Kiểm soát sự 'nở rộ' của các mô hình tự quản về an ninh trật tự ở Bình Dương

Theo đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương, qua giám sát cho thấy, không phải mô hình tự quản về an ninh trật tự nào cũng hiệu quả.

 

Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương vừa có đợt giám sát về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc “nở rộ” mô hình tự quản về an ninh trật tự ở các địa phương được nhiều đại biểu đặt vấn đề, liệu số lượng nhiều có thật sự hiệu quả?

Quá nhiều mô hình

Thời gian qua, Công an tỉnh Bình Dương xây dựng mô hình “Câu lạc bộ phòng chống tội phạm” ở 91/91 xã, phường, thị trấn với 3.430 thành viên; Mô hình “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy” được thành lập ở 14 khu dân cư, khu nhà ở cao tầng. Công an tỉnh Bình Dương đang duy trì mô hình “Đội công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự trong doanh nghiệp” với 1.021 đội, gần 20.000 thành viên...

Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương giám sát mô hình “Tổ xe ba gác chữa cháy lưu động” ở phường Uyên Hưng, TP. Tân Uyên (ảnh: TL).

Trong các mô hình trên, có 2 mô hình được Bộ Công an thông báo học tập kinh nghiệm trên toàn quốc là “Khu dân cư an toàn về an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy” và “Đội Công nhân xung kích tự quản về an ninh trật tự trong doanh nghiệp”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương cũng có mô hình “Mặt trận Tổ quốc tham gia phòng, chống tội phạm ma túy”, “Câu lạc bộ chủ nhà trọ tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự”; Câu lạc bộ phụ nữ quản lý người thân trong gia đình không phạm tội, không vi phạm tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội”... với hàng chục ngàn thành viên.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương cũng có 381 mô hình, câu lạc bộ "Địa chỉ tin cậy” "Phụ nữ với pháp luật”, “Không bạo lực gia đình, không trẻ em bị xâm hại, không phụ nữ và trẻ em bị bỏ rơi”... Bên cạnh đó, từ huyện xuống khu phố, ấp ở Bình Dương cũng có các mô hình riêng.

Theo đại biểu HĐND tỉnh Bình Dương, nếu các mô hình đều hoạt động thực chất sẽ đóng góp rất nhiều cho việc bảo vệ an ninh tổ quốc, trật tự xã hội. Thế nhưng, qua giám sát cho thấy, không phải mô hình nào cũng hiệu quả.

Ông Đậu Đức Cường, Phó Ban pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương dẫn chứng, ở TP. Dĩ An có 42 mô hình nhưng cần đánh giá lại hiệu quả của từng mô hình.

"Mô hình loa phát thanh di động hình thành từ năm 2014, đến nay vẫn còn hoạt động tới 30 thành viên. Tuy nhiên khi hỏi lại thì chỉ phát huy hiệu quả duy nhất ở đợt dịch COVID-19, chạy vòng vòng thông báo cho bà con. Gần 10 năm chỉ phát huy hiệu quả đợt dịch COVID-19 vừa rồi. Vậy có nên đưa vào mô hình bảo vệ an ninh điển hình, nhân rộng hay không thì cần phải đánh giá lại”, ông Đậu Đức Cường cho biết.

Cần rà soát, đánh giá lại

Các thành viên Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương đặt vấn đề, các mô hình tự quản về an ninh trật tự cần xem xét kiện toàn lực lượng, tránh bị trùng lặp khi một người làm nhiều “vai”; đánh giá lại hoạt động của các mô hình để tránh chạy theo số lượng mà “quên” chất lượng.

Đoàn công tác giám sát các mô hình PCCC ở cấp phường (ảnh: TL).

Đại diện Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, việc “nở rộ” các mô hình là do cơ sở, địa phương hiểu nhầm chỉ đạo của tỉnh.

Theo yêu cầu, mỗi năm địa phương xây dựng mới một mô hình, hoặc nhân rộng mô hình hiệu quả. Ví dụ như TP.Tân Uyên có mô hình “Tổ xe ba gác chữa cháy lưu động” ở phường Uyên Hưng hoạt động hiệu quả thì chỉ cần nhân rộng ra các địa phương khác trong thành phố chứ không cần xây dựng thêm mô hình mới.

Đoàn giám sát của Ban pháp chế HĐND tỉnh Bình Dương làm việc với TP. Thuận An về các mô hình bảo đảm an ninh trật tự (ảnh: LA).

Trung tá Nguyễn Chí Thanh, Đội trưởng Đội phong trào Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, Công an tỉnh Bình Dương cho rằng, để khắc phục tình trạng này, đơn vị đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh có văn bản của Ban chỉ đạo 138 của tỉnh do Trưởng ban ký hướng dẫn việc thành lập mô hình về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Trong văn bản hướng dẫn rõ các bước tiến hành xây dựng mô hình, nội dung... Qua một năm thực hiện, Công an tỉnh đang xem xét vấn đề này để tránh việc chạy theo thành tích về mô hình.

Theo HĐND tỉnh, việc có quá nhiều mô hình cũng gây khó khăn trong việc xây dựng, ban hành chính sách chế độ cho các thành viên. Thường trực HĐND tỉnh Bình Dương đề nghị, trong phần kiến nghị của Ban Pháp chế HĐND tỉnh cho chuyên đề giám sát cần phân tích rõ, có những kiến nghị cụ thể liên quan đến việc giải quyết, nâng cao chất lượng mô hình. Mô hình nào chỉ mang tính hình thức thì dẹp bỏ, đối với các mô hình hoạt động hiệu quả thì đề xuất chính sách để khích lệ.

Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương đề nghị cần tính toán, cải tiến để nâng cao chất lượng các mô hình (ảnh: TL).

Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, những chính sách này đều là những chính sách đặc thù. Đã là đặc thù thì mất ít nhất 4 tháng để làm chính sách. Đến thời điểm này chưa có gì, vì vậy đến kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh chưa ban hành chính sách cho những đối tượng trên, cũng như chế độ chính sách cho các mô hình.

"Tôi cũng đề nghị cần tính toán, cải tiến để nâng cao chất lượng các mô hình”, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận