Giải mã sàn giao dịch hàng hóa 'lạ'

Được quảng cáo mang lại lợi nhuận 30% trong 1 tuần, là kênh đầu tư hàng hóa hợp pháp do Bộ Công Thương cấp phép. Lãi đâu chưa thấy, nhưng hàng tháng nhà đầu tư phải trả các loại phí, thuế lên đến vài triệu đồng. Vậy, sàn giao dịch hàng hóa mở ra phục vụ ai, ai là người được hưởng lợi?

 

Bài 1: Sàn giao dịch hàng hóa phục vụ ai, ai là người được hưởng lợi?

Lợi nhuận như mơ...

“Với số vốn 100 triệu đồng, bạn đầu tư gì để mang lại lợi nhuận 30% trong 1 tuần? Hãy đến và tìm hiểu về kênh đầu tư hàng hóa phái sinh Việt Nam, một trong những kênh đầu tư hợp pháp được Bộ Công Thương quản lý hoạt động. Kênh liên thông với nhiều Sở giao dịch hàng hóa thế giới, tăng tính minh bạch cho thị trường. Sản phẩm giao dịch đa dạng, thanh khoản cao. Giao dịch 2 chiều, T+0. Tận dụng lợi thế đòn bẩy (magin) từ 1:10 - 1:30. Thời gian giao dịch được mở rộng trên 3 phiên châu Á, châu Âu và châu Mỹ”, là những lời chào mời nhan nhản trên mạng cũng như của các nhân viên môi giới khi gọi điện thoại mời chào các nhà đầu tư tham gia vào giao dịch hàng hóa phái sinh.

Trong vai khách hàng, phóng viên đã được nhiều nhân viên môi giới của các công ty: Công ty cổ phần giao dịch hàng hóa Gia Cát Lợi, Công ty cổ phần Saigon Futures, Công ty Cổ phần Giao dịch Hàng hóa Đông Nam Á, Công ty cổ phần tập đoàn HT Việt Nam, Công ty CP giao dịch hàng hóa thành phố Hồ Chí Minh... liên hệ với những lời mời chào vô cùng hấp dẫn như lợi nhuận mang lại từ 10-20%/tháng hay chỉ với 10triệu/lot (1 lượt mua hoặc bán), nhà đầu tư đã mang về lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng…

Quảng cáo về lợi nhuận khủng đăng tải tràn lan trên mạng

Các nhân viên môi giới này đều không quên quảng cáo, sàn giao dịch hàng hóa trực thuộc Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam, được sự bảo hộ của Bộ Công Thương nên độ rủi ro thấp; Hàng hóa cơ bản có giá thành sản xuất nên giá biến động không quá thấp so với điểm hòa vốn và cũng không quá cao, vận hành theo quy luật cung cầu; Giao dịch mua bán 2 chiều nên nhà đầu tư vẫn sinh lời khi thị trường lên hoặc thị trường xuống, thanh khoản T+0; Không mất lãi suất khi sử dụng công cụ đòn bẩy tài chính; Công cụ giúp nhà đầu tư: mua bán chênh lệch giá, bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp, bảo hiểm giá cho Nông dân. Ngoài ra, khi hỏi về lợi nhuận các nhân viên này khẳng định mức lợi nhuận từ 15-20% tháng.

Để có đủ thông tin, phóng viên đã tiến hành tìm hiểu về Sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam. Theo thông tin được đăng tải trên trang web của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) thì MXV là đơn vị tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh cấp quốc gia duy nhất hiện nay tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp phép. MXV ra đời đáp ứng nhu cầu mua bán hàng hóa của người sản xuất, thương nhân, nhà đầu tư với cam kết: “tạo lập “sân chơi” chung cho tất cả các nhà đầu tư, nhà sản xuất, các tiểu thương và nông dân với mong muốn và cam kết sẽ phát triển thị trường giao dịch hàng hóa Việt Nam bằng việc tăng cường tính quốc tế hóa.

MXV đem đến cho các nhà đầu tư, các nhà nông giá giao dịch tiệm cận với thế giới, không còn cảnh bị ép giá như trước đây, các nhà sản xuất chủ động trong việc lên kế hoạch kinh doanh. MXV giúp thị trường hàng hóa đạt tính thanh khoản cao; hoàn thành các chức năng phòng ngừa rủi ro, bình ổn về giá và đạt được nhiệm vụ phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế nước nhà”.

… Còng lưng gánh thuế, phí

Để có thêm thông tin cụ thể, phóng viên đã tiến hành mở tài khoản tại một công ty giao dịch hàng hóa (Công ty). Theo bản hợp đồng dài 8 trang mà phóng viên nhận được, tại mục 5. Xử lý tài sản ký quỹ quy định: Khách hàng đồng ý rằng, Công ty có quyền sử dụng đối với bất kỳ hoặc tất cả các tài sản đảm bảo thuộc về khách hàng để đảm bảo cho các nghĩa vụ thanh toán của khách hàng đối với Công ty. Công ty được phép thực hiện bất kỳ một hoặc tất cả các hành động như: Khách hàng không nộp tiền để duy trì tỷ lệ ký quỹ cần thiết (tỷ lệ ký quỹ theo quy định được Công ty công bố cho từng thời điểm); Không thanh toán các khoản phí quy định; hoặc không thực hiện bất kỳ khoản thanh toán nào theo quy định của Hợp đồng; hoặc Công ty xác định rằng số tiền ký quỹ trong tài khoản giao dịch không đủ tỷ lệ ký quỹ tối thiểu tính theo giá hiện tại của thị trường để bảo đảm tài khoản của khách hàng hoạt động được.

Còn tại Bản công bố thông tin nhận biết rủi ro nằm sau Phiếu đăng ký dịch vụ tiện ích (không nằm trong hợp đồng) ghi rõ: “2. Rủi ro về khoản tiền ký quỹ và các loại phí: (a2) Khoản tiền ký quỹ khách hàng nộp cho Công ty để giao dịch mua bán các Hợp đồng phái sinh hàng hoá không được bảo hiểm trong trường hợp Công ty phá sản hoặc mất khả năng thanh toán; (a3) Khoản tiền ký quỹ khách hàng nộp cho Công ty không được đảm bảo hoặc bảo hiểm bởi Trung tâm thanh toán bù trừ - đơn vị trực thuộc Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam hoặc thành viên thanh toán bù trừ - đơn vị do Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam cấp phép trong trường hợp Công ty phá sản hoặc mất khả năng thanh toán; (a4) Vì lợi ích cá nhân của từng khách hàng nên khoản tiền ký quỹ nộp cho Công ty được quản lý tập trung ở tài khoản mở tại Ngân hàng thanh toán do Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam chỉ định. Tại mục 6, tổng tài sản, hoa hồng, phí và các chi phí khác ghi rõ, Công ty không có nghĩa vụ phải trả bất kỳ khoản tiền lãi phát sinh nào đối với số tiền mặt dư thừa trong bất kỳ tài khoản nào của khách hàng. Trong khi đó, các công ty giao dịch hàng hóa và Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam lại được hưởng lợi từ lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn từ số tiền ký quỹ này của nhà đầu tư.

Điều ngạc nhiên, trong quá trình mời chào, nhân viên môi giới không nhắc gì đến các khoản phí hàng tháng và các khoản phí và thuế sẽ được tính trên 1lot (một chiều giao dịch mua hoặc bán) mà khi tham gia mở tài khoản cũng như mua, bán nhà đầu tư nào cũng phải đóng. Cụ thể, theo tìm hiểu của phóng viên, nhà đầu tư phải chịu mức phí hàng tháng như sau:

1-      Phí kích hoạt và duy trì trạng thái đặt lệnh: 730,000 VND/tháng

2-      CME Group (Bundle) [CBOT, COMEX, NYMEX: 1,010,000 VND (Hiện cả giá và cung cầu thị trường - MD); 90,000 VND (Chỉ hiện giá - TB)

3-      CBOT: 380,000 VND (MD); 30,000 VND (Chỉ hiện giá - TB)

4-      COMEX: 380,000 VND (MD); 30,000 VND (Chỉ hiện giá - TB)

5-      NYMEX: 380,000 VND (MD); 30,000 VND (Chỉ hiện giá - TB)

6-      ICE EU( 3): 3,950,000 VND (MD)

7-      ICE US(4): 3,640,000 VND (MD)

8-      SGX: 660,000 VND  (MD)

9-      OSE/TOCOM: 840,000 VND (MD)

Bảng giá phí giao dịch các mặt hàng mà nhà đầu tư phải đóng khi thực hiện 1 lần mua hoặc bán.

Còn các khoản phí và thuế sẽ được tính trên một chiều giao dịch mua hoặc bán sẽ giao động từ 150.000 đồng, 200.000 đồng, 300.000 đồng, 350.000 đồng, 700.000 đồng/1 lot tùy từng mặt hàng. Song theo bảng giá thì các mặt hàng có mức giá 350.000 đồng/1 lot chiếm 26/42 mặt hàng đang được giao dịch trên sàn. Nếu tính theo các loại phí này thì số tiền nhà đầu tư phải trả sẽ lên tới vài triệu đồng đến cả chục triệu đồng/tháng. Và nhà đầu tư chỉ biết đến các loại phí, thuế này khi ký hợp đồng.

Trái ngược với thông tin đăng tải trên web về đối tượng phục vụ của MXV là “các nhà đầu tư, nhà sản xuất, các tiểu thương và nông dân” nhưng khi được hỏi các đối tượng trên đều trả lời không biết đến sàn này. Vậy, thực tế những nhà đầu tư trên sàn giao dịch hàng hóa là ai, phục vụ ai và ai là người được hưởng lợi, Báo VOV sẽ tiếp tục thông tin.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận