Cao Bằng ngăn chặn nhiều vụ vượt biên trái phép để tìm 'việc nhẹ lương cao'

Từ đầu năm đến nay, Cao Bằng vẫn là một trong những điểm nóng về xuất nhập cảnh trái phép với hàng nghìn đối tượng bị phát hiện, bắt giữ.

 

Từ đầu năm đến nay, Cao Bằng vẫn là một trong những điểm nóng về xuất nhập cảnh trái phép với hàng nghìn đối tượng bị phát hiện, bắt giữ. Với đường biên giới dài trên 330km, địa hình đồi núi phức tạp, có nhiều cửa khẩu, đường mòn lối mở,... Cao Bằng là địa bàn các băng nhóm tội phạm thường xuyên nhắm tới để tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép nhằm thu lợi bất chính. Đáng lo ngại là trong số này, có không ít người là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở địa phương vì tin những lời hứa hẹn, mời chào về một công việc ổn định với thu nhập cao nên đã bất chấp nguy hiểm để vượt biên sang Trung Quốc, thậm chí sang tận Campuchia.

"Lúc đầu thì em cảm thấy cũng bình thường nhưng về sau được một hai ngày thì em thấy có hiện tượng kiểu như người Việt Nam mình bị đánh và làm việc rất là nhiều thời gian trong ngày từ 14 đến 16 tiếng trong ngày, có nhiều người thậm chí còn bị mất mạng vì không nghe lời những người Trung Quốc" - Sau gần nửa năm được giải cứu trở về, anh Nông Văn Bình, 22 tuổi ở xã Đức Hồng, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng vẫn không thể quên những ký ức kinh hoàng những ngày làm việc nơi xứ người.

Qua một người quen, anh Bình được giới thiệu vượt biên sang Campuchia với lời hứa “việc nhẹ, lương cao”. Nhưng thực chất, anh Bình bị bán vào một công ty do người Trung Quốc làm chủ và bị ép làm việc từ 14-16 tiếng mỗi ngày: “Em không có ý định bỏ trốn vì bỏ trốn cũng không được do có tường cao, lưới điện. May mắn là qua bên đấy được tầm 2 tháng thì được Đại sứ quán bên Việt Nam và công an Campuchia giải cứu đưa về Việt Nam”

Anh Bình chỉ là một trong số nhiều người dân tỉnh miền núi Cao Bằng đã vượt biên trái phép để tìm "việc nhẹ lương cao". Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận trao trả và phát hiện, bắt giữ hơn 11 nghìn đối tượng có hành vi xuất nhập cảnh trái phép, trong đó có nhiều trường hợp là người dân địa phương. Hàng trăm kẻ môi giới hay trực tiếp tham gia tổ chức, đưa dẫn người vượt biên trái phép đã bị đưa xét xử và chịu những hình phạt thích đáng. Dù vậy, tình trạng người dân xuất cảnh trái phép vẫn còn phức tạp khi một số đối tượng vẫn tiếp tay cho kẻ xấu chỉ vì lợi nhuận trước mắt.

Hoàng Văn Khì, đối tượng bị bắt giữ vì có hành vi đưa người xuất nhập cảnh trái phép tại xã Cải Viên, huyện Hà Quảng, Cao Bằng nói: “Em biết hành vi này là sai, trái pháp luật nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, hai bố mẹ ở nhà không đi làm được nên em cũng muốn kiếm ít tiền để lo cho bố mẹ. Chuyến đầu tiên 3 người tiền công được 60 triệu, thấy cao nên em làm chuyến thứ hai. Chuyến thứ hai thì bị công an điều tra phát hiện và bị bắt giữ".

Với đường biên giới dài trên 330km, địa hình đồi núi phức tạp, có nhiều cửa khẩu, đường mòn lối mở... Cao Bằng là địa bàn các băng nhóm tội phạm thường xuyên nhắm tới để tổ chức đưa người xuất nhập cảnh trái phép nhằm thu lợi bất chính. Đại úy Trần Cao Lâm, cán bộ Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh, Công an tỉnh Cao Bằng chia sẻ, nhiều vụ các chiến sỹ phải mật phục nhiều giờ trong đêm tối tại các lối mòn sát biên giới, có vụ việc khi bị phát hiện, các đối tượng chống trả quyết liệt để trốn chạy.

Đại úy Trần Cao Lâm nói: “Cũng may mắn là các lực lượng phối hợp với chúng tôi đã thực hiện được việc ngăn chặn bắt xe đối tượng, đuổi kịp và tiến hành kiểm tra và phát hiện ngay. Lúc đấy chúng tôi chỉ nghĩ là phải kiên trì, đặc biệt là phải cẩn thận để đảm bảo sự an toàn cho anh em đồng đội”.

Để ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, thời gian qua các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, Công an tiếp tục tăng cường tuần tra, chốt chặn tại khu vực biên giới và các tuyến giao thông trọng điểm phía sâu trong nội địa. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn hàng chục vụ việc người dân có ý định xuất cảnh trái phép qua biên giới.

Thượng tá Hoàng Tuấn Anh – Trưởng phòng An ninh Điều tra, Công an tỉnh Cao Bằng cho biết, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng đã trở nên tinh vi hơn so với thời điểm trước đây: "Các đối tượng thường lợi dụng thời gian từ nửa đêm cho tới gần sáng để tổ chức đưa dẫn công dân xuất nhập cảnh trái phép. Các đối tượng đưa dẫn họ sử dụng xe máy hoặc đi bộ để đưa các công dân nhập cảnh trái phép đi vào sâu trong nội địa sau đó giao cho các đối tượng lái xe taxi hoặc xe 5 đến 7 chỗ, sau đó đưa sâu vào nội địa Việt Nam. Các đối tượng này thường sử dụng sim rác để liên lạc hoặc sử dụng các trang mạng xã hội như là wechat, zalo, sau khi mà trao đổi việc thống nhất đưa dẫn xong, xóa thông tin hoặc vứt luôn cả sim, điện thoại, gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong việc điều tra vụ án”.

Từ đầu năm 2022, lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và tiếp nhận hơn 11.000 người có hành vi xuất nhập cảnh trái phép.Cùng với các biện pháp kiên quyết ngăn chặn, truy quét, xử lý các đối tượng cố hành vi tổ chức, đưa dẫn người xuất nhập cảnh trái phép, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân - nhất là vùng đồng bào DTTS cũng được lực lượng Biên phòng, Công an và chính quyền các địa phương thực hiện thường xuyên như phát tờ rơi tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết không tham gia, không tiếp tay cho các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép…

Lực lượng Biên phòng Cao Bằng còn tham mưu cấp ủy, chính quyền các địa phương làm tốt công tác quản lý cư trú, nắm chắc tình hình di biến động của cư dân địa phương, tuyên truyền về quy định của Trung Quốc đối với công dân Việt Nam nhập cảnh trái phép để làm thuê... đây cũng là những yếu tố quan trọng để công tác ngăn chặn tình trạng xuất cảnh trái phép đạt hiệu quả cao trong thời gian tới./.

Công Luận,CTV Lê Nam/VOV-Đông Bắc

 

Bình luận

    Chưa có bình luận