UBND quận Bắc Từ Liêm chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật

Viết tiếp bài: Lấy đất làm đường, nhiều gia đình ra đường ở?

 

Trong số báo 42, ra ngày 19/10/2023, Báo TNVN có bài phản ánh UBND quận Bắc Từ Liêm thực hiện việc đền bù, hỗ trợ chưa thỏa đáng khi thu hồi đất mà người dân đang quản lý, sử dụng ở phường Cổ Nhuế 2 để thực hiện dự án đường Tây Thăng Long.

Về vấn đề này, luật sư Đỗ Văn Nhặn, Công ty Luật TNHH một thành viên Tín Đạt, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho rằng, UBND quận Bắc Từ Liêm chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi.

Quyết định của UBND quận Bắc Từ Liêm khiến hơn 50 hộ dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn.

Nhiều nội dung chưa đúng

Như đã phản ánh, theo phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của UBND quận Bắc Từ Liêm đối với các hộ dân trong diện di dời để thực hiện dự án đường Tây Thăng Long không được bồi thường về nhà, đất ở, các hộ dân chỉ được hỗ trợ di dời với số tiền từ 15 - 45 triệu đồng, tùy theo từng hộ. Chỉ có 2 hộ được phê duyệt xuất mua nhà tái định cư. Lý do mà UBND quận Bắc Từ Liêm phê duyệt phương án bồi thường 0 đồng đối với các hộ dân nêu trên là vì “diện tích đất thu hồi có nguồn gốc thuỷ lợi” do UBND xã Cổ Nhuế, nay là phường Cổ Nhuế 2 quản lý. Quyết định này của UBND quận Bắc Từ Liêm đã khiến hơn 50 hộ dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nhiều hộ dân có thể sẽ phải “ra đường ở” sau khi bị thu hồi đất.

Trao đổi với phóng viên Báo TNVN, luật sư Đỗ Văn Nhặn cho rằng, UBND quận Bắc Từ Liêm chưa xác định đúng nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, bởi tại các quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, UBND quận Bắc Từ Liêm xác định đất thu hồi có nguồn gốc là đất thủy lợi (đất bờ đê sông Nhuệ) do UBND xã Cổ Nhuế (nay là UBND phường Cổ Nhuế 2) quản lý, Xí nghiệp Thủy nông sông Nhuệ là đơn vị khai thác và bảo vệ công trình, là không đúng.

Theo đó, tại thời điểm người dân khai hoang, sử dụng đất từ quý 4 năm 1992 (sau khi Trường Đại học Mỏ - Địa chất đào đất làm gạch, bỏ lại thùng vũng hoang hóa), phía bờ tây sông Nhuệ đoạn từ cống Liên Mạc đến Cầu Noi không có đê, chưa có đường đi ven sông; cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi sông Nhuệ; không có văn bản nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất cho Xí nghiệp thủy nông Sông Nhuệ quản lý, sử dụng đất.

Khi đó, pháp luật quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi như sau: Điểm đ, Điều 18, Điều lệ quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thủy nông, ban hành kèm theo Nghị định số 141-CP ngày 26/9/1963 của Hội đồng Chính phủ quy định: “Cấm xây dựng nhà cửa, kho tàng, lấy đất, đào ao, đào giếng, trồng cây có rễ dài trong phạm vi 30m cách chân các kênh nổi và 10m cách chân các kênh chìm. Việc trồng trọt các loại cây khác thích hợp với việc bảo vệ kênh mương, trong phạm vi an toàn nói trên phải được Ban Quản trị nông giang cho phép”.

Căn cứ quy định trên và thực trạng quản lý đất ven sông Nhuệ tại thời điểm năm 1992, đủ cơ sở khẳng định: diện tích đất thu hồi nằm trong phạm vi 10m tính từ mép bờ trên cùng của sông Nhuệ vào phía trong nội đồng là đất có nguồn gốc đất thủy lợi; diện tích đất nằm ngoài phạm vi 10m tính từ mép bờ trên cùng của sông Nhuệ vào phía trong nội đồng (nay là khu dân cư) không thuộc phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi Sông Nhuệ, không phải đất có nguồn gốc đất thủy lợi.

Cũng theo luật sư Nhặn, các hộ dân sử dụng đất liên tục, ổn định từ quý 4 năm 1992, đất không tranh chấp, đã kê khai nộp thuế nhà đất. Chi cục Thuế huyện Từ Liêm đã truy thu thuế nhà đất của dân từ quý 4 năm 1992 (có Biên lai thu thuế nhà, đất). Căn cứ quy định tại Điều 3; Khoản 1, Điểm a; Điều 21, Khoản 2, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ, đủ cơ sở xác định đất thu hồi của dân tại Tổ dân phố số 1, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội bị thu hồi là đất ở, nếu không có dự án đường Tây Thăng Long thì có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định. Đủ cơ sở xác định toàn bộ diện tích đất nằm ngoài phạm vi 10m tính từ mép bờ trên cùng của sông Nhuệ trở vào phía nội đồng được bồi thường về đất khi nhà nước thu hồi.

“UBND quận Bắc Từ Liêm chưa xác định đúng nguồn gốc, quá trình sử dụng đất; cho rằng đất thu hồi của dân có nguồn gốc đất thủy lợi, không đủ điều kiện bồi thường, là không đúng quy định của pháp luật. Từ đó đã dẫn đến việc áp chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa đúng”, luật sư Đỗ Văn Nhặn nhận định.

Phía bờ tây sông Nhuệ không có đê.

Phải đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân

“Tôi nhận thấy trong vụ việc này, các các cơ quan hữu quan (phường, quận) chưa lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng chính đáng của dân; chưa thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước trong việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi, chưa đảm bảo an sinh xã hội. Để tạo sự đồng thuận của người có đất bị thu hồi, các cơ quan hữu quan cần tiếp tục đối thoại với dân; rà soát lại nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, xác định loại đất thu hồi; rà soát lại căn cứ pháp lý bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người bị thu hồi đất, đảm bảo an sinh xã hội”, luật sư Đỗ Văn Nhặn nêu ý kiến.

Khoản 2, Điều 79, Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở phải di chuyển chỗ ở mà không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất”.

Khoản 4, Điều 6, Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định: “Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở; giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định”.

Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất… nêu: “Việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”./.

“Việc cơ quan chức năng không xét cho người bị thu hồi đất được tái định cư trong khi nhà đất bị thu hồi là nơi ở duy nhất, là trái đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, chưa đảm bảo an sinh xã hội cho người có đất bị thu hồi. Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm thuộc về UBND phường Cổ Nhuế 2, các phòng, ban liên quan, UBND quận Bắc Từ Liêm”. Luật sư Đỗ Văn Nhặn

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận