'Đất tặc'… lộng hành ở rừng Sóc Sơn

Trong khi UBND TP Hà Nội chỉ đạo thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, xử lý nghiêm các vi phạm.

 

Thì lạ thay, tại xã Nam Sơn lại xảy ra câu chuyện “đất tặc” lộng hành.

Theo chân những chiếc xe chở đất...

Báo TNVN nhận được phản ánh của người dân hiện đang sinh sống tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội về tình trạng khai thác đất lâm nghiệp diễn ra trong suốt thời gian dài nhưng không bị cấp chính quyền xử lý.

Cũng theo phản ánh của người dân, tình trạng đất lâm nghiệp bị khai thác không thể tái sử dụng vào sản xuất; cả vùng đất rộng lớn biến thành ao sâu, đồi bị khoét nham nhở, tiềm ẩn tai nạn cho người dân mỗi khi mùa mưa bão về. Bên cạnh đó là tình trạng xe quá khổ, quá tải chở đất, đá ngày đêm cày nát tuyến đường bê tông liên thôn, liên xã.

Sau nhiều ngày đeo bám đường 35 chạy qua các xã Minh Phú, Nam Sơn, Hồng Kỳ, phóng viên nhận thấy phản ánh của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Tuyến đường bị xuống cấp trầm trọng, xuất hiện ổ trâu, ổ gà, sóng lươn chằng chịt, gây khó khăn cho các phương tiện khi tham gia giao thông qua đây.

Xe tải chở đầy đất chạy trên đường liên thôn để ra đường 35. Ảnh PV

Cũng trên tuyến đường 35, không khó để bắt gặp cảnh những chiếc xe tải, chở đầy đất đỏ cao quá thành thùng xe, đất rơi vung vãi khắp mặt đường.

 Để tìm ra vị trí khai thác đất, phóng viên đã phải bám đuổi chiếc xe tải mang biển kiểm soát 29C - 92500. Sau một hồi bám đuổi, phóng viên phát hiện chiếc xe tải này đi vào thôn Xuân Thịnh, xã Nam Sơn.

Tuyến đường liên thôn nhấp nhô, ổ trâu, sóng trâu chằng chịt.

Với chiều dài chưa đầy 1km, phóng viên phải khá vất vả điều khiển chiếc xe máy cà tàng mượn của người dân, có những lúc phải táp xe máy vào tận lề đường nhường chỗ cho những chiếc xe tải chở đầy đất từ trong khu khai thác đi ra. Cũng trên cung đường này, phóng viên bắt gặp một cảnh tượng “đoàn quân” xe tải vận chuyển đất tấp nập, nhộn nhịp, tiếng còi xe inh ỏi kèm theo bụi đất đỏ phả thẳng vào mặt chúng tôi, mỗi khi những chiếc xe tải lao qua.

Xâm nhập khu khai thác đất

Chiếc xe tải 29C - 92500 dẫn chúng tôi vào con đường đất gồ ghề, độc đạo, hai bên là đồi cây trồng bạch đàn. Ngay lối xuống khu vực khai thác được lập chốt trạm bảo vệ, có nhiều thanh niên bặm trợn, kẻ đứng, người nằm võng, mắt đảo quanh theo dõi chiếc xe tải đang lầm lũi đi vào.

Ẩn mình trên đồi bạch đàn, chúng tôi quan sát và ghi nhận mọi hoạt động đang khai thác đất đang diễn ra tại đây. Cả vùng đất rộng hàng nghìn mét vuông chằng chịt ao và nhấp nhô gồ đất. Những chiếc máy xúc hạng nặng hối hả cắm thẳng gầu sắt vào lòng đất, múc đất rồi đổ vào thùng xe tải.

Không khí làm việc trong đại công trường khai thác đất diễn ra sôi động, tiếng gầm rú của máy múc, tiếng va đập loảng xoảng của gầu sắt mỗi khi đụng vào thành xe tạo thành một thứ âm thanh hỗn độn, phá tan sự im ắng của rừng.

Cả một vùng đất rộng hàng nghìn mét vuông đã bị khai thác biến thành ao hồ, nhấp nhô

Chỉ trong vòng 10 phút, chiếc xe tải này đã “ăn đất” đầy thùng, nổ máy rời khỏi hiện trường. Chiếc xe khác lại lầm lũi tiến vào “ăn hàng”, rất nhộn nhịp. Trong quá trình tác nghiệp tại hiện trường, nhóm phóng viên đã ghi nhận những chiếc xe tải mang biển kiểm soát: 29C - 92500; 30Z - 4972; 30X - 2665; 29C - 94325 và nhiều chiếc xe tải khác không thể ghi nhận biển kiểm soát bởi đất đỏ phủ kín nhộn nhịp ra vào ăn hàng.

Ngày 28/11/2018, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản số 11581 về việc xử lý phản ánh của báo chí về các công trình xây dựng trên đất rừng phòng hộ ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội.Tại văn bản, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình có ý kiến chỉ đạo: Yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo công tác thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đảm bảo kết luận đầy đủ, chính xác, khách quan và xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cái thủ tướng chính phủ trước ngày 1/2/ 2019

Rời vị trí đang khai thác, theo dõi ở hướng khác, chúng tôi phát hiện nhiều chiếc xe chở đất chạy rầm rập. Chỉ cách vị trí khai thác đất ban đầu khoảng 200m, trước mắt chúng tôi là những khu đồi đã bị cày xới, phía trên là hàng cây bạch đàn chơi vơi mép đồi, tới mùa mưa bão có nguy cơ đỗ ụp xuống bất cứ lúc nào.

Theo quan sát của phóng viên, tại khu vực này chỉ cắm chốt một máy múc và mức độ hoạt động nhỏ lẻ hơn vị trí ban đầu. Tuy nhiên, tại đây cũng có người canh phòng nghiêm ngặt, giám sát người lạ xuất hiện.

Cả một quả đồi trồng bạch đàn đã bị múc, hiện vẫn đang khai thác nhỏ lẻ.

Trao đổi với phóng viên, bác K bức xúc cho hay: Trước đây vị trí này là cả một quả đồi trồng cây bạch đàn, nhưng đã bị múc đất đi bán, nay chỉ còn hoạt động nhỏ lẻ. Nhưng với kiểu khai thác như thế này, chẳng mấy chốc khu vực này không còn nổi một cái cây.

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong các cuộc họp HĐND, cử tri cũng đã nhiều lần kiến nghị chính quyền vào cuộc xử lý dứt điểm tình trạng khai thác đất lâm nghiệp trái phép, nhưng đến nay sự việc vẫn chưa giải quyết triệt để.

Sai phạm đã rõ

Tình trạng khai thác đất diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, từ vị trí khai thác cũng như con đường những chiếc xe tải chở đất chạy qua nằm khá gần trụ sở UBND xã Nam Sơn. Vậy, trách nhiệm của UBND xã Nam Sơn như thế nào trong vụ việc này?

Ngày 24/12/2018, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Ngọc Oanh, Phó chủ tịch xã Nam Sơn về tình trạng khai thác đất trên địa bàn. Ban đầu ông Oanh khẳng định, trước đó thì có một vài vị trí khai thác đất, nhưng đến nay tại địa bàn xã không có tình trạng khai thác đất.

Khi phóng viên cung cấp hình ảnh xe tải chở đất, vị trí khai thác đất thì ông Oanh vội vã giãi bày, tại vị trí có 3 máy xúc mà phóng viên cung cấp đã được UBND xã Nam Sơn đình chỉ không cho hoạt động cách đây 15 ngày. “Giờ họ không còn hoạt động nữa đâu…”  - ông Oanh khẳng định.

Phóng viên tiếp tục đề nghị ông Oanh xem kỹ hình ảnh và đặt câu hỏi: Khu vực này có được cấp phép hoạt động khai thác đất? Cơ quan nào cấp phép?. Ông Oanh chia sẻ, khu vực này, trước đây bà con nhân dân có ý kiến và có đơn gửi UBND xã xin được đào hồ tích nước, phục vụ sản xuất. Khi phóng viên đề nghị ông Oanh cung cấp hồ sơ, ông Oanh cho hay, việc cung cấp hồ sơ phải gặp đồng chí chủ tịch xã.

Nhằm thực hiện hoá chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình, UBND TP Hà Nội chỉ địa thanh tra thành phố thanh tra toàn diện việc quản lý, sử dụng đất rừng còn lại trên địa bàn huyện Sóc Sơn, ngoài phạm vi thanh tra toàn diện tại các xã Minh Trí, Minh Phú, khu vực các hồ Đồng Quan, Hàm Lợn, Đồng Đò và một số hồ lớn khác

Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi với ông Oanh: Tình trạng xúc đất, ô tô chở đất ra khỏi vị trí khai thác là đúng hay sai? Trả lời phóng viên, ông Oanh khẳng định, chưa có cấp có thẩm quyền phê duyệt việc khai thác đất, ô tô chở đất khỏi vị trí khai thác chắc chắn là sai.

Tiếp thu thông tin từ phóng viên, ông Oanh yêu cầu ông Nguyễn Văn Đông, cán bộ phụ trách Nông lâm nghiệp của xã Nam Sơn xuống hiện trường kiểm tra, báo lại sự việc. Trao đổi với phóng viên, ông Oanh thừa nhận tại hiện trường đang có 3 máy xúc nhưng không hoạt động. Thông tin này hoàn toàn trùng khớp với thông tin mà trước đó phóng viên đã cung cấp cho ông Oanh.

Trong khi vụ việc rừng Sóc Sơn bị “xẻ thịt” đang được UBND TP Hà Nội làm rõ thì “đất tặc” ngang nhiên lộng hành khiến dư luận không khỏi bức xúc. Trách nhiệm của chính quyền UBND xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn như thế nào trong vụ việc này? Báo TNVN sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

 

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận