Tiếp: Cho vay sai quy định hàng trăm tỷ đồng, giám đốc ngân hàng vẫn 'hạ cánh an toàn

Dự án thủy điện Bắc Giang, Vàng Puộc (Lạng Sơn) thực tế không đáp ứng đủ điều kiện vay theo yêu cầu, nhưng vẫn được cho vay hàng trăm tỷ đồng.

 

Bài 2: Không đủ điều kiện vẫn được cho vay, ai chịu trách nhiệm sai phạm?

Trong số báo trước, Báo Tiếng nói Việt Nam đã phản ánh tình trạng Dự án thủy điện Bắc Giang (Vàng Puộc), xã Quý Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn được khởi công từ năm 2009, nhưng đến nay vẫn chưa thành hình. Đáng chú ý là dự án này thực tế không đáp ứng đủ điều kiện vay theo yêu cầu, nhưng vẫn được cho vay hàng trăm tỷ đồng.

Được vay gần 300 tỷ khi chỉ có hơn 7 tỷ đồng?

Trong văn bản số 17/2020/CV-Someco1, ngày 16/7/2020 gửi Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn (NHNo Lạng Sơn), Công ty Someco 1 - chủ đầu tư dự án thủy điện Bắc Giang (Vàng Puộc) - trần tình: "Năm 2011, các cổ đông của Công ty CP Năng lượng Someco1 đã rơi vào khủng hoảng tài chính nặng nề, nguồn thu sụt giảm, không có tiền vốn để đầu tư xây dựng" nên phải tạm dừng thi công dự án, thậm chí sau đó cũng không còn đủ tiềm lực thi công. Đến tháng 5/2018, đối tác mua lại phần lớn cổ phần của Công ty đã tái khởi động dự án và xây dựng thêm được khoảng 5% khối lượng công việc. Nhưng rồi cổ đông này cũng khủng hoảng tài chính, không thể tiếp tục. Văn bản này thừa nhận: "Hiện tại, Công ty chúng tôi đang mất khả năng tài chính để tiếp tục thi công dự án" và đề nghị NHNo Lạng Sơn cho phép thanh toán phần nợ gốc nội tệ là 113.705.816.798 đồng và nợ gốc ngoại tệ là 666.703,03 USD cùng với 1 tỷ đồng lãi, số lãi còn lại xin được miễn. Theo đề xuất này, cho dù có tính tỷ giá tại thời điểm năm 2020 là 22.000 đồng/USD thì số tiền mà Someco1 trả cho NHNo Lạng Sơn cũng chỉ khoảng 15 tỷ đồng nợ gốc ngoại tệ và xấp xỉ 114 tỷ đồng nợ gốc nội tệ, cộng với 1 tỷ đồng lãi thì mới chỉ xấp xỉ 130 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa số tiền mà chi nhánh ngân hàng này dự kiến bán đấu giá khoản nợ (giá khởi điểm lần 1 là 264.831.040.168 đồng) trong văn bản số 789/NHNo.LS-KHDN. Như vậy, nếu đề xuất này được chấp thuận, thì Nhà nước bị mất ít nhất là hơn 130 tỷ đồng. Thế nhưng, điều đó dường như không có mấy ý nghĩa với những cán bộ tín dụng trực tiếp để xảy ra sai phạm trong kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn và trả nợ của chủ đầu tư, bởi họ đã "hạ cánh an toàn" hoặc ung dung nhận vị trí mới.

Dự án thủy điện 13 năm vẫn không thành hình

Đáng chú ý là ngày 7/1/2009, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (NHNo) Việt Nam có văn bản số 65/NHNo-TDDN (văn bản số 65) chấp thuận cho vay đối với dự án này, đồng thời nêu rõ: thời hạn cho vay tối đa là 13 năm 6 tháng, bao gồm 2 năm 9 tháng ân hạn. Như vậy, tính từ thời điểm 7/1/2009, thì đến 7/7/2022, Someco1 sẽ phải hoàn trả cả vốn và lãi cho NHNo Lạng Sơn. Thế nhưng, đến thời điểm này khoản nợ này vẫn không được hoàn trả bởi văn bản số 17/2020/CV-Someco1 của chính Someco1 đã thừa nhận: "Công ty chúng tôi đang rơi vào khủng hoảng tài chính nặng nề" nên chỉ có thể thanh toán hết nợ gốc và một phần lãi vay.

Tiền của nhà nước hay lá rụng?

Tính đến thời điểm này, có thể thấy, quá trình cho vay đối với dự án thủy điện Bắc Giang là sai phạm nối tiếp sai phạm. Kết luận thanh tra số 07/KL-LAS.TTGSNH ngày 5/1/2012 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Lạng Sơn về việc thanh tra đột xuất đối với NHNo Lạng Sơn cho thấy: vốn chủ sở hữu của Công ty Someco1 tại thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng ngày 21/01/2009 là 7 tỷ 086 triệu đồng. Như vậy, mức vốn tự có tham gia chưa được nổi 1/10 con số 30% tổng mức đầu tư theo yêu cầu của văn bản số 65/NHNo-TDDN, không đáp ứng đủ điều kiện để vay vốn. Đồng thời còn tiếp tục giải ngân số tiền 20 tỷ đồng cho Công ty Someco1 để tạm ứng thi công công trình. Đồng thời, các thỏa thuận đã ký trong Hợp đồng tín dụng vi phạm quy định “điều kiện vay vốn” của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Xin nhắc lại, Kết luận thanh tra số 07 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lạng Sơn khẳng định: "hành vi sai phạm của chi nhánh diễn ra liên tục và có hệ thống, từ cán bộ phòng tín dụng, lãnh đạo phòng tín dụng và lãnh đạo chi nhánh trong việc giải quyết cho vay đối với dự án nói trên là vi phạm rất nhiều điều khoản trong Luật các tổ chức tín dụng". Đồng thời Ngân hàng nhà nước Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn kiến nghị kỷ luật và xử lý trách nhiệm đối với ông Vi Văn Việt - Giám đốc, ông Nông Văn Như - Phó Giám đốc, đồng thời kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm của ông Hoàng Văn Cảm - Trưởng phòng và ông Hoàng Kim Vượng - Phó trưởng phòng Tín dụng. Nếu những kết luận thanh tra không được thực hiện nghiêm thì yêu cầu cách chức đối với những người vi phạm.

Thủy điện Bắc Giang

Đến ngày 15/8/2012, NHNo Việt Nam đã có biên bản làm việc kết quả chỉnh sửa sau kết luận thanh tra, trong đó ghi nhận NHNo Lạng Sơn đã có một số biện pháp khắc phục như đôn đốc chủ đầu tư triển khai dự án; Yêu cầu chủ đầu tư và các cổ đông góp vốn bổ sung vốn tự có (theo quy định tại văn bản số 65/NHNo-TDDN thì chủ đầu tư phải tham gia đủ vốn tự có vào dự án tối thiểu 30% tổng mức đầu tư, tương đương 94 tỷ đồng, đồng thời phải sử dụng tối thiểu 50% vốn tự có, tương ứng 47 tỷ đồng, để thực hiện dự án). Thế nhưng, đối với những vấn đề khác chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng theo yêu cầu của Kết luận thanh tra số 07. Đặc biệt, mặc dù kết luận thanh tra số 07 yêu cầu "Đến ngày 10/2/2012, những kết luận thanh tra không được thực hiện nghiêm thì đề nghị cách chức Giám đốc, Phó giám đốc trực tiếp ký duyệt cho vay các món vay trên". Thế nhưng, đến ngày 15/8/2012, các kết luận thanh tra vẫn chưa được thực hiện triệt để, vậy mà Giám đốc Vi Văn Việt và Phó giám đốc Nông Văn Như chỉ bị xử lý trách nhiệm bằng hình thức "khiển trách bằng văn bản" với lý do là "vi phạm lần đầu" và hiện nay đều đã "hạ cánh an toàn".

Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những thiệt hại này?

Đến thời điểm này, tỉnh Lạng Sơn đang phải tìm giải pháp để khắc phục tình trạng dang dở của Dự án thủy điện Bắc Giang khiến đời sống của ít nhất là 483 hộ dân vùng lòng hồ bị ảnh hưởng nặng nề, nông sản có những năm mất trắng do nước lũ. Đó là chưa kể, khi ngành chức năng tiến hành kiểm điểm tài sản các hộ dân bị thiệt hại bởi dự án thì chủ đầu tư không phối hợp nên người dân không được bồi thường đầy đủ.

Cần lưu ý, NHNo Lạng Sơn cũng như toàn bộ NHNo Việt Nam là NHTM duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, nên nếu không xử lý được khoản cho vay đối với Dự án thủy điện Bắc Giang, thì có nghĩa là hàng trăm tỷ đồng vốn Nhà nước bị mất trắng. Chưa tính phần trượt giá, khi các khoản vay bằng USD thời điểm đó chỉ được tính với giá 16.600 đồng/USD, còn hiện nay giá USD theo tỷ giá liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã là 23.207 đồng, tương đương 139,8% so với thời điểm 2009.

Ai chịu trách nhiệm với việc cho vay sai quy định?

Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho tình trạng thất thoát vốn nhà nước vì cho vay sai quy định? Chẳng lẽ cứ để người gây ra thất thoát được "hạ cánh an toàn", còn những người lao động thế hệ sau này lại chịu cảnh "quýt làm cam chịu"?

Trả lời câu hỏi liệu có căn cứ hình sự hóa vụ việc này, luật sư Nguyễn Ngọc Thụy - Công ty luật Ngọc Thụy - nêu rõ: "Điều 206 Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định rõ: Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan, trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, thì sẽ bị xử lý với 4 khung hình phạt, trong đó mức độ cao nhất là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm".

Bộ luật Hình sự

Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, phân tích: “Theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: Tổ chức tín dụng phải thẩm định, kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; Nhận dạng các loại rủi ro có thể phát sinh trong quá trình cho vay; quy trình theo dõi, đánh giá và kiểm soát rủi ro; phương án xử lý rủi ro. Đối với tài sản nhà nước, quá trình quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước phải đảm bảo việc sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức; đảm bảo hiệu quả và tiết kiệm. Đối với hành vi vi phạm quy định trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước thì có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính. Nếu hành vi vi phạm có tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội; gây thất thoát lãng phí đối với tài sản nhà nước cần thiết phải xử lí bằng biện pháp hình sự. Đối với trường hợp cán bộ ngân hàng có sai phạm trong quy trình cho vay khiến cho tài sản Nhà nước có nguy cơ bị thất thoát, có dấu hiệu vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng thì tùy tính chất, mức độ hành vi vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định tại Điều 206 BLHS hoặc Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 BLHS”.

Luật các tổ chức tín dụng

Khi chúng tôi liên hệ làm việc với NHNo Việt Nam, đại diện lãnh đạo ngân hàng khẳng định: Sẽ không có vùng cấm, không có bao che đối với sai phạm của NHNo Lạng Sơn. Mọi sai phạm sẽ được xử lý theo đúng quy định pháp luật có liên quan./.

Pháp luật ngân hàng quy định, tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện quy định tại Điều 7, khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN. Khách hàng vay vốn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn, đồng thời phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn. Tổ chức tín dụng căn cứ vào phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính của khách hàng, các giới hạn cấp tín dụng và khả năng nguồn vốn để thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay (Điều 12 Thông tư 39/2016/TT-NHNN). - Luật sư Đặng Văn Cường

 

Bình luận

    Chưa có bình luận