Cảnh báo lừa đảo tài khoản ngân hàng có diễn biến phức tạp

8 tháng qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 2.000 vụ có thủ đoạn lừa đảo tài khoản ngân hàng chiếm đoạt số tiền lớn qua số tài khoản lừa đảo.

 

Theo Ban chỉ đạo 389 Quốc gia: thời gian qua đã xuất hiện những chiêu thức lừa đảo như việc tạo lập các website, fanpage, giả danh các ngân hàng thương mại để lừa đảo, thì gần đây lại nổi lên một thủ đoạn gian lận khác, đó là chiêu thức chiếm đoạt tiền qua tin nhắn mạo danh tài khoản ngân hàng để vay, mượn tiền. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đã cung cấp công cụ để người dùng tra cứu, xác minh hoặc báo cáo tài khoản ngân hàng liên quan tới lừa đảo.

Chị Trần Thanh Hoa, ở quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội là một trong những nạn nhân của tình trạng lừa đảo trên không gian mạng. Chị Hoa cho biết: nhiều người thân đã chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng lừa đảo mạo danh là tài khoản của chị và đóng giả chị đang rất cần tiền, mong được mọi người cho vay tiền. "Chúng đã hack tài khoản của tôi và nhắn tin cho nhiều người thân, bạn bè, khiến nhiều người nhầm tưởng tôi thực sự cần tiền, tin tưởng và chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo", chị Hoa bức xúc.

(Ảnh minh họa, nguồn TTXVN)

Lê Thu Trang, một sinh viên ở Hoà Bình, vừa lên Hà Nội nhập học đã bị các đối tượng đe dọa. "Người ta đã gọi điện cho em và đe dọa nếu em không chuyển khoản thì họ sẽ sử dụng hình ảnh của em cho những mục đích xấu trên mạng xã hội…".

Theo các chuyên gia công nghệ, khi các ngân hàng tập trung nâng cao công tác bảo mật thì nhóm tội phạm chuyển hướng tấn công người dùng. Sau khi chiếm đoạt tiền, tội phạm thường chia nhỏ số tiền và chuyển lòng vòng qua các ngân hàng khác nhau, sử dụng nhiều tài khoản không chính chủ để rút tiền. Máy chủ của các đối tượng được đặt tại nước ngoài nên việc đấu tranh của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.

Ông Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông, khuyến cáo: khi giao dịch với các tài khoản ngân hàng lạ, trong các tình huống bất thường, người dân có thể kiểm chứng thông qua cổng thông tin “tinnhiemmang.vn”.

Cụ thể, đối với một số tài khoản có vấn đề, nếu người dân có thể tìm thấy thì có các thông tin về số tài khoản, tên chủ tài khoản, tên ngân hàng và một số thông tin chi tiết về cảnh báo lừa đảo liên quan đến tài khoản đó. Người dùng có thể report thêm, hoặc chia sẻ thêm thông tin liên quan đến tài khoản đó mà họ biết…

Nhằm ngăn chặn thủ đoạn chiếm đoạt tiền qua tin nhắn mạo danh tài khoản ngân hàng để vay mượn tiền, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm giám sát toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Bộ đã có kế hoạch phối hợp với các ngân hàng để đưa ra cảnh báo sớm ngay khi người dùng phát sinh giao dịch với các tài khoản có dấu hiệu đáng ngờ.

"Thời gian tới, chúng tôi phối hợp với các ngân hàng phát hiện ra khách hàng kích vào một link lừa đào thì lập tức hệ thống có biện pháp để ngăn chặn ngay, để khách hàng tiếp theo không bị mất tiền. Còn biện pháp lâu dài, chúng tôi đang xây dựng ứng dụng khi kích vào một cái là hệ thống có thể tự nhận diện được web lừa đảo...", ông Hưng cho biết thêm.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện đã có hàng trăm tài khoản bất thường được công bố tại cổng thông tin tín nhiệm mạng. 8 tháng qua, Bộ Công an và các lực lượng chức năng đã phát hiện gần 2.000 vụ có thủ đoạn lừa đảo tài khoản ngân hàng chiếm đoạt số tiền lớn qua số tài khoản lừa đảo. Hệ thống giám sát đã dự đoán và ngăn chặn tấn công mạng phát hiện 1,4 triệu website, đường link chứa mã độc, trong đó lừa đảo tài khoản ngân hàng chiếm trên 40%./.

Phạm Thị Hạnh/VOV1

 

Bình luận

    Chưa có bình luận