Né trách nhiệm khi giải quyết phản ánh lấn chiếm đất đai

Khi giải quyết đơn thư phản ánh của dân, UBND phường Tiền Phong, TP. Thái Bình xác định sai tính chất sự việc, rồi đẩy sự việc lên cơ quan cấp trên

 

Đất do gia đình bà Nguyễn Thị Hải đang quản lý, sử dụng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng bị hộ liền kề lấn chiếm. Khi giải quyết đơn thư phản ánh của dân, UBND phường Tiền Phong lại xác định sai tính chất sự việc, tức là từ việc lấn chiếm đất đai sang việc tranh chấp đất đai, rồi đẩy sự việc lên cơ quan cấp trên.

Biến đất không tranh chấp thành tranh chấp

Khu đất rộng 193m2, số thửa 470, tờ bản đồ số 6, nay là thửa số 399, tờ bản đồ số 30, địa chỉ ngách 1, ngõ 66, đường Trần Thủ Độ, phường Tiền Phong, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình do gia đình ông Đào Ngọc Toàn và bà Nguyễn Thị Hải nhận thừa kế từ bố mẹ ông Toàn là cụ ông Đào Đình Vỵ và cụ bà Phan Thị Quý.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) do UBND thị xã Thái Bình cấp ngày 15/8/1997 mang tên bà Phan Thị Quý. Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế do Văn phòng công chứng Nam Thái Bình lập ngày 26/4/2018, bà Quý cùng ông Toàn - con của bà Quý và ông Vỵ, được nhận thừa kế 193m2 đất thuộc thửa đất số 470, tờ bản đồ số 6. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế này được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường Tiền Phong từ ngày 3/5 đến ngày 18/5/2018. Trong suốt thời gian niêm yết thỏa thuận không có đơn khiếu nại tố cáo, tranh chấp về việc mở thừa kế cũng như văn phòng không nhận được khiếu nại tố cáo nào liên quan đến việc này.

Theo phản ánh của bà Hải, sau một thời gian dài gia đình bà sử dụng đất đai ổn định thì trong thời gian từ năm 2014, gia đình ông Đào Đình Phòng là người đang sử dụng thửa đất bên cạnh đã có hành vi lấn, chiếm sang thửa đất của gia đình bà Hải. Nhận được phản ánh của gia đình bà Hải về hành vi lấn chiếm đất của gia đình ông Phòng, UBND phường Tiền Phong cùng với tổ dân phố số 7 đã tổ chức đo đạc và cắm mốc giới, nhưng sau đó gia đình ông Phòng đã nhổ cọc mốc, tiếp tục vi phạm…

Đất lấn chiếm nhưng gia đình ông Phòng ngang nhiên quảng cáo, kinh doanh

Tại phiên họp hòa giải ngày 23/12/2021 do UBND phường Tiền Phong tổ chức, UBND phường đã xác nhận thửa đất số 470 là của bà Phan Thị Quý và đã được cấp GCNQSDĐ, còn gia đình ông Phòng chỉ cho biết có phần đất của ông Đào Thẩn (ông Đào Thẩn là bố của ông Đào Đình Phòng) để lại và không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh.

Đáng tiếc, dù UBND phường Tiền Phong khẳng định thửa đất 470 đã được cấp GCNQSDĐ cho cụ Phan Thị Quý, nhưng trong nội dung biên bản cuộc họp thì lại ghi rằng “hòa giải tranh chấp giữa hai hộ gia đình bà Nguyễn Thị Hải và ông Đào Đình Phong…”. Biên bản cuộc họp do bà Đặng Thị Nương, Chủ tịch UBND phường Tiền Phong, chủ trì ghi rõ kết luận của Chủ tịch phường: “Hai bên gia đình không thống nhất hòa giải, đề nghị cấp thẩm quyền giải quyết. UBND phường hướng dẫn gia đình hai bên ra tòa án dể đảm bảo quyền lợi”.

Chính quyền lúng túng đá quả bóng trách nhiệm

Cần phải khẳng định rằng, pháp luật công nhận quyền thừa kế hợp pháp của gia đình bà Hải - ông Toàn đối với thửa đất rộng 193m2 ở địa chỉ ngách 1, ngõ 66, đường Trần Thủ Độ, thuộc địa bàn phường Tiền Phong, TP Thái Bình.

Sự thật này được đại diện của UBND phường Tiền Phong ở thời điểm hiện tại xác nhận, cũng như thông báo số 28 của UBND phường Tiền Phong ban hành ngày 2/12/2013 sau khi bà Hải phản ánh gia đình ông Phòng lấn, chiếm đất đai. Tuy nhiên, ông Phòng cùng các thành viên trong gia đình ngang nhiên dựng biển quảng cáo, bán hàng trên phần diện tích đất đai mà bà Hải đang quản lý, sử dụng. Mặc dù trong bản thông báo mà UBND phường Tiền Phong, chính quyền địa phương xác định rất rõ, toàn bộ diện tích 379m2 đất đai mà ông Đào Thẩn - bố đẻ ông Đào Đình Phòng, sử dụng trước đây đều đã bị thu hồi, việc làm của gia đình ông Phòng hoàn toàn trái với các quy định pháp luật.

Phóng viên VOV làm việc với UBND phường Tiền Phong

Ông Phạm Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND phường Tiền Phong, cho biết: “Thông báo tôi ký ngày hôm đó vẫn còn hiệu lực, sự việc căn cứ theo đúng văn bản giấy tờ, quyết định của chính quyền. Tôi không hiểu lý do vì sao sự việc đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết triệt để”. Còn ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Tiền Phong, khẳng định: “Gia đình nhà ông Phòng không còn đất ở đấy, việc lấn chiếm là sai,…”

Theo quy định của pháp luật, hộ gia đình, cá nhân đang quản lý, sử dụng đất đã được cấp GCNQSDĐ thì được pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Hành vi lấn chiếm đất đai, tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 14 Nghị định 91/2019/NĐ-CP một số quy định được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 04/2022/NĐ-CP. Trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất đai mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi lấn chiếm đất đai thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Pháp luật quy định là vậy, nhưng UBND phường Tiền Phong không giải quyết đúng sai rõ ràng mà lại đá quả bóng trách nhiệm khi xác định không đúng tính chất vụ việc, tức là từ việc lấn chiếm sang tranh chấp, rồi tổ chức hòa giải, đẩy sự việc lên cơ quan cấp trên, khiến việc giải quyết vụ việc sau này trở nên phức tạp hơn. Việc làm của UBND phường Tiền Phong có dấu hiệu sai phạm, né trách nhiệm, không thuyết phục, không đúng quy định pháp luật, vì đất đai mà công dân đang sử dụng đã được cấp GCNQSDĐ thì UBND phường phải biết thửa đất ấy nằm ở đâu, ranh giới như thế nào, liền kề các hộ gia đình nào, từ đó đưa ra được kết luận ai lấn, chiếm của ai.

Cũng từ việc UBND phường Tiền Phong xác định không đúng tính chất vụ việc,  khi gia đình bà Hải tiếp tục có đơn thư kiến nghị gửi UBND TP Thái Bình, ngày 6/5/2022, Ban tiếp công dân UBND TP Thái Bình có văn bản số 102, hướng dẫn công dân gửi đơn đến Tòa án nhân dân TP Thái Bình.

Không đồng ý với cách giải quyết của Ban tiếp công dân, UBND TP Thái Bình, bà Hải tiếp tục đơn thư kêu cứu đến ông Ngô Đông Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận