng kể từ ngày giao nhận đất, nếu BQL dự án quận Thanh Xuân chưa sử dụng hoặc sử dụng đất không đúng nội dung ghi tại Điều I/ Quyết định này (tức diện tích đất thu hồi chỉ thực hiện XD Trường PTTH Khương Đình - Pv) thì Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất lập hồ sơ trình UBND Thành phố thu hồi Quyết định giao đất".

Thời điểm ban hành QĐ 7999 vào tháng 12/2001, mới chỉ xét Thông báo kết luận Hội nghị tư vấn thẩm định dự án của Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT). Điều bất thường là chưa hề có ý kiến đề nghị hay tờ trình nào của Sở Địa chính – Nhà mà thành phố đã “vội vã" ban hành quyết định thu hồi 13.639m2 đất của dân giao cho BQL dự án và UBND quận Thanh Xuân quản lý để thực hiện xây dựng trường học (!?).  

Tiếp đến, Thủ tục tổ chức Hội đồng bồi thường thiệt hại, tái định cư cấp quận (huyện) là phải Thành lập Hội đồng GPMB, cụ thể là: “... Sau khi nhận hồ sơ GPMB của chủ dự án, Chủ tịch UBND quận (huyện) kiểm tra các điều kiện và thủ tục hồ sơ (nếu không đủ thì yêu cầu chủ đầu tư bổ sung), quyết định thành lập Hội đồng GPMB trong thời gian không quá 7 ngày. Hồ sơ để thành lập Hội đồng GPMB gồm: Quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền; Văn bản đề nghị thực hiện công tác GPMB; Giải trình về phương án tái định cư các hộ dân (trường hợp dự án có di dân, tái định cư): dự kiến số hộ dân phải di chuyển, chuẩn bị nơi tái định cư, diện tích nhà, đất sử dụng; Bản đồ hiện trạng tỷ lệ 1/500; Bản vẽ Quy hoạch mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và sở Sở Địa chính - Nhà đất xác nhận về diện tích và ranh giới khu đất thu hồi để thực hiện dự án...”. Quy định phải xác định được mốc giới, ranh giới đất... trước, trong 7 ngày, nhưng BQL dự án và UBND quận Thanh Xuân đã thực hiện trái các quy định của pháp luật. Đó là: Tháng 12/2001, Quyết định 7999 thu hồi đất 13.639m2 ban hành, nhưng phải đến tháng 5/2002 (tức sau 5 tháng) mới thực hiện "Biên bản bàn giao mốc giới tại thực địa”- Đây là quy trình “làm ngược". Thêm điều bất thường nữa, khi lập Biên bản cắm mốc giới lại không căn cứ theo QĐ 7999 với diện tích thu hồi 13.639m2, mà lại căn cứ QĐ 2586 cắm mốc, xác định ranh giới là 14.524m2 đất của bà con.

 

 

Các quy định của pháp luật về quy trình thực hiện thu hồi đất cho dự án - lợi ích công cộng được thể hiện tại Nghị định 22/1998/NĐ-CP ngày 20/04/1998 của Chính Phủ; Nghị quyết số 20/NQ-TƯ ngày 13/07/2000 của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố HN và Nghị quyết số 09/2000/NQ-HĐ ngày 21/07/2000 của HĐND Thành phố về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP Hà Nội và Quyết định số: 72/2001/QĐ-UB ngày 17 tháng 09 năm 2001 của UBND TP Hà Nội Ban hành Quy định về trình tự, thủ tục tổ chức thực hiện công tác bồi thường thiệt hại, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố: Khi có quyết định thu hồi đất và giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chủ đầu tư có trách nhiệm nộp hồ sơ tại UBND quận (huyện) nơi có đất thu hồi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; đồng thời báo cáo Ban chỉ đạo GPMB thành phố để được chỉ đạo tổng hợp. Xét đề nghị của Thường trực Ban chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố và Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất”. Quy định là vậy, và cũng là những điều kiện không thể thiếu và bắt buộc, thế nhưng UBND quận Thanh Xuân bỏ qua các quy định bắt buộc này.

Quy định nêu rõ: “...Sau khi nhận được hồ sơ GPMB của chủ dự án (là BQL dự án) thì Chủ tịch UBND quận phải kiểm tra các điều kiện và thủ tục hồ sơ quyết định thành lập Hội đồng GPMB trong thời gian 7 ngày”. Nhưng phải 5 tháng sau (ngày 23/5/2002) UBND quận Thanh Xuân mới ban hành Quyết định Thành lập tổ công tác GPMB. Tiếp đến, ngày 26/3/2010 (tức 9 năm sau) UBND quận Thanh Xuân mới ban hành Quyết định số: 574/QĐ-UB để kiện toàn Tổ GPMB Khương Đình thực hiện dự án xây dựng Trường PTTH Khương Đình(?). Quy trình thực hiện tại dự án này có nhiều vấn đề bất cập; nhiều văn bản pháp lý không thống nhất; nhiều nội dung không minh bạch... dẫn đến việc triển khai thực hiện dự án là không thể, thậm chí có nội dung trái pháp luật.

Thời điểm khi có QĐ 7999 ngày 21/12/2001, BQL dự án lấy đâu ra bản vẽ, vị trí ranh giới, mốc giới để giao nhận, tiếp quản rồi thực hiện công tác GPMB(?). Vậy mà, BQL vẫn “vượt rào" bất chấp các quy định của pháp luật, của thành phố để buộc người dân phải bàn giao đất thực hiện GPMB khi chưa có Biên bản bàn giao mốc giới - cả về diện tích, hình hài thửa đất, ranh giới, vị trí của thửa đất. Cách hành xử này của BQL dự án và UBND quận Thanh Xuân đã giải tỏa đất của dân thừa ra gần 1000m2 (từ 13.639m2 lên 14.524m2) nên mới “khẩn thiết - cầu cứu" cấp trên thay bằng quyết định khác – là Quyết định 2586 (!?).

Về quy định trong công tác GPMB (trên thực địa) là phải được Sở Địa chính – Nhà đất (nay là Sở TN&MT) bàn giao mốc giới, ranh giới tại thực địa - hiện trường có bản vẽ, sơ đồ phác họa, rồi biên bản kèm theo vị trí thửa đất. Quy định rõ như vậy, nhưng phải mất một thời gian dài mới được xác lập Biên bản bàn giao mốc giới ngoài hiện trường do Sở Địa chính – Nhà đất Hà Nội căn cứ vào phê duyệt của Giám đốc sở không có ngày, tháng (?)

Vậy, tính pháp lý của QĐ 7999 thu hồi 13.639m2 khi chưa có Biên bản bàn giao mốc giới, chưa xác định về ranh giới, chỉ giới, mốc giới và cũng chưa có ý kiến của Giám đốc Sở Địa chính – Nhà đất là trái quy định của pháp luật. Nếu căn cứ biên bản bàn giao mốc giới theo Quyết định số: 2586/QĐ-UB thu hồi 14.524m2 đất là quyết định trái luật.

Cần biết rằng, Quyết định 7999 nói là "tạm giao" được hiểu là giao để quản lý, chưa cho phép GPMB – vì chưa có dự án chính thức được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật. Và cũng chưa được phê duyệt nguồn kinh phí để thực hiện việc đền bù, bồi thường, hỗ trợ GPMB. Vậy thì, vị trí, ranh giới, mốc giới, nguồn kinh phí ở đâu làm căn cứ để giải tỏa: Bồi thường, hỗ trợ, GPMB đất của dân (!?)

Thời điểm bắt đầu GPMB và theo vị trí, tọa độ, mốc giới, bản đồ, bản vẽ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án chỉ một cái tên duy nhất là: Trường PTTH Khương Đình, nhưng lại có 02 “Biên bản bàn giao mốc giới” - Biên bản ngày 15/5/2002 (diện tích 14.524m2) căn cứ Quyết định 2586/QĐ-UB ngày 18/4/2002; Và Biên bản ngày 8/11/2013 (diện tích 10.038m2) căn cứ theo Quyết định 4235/QĐ-UB ngày 09/7/2013. Qua đó cho thấy, cần phải là rõ trách nhiệm của tổ chức, hoặc cá nhân (nếu có) tại hai thời điểm thu hồi đất sai với quyết định ban đầu là QĐ 7999 chênh lệch gần 1000m2; Và việc thực hiện điều chỉnh Quyết định 2586/QĐ-UB thành Quyết định 4235/QĐ-UB (từ 14.524m2 còn 10.038m2) giảm 4.486m2 này thuộc vị trí nào trên bản vẽ thiết kế quy hoạch? Cần minh bạch công khai bằng văn bản cho những hộ dân trước đây nằm trong danh sách thuộc diện bị thu hồi đất (theo QĐ 7999 hay QĐ 4235) nay lại thực hiện (theo QĐ 4235) – là những hộ nào sẽ không còn nằm trong diện bị thu hồi đất để thực hiện dự án Trường PTTH Khương Đình.

BQL, quận Thanh Xuân cần có văn bản thông báo gửi cho những hộ dân (không bị thu hồi đất) tại dự án này. Được biết, trong số gần bốn chục hộ và hằng trăm nhân khẩu phải di dời khỏi khu đất thực hiện dự án theo kiểu tùy tiện, bất thường này, có nhiều người đã mất đi cơ hội thực hiện ước mơ của mình, nhiều gia cảnh vô cùng khốn khó./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận