Người dân Vĩnh Hưng 'ngã ngửa' khi đất ở bỗng nhiên vào quy hoạch

Gần 20 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu tại ngõ 259 phố Vĩnh Hưng (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không hề được lấy ý kiến khi quy hoạch sử dụng đất

 

Bài 1: Không lấy ý kiến dân khi làm quy hoạch?

 

Để phát huy dân chủ và thực hành dân chủ, Đảng ta thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ chủ trương của Đảng, nhiều văn bản pháp luật đã thể chế hóa cụ thể chủ trương của Đảng, bảo đảm quyền làm chủ của người dân, được pháp luật công nhận và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Trong khi pháp luật quy định việc quy hoạch sử dụng đất, thay đổi mục đích sử dụng đất… phải lấy ý kiến người dân, công khai thông tin quy hoạch trên trang thông tin điện tử… thì gần 20 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu tại ngõ 259 phố Vĩnh Hưng (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội) không hề được lấy ý kiến, đất ở mà họ đang quản lý sử dụng ổn định bỗng dưng bị quy hoạch vào đất dự án, giá đền bù khi thu hồi đất rẻ mạt, tương đương 2kg thịt lợn ba chỉ/m2.

Nhà đang ở bỗng vào quy hoạch

Trong căn nhà cấp 4 dột nát của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Dương Đức Phồ, cụ bà Trần Thị Tuất (vợ cụ Phồ) tuổi đã ngoại 80 và bị tai biến sau sự ra đi của chồng đang nằm im, mắt nhìn lên trần nhà với những vệt vàng loang lổ, rêu mốc. Chị Dương Thị Minh - người con gái út của cụ - đang bón cho mẹ từng miếng cháo. Gần đó, đứa chắt bị mẹ bỏ lại cho bà ngoại nuôi vì nghèo tha thẩn một mình. Bà ngoại đứa bé, chị Dương Thị Minh, bị ung thư tuyến giáp đã mấy năm nhưng ko có tiền chữa. Từng ấy con người, 1 già nằm liệt, 1 trẻ ngây thơ và 1 người đã qua "bên kia dốc" chỉ còn mỗi căn nhà cấp 4 đã dột nát là tài sản duy nhất. Nghèo đã đáng sợ. Nhưng cái đáng sợ hơn nữa là căn nhà dột nát của họ cùng hơn 1000m2 đất xung quanh đó bỗng bị quy hoạch thành trường mầm non, mà họ - những người ngày ngày vẫn sống trên mảnh đất đó -  không hề hay biết. Chị Dương Thị Minh khản giọng nói: “Khổ lắm các chú ạ, bố tôi, AHLLVTND Dương Đức Phồ trước khi chết chỉ mong có được gian nhà xây để làm nơi thờ cúng tổ tiên và thờ mình, nhưng chết rồi mà tâm nguyện không thực hiện được. Gia đình tôi quá khổ rồi, bản thân tôi đang bệnh tật, giờ cháu ngoại cũng về đây ở cùng. Thế là 1 người ốm đang nuôi 1 người già và 1 đứa trẻ con. Chúng tôi chỉ mong muốn được giữ lại mấy chục mét vuông đất ông cha này, xây được cái nhà con con lên để mấy mẹ con bà cháu sống, thờ cúng ông bà tổ tiên. Đất gia đình tôi sử dụng được quy hoạch là đất ở, gia đình tôi và nhiều gia đình ở đây quản lý, sử dụng ổn định không tranh chấp với ai, bỗng dưng lại rơi vào đất quy hoạch dự án mà người dân không hề hay biết, không được lấy ý kiến. Giờ mà lấy đất, đuổi gia đình tôi đi thì cũng chưa biết đi đâu mà sống, không có chỗ nào để ở…” - chị Minh nghẹn ngào.

Cụ bà Trần Thị Tuyết trong căn nhà dột nát

Cạnh nhà chị Minh, nhà bà Nguyễn Thị Lịch cũng có hoàn cảnh không khá hơn bao nhiêu. Bà sống cùng vợ chồng người con và 2 đứa cháu - có 1 cháu thiểu năng trí tuệ - trong căn nhà cấp 4, mái fibro xi măng tuềnh toàng, tường tróc lở nhưng vì vài năm nay phường thông báo thu hồi đất nên nhà bà không dám sửa chữa gì thêm.“Năm 2017 nhà tôi mua được mảnh đất này, rồi cũng đã thực hiện khai báo để cấp sổ đỏ, tưởng đã kết thúc cuộc sống ở trọ bao nhiêu năm, nhưng nay phường lấy đất thì cũng lại sắp chưa biết sống ở đâu. Vì với mức giá đền bù như thế thì không mua nổi 1 mét vuông đất ở bất cứ chỗ nào ở Hà Nội này”, bà Lịch nói.

Đây chỉ là 2 trong số gần 20 hộ dân đã gửi đơn thư đến Báo Tiếng nói Việt Nam (Báo VOV) phản ánh về việc: lô đất hơn 2.800m2 nhà đất tại ngõ 259, phố Vĩnh Hưng (thuộc ô F2/NT3 tại phường Vĩnh Hưng) mà họ đang sử dụng và sở hữu hợp pháp được dự kiến xây dựng trường mầm non Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai.

Thu hồi sổ đỏ chẳng rõ lý do

Theo lá đơn này, toàn bộ diện tích 2.800m2 nhà đất của các hộ gia đình đều nằm trong khu dân cư, phù hợp với quy hoạch sử dụng là đất ở (Theo quyết định 225/2005/QĐ-UBND ngày 16/12/2005 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai), tất cả đều là đất sử dụng liên tục, ổn định trước năm 1993 và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước. Trong số này có nhiều hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(GCNQSDĐ), nhưng sau đó phường Vĩnh Hưng thông báo mang GCNQSDĐ đi đổi và giữ lại từ ngày đó đến nay.

Cụ thể ngày 25/12/2006, UBND phường Vĩnh Hưng đã có tờ trình số 205/TTR-UB gửi UBND quận Hoàng Mai đề nghị xét duyệt, cấp GCNQSDĐ cho 81 hộ thuộc phường Vĩnh Hưng, trong đó có hộ gia đình các ông bà: Dương Thị Xuyến, Dương Văn Phồ, Lê Thị Thu Hiền và Cao Thị Thúy Hà. Một số hộ dân khác thuộc khu đất này cũng được hướng dẫn làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ. Các thửa đất đã được UBND Phường Vĩnh Hưng kiểm tra, xác định có xây dựng nhà, đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ.

Ngày 31/07/2008, UBND quận Hoàng Mai có quyết định số 1804/QĐ-UBND về việc cấp GCNQSDĐtại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội cho 18 hộ gia đình thuộc khu đất nói trên.

Sau đó, UBND phường Vĩnh Hưng ra thông báo cho những hộ gia đình được cấp GCNQSDĐ cầm sổ đỏ lên phường để làm thủ tục đổi sổ mới. Tuy nhiên, sau khi người dân nộp lại sổ đỏ cho phường thì bị phường giữ lại từ đó đến nay, khi người dân hỏi thì được thông báo là có sai sót nên phải thu hồi?!

“16 năm qua, chúng tôi đã nhiều lần lên hỏi và được trả lời: Quận đang bị thanh tra, điều tra nên đề nghị chờ. Các gia đình chúng tôi vẫn chờ và tiếp tục đề nghị giải quyết cấp GCNQSDĐtheo quy định”, bà Dương Thị Xuyến cho biết. Những người đã nhiều năm nộp tiền thuế sử dụng đất, đã được làm hồ sơ chờ cấp GCNQSDĐcũng không được nộp tiền thuế sử dụng đất hằng năm mà không rõ lý do.

 

Theo phản ánh của người dân, ngày 18/7/2019, UBND quận Hoàng Mai có các thông báo thu hồi toàn bộ nhà đất của họ để thực hiện Dự án xây dựng trường mầm non Vĩnh Hưng, thế nhưng ngày 04/12/2019, HĐND TP Hà Nội mới có Nghị quyết số 27/NQ-HĐND, về việc, thông qua danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2020; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020 thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND thành phố và ngày 16/03/2020, UBND TP Hà Nội mới có Quyết định 1089/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các công trình, dự án trong kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của quận Hoàng Mai. Phải chăng quy trình của quận Hoàng Mai đang đi ngược?

Đáng chú ý là toàn bộ quá trình quy hoạch đó, người dân đang sống ngay trên khu đất không hề hay biết. Anh Nguyễn Hồng Linh là chủ sử dụng46m2 từ năm 2008 đến nay bàng hoàng cho biết, gia đình cũng chỉ nhận được thông báo sẽ bị thu hồi đất để làm dự án trường mầm non của phường chứ chưa từng được chính quyền phường lấy ý kiến về thu hồi đất làm dự án như cách làm thông thường ở các dự án khác.“Gia đình nhà tôi và nhiều hộ dân khác ở đây không nhận được bất kỳ thông báo thu hồi đất, họp dân lấy ý kiến về dự án này. Chỉ thấy phường gửi thông báo đến nhận tiền bồi thường và hỗ trợ di dời tài sản để nhường đất cho dự án trường mần non phường Vĩnh Hưng. Tôi đề nghị cần phải làm đúng các quy trình thủ tục, lấy ý kiến người dân có quyền và nghĩa vụ liên quan”, anh Nguyễn Hồng Linh đề nghị.

Làm việc với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam, ông Trần Đức Tính-nguyên là Tổ trưởng tổ dân phố số 4, phường Vĩnh Hưng, cho biết:Khu đất này ban đầu có 6 hộ dân ở với 6 ngôi nhà lớp mái tôn hoặcfibroxi măng. Đến năm 2008-2009 các hộ mua bán, sang nhượng cho nhau và có thêm một số ngôi nhà nữa. “Khi tôi làm tổ trưởng thì không nghe nói gì đến dự án ở đây. Năm 2011 tôi nghỉ làm tổ trưởng, không liên hệ với phường nữa, không thấy họp dân lần nào nên tôi nghĩ là chắc sau này, khi tôi đã xin nghỉ, việc này thì tôi không nắm được”, ông Tính cho biết.

Một mét đất đổi được 2 kg thịt lợn ba chỉ

Cách thức quy hoạch và thực hiện quy hoạch đã bất hợp lý, cách tính giá trị đền bù còn bất hợp lý hơn khi ngày 23/11/2021, Hội đồng đền bù quận Hoàng Mai có phương án chi tiết dự kiến bồi thường 252.000 đồng/m2 cho toàn bộ nhà đất trên khu đất này với lý do số đất trên chưa được làm sổ đỏ, nên ấn định là đất nông nghiệp.

Thế nhưng, bà Dương Thị Xuyến cho biết, năm 2008, bà mua mảnh đất có diện tích 152m2, thuộc tổ 4, ngõ 259 phường Vĩnh Hưng, GCNQSDĐdo UBND quận Hoàng Mai cấp ngày 31/7/2008, với giá hơn 3 tỷ đồng. Bà Xuyến đã thực hiện nghĩa vụ tài chính để hoàn thành thủ tục cấp GCNQSDĐ.

“Tôi đã thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính và làm nhà ở sinh sống ổn định trên mảnh đất này. 17 hộ dân khác ở ngõ 259 phường Vĩnh Hưng cũng đã được UBND quận Hoàng Mai ra quyết định số 1804/QĐ/UBND năm 2008 cấp GCNQSDĐ.Các hộ dân đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế. Nhưng bỗng dưng sau đó, UBND quận Hoàng Mai hủy Quyết định 1804 về việc cấp GCNQSDĐ cho 18 hộ gia đình và thu hồi giấy chứng nhận đã cấp”, bà Xuyến nói.

Tương tự, anh Nguyễn Hồng Linh bức xúc: “Nhà tôi 46m2, phường ra thông báo bồi thường 43.500.000đồng, cộng hỗ trợ di chyển đồ đạc 6.000.000 đồng, tổng cộng 49.500.000 đồng. Với giá trị bồi thường bằng 2kg thịt lợn ba chỉ/m2 thì quá là khó hiểu và không thể chấp nhận được. Tôi mong được làm rõ việc thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng tại đây".

Năm 2009, hộ ông Đỗ Tam Điệt vay mượn được một số tiền và mua 60m2 đất trong ngõ 259 phố Vĩnh Hưng và đã nhiều lần lên phường xin làm thủ tục tách sổ đỏ. Tuy nhiên, mới đây gia đình ông ngỡ ngàng vì đất trong quy hoạch xây trường mầm non.

“Đất chúng tôi mua được chứng nhận là đất ở lâu dài,giá 30 triệu đồng/m2, giờ chỉ được bồi thường với giá 252.000 đồng/m2. Cả gia sản lớn bỗng dưng gần như bị mất trắng. Chúng tôi muốn hỏi cơ sở nào lại tính bồi thường như vậy? Khi bị thu hồi đất, chúng tôi cũng không hề được xem xét tái định cư”, ông Điệt chua chát nói.

Đặc biệt hộ gia đình ông Dương Văn Phồ - Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân - có hoàn cảnh rất khó khăn, nếu bị thu hồi đất với mức đền bù hỗ trợ rẻ mạt, gia đình của người anh hùng này sẽ bị đẩy ra đường.

Trong lá đơn phản ánh, người dân nêu rõ: "Tháng 10/2019 chúng tôi có làm đơn kiến nghị về việc xem xét, chỉ đạo dừng triển khai dự án này. Ngày 3/3/2020, quận Hoàng Mai có văn bản số 408-UBND-BQLDA nhưng những nội dung trả lời nêu trong văn bản này không thỏa đáng, không giải quyết những kiến nghị mà chúng tôi nêu"./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận