Cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh ép doanh nghiệp 'chung chi' như thế nào?

3 bị can thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh tạo thành lợi ích nhóm, yêu cầu doanh nghiệp tham gia chuyến bay giải cứu chi tới 200 triệu đồng/chuyến bay.

 

Theo kết luận điều tra của cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vụ “chuyến bay giải cứu”, thực hiện chủ trương đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch COVID-19, Bộ Công an ủy quyền cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh (QLXNC) tiếp nhận xem xét, đề xuất cho ý kiến về việc phê duyệt hoặc không phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay của Bộ Ngoại giao.

Tháng 6/2021, Cục QLXNC phân công Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm duyệt, ký các văn bản trả lời Bộ Ngoại giao cho ý kiến về kế hoạch tổ chức chuyến bay combo; Phòng Tham mưu được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện việc tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản để bị can Trần Văn Dự duyệt, ký.

Bị can Trần Văn Dự (trái) và Vũ Anh Tuấn (phải).

Tại Phòng Tham mưu, bị can Vũ Anh Tuấn với chức năng, nhiệm vụ là Phó Trưởng phòng, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban chỉ đạo đã chỉ đạo bị can Vũ Sỹ Cường (thành viên Tổ tham mưu) nghiên cứu, đề xuất và soạn thảo văn bản trình bị can Vũ Anh Tuấn duyệt, ký nháy trước khi trình bị can Trần Văn Dự ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, 3 cá nhân thuộc Cục QLXNC tạo thành lợi ích nhóm, trong đó Vũ Anh Tuấn là người trực tiếp liên hệ yêu cầu và thỏa thuận với các đại diện doanh nghiệp tham gia chuyến bay với chi phí từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng/chuyến bay hoặc phải chi phí 500.000 - 1,5 triệu đồng/khách, tùy từng thời điểm để được Cục QLXNC chấp thuận đề nghị của Bộ Ngoại giao về chuyến bay.

Trường hợp doanh nghiệp không đồng ý theo yêu cầu, Vũ Anh Tuấn sẽ gây khó dễ qua việc Cục QLXNC không chấp thuận hoặc trả lời sát ngày doanh nghiệp tổ chức chuyến bay, buộc doanh nghiệp phải đưa hối lộ cho các cá nhân này.

Không những thế, Vũ Anh Tuấn còn phối hợp với Phạm Trung Kiên (Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) yêu cầu, gợi ý chỉ dẫn cho doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên để được Bộ Y tế trả lời nhanh.

Trong việc nhận hối lộ của các doanh nghiệp, nhiều trường hợp Vũ Anh Tuấn trực tiếp nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp hoặc chỉ đạo Vũ Sỹ Cường nhận tiền hối lộ mà không báo cáo bị can Trần Văn Dự.

Trong số các doanh nghiệp phải chi tiền để được "tạo điều kiện", kết luận điều tra chỉ ra, cuối tháng 6/2021, bị can Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife đã mượn pháp nhân Công ty Thắng Lợi, Công ty Nam và Công ty Quang Trung nộp hồ sơ xin tổ chức chuyến bay combo.

Tuy nhiên, với mục đích gây khó khăn cho doanh nghiệp, khi Cục QLXNC nhận được văn bản xin ý kiến của Bộ Ngoại giao, bị can Tuấn đã đề xuất bị can Dự ký văn bản chưa chấp thuận cấp phép chuyến bay combo. Việc làm này của Tuấn khiến Trần Thị Mai Xa phải liên hệ với Vũ Sỹ Cường đặt vấn đề nhờ giúp đỡ, bị can Cường báo cáo và được Tuấn chỉ đạo, yêu cầu bị can Xa phải chi 1 triệu đồng/khách và 10.000 USD/chuyến bay mới được chấp thuận cấp phép.

Bị can Xa sau đó phải chi 20.000USD (khoảng 463 triệu đồng). Số tiền này, ông Tuấn giữ lại 9.000 USD và chia cho Cường 11.000USD.

Sau lần trót lọt này, ông Tuấn gọi trực tiếp bà Xa yêu cầu những lần xin cấp phép sau phải làm việc trực tiếp với mình, ra giá 200 triệu đồng/chuyến bay.

Đối với số tiền các bị can nhận hối lộ, Trần Văn Dự chỉ đạo Vũ Anh Tuấn tổng hợp để chia nhau, nhiều trường hợp Vũ Anh Tuấn nhận tiền hối lộ mà không báo cáo Trần Văn Dự và trao đổi Vũ Sỹ Cường. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp Trần Văn Dự, Vũ Anh Tuấn và Vũ Sỹ Cường trực tiếp trao đổi, thỏa thuận và nhận tiền riêng của đại diện doanh nghiệp mà không có sự trao đổi, thống nhất giữa ba bị can.

Theo kết luận, bị can Tuấn nhận tiền của doanh nghiệp nhiều nhất, 46 lần với tổng số 27,3 tỷ đồng, trong số này hưởng lợi 22,8 tỷ đồng, bị can Dự nhận hối lộ 7,6 tỷ đồng, bị can Cường nhận 9,3 tỷ.

Từ những sai phạm trên, cả 3 bị can bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”./.

Theo VOV.VN

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận