Lật tẩy chiêu trò lừa đảo vay tiền, tìm việc qua mạng

Năm 2022 đã có hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: Lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).

 

Lừa đảo tinh vi khiến nhiều người “sập bẫy”

Anh N.V.L (trú tại TP. Hồ Chí Minh) - một nạn nhân của lừa đảo cho vay tiền qua mạng chia sẻ, thời gian gần đây, mình có đăng kí hồ sơ vay tiền bên Shinhan, nhưng hồ sơ của mình đang trong quá trình chờ thẩm định. Vào một buổi sáng đẹp trời, anh N.V.L có nhận được cuộc gọi của số điện thoại 028...846 tự nhận mình là nhân viên bên ngân hàng MCREDIT, hiện thấy thông tin hồ sơ vay của mình trên hệ thống đang cần vay tiền, và mức hỗ trợ bên nó là 0,9%, mức vay thấp nhất là 40 triệu đồng và cao nhất là 250 triệu đồng, thời gian vay từ 12 - 24 và 36 tháng. Hồ sơ nhanh chóng, giải ngân nhanh trong ngày. Vì lần đầu đi vay nên anh N.V.L cũng không rành và cũng đang cần tiền nên đã quyết định đăng kí hồ sơ vay. Trong quá trình làm hồ sơ, nhân viên chăm sóc khách hàng chỉ rất tận tình. Sau 10 phút làm hồ sơ thì có tin nhắn báo đã nhận được tiền nhưng trong quá trình tiền đang chuyển về tài khoản của anh N.V.L thì lại báo lỗi nhập sai số tài khoản mặc dù mình nhớ anh này đã nhập đúng.

Ảnh chụp trao đổi tin nhắn của một nạn nhân bị lừa đảo cho vay tiền qua mạng.

Báo nhân viên thì được thông báo nhập sai thông tin nên phải sửa thông tin trên hệ thống rồi mới nhận được tiền. Nhưng muốn sửa thì phải nhờ uỷ ban giám sát gì đó đi sửa mới được và phải chuyển khoản 8 triệu đồng để bên đó sửa lại. Và sẽ được hoàn trả lại sau khi hồ sơ hoàn tất. Lúc đó anh N.V.L tin và đồng ý chuyển khoản. Một lúc sau, nhân viên lại báo là em nhập nội dung chuyển khoản sai, nên không cập nhật hồ sơ được và tiền vẫn đang bị đóng băng trên hệ thống. Nhân viên yêu cầu phải nộp tiếp 8 triệu đồng nữa để xử lí nhanh hơn. Do nhu cầu cần tiền gấp nên anh N.V.L tiếp tục chuyển tiếp 8 triệu đồng nữa. Sau khi chuyển tiền, anh N.V.L nhận được tin báo hồ sơ đã hoàn tất cần đợi tiền về. Nhưng hệ thống lại báo lỗi, yêu cầu phải kích hoạt bảo hiểm khoản vay thì tiền mới về được. Anh N.V.L có hỏi nhân viên chăm sóc khách hàng thì nhân viên yêu cầu gọi tổng đài 1900 633499 để được tư vấn. Anh N.V.L gọi điện thoại thì tổng đài cho biết: “Hiện khoản vay của mình đã vượt mức của bảo hiểm, do ban đầu mình được ưu đãi tặng bảo hiểm khoản vay, mà do mình làm lỗi sai nhiều lần nên đã bị liệt vào hồ sơ nguy hiểm, phải kích hoạt mã bảo hiểm khác, cao hơn với số tiền 18 triệu đồng thì mới lấy được tiền về”. Tá hỏa anh N.V.L kiểm tra lại hết từ đầu đến cuối các giao dịch và nhận ra giả tất cả. Giả địa chỉ công ty, căn cước công dân, số tài khoản ngân hàng và web cũng là giả.

Ảnh chụp trao đổi tin nhắn của một nạn nhân bị lừa đảo cho vay tiền qua mạng.

Không chỉ lừa đảo cho vay tiền mà thời gian gần đây, nhiều người còn bị lừa đảo mạo danh doanh nghiệp lớn tuyển dụng để chiếm đoạt tài sản với nhiều hình thức. Không ít người đã trở thành nạn nhân của hình thức lừa đảo này.

Mạo danh công ty có thể bị phạt tù từ 6 tháng - 3 năm

Trong vai người đi tìm việc làm thêm, phóng viên được rất nhiều ních giới thiệu là nhân viên của Coopmart, TH GROUP, FPT… đang có nhu cầu tuyển người nhập số liệu, thu nhập ổn định. Sau khi trao đổi với một người tự xưng là nhân viên của TH GROUP, người này yêu cầu phóng viên để lại số điện thoại sẽ có người gọi hướng dẫn. Để lại số điện thoại, phóng viên được một người ad zalo và giới thiệu là nhân viên của TH GROUP chi nhánh ở Huế và đề nghị ad phóng viên vào một nhóm 5 người đang có nhu cầu giống phóng viên để tiện hướng dẫn. Vào nhóm, người này tự xưng là nhân viên THGROUP, phóng viên hỏi TH GROUP có phải là Công ty cổ phần sữa TH không thì người này khẳng định là đúng và bắt đầu hướng dẫn tải phần mềm nhập liệu.

Ảnh chụp trao đổi tin nhắn của một nạn nhân bị lừa đảo cho vay tiền qua mạng.

Người này cho biết, người làm sẽ có thu nhập ổn định một ngày 200 nghìn đồng, tiền sẽ chuyển vào tài khoản của người làm ngay trong ngày. Nhưng đầu tiên là phải tải phần mềm do người này cung cấp và mở tài khoản qua phần mềm đó để phía công ty chuyển tiền vào, để kích hoạt tài khoản này người dùng phải nộp vào tài khoản đó 200 nghìn đồng, nếu sau này không làm nữa thì sẽ được hoàn lại tiền. Trong khi phóng viên đề nghị nhân viên tự xưng này chuyển cho xem 1 văn bản hay quyết định gì của phía công ty về việc tuyển dụng này thì 3 người còn lại vào bày tỏ thái độ không hài lòng với phóng viên và cho rằng số tiền kia chả đáng bao nhiêu và liên tục chụp gửi vào nhóm các ảnh đã tải phần mềm, đăng nhập phần mềm trên. Còn nhân viên tự xưng liên tục giục phóng viên tải và đăng nhập phần mềm trên để tiến hành kiếm tiền. Nhưng khi phóng viên cho biết, chờ xem 3 người kia làm thế nào, kết quả ra sao thì sẽ tải và đăng nhập thì ngay lập tức phóng viên bị kích khỏi nhóm.

Trước tình trạng bị lừa đảo này, mới đây Tập đoàn FPT đã phải phát đi cảnh báo hình thức mạo danh Tập đoàn FPT để lừa đảo tuyển dụng. Ông Chu Quang Huy, Giám đốc Nhân sự - Tập đoàn FPT cho biết: “Từ cuối năm 2022, chúng tôi đã nhận được thông tin các đối tượng lừa đảo mạo danh FPT đăng thông báo tuyển dụng lên các kênh thông tin đại chúng, sau đó thu tiền của ứng viên và chiếm đoạt khoản tiền này. Tập đoàn FPT đã đăng thông tin cảnh báo lên website FPT và các trang mạng xã hội của tập đoàn. Đến đầu tháng 4, các đối tượng lừa đảo tiếp tục sử dụng hình ảnh Tập đoàn FPT để đăng thông tin tuyển dụng. Qua đó, các đối tượng lợi dụng lòng tin của các ứng viên đối với FPT để có các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Những hình thức lừa đảo của các đối tượng này vô cùng tinh vi như: Hẹn gặp ứng viên ngay tại chân tòa nhà FPT Tower sau giờ hành chính để phỏng vấn; Nhắn tin tư vấn các vị trí FPT đang tuyển dụng trên các website việc làm để mời ứng viên ứng tuyển;  Gửi các đường dẫn (link, hướng dẫn ứng viên đăng nhập rồi nạp tiền làm nhiệm vụ... Thậm chí, có những đối tượng còn sử dụng hình ảnh giám đốc nhân sự tập đoàn và lãnh đạo các Công ty thành viên FPT để tăng thêm lòng tin cho các ứng viên tham gia phỏng vấn, đóng tiền trước khi đi làm…

Tập đoàn FPT và các Công ty thành viên (CTTV) bị các đối tượng mạo danh để lừa đảo tuyển dụng.

Theo các luật sư, các đối tượng mạo danh công ty lớn để lừa đảo đã vi phạm quy định về sử dụng mạng xã hội, trang thông tin điện tử. Căn cứ theo điểm a, khoản 1, khoản 3, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, đây là hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Trường hợp cấu thành tội phạm của tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Khoản 1, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), đối tượng chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa chỉ ra có 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Cụ thể như: Giả mạo thương hiệu các tổ chức Ngân hàng, cơ quan nhà nước, công ty tài chính, chứng khoán… để lừa đảo cho nạn nhân; Giả mạo các trang web/blog chính thống; Chiếm quyền sử dụng các tài khoản mạng xã hội; Các ứng dụng, quảng cáo tín dụng đen xuất hiện trên các trang web; Sử dụng số điện thoại (trong nước, nước ngoài, đầu số lạ…) giải danh cơ quan chức năng, công an, nhà mạng viễn thông… để tiến hành gọi điện thoại cho nạn nhân thông báo vi phạm pháp luật và yêu cầu chuyển khoản; Sử dụng số điện thoại đầu số lạ gọi điện cho nạn nhân, khi bắt máy nạn nhân sẽ bị trừ tiền trong tài khoản mà không hề hay biết.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận