Phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội: Cần lắng nghe, giải quyết quyền lợi của người dân

Đất khai hoang, ở ổn định từ năm 1982, năm 1990-1991, theo Bản đồ thổ canh của UBND phường Thạch Bàn là đất thổ cư. Đến năm 1996, Hạt vận chuyển Hà Hải Trung ương kê khai trùng diện tích là phản ánh tại đơn kêu cứu của hộ gia đình bà Phạm Thị Trường ở khu tập thể ga Cổ Bi, tổ 17, phường Thạch Bàn, Hà Nội gửi đến Báo VOV.

 

Ai là người quản lý, sử dụng đất?

Gia đình bà Phạm Thị Trường ở khu tập thể ga Cổ Bi, tổ 17, trước là xã Thạch Bàn huyện Gia Lâm và nay là phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội gửi đơn kêu cứu đến Báo VOV với nội dung: Bà Trường nguyên là công nhân viên ngành đường sắt (từ năm 1960 đến năm 1979). Trong những năm công tác, bà Phạm Thị Trường được Hạt vận chuyển Hà Hải (nay là Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải) phân cho 1 nhà cấp bốn với diện tích 22m2 tại khu tập thể ga Cổ Bi. Năm 1982, bà Trường chuyển đến sinh sống trên mảnh đất có địa chỉ hiện nay là khu tập thể ga Cổ Bi, tổ 17, phường Thạch Bàn. Trong quá trình sinh sống ở tại đây, bà Trường đã khai hoang, lấp ao hồ, thùng trũng và khoảng năm 1990 bà Phạm Thị Trường cùng các con xây dựng căn nhà lá 5 gian trên đất khai hoang (hiện nay các gian nhà đang được các con bà Trường sử dụng là các hộ: ông Nguyễn Hữu Dinh, bà Nguyễn Thị Phượng, bà Nguyễn Thị Hồng Dinh, ông Nguyễn Hữu Vinh và bà Nguyễn Thị Dinh).

Từ năm 1982, bà Trường và các con bà sinh sống ổn định, không tranh chấp với ai và không có bất kỳ văn bản ngăn chặn hay xử phạt hành chính nào của UBND xã Thạch Bàn.

Nguyên trạng căn nhà 5 gian của hộ gia đình bà Trường trước khi bị cưỡng chế sáng 31/7

Đến năm 1990, UBND xã Thạch Bàn có tiến hành đo đạc đất thổ canh, thổ cư trên địa bàn xã. Trong bản đồ số 04 ghi rõ tên chủ sử dụng đất và loại đất sử dụng, như: “2 lúa, Ao, Hồ, giao thông, T+Q, T (thổ cư-PV). Theo đó, thửa đất số 464, tên chủ sử dụng là bà Phạm Thị Trường đang quản lý và sử dụng diện tích 1632m2, loại đất “T – thổ cư PV”.

Năm 1996, ga Cầu Bây thuộc Hạt vận chuyển Hà Hải Trung ương đã tự đo đạc và kê khai đất tại khu vực ga Cổ Bi với  diện tích 4.100m2 trùng lên diện tích 1632m2 của bà Phạm Thị Trường. Việc ga Cầu Bây kê khai không có thông tin, tài liệu thể hiện thông báo của ga Cầu Bây hoặc UBND xã cho gia đình bà Phạm Thị Trường. Năm 2013, khi bị thu hồi đất gia đình bà Phạm Thị Trường mới biết Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải đã kê khai phần đất gia đình bà đang ở vào diện tích đất của công ty.

Nguyên trạng căn nhà 5 gian của hộ gia đình bà Trường trước khi bị cưỡng chế sáng 31/7

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Vinh cho biết, trước và sau thời điểm kê khai năm 1996, ga Cầu Bây không quản lý sử dụng đất sau khi kê khai. Ga Cầu Bây cũng không thực hiện thủ tục giao đất sau khi kê khai. Ngoài ra, UBND phường Thạch Bàn cũng không có thủ tục thu hồi diện tích 1632m2 của gia đình ông để giao đất cho ga Cầu Bây. Mặc dù đã có xác nhận của UBND xã Thạch Bàn nhưng nội dung xác nhận chỉ thể hiện năm 1996, Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải có sử dụng diện tích đất thuộc khu vực ga Cầu Bây, không xác nhận thời điểm năm 1990 thửa đất trên thuộc quyền quản lý của công ty này.

Cần làm rõ một số nội dung

Theo nội dung đơn thư, trong quá trình thực hiện dự án, UBND phường Thạch Bàn và UBND quận Long Biên đã căn cứ vào tờ bản đồ được Hạt vận chuyển Hà Hải Trung ương tự đo đạc năm 1996 để làm căn cứ áp dụng hỗ trợ, bồi thường cho hộ bà Phạm Thị Trường cùng các con mà không căn cứ vào tờ bản đồ thổ canh được UBND xã Thạch Bàn (nay là phường Thạch Bàn) lập năm 1990-1991. Tại tờ trình liên ngành của ban chỉ đạo GPMB thành phố số 604/TTr-BCĐ, ngày 12/8/2015 cũng thể hiện nội dung: Đất do Xí nghiệp quản lý đường sắt Hà Hải bố trí cho bà Phạm Thị Trường sử dụng năm 1982 không có giấy tờ. Điều này không đúng bởi thời điểm đó đơn vị này chưa quản lý, sử dụng đối với mảnh đất trên nên không thể có thẩm quyền giao đất.

“Theo quy định của Luật Đất đai năm 1993 và Nghị Định số 47/2014 ngày 15/5/2014 của Chính phủ, thì các gia đình chúng tôi phải được hỗ trợ, bồi thường giá trị đất ở và phải được cấp tái định cư. Vậy nhưng, trong quá trình lập phương án hỗ trợ, đền bù, tái định cư, UBND phường Thạch Bàn, Ban bồi thường hỗ trợ tái định cư và UBND quận Long Biên đã không căn cứ vào các văn bản tài liệu có tính pháp lý như Bản đồ thổ canh của UBND xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm, tờ bản đồ 04, năm 1990-1991 để lập và phê duyệt phương án hỗ trợ, đền bù cho hộ gia đình nhà tôi, việc này đã gây thiêt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của anh em chúng tôi”, ông Vinh nêu rõ.

Năm 1996, ga Cầu Bây thuộc Hạt vận chuyển Hà Hải Trung ương đã tự đo đạc và kê khai đất tại khu vực ga Cổ Bi với  diện tích 4.100m2 trùng lên diện tích 1632m2 của bà Phạm Thị Trường.

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ việc, phóng viên nhận thấy có một số nội dung cần phải làm rõ như: Việc kê khai 4.100m2 của Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải được UBND xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm đã thực hiện các thủ tục quản lý đất đai như thế nào? Tại sao lại có sự chồng lấn diện tích đất của gia đình bà Trường với công ty, mặc dù trước đó UBND xã Thạch Bàn đã ghi rõ diện tích đất của gia đình bà Trường quản lý và sử dụng là 1632m2.

Thêm nữa, gia đình bà Trường được Hạt vận chuyển Hà Hải bố trí 01 căn có diện tích 28m2 nhưng không hiểu sao ngày 8/10/2007, Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải lại yêu cầu gia đình bà Trường nộp tiền thanh lý 04 căn gồm các hộ: Nguyễn Hữu Dĩnh, Nguyễn Thị Hồng Dinh, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Thị Phượng?. Năm 1996, Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải kê khai trùng (chồng) lên thửa đất bà Trường đã đứng tên tại tờ bản đồ số 04 xã Thạch Bàn lập năm 1990-1991. Nay Ban bồi thường/cấp có thẩm quyền xác định chủ quản lý, sử dụng 4.100m2 là Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải thì căn cứ theo quy định nào? Về mặt giá trị pháp lý, bản đồ được UBND xã Thạch Bàn lập năm 1990-1991 là một tờ bản đồ được thực hiện theo chỉ thị 299/TTg, ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ, việc lập bản đồ này được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện và được thừa nhận. Trong khi đó tờ bản đồ của Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải lập năm 1996 chỉ là tờ bản đồ do công ty tự lập.

Ở góc nhìn khác, thời điểm năm 1990 nếu thửa đất của bà Phạm Thị Trường do Công ty TNHH một thành viên Quản lý đường sắt Hà Hải quản lý, sử dụng vậy tại sao trên bản đồ của UBND xã Thạch Bàn không thể hiện điều này? Mà lại thể hiện rõ diện tích thửa đất số 464 tờ bản đồ số 04 mang tên bà Phạm Thị Trường với diện tích sử dụng là 1632m2.

Hiện trạng đất gia đình bà Trường sử dụng (theo ghi nhận tại tờ bản đồ 04 năm 1990 của xã Thạch Bàn) đã có 5 hộ gia đình các con của bà Trường xây dựng nhà ở riêng biệt từ trước 1993, hộ khẩu riêng biệt có được xác định để áp dụng chính sách hỗ trợ, bồi thường tương ứng riêng biệt từng hộ không? Căn cứ nào để UBND phường Thạch Bàn và UBND quận Long Biên xác định “có 30,69m2 sử dụng vào mục đích đất ở sau năm 1993 và trước năm 2004”?

Chúng tôi xin gửi những phản ánh của người dân đến UBND phường Thạch Bàn và UBND quận Long Biên để giải quyết theo quy định pháp luật và bảo đảm quyền lợi của người dân theo đúng quy định pháp luật.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận