Chợ Phú Gia,Tây Hồ, Hà Nội: Thu tiền tỷ nhưng không xuất hóa đơn, chứng từ?

Nhiều tiểu thương kinh doanh, buôn bán tại chợ Phú Gia (Phú Thượng, Tây Hồ, TP Hà Nội) bức xúc vì Ban quản lý Tổ chợ Phú Gia yêu cầu phải đóng khoản tiền lớn để có được sạp hàng kinh doanh tại chợ. Tuy nhiên, tiền đã nộp nhưng không có hóa đơn/phiếu thu và nỗi lo 'bị đuổi' khi hết hợp đồng đang cận kề.

 

Thu tiền không có hóa đơn/phiếu thu

Báo Tiếng nói Việt Nam (Báo VOV) nhận được đơn phản ánh của nhiều tiểu thương hiện đang kinh doanh, buôn bán tại chợ Phú Gia (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) với nội dung: Tháng 01/2021, Ban Quản lý chợ Phú Gia có kế hoạch sửa chữa, cải tạo bằng hình thức san nền bê tông có cao độ 5cm, lợp mái tôn lạnh để che mưa, nắng cho các tiểu thương đang buôn bán tại chợ. Tuy nhiên, Ban Quản lý chợ Phú Gia đã không tổ chức họp và thông báo cho các tiểu thương trong Chợ biết về việc sửa chữa, cải tạo lại chợ Phú Gia. Vì vậy, các hộ kinh doanh hoàn toàn bị động về việc này, không được biết về chủ trương, tiến độ thi công, giá thành vật tư và vật tư được phê duyệt. Chúng tôi không biết việc thi công có được lập dự án, được xin phép, duyệt thiết kế thi công hay không nên đã không có sự chuẩn bị để hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, buôn bán.

Chợ Phú Gia  Phú Thượng, Tây Hồ, TP Hà Nội

Sau đó, Ban Quản lý chợ Phú Gia thông báo cho các tiểu thương đóng tiền, từng người vào phòng làm việc để đóng tiền. Theo các tiểu thương, việc đóng tiền không có thông báo trước bằng văn bản, ghi rõ lý do đóng vì mục đích gì, không công khai, niêm yết lấy ý kiến tiểu thương, cũng không có định mức chung cụ thể.

Đầu năm 2022, Ban Quản lý chợ tiếp tục đưa ra lý do lợp mái tôn tại các sạp hàng và yêu cầu chúng tôi phải nộp số tiền lớn cho Ban Quản lý chợ, nhưng số tiền này  cũng không có định mức chung cụ thể. Chúng tôi thấy việc làm thiếu tôn trọng, có dấu hiệu khuất tất, không minh bạch tài chính nên yêu cầu đối chất. Tuy nhiên, phía Ban Quản lý chợ đã dọa những ai không đóng tiền thì sẽ bị cưỡng chế không được kinh doanh, buôn bán tại chợ. Chúng tôi cảm thấy đã bị đưa vào “thế” phải lựa chọn hoặc là đóng tiền, hoặc là bị đuổi khỏi chợ. Vì vậy, không còn cách nào khác ngoài phục tùng và ngậm ngùi đóng số tiền lớn cho cán bộ thuộc Ban Quản lý chợ Phú Gia.

Các sạp hàng trong chợ

Bà Đ.T.A một tiểu thương kinh doanh tại chợ cho biết, khi hoàn công, Ban quản lý chợ mới thông báo và yêu cầu chúng tôi đóng một khoản tiền lớn để có sạp hàng kinh doanh tại chợ. Điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng tiểu thương, không được tham gia họp bàn về tiến độ thi công, giá thành vật tư… mà yêu cầu nộp tiền trong khi không có hóa đơn/ phiếu thu để chứng minh việc tiểu thương đã thực hiện thanh toán, đồng thời, cũng không biết số tiền lớn thu từ tiểu thương được dùng vào mục đích gì? Có được hạch toán đầy đủ để nộp thuế theo quy định vào ngân sách Nhà nước hay không?

“Nhận thấy có dấu hiệu khuất tất, không minh bạch nên chúng tôi đã yêu cầu Ban Quản lý chợ đối chất và đề nghị xuất hóa đơn/ phiếu thu để đảm bảo có căn cứ đối chứng khi phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên, Ban Quản lý chợ đã vẫn tiếp tục thu và không xuất hóa đơn/phiếu thu cho tiểu thương”, bà Đ.T.A bức xúc chia sẻ.

Có đảm bảo công khai, minh bạch?

Theo thông tin mà các bà con tiểu thương tại chợ Phú Gia cho biết, mức thu các sạp hàng cụ thể như sau: Dãy số 01 gồm 5 sạp, giá 135.000.000 đồng/sạp (tương đương 675.000.000 đồng); dãy số 02 gồm 18 sạp, giá 30.000.000 đồng/sạp (540.000.000 đồng); dãy số 4 gồm 33 sạp, giá 25.000.000 đồng/sạp (825.000.000 đồng); dãy số 5 gồm 03 mức giá: 14 sạp, giá 40.000.000 đồng/sạp (560.000.000 đồng), 8 sạp giá 25.000.000 đồng/sạp (200.000.000 đồng), đặc biệt, bãi trông giữ phương tiện “biến tướng” thành 32 sạp, có giá 40.000.000 đồng/sạp (1.280.000.000 đồng)… như vậy, tạm tính số tiền Ban Quản lý chợ đã thu lên tới nhiều tỷ đồng.

Vị trí bãi xe đã trước và sau khi được cải tạo thành các sạp hàng

Bà N.T.L cho hay,  sau khi đóng số tiền trên, chúng tôi nghĩ sẽ được tự do buôn bán trong diện tích mà mình đã bỏ tiền ra đóng, nhưng Bản Quản lý chợ vẫn tiếp tục thu các khoản khác như phí, lệ phí… liên quan theo quy định tại chợ. Đặc biệt, chúng tôi cũng thường xuyên yêu cầu Ban Quản lý chợ phải viết phiếu thu/xuất hóa đơn còn với số tiền trên 20.000.000 đồng thì phải soạn hợp đồng theo quy định pháp luật, để ghi nhận việc đã đóng tiền nhằm xây dựng cơ sở vật chất tại chợ, tạo môi trường buôn bán khang trang, sạch đẹp, nhưng mỗi lần gọi điện yêu cầu đều bị từ chối. Chúng tôi cho rằng số tiền Ban Quản lý chợ Phú Gia thu của các hộ kinh doanh không được dùng vào đầu tư cơ sở vật chất của chợ, vì được biết UBND quận Tây Hồ đã chi tiền để sửa chữa, cải tạo lại một số hạng mục tại chợ. Do đó, nghi vấn Ban Quản lý chợ thu của chúng tôi rồi đút túi riêng, phục vụ lợi ích nhóm, không nộp vào sổ sách kê toán của của Ban Quản lý chợ Tây Hồ để làm cơ sở thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Ngoài ra, theo phản ánh của bà L.T.T hiện, một số cán bộ, nhân viên trong Ban Quản lý chợ một số chuyển đơn vị khác, một số đã nghỉ hưu… Ban Quản lý mới của chợ sau khi về cho biết sẽ sắp xếp lại các vị trí các sạp hàng và yêu cầu các hộ kinh doanh tiếp tục đóng tiền nếu không sẽ dừng hợp đồng.

Cũng theo phản ánh của các tiểu thương, việc bãi xe trong chợ được cải tạo thành các sạp hàng khiến tiểu thương, cá nhân ra vào chợ không có chỗ đỗ xe, thường xuyên phải tận dụng chỗ trống để đỗ, hoặc phải đỗ xe ngoài tường bao của chợ Phú Gia. Ngoài ra, việc tận dụng các vị trí trống để thiết kế sạp hàng khiến không gian chợ bị thu hẹp, tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo phòng cháy chữa cháy tại chợ. Nhiều tiểu thương đặt câu hỏi, việc cải tạo bãi xe thành các sạp hàng có đúng thiết kế ban đầu của chợ không, việc yêu cầu đóng tiền có đúng pháp luật không? Số tiền thu được sử dụng vào mục đích gì? Có bỏ ngoài sổ sách kế toán hay không?

Để có thông tin đa chiều, khách quan phóng viên đã liên hệ với bà Lý Thị Hồng Vân nguyên là tổ phó Ban Quản lý chợ. Trao đổi với phóng viên bà Vân cho biết, thực tế Ban Quản lý chợ và tổ chợ thu gì đều có giấy tờ đàng hoàng hết, không bao giờ thu quá hay làm bất cứ cái gì mà không nhận được sự đồng ý của các tiểu thương. Bởi theo bà Vân “để móc tiền trong túi của người ta rất khó. Phải được sự đồng ý của người ta, tự nguyện làm đơn, chữ ký vẫn nằm ở đây nó không đi đâu được cả”.

Khi phóng viên hỏi về việc theo phản ánh của các tiểu thương số tiền mà Ban Quản lý chợ thu nhưng không có hóa đơn chứng từ thì bà Vân cho rằng: “Cái này là xã hội hóa, dân và Nhà nước cùng làm nên không có hóa đơn chứng từ hay phiếu thu gì cả.” Phóng viên tiếp tục hỏi về mức thu mỗi mét vuông bao nhiêu tiền và mỗi hộ phải đóng bao nhiêu tiền thì bà Vân cho biết do lâu rồi nên bà không thể nhớ được.

Các sạp hàng trong chợ

Để có thêm thông tin, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Đình Khuyến, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ để xác minh vụ việc. Ông Khuyến cho biết vụ việc đã được công an kết luận không có dấu hiệu của tội phạm và vụ việc đã được khép lại.

Như vậy, phản ánh của bà con tiểu thương chợ Phú Gia về việc thu tiền không có hóa đơn, chứng từ, không có phiếu thu là đúng sự thật. Nếu nhẩm tính với mức thu thấp nhất là 25.000.000 đồng/sạp, hơn 100 sạp ở chợ này thì số tiền mà Ban Quản lý chợ đã thu lên đến cả tỷ đồng. Đây là số tiền không nhỏ, nhưng việc thu chi lại không có hóa đơn chứng từ hay phiếu thu nên các tiểu thương nghi ngờ có dấu hiệu khuất tất, không minh bạch cũng là điều dễ hiểu. Đề nghị UBND quận Tây Hồ, Chi cục thuế quận Tây Hồ vào cuộc làm rõ hành vi thu tiền không có hóa đơn, chứng từ, không có phiếu thu của Ban Quản lý chợ Phú Gia.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận