Cần làm rõ vụ phá rừng ở Phú Quốc - Bài 4

Bài 4: Ký xác nhận và sự thật rừng đặc dụng bị tàn phá.

 

Liên quan đến vụ việc phá rừng ở Phú Quốc, Báo TNVN đăng tải loạt bài "Cần làm rõ vụ phá rừng tại Phú Quốc: Bài 1: Cận cảnh phá rừng ngay cạnh phòng quản lý rừng; Bài 2: “Lời tự thú” của kẻ phá rừng; Bài 3: Ai đứng sau 2 vụ phá rừng của Quốc gia?". Nội dung loạt bài phản ánh nhiều cây gỗ lớn hàng chục năm tuổi, có đường kính thân to bị đốn hạ nằm la liệt, rải rác cả một góc rừng, nhiều gốc cây bị đào bới bật lên khỏi mặt đất đang mang đi "tẩu tán". Điều bất thường, vị trí chặt phá rừng chỉ cách Trạm bảo vệ rừng thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Phú Quốc chưa đầy 300m đường chim bay.

Theo lời khai của ông Bạch Văn Lâm, ông này đã thỏa thuận mua  07 cây gỗ nằm trong sổ đỏ trên đất vườn của ông Trương Duy Công với giá 130 triệu đồng. Sau đó, ông Lâm cầm lá đơn có chữ ký của vợ chồng ông Trương Duy Công và bà Vũ Thị Sử (vợ ông Công) cùng với bảng kê lâm sản 07 cây gỗ, Giấy CNQSDĐ, CMND đều mang tên vợ chồng ông Công gửi Hạt kiểm lâm TP. Phú Quốc xin khai thác, vận chuyển về xã Hàm Ninh - TP. Phú Quốc để sử dụng.

Ngày 26/10/2022, ông  Bùi Vũ Hoàng Liêm, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Cửa Dương thuộc cơ quan Hạt kiểm lâm TP. Phú Quốc đã đi cùng ông Lâm đến kiểm tra vị trí 07 cây gỗ xin khai thác. Ngày 02/11/2022, ông Nguyễn Hồng Chiến, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP. Phú Quốc xác nhận vào bảng kê lâm sản, đồng ý cho khai thác, vận chuyển 07 cây gỗ này.

Có trong tay xác nhận của Hạt kiểm lâm TP. Phú Quốc, ngày 04/11/2022, ông Bạch Văn Lâm thuê người, máy cưa và đưa máy cuốc bánh xích đến khu rừng chặt hạ. Khi đang khai thác và vận chuyển gỗ thì bị người dân phát hiện, điện báo cho cán bộ Hạt kiểm lâm và đội bảo vệ rừng VQG. Thấy bị phát hiện, những kẻ phá rừng đã bỏ chạy, dời khỏi hiện trường cùng với máy móc và xe cơ giới.

Từ việc người dân tố giác lâm tặc, Hạt kiểm lâm VQG Phú Quốc phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra công an TP Phú Quốc, Viện kiểm sát nhân dân TP Phú Quốc, Chi cục kiểm lâm, Hạt kiểm lâm TP Phú Quốc, VQG Phú Quốc… đã tiến hành tổ chức khám nghiệm hiện trường.

Kết quả khám nghiệm cho thấy, vị trí khu vực rừng bị khai thác ban đầu được xác định tại tiểu khu 66, rừng đặc dụng thuộc ấp Suối Cát, xã Cửa Dương, TP Phú Quốc. Đặc điểm hiện trường là khu vực có cây rừng tự nhiên, trên nền đất có nhiều dấu vết của máy đào bánh xích, cây rừng tự nhiên đã bị cưa hạ, một số thân cây gỗ lớn còn tại hiện trường, một số gốc cây bị đào lên khỏi mặt đất.

Tổng diện tích khám nghiệm hiện trường là 10.343,7 m2, được chia thành 2 khu vực: Khu vực 1 là diện tích cây rừng bị khai thác, có diện tích 4.514,2 m2, ban đầu xác định tại tiểu khu 66, rừng đặc dụng. Khu vực 2 là thửa đất có diện tích 5.829,5 m2, được xác định là đất đã có GCNQSDĐ mà UBND huyện Phú Quốc đã cấp cho ông Trương Duy Công và bà Vũ Thị Sử.

Điều đáng nói, khoảng cách xa nhất giữa hai khu vực là 170 mét, khoảng cách gần nhất giữa hai khu vực là 19,8 mét.

Ông Nguyễn Hồng Chiến, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP Phú Quốc, cho biết: "Anh Bùi Vũ Hoàng Liêm được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi, phát hiện và báo cáo xử lý những sai phạm xảy ra trên địa bàn xã Cửa Dương. Khi anh Liêm nhận được đơn (xin chặt hạ 7 cây gỗ trên đất vườn mà ông Lâm mua của ông Công) đã làm đúng quy trình nên tôi mới ký xác nhận".

Ông Chiến cũng cho biết thêm: "Về quy trình, khi nhận đơn của ông Lâm, cán bộ Hạt kiểm lâm phải kết hợp với cán bộ địa chính của UBND xã Cửa Dương. Nếu có nghi vấn phạm vào đất rừng VQG thì phải có thêm cả cán bộ Hạt Kiểm lâm VQG và cán bộ bảo vệ rừng thuộc VQG quản lý cùng đến tại thực địa xem xét, kiểm tra, xác định vị trí các cây gỗ. Như vậy, quy trình này phải được cả 03 bên thực hiện: Thẩm định, xem xét, xác định vị trí 7 cây gỗ là có thật nằm trong sổ đỏ đã cấp cho ông Công hay không? Và phải có biên bản 3 bên cùng ký xác nhận mới trình lên lãnh đạo Hạt kiểm lâm để xin ký duyệt". Ông Nguyễn Hồng Chiến khẳng định trước ống kính ghi hình của phóng viên Báo TNVN rằng: "Lãnh đạo Hạt kiểm lâm TP. Phú Quốc cùng anh Bùi Vũ Hoàng Liêm thực hiện đầy đủ và đúng quy trình".

Trái ngược với những thông tin mà ông Chiến đã cung cấp, trong bản tường trình của ông Bùi Vũ Hoàng Liêm thì ông này lại thừa nhận về quá trình kiểm tra và tham mưu xác nhận đơn xin khai thác về 07 cây gỗ là không phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng (VQG Phú Quốc) và ông Trương Duy Công để kiểm tra, xác định vị trí cây xin khai thác. Việc kiểm tra, ông Liêm làm theo sự chỉ dẫn của ông Bạch Văn Lâm. Ông Liêm cũng thừa nhận việc kiểm tra, tham mưu đối với hồ sơ vụ 07 cây gỗ này là không phù hợp đúng quy định.

Cũng trong buổi làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Hồng Chiến cố tình đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, rồi lý giải: Theo Thông tư 27, phía ông Công và ông Lâm xin khai thác, vận chuyển cây trong vườn nhà của mình thì phải có nghĩa vụ trung thực khi khai báo "bảng kê" vị trí cây, số lượng và chủng loại cây, khối lượng là bao nhiêu m3, khai thác tại đâu và vận chuyển đi đâu để kiểm lâm biết gỗ có nguồn gốc không bị bắt giữ khi vận chuyển. Nếu người dân khai báo không đúng mà sai sự thật thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn việc xác định, xét đơn của ông Lâm, anh Liêm là cán bộ kiểm lâm phải có trách nhiệm đi xem cụ thể như thế nào, cần phối hợp với cán bộ địa phương. Anh Liêm không làm tròn nhiệm vụ là do anh ấy, không lẽ tôi lại làm thay cả cấp dưới à, đã phân cấp rõ ràng trách nhiệm cụ thể của từng người rồi?

Trả lời câu hỏi của phóng viên, vì sao ông và cả anh Liêm bị tạm đình chỉ công tác, kỷ luật, ông Chiến buồn bã cúi mặt, rồi nói: "Bao nhiêu năm công tác không để xảy ra việc gì. Một chén nước trà cũng không được. Tin anh em cấp dưới, tôi mới ký. Cuối năm vừa rồi, tôi bị kỷ luật khiển trách, không được xét thi đua. Còn anh Liêm bị kỷ luật cảnh cáo. Giờ không được làm ở đó nữa, anh ấy chuyển về làm cán bộ đội công tác đặc biệt thuộc Hạt kiểm lâm VQG".

Liên quan đến thông tin kiểm lâm ký duyệt cho phép chặt hạ 7 cây, nhưng ông Lâm chặt hạ 13 cây, ông Chiến khẳng định, sau khi kiểm tra ban đầu mới xác định chặt có 9 cây, khối lượng thu giữ là hơn 23 khối gỗ tròn. Số gỗ còn lại ông Chiến cho biết: "Theo nguồn tin, họ đã chuyển lên xe tải rồi chuyển về đất liền nên không rõ bán cho ai. Việc này cơ quan điều tra sẽ làm rõ”.

Ông Chiến cũng thừa nhận, toàn bộ số cây ông Lâm khai thác không nằm trong đất sổ đỏ mua của ông Công. Mảnh đất sổ đỏ của ông Công cũng nằm cách xa vị trí ông Lâm khai thác gỗ trái phép.

Sự vào cuộc của cơ quan chức năng TP Phú Quốc đã phát lộ ra sự thật, từ việc Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm TP. Phú Quốc xác nhận vào bảng kê lâm sản, ông Bạch Văn Lâm đã tiến hành thuê người, máy móc để tiến hành đốn hạ cây, hàng nghìn mét vuông rừng đặc dụng bị tàn phá. Việc làm rõ trách nhiệm của kiểm lâm, ông Bạch Văn Lâm và những người trực tiếp phá rừng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật là điều mà dư luận đang quan tâm./.

 

Nhóm phóng viên Báo TNVN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận