Sản phẩm 3 không bán tràn lan trên mạng, trách nhiệm của ai?

'Diệp Bảo - Kem trẻ em' chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, lưu thông trên thị trường, chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhưng vẫn bán tràn lan trên mạng. Trách nhiệm của ai?

 

Thu hồi, tiêu hủy sản phẩm “Diệp Bảo - Kem trẻ em”

Mới đây, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thông báo thu hồi sản phẩm kem Diệp Bảo dùng bôi da trẻ em do phát hiện có chứa hàm lượng chì cao. Loại kem này đã được bán trên toàn nước Mỹ thông qua một số trang Facebook. Vụ việc được phát hiện sau khi Cơ quan y tế Oregon (OHA) phát hiện hàm lượng chì cao trong hai tuýp kem Diệp Bảo đã được phụ huynh của hai cháu nhỏ ở Porland, bang Oregon, dùng để bôi trên da con của họ. Hai cháu bé được phát hiện đều có nồng độ chì cao trong máu. Trong khi kiểm tra sản phẩm, OHA cho biết họ đã phát hiện ra một trong các tuýp kem chứa 9.670 phần triệu (ppm) chì trong khi mẫu còn lại chứa 7.370 ppm.

Hình ảnh quảng cáo sản phẩm “Diệp Bảo - Kem trẻ em” được đăng tải tràn lan trên mạng.

Theo FDA, người có nồng độ chì trong máu cao có thể không có triệu chứng, nhưng có thể gây tổn thương các cơ quan nội tạng. Ngộ độc chì cấp tính có thể gây ra một loạt các triệu chứng, bao gồm: đau bụng, yếu cơ, nôn mửa, tiêu chảy, đi tiểu ra máu… FDA cho biết, trẻ em đặc biệt dễ bị nhiễm độc chì khi chúng chạm vào mặt rồi cho tay vào miệng. Nếu một đứa trẻ tiếp xúc với lượng chì đủ lớn trong một thời gian dài, hệ thần kinh trung ương có thể bị tổn thương vĩnh viễn. Điều này có thể dẫn đến rối loạn khả năng học tập, khiếm khuyết trong phát triển cơ thể và các vấn đề sức khỏe lâu dài khác.

Trước thông tin này, phóng viên đã liên hệ rất nhiều lần vào đường dây nóng và điện thoại tư vấn của kem Diệp Bảo. Sau nhiều lần liên hệ, một nhân viên nữ nghe máy, sau khi nghe thông tin từ phóng viên thì người này lập tức tắt máy, gọi lại thì thuê bao không liên lạc được.

Phóng viên tiếp tục tìm hiểu về sản phẩm và công ty nhưng không biết sản phẩm này do Công ty nào sản xuất, địa chỉ của công ty ở đâu. Tại hình ảnh bao bì sản phẩm “Diệp Bảo kem trẻ em” có ghi thông tin: “www.kemdiepbao.com; địa chỉ ở tổ 25, khu phố 2, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai” nhưng tại sàn giao dịch điện tử Shopee (https://shopee.vn), sản phẩm này được sản xuất tại Công ty TNHH SX-TM Healing Pro; địa chỉ: số 7, đường số 3, cư xá Bình Thới, phường 8, quận 11, TP.Hồ Chí Minh.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục Quản lý Dược (QLD), Bộ Y tế cho biết, qua rà soát, tất cả những địa chỉ trên đều không phải là địa chỉ của công ty này. Theo các Công văn số 946/SYT-TT ra ngày14/02/2023 của Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh và Công văn số 597/SYT-TT ra ngày13/02/2023 của Sở Y tế tỉnh Đồng Nai xác nhận, tại địa chỉ: Tổ 25, Khu Phố 2, P. Trảng Dài, Tp. Biên Hòa, T. Đồng Nai không có hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Tại địa chỉ: Số 7, đường số 3, cư xá Bình Thới, P. 8, Q. 11, Tp. Hồ Chí Minh không có hoạt động kinh doanh mỹ phẩm. Thực tế, Công ty TNHH SX - TM Healing Pro sản xuất sản phẩm “Diệp Bảo - Kem trẻ em” tại địa chỉ: 59A đường số 9, P. Tân Kiểng, Q. 7, Tp. Hồ Chí Minh. Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh chưa cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm cho Công ty TNHH SX - TM Healing Pro, chưa cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm cho sản phẩm "Diệp Bảo - Kem trẻ em". Như vậy, sản phẩm “Diệp Bảo - Kem trẻ em” đã lưu thông trên thị trường khi chưa được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Hình ảnh quảng cáo sản phẩm “Diệp Bảo - Kem trẻ em” được đăng tải tràn lan trên mạng.

Do vậy, Cục QLD đã có thông báo thu hồi, tiêu hủy trên toàn quốc sản phẩm “Diệp Bảo - Kem trẻ em”, trên nhãn ghi thông tin: www.kemdiepbao.com; Địa chỉ: Tổ 25, Khu Phố 2, P. Trảng Dài, Tp. Biên Hòa, T. Đồng Nai”. Sản phẩm do Công ty TNHH SX - TM Healing Pro (địa chỉ: 59A đường số 9, P. Tân Kiểng, Q. 7, Tp. Hồ Chí Minh hoặc Số 7, đường số 3, cư xá Bình Thới, P. 8, Q. 11, Tp. Hồ Chí Minh) sản xuất.

Trách nhiệm của ai?

Trao đổi với phóng viên, đại diện Cục QLD, Bộ Y tế cho rằng, để tình trạng hàng không có giấy phép bán tràn lan trên mạng là trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử và Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Cục TMĐTKTS), Bộ Công Thương. Phía Cục QLD đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Cục TMĐTKTS hợp tác nhưng không được xử lý triệt để.

Tuy nhiên, theo đại diện lãnh đạo Cục TMĐTKTS, ngày 20/2/2023 sau khi nhận được phản ánh của Cục QLD tại Công văn số 1488/QLD-MP, Cục TMĐTKTS đã đăng tải ngay cảnh báo đến người tiêu dùng trên Online.gov.vn. Tiếp theo đó, ngày 24/2/2023 Cục đã có Văn bản số 151/TMĐT-QL gửi các Sàn yêu cầu rà soát gỡ bỏ sản phẩm vi phạm. Sau khi có báo cáo của các Sàn, Cục sẽ tổng hợp và gửi Cục QLD.

Công văn thu hồi, tiêu hủy sản phẩm của Cục Quản lý Dược.

Trách nhiệm quản lý lĩnh vực Dược nói chung là thuộc Cục QLD, Bộ Y Tế. Bất cứ khi nào nhận được phản ánh, Cục TMĐTKTS cũng phối hợp với Cục QLD để gỡ bỏ sản phẩm vi phạm trên các sàn TMĐT.

Thời gian qua, Cục TMĐTKTS cũng thường xuyên phối hợp với Cục QLD để đăng tin cảnh báo cũng như gỡ bỏ sản phẩm vi phạm trên các website/ứng dụng TMĐT. Cụ thể như: Cảnh báo thuốc giả Actemra® 400 mg/20 mL, số lô B2101B32, chưa đăng ký lưu hành tại Việt Nam trên http://online.gov.vn. Cảnh báo 03 sản phẩm mỹ phẩm chứa chất cấm, chưa được cấp phép tại Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Cục TMĐTKTS khẳng định, hai bên vẫn đang phối hợp tốt và chưa có bất cứ công văn nào bị quá thời hạn xử lý.

Ngoài ra, đại diện lãnh đạo Cục TMĐTKTS cho biết thêm, có rất nhiều mặt hàng đa dạng được bán trên các Sàn và chủ các Sàn phải có trách nhiệm đưa ra các biện pháp quản lý Sàn. Ví dụ, đối với các sản phẩm dược, Bộ Y tế có trách nhiệm hướng dẫn hoặc kiến nghị các Sàn về điều kiện kinh doanh các mặt hàng dược phẩm do Bộ Y tế quản lý cũng như giấy phép lưu hành, các quy định chuyên ngành...  để giúp các Sàn có các biện pháp phù hợp. Bên cạnh đó, các Sàn phải có trách nhiệm, công cụ để rà soát, kiểm soát sản phẩm theo đúng quy định của pháp luật.

Công văn của Cục TMĐTKTS gửi sàn thương mại điện tử.

Trước thông tin này, đại diện Cục QLD cho rằng, ngành y tế không có thẩm quyền cấp phép các Sàn, không thực sự quản lý trực tiếp các Sàn nên chỉ đạo quản lý rất khó. Sản phẩm bán trên thị trường Cục QLD không thể xộc vào kiểm tra được. Trong công văn Cục QLD yêu cầu không chỉ gỡ 1 sản phẩm này mà gỡ tất cả những sản phẩm vi phạm. Hiện có nhiều sản phẩm không có giấy phép những vẫn được treo bán trên các Sàn. Nếu có sự chỉ đạo triệt để thì sẽ không xảy ra tình trạng này. Nói chung là nhiều vụ việc chứ không phải chỉ những vụ việc mà Cục QLD gửi sang. Nếu hợp tác tốt với nhau thì không có chuyện là 3-4 sản phẩm phải có 3-4 văn công gửi sang. Chỉ cần 1 công văn sẽ xử lý hết chứ không cần phải liên tục gửi công văn như vậy.

“Ngoài công văn gửi cho Cục TMĐTKTS thì Cục QLD cũng gửi công văn cho các Sàn. Họ nhận được công văn nhưng vấn đề đặt ra là có thực hiện triệt để, hiệu quả hay không thôi. Vì thế Cục QLD rất cần vai trò quản lý các Sàn của Cục TMĐTKTS. Bây giờ tổ chức ra Sàn nhưng người ta buôn bán thuốc phiện trên Sàn đấy cũng phải chịu à? Cái mà Cục QLD mong muốn là hai bên cùng hợp tác, đề xuất những quy trình chuẩn để gỡ hết những sản phẩm không có giấy phép đang đăng bán trên các sàn thương mại điện tử”, đại diện Cục QLD nói.

Như vậy, nếu không có sự phát hiện của FDA thì không ít trẻ em Việt Nam sẽ tiếp tục sử dụng sản phẩm 3 không (không giấy phép, không địa chỉ sản xuất cụ thể, không đảm bảo chất lượng), với nguy cơ nhiễm độc chì mà không biết. Người tiêu dùng Việt sẽ bị đầu độc sức khỏe đến bao giờ? Để chấm dứt tình trạng các sản phẩm 3 không bán tràn lan trên mạng rất cần sự vào cuộc triệt để, hiệu quả từ cơ quan chức năng.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận