Giúp sức cho Trịnh Văn Quyết, cựu Tổng Giám đốc Faros được trả lương bao nhiêu?

Cựu Tổng giám đốc Faros Đỗ Như Tuấn khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình, nhưng không thừa nhận mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

Tuấn khai không được hưởng lợi ích từ hành vi vi phạm, mà chỉ hưởng lương hàng tháng từ 115 triệu đồng đến 120 triệu đồng.

Cơ quan điều tra - Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra bổ sung vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Trong đó đề nghị truy tố ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC), Doãn Văn Phương (cựu Chủ tịch công ty CP Xây dựng Faros), Đỗ Như Tuấn (cựu Tổng giám đốc công ty CP Xây dựng Faros) và 48 bị can khác.

Ở vụ án này, ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị truy tố về hai tội danh Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết luận điều tra xác định hành vi của ông Đỗ Như Tuấn (SN 1969, trú Hai Bà Trưng, Hà Nội; cựu Tổng Giám đốc Faros) đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng phạm với vai trò giúp sức cho Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế (em gái của Trịnh Văn Quyết).

Theo kết luận điều tra, Đỗ Như Tuấn từng giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, sau đó được Trịnh Văn Quyết giao làm Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros từ ngày 29/5/2015 đến ngày 5/5/2017.

Lực lượng chức năng khám xét và thu giữ tài liệu tại trụ sở FLC. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Với vai trò Tổng giám đốc Faros, Đỗ Như Tuấn được xác định đã ký các hợp đồng, chứng từ khống để rút tiền góp vốn ra khỏi công ty CP Xây dựng Faros, tạo dòng tiền hạch toán kế toán hợp thức, che giấu việc góp vốn khống và sử dụng vốn tại Faros.

Theo chỉ đạo của Quyết và Huế, từ ngày 29/5/2015 đến ngày 5/5/2017, Tuấn ký khống 107 hợp đồng, ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh khống với 12 công ty với tổng số tiền là 5,3 tỷ đồng làm căn cứ để Huế sử dụng chuyển tiền, rút tiền góp vốn ra khỏi công ty CP Xây dựng Faros.

Trong các ngày 2/7/2016 và 18/11/2016, Tuấn ký 5 hợp đồng, 5 biên bản thanh lý hợp đồng nhận chuyển nhượng khống cổ phần của 4 cá nhân tại công ty CP FLC Travel với tổng giá trị 633 tỷ đồng (thực tế chỉ chạy dòng tiền không phát sinh thanh toán, chuyển nhượng thực), làm căn cứ để tạo dòng tiền, hợp thức che giấu số vốn góp khống.

Từ ngày 7/5/2015 đến 26/6/2017, Tuấn ký 210 chứng từ để Huế làm thủ tục chuyển 9.879 tỷ đồng từ tài khoản của công ty CP Xây dựng Faros đến tài khoản của các công ty khác nhau nhằm tạo dòng tiền, hạch toán kế toán, hợp thức, che giấu việc góp vốn khống và sử dụng vốn góp tại Công ty CP Xây dựng Faros.

Ngoài ra, với vai trò là Tổng giám đốc Faros, Đỗ Như Tuấn còn ký nhiều báo cáo, hồ sơ để giải trình với cơ quan quản lý Nhà nước về chứng khoán để được niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống.

Trước khi cổ phiếu của Faros niêm yết (mã chứng khoán ROS), theo yêu cầu của Trịnh Thị Minh Huế, Tuấn đứng tên sở hữu 50.000 cổ phiếu theo danh sách 386 cổ đông của công ty. Nhưng thực chất Tuấn không thực sự được sở hữu mà hiện vẫn do Trịnh Thị Minh Huế quản lý.

Tại cơ quan điều tra, Tuấn khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm của mình nhưng không thừa nhận mục đích Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuấn khai không được hưởng lợi ích từ hành vi vi phạm, mà chỉ hưởng lương hàng tháng từ 115 triệu đồng đến 120 triệu đồng.

"Hành vi trên của Đỗ Như Tuấn cùng những người liên quan đã giúp sức cho Trịnh Văn Quyết nâng khóng vốn điều lệ, niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty CP Xây dựng Faros trên sàn chứng khoán để Quyết cùng đồng phạm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt 3.620 tỷ đồng của các nhà đầu tư". - Kết luận điều tra nêu.

Võ Nam/VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận