Để chủ trương đền bù, GPMB Vành đai 4 của Tỉnh ủy Hưng Yên đi vào cuộc sống

Thông báo số 920 - TB/TU của Tỉnh ủy Hưng Yên cho phép hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp như đối với các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp theo quy định pháp luật

 

BÀI 1: CÔNG SỨC NỬA THẾ KỶ VÀ MỨC GIÁ 0 ĐỒNG

Thông báo số 920 - TB/TU, ngày 30/12/2022 của Tỉnh ủy Hưng Yên, nêu rõ: Cho phép các trường hợp cán bộ, công nhân viên của Trạm thực nghiệm được giao khoán đất để sản xuất được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp như đối với các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (ĐTXD) huyện Văn Giang, UBND huyện Văn Giang, thực tế có sự việc giao khoán, người dân cải tạo, canh tác trên đất, nhưng đối chiếu các quy định pháp luật về đền bù, hỗ trợ thì lại đang có sự “lệch pha” giữa thực tiễn và pháp luật, khiến đơn vị phải báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị, mong muốn của người dân.

Một hộ 10 mảnh vườn nhưng vẫn không làm đủ sản lượng

Theo ông Tống Nguyên Hoạt, 80 tuổi, nguyên Phó giám đốc Trạm thực nghiệm Văn Giang (Trạm) giai đoạn 1991 - 2006, ngày ấy, do công nhân phải thay đổi theo đàn lợn mà Trạm được giao đảm bảo nguồn cung, khi có 5.000 con thì tất cả tập trung vào chăn nuôi, còn khi chỉ còn 1.000 - 2.000 con lợn thì số lao động dôi dư lại được giao đất để canh tác. Vì đất khi đó nằm rải rác khắp nơi, nên có hộ như gia đình ông bà Lâm Thắng được giao tới 10 mảnh đất ở nhiều khu vực khác nhau, dẫn tới cố làm cũng không thể đủ năng suất nộp sản lượng cho Trạm. Không ít người phải vay mượn bằng vàng, bằng dầu để nộp sản lượng cho đủ, rồi trả nợ dần, mất vài năm mới trả hết. Nhiều người không thể nộp đủ sản lượng đành bỏ Trạm về quê.

Những câu chuyện như vậy xuất hiện không ít thời bao cấp, khi khu vực này từ Liên đoàn thống nhất Hưng Yên do các cán bộ tập kết năm 1958 thành lập, rồi phát triển thành Nông trường Thống Nhất Hưng Yên, sau đó đổi tên thành Trại chăn nuôi Thống Nhất và đến nay là Trạm thực nghiệm Văn Giang.

Sổ nộp sản lượng từ năm 1993 đến giờ vẫn được người dân cất giữ cẩn thận

          Nhớ lại thời gian khó ấy, bà Đào Thị Chung không khỏi rưng rưng nước mắt. Nhận khoán từ năm 1975, khi người chồng thương binh phục viên, bà tần tảo trên mảnh vườn, khoảnh ao được Trạm giao khoán để nuôi gia đình, dù rằng khi ấy vườn chẳng ra vườn, ao chẳng thành ao, nước chỉ đến đầu gối. Bà đã 5 lần 7 lượt thuê thợ đấu nạo vét bùn đào ao, rồi lại mang chỗ bùn đất đó bồi đắp sang vườn, gần đây nhất là thuê 2 máy xúc để cải tạo, xây bờ ao, mới có vườn, có ao để trồng trọt, chăn nuôi. Hai con bị câm điếc bẩm sinh do di chứng chất độc da cam không xin được việc làm ở đâu, trong đó có một người đã lập gia đình và sinh cho bà mấy đứa cháu, nên cả cái gia đình thiệt thòi đó chỉ dựa vào cây, vào đất để sinh nhai. Bởi vậy, khi được biết tất cả mồ hôi, công sức của mình được Ban quản lý dự án ĐTXD huyện Văn Giang định giá 0 đồng, gia đình bà không tránh khỏi cú sốc.

          "Tôi đi công nhân vào đây năm 1975 thì năm 1980 giảm biên chế, tôi nhận ruộng khoán, năm 2009 tôi nghỉ hưu. Suốt 35 năm không được nhận lương cũng như đầu tư của cơ quan. Tôi vay vốn ngân hàng rồi đào ao, cải tạo vườn tược làm nên bờ xôi ruộng mật và nộp sản lượng cho cơ quan để nuôi bộ máy và một phần trích ra nộp bảo hiểm. Chúng tôi không để đất đai bị hoang hóa, lãng phí là phù hợp với chủ trương của Đảng, giờ lại không được đền bù thì gia đình tôi trông vào đâu mà sống?" - bà Chung lo lắng.

Bà Đào Thị Chung cùng người chồng bệnh binh và người con bị câm, điếc do di chứng chất độc màu da cam.

          Bà Chung là một trong 24 hộ gia đình đã và đang là công nhân của Trạm thực nghiệm Văn Giang đứng trước mối lo tay trắng dù đã có nửa thế kỷ đắp bồi, tôn tạo, canh tác trên mảnh đất được giao. Do cách hiểu khác nhau trong đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện xây dựng vành đai 4, những mảnh vườn, thước ao họ đổ mồ hôi nước mắt tôn tạo, gây dựng giờ được xác định là đất của tổ chức và được định giá 0 đồng.

          Bà Lê Thị Mai, sinh năm 1954, nguyên là kỹ sư chăn nuôi của Trạm, cho biết: "Năm 1976, tôi tốt nghiệp và được điều về trại chăn nuôi (tiền thân của Trạm thực nghiệm). Khi còn là cán bộ văn phòng tôi được nhận lương, khi ấy trại đang nuôi tới 18.000 con lợn. Đến năm 1988 ra nhận ruộng thì hoàn toàn không có lương, không một đồng đầu tư vào đơn vị. Vợ chồng nhà tôi đây đào bằng tay, nhào lộn cái đất này. Chúng tôi ở cái trại này ai còn có bố mẹ ở quê, có đất rồi người ta về theo176 (Nghị định 176), còn những người như chúng tôi chỉ biết vắt sức ra làm để có cái sinh nhai. Nói ra thì nước mắt lại tuôn!" - bà Mai nghẹn ngào. 

          Mấy thế hệ trông vào mảnh ruộng, giờ biết làm gì?

          Đó là câu hỏi của rất nhiều hộ công nhân Trạm thực nghiệm Văn Giang. Bởi ở đây không phải chỉ có một thế hệ những người cao tuổi gắn bó với vai trò công nhân, mà thế hệ thứ hai của những hộ công nhân này cũng đã hàng chục năm gắn bó, canh tác trên mảnh đất đó.

          "Trong cuộc gặp gỡ 24 hộ công nhân, khi Ban quản lý dự án ĐTXD huyện Văn Giang đưa ra bản dự thảo phương án bồi thường với kết luận "không đủ điều kiện để hỗ trợ đền bù", may dân chúng tôi đã không ai bị ngất, chỉ có anh Ánh Dương mệt do có tiền sử bệnh tim", đó là lời chia sẻ của anh Nguyễn Quang Sáng - một người không chỉ là công nhân mà còn là cán bộ công đoàn của Trạm thực nghiệm Văn Giang.

          Anh Ánh Dương mà anh Sáng nhắc đến chính là một trong hai người con của ông Nguyễn Đình Phi, công nhân miền Nam tập kết năm 1958. Hộ ông Phi nhận khoán ruộng theo chế độ của Trạm năm 1973, sau đó đến 2 con của ông là Nguyễn Ánh Dương sinh năm 1973 và Nguyễn Tài Anh sinh năm 1975 đều trở thành công nhân của Trạm và tiếp tục theo cha canh tác trên mảnh ruộng, bờ ao được giao. Nghĩa là tính đến thời điểm 20/11/2023, hộ ông Phi đã tròn nửa thế kỷ đổ mồ hôi, sôi nước mắt bồi đắp cho mảnh đất này.

          "Vào công nhân thì chúng tôi lại làm ruộng trên mảnh đất bố mẹ tôi làm trước đấy. Thực chất thì chỉ mang danh công nhân thôi, còn chúng tôi không có lương mà đóng bảo hiểm 100%, tất cả các thứ đều lấy từ tiền nộp sản lượng cho mảnh ruộng đấy, tiền nộp sản lượng được trích ra để đóng bảo hiểm và nuôi bộ máy" - anh Ánh Dương cho biết.

Anh Tài Anh bên cây nhãn do bố anh trồng từ năm 1990

          Ông Nguyễn Ngọc Quyên, sinh năm 1966, bộ đội chuyển ngành về làm công nhân Trạm từ năm 1987, cho biết, ông được nhận lương trong mấy năm đầu, đến năm 1990 xóa bỏ bao cấp thì là cả hai vợ chồng ông nhận ruộng sản xuất nông nghiệp. "Suốt mấy chục năm làm trên mảnh đất được cơ quan giao cho từ năm 1990, gia đình tôi vẫn đóng góp hằng năm, có bảng kê, có biên lai thu thuế nhà đất, nộp Kho bạc Nhà nước. Bây giờ thu hồi đất xây dựng Vành đai 4 mà không được hỗ trợ một cái gì cả, coi như mất hết, không được hỗ trợ thì quá bất công".        

          Anh Đào Đức Kiên, một con em công nhân khác, cho biết: "Cả phần đất ở, ruộng của nhà tôi trong diện giải tỏa, nhưng gia đình chấp hành vì sự phát triển chung. Nếu như toàn bộ nhà cửa, vườn tược, cây cối đều được định giá 0 đồng thì không hợp lý. Chúng tôi vẫn mong được thực hiện theo đúng tinh thần của Thông báo 920 của Tỉnh ủy Hưng Yên, người dân phải được đền bù, hỗ trợ".

Anh Đào Đức Kiên cùng vợ trên thửa đất có 200 mét đất ở và 4000m đất giao khoán, canh tác

Vận dụng quy định trái chiều nhau gây khó cho giải phóng mặt bằng

          Thông báo số 920-TB/TU, ngày 30/12/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hưng Yên, nêu rõ: "Cho phép các trường hợp cán bộ, công, nhân viên Trạm thực nghiệm được giao khoán đất để sản xuất được nhận hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp như đối với các trường hợp thu hồi đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật", đồng thời yêu cầu "Nếu phát sinh vấn đề vướng mắc hoặc vượt thẩm quyền phải kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận trước khi thực hiện".

          Đây là một chủ trương rất nhân văn của Tỉnh ủy Hưng Yên. Trên thực tế, các hộ nhận đất của Trạm thực nghiệm Văn Giang trên địa bàn xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu đã nhận được tiền bồi thường tài sản trên đất, hỗ trợ ổn định đời sống và chuyển đổi nghề, nhưng vẫn còn 24 hộ thuộc Trạm thực nghiệm Văn Giang chưa nhận được thông tin gì về phương án đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thuộc dự án đường Vành đai 4.

          Xuất phát từ tình hình thực tế của các trường hợp nhận giao khoán ở Trạm thực nghiệm Văn Giang, căn cứ Điều 25, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, UBND huyện Khoái Châu đã báo cáo, xin chủ trương được hỗ trợ cho các hộ như đối với các trường hợp thu hồi đất theo Nghị quyết số 03-NQ/TU.

Mai Thị Suốt và con gái Mai Thị Hà nhận ruộng từ năm 1984, trên diện tích 4 nghìn m2, phần đất thuộc huyện Khoái Châu khoảng 1,5 nghìn m2 đã đền bù, hỗ trợ, phần đất thuộc huyện Văn Giang hơn 1,6 nghìn m2 chưa được đền bù, hỗ trợ.

          Còn về phía huyện Văn Giang, xác định việc thu hồi đất nông nghiệp của Trạm thực nghiệm Văn Giang là thu hồi đất của tổ chức, cụ thể là Viện di truyền nông nghiệp nên huyện Văn Giang chỉ làm việc với Viện di truyền nông nghiệp và cán bộ Trạm.

          Để có cơ sở lập phương án bồi thường, hỗ trợ, huyện Văn Giang tiếp tục đề nghị Viện di truyền nông nghiệp cung cấp tài liệu làm rõ trước ngày 31/8/2023. Tuy nhiên đến hết ngày 31/8/2023, các đơn vị không cung cấp được các tài liệu theo quy định, vì vậy Ban quản lý dự án ĐTXD huyện Văn Giang đang lập dự thảo phương án bồi thường hỗ trợ công khai đối với đất đai, tài sản trên đất thuộc Viện Di truyền nông nghiệp theo quy định.

          Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quý Cử, Giám đốc Ban quản lý dự án ĐTXD huyện Văn Giang cho hay, thực tế có sự việc đơn vị giao khoán cho các hộ dân, cán bộ, nhân viên để sản xuất nông nghiệp, nộp sản. Tuy nhiên, khi xem xét các quy định pháp luật qua từng thời kỳ thì nhận thấy đơn vị không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt… Vì vậy, đối chiếu với các quy định pháp luật về đền bù, hỗ trợ thì lại đang có sự “lệch pha” giữa thực tiễn và pháp luật, khiến đơn vị phải báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết những kiến nghị của người dân.       

Các hộ dân đề nghị thực hiện theo đúng tinh thần thông báo 920 của Tỉnh ủy Hưng Yên.

          Để giải quyết những vấn đề liên quan đến dự án Vành đai 4, trong thông báo số 10 - TB/BCĐ, ngày 10/10/2023, Ban chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 - 2025 đã đề ra nhiệm vụ: Khẩn trương xử lý dứt điểm thu hồi đất giao cho Trạm thực nghiệm, Viện di truyền - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu vướng mắc vượt thẩm quyền của địa phương thì phải báo cáo ngay Ban chỉ đạo Dự án đường Vành đai 4, Thủ tướng Chính phủ để xử lý, chỉ đạo./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận