Giải pháp phát triển nông nghiệp Tây Nguyên

Nằm trong chuỗi hoạt động thúc đẩy liên kết vùng và kêu gọi đầu tư phát triển nông nghiệp, mới đây Bộ NN&PTNT đã phối hợp cùng UBND tỉnh Gia Lai tổ chức 'Diễn đàn kết nối Tây Nguyên' nhằm mở ra cơ hội để nông nghiệp Tây Nguyên phát huy lợi thế sẵn có.

Khó khăn về tiêu thụ nông sản và tinh chế

Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Với tổng diện tích đất nông nghiệp trên 5 triệu ha, chiếm 91,75% diện tích đất tự nhiên, Tây Nguyên là một trong những trung tâm sản xuất nông sản hàng hóa lớn nhất cả nước với sự dồi dào về sản lượng và phong phú về chủng loại, gắn với công nghiệp chế biến, phát triển du lịch sinh thái.

Hệ thống giao thông đường bộ và đường không tại đây đang được hoàn thiện với 3 sân bay tạo điều kiện thuận lợi để liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh trong vùng và các vùng lân cận trong nước cũng như trong khu vực.

Thời gian qua, sản xuất kinh doanh nông nghiệp vùng Tây Nguyên liên tục phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế vùng, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với cơ chế thị trường. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%/năm, năm 2021 tăng 5,8% và chiếm gần 12,8% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp cả nước.

Bên cạnh lợi thế phát triển, nông nghiệp cũng đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: Tác động biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng thiếu nước tưới trong mùa khô; sâu bệnh nhiều, dẫn đến phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ cây trồng, tăng đầu vào sản xuất, gây khó khăn cho sản xuất chứng nhận và quản lý chất lượng sản phẩm; kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển sản xuất hàng hóa lớn.

Cùng với đó, hiện nay diện tích nuôi, trồng vẫn chưa thực sự lớn; công nghệ canh tác, thu hoạch còn thủ công, lạc hậu; chất lượng giống cây trồng vật nuôi chưa cao, công tác quản lý giống cây trồng chưa thực sự tốt, còn tình trạng buôn bán nguồn giống kém chất lượng; khâu thu hoạch, chế biến chưa phát triển, chủ yếu là sơ chế.

Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cho biết: “Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được tinh chế chỉ có 1%, số còn lại đưa đi thị trường khác và được mua bán trôi nổi trên thị trường, không được kiểm soát về chất lượng, nguồn gốc và giá thành”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cũng đánh giá, điểm yếu trong phát triển nông nghiệp tại Tây Nguyên là chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, chế biến với tiêu dùng. Đặc biệt là khâu sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch -dịch vụ, quảng bá sản phẩm chưa thực sự được quan tâm đầu tư đúng mức.

Nâng tầm giá trị nông sản vùng Tây Nguyên

Để khắc phục những tồn tại và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất -chế biến tiêu thụ nông sản bền vững, nâng tầm giá trị nông sản vùng Tây Nguyên trên toàn cầu, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NN&PTNT và các tỉnh Tây Nguyên có định hướng và giải pháp như sau:

Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, gắn với đô thị hóa; nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch và các đề án lớn phát triển nông nghiệp Tây Nguyên; bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Phân bổ, quy hoạch vùng, xác định cây trồng, vật nuôi ưu tiên, khai thác đất đồi núi trọc để chuyên canh nhưng toàn vùng lại đa dạng...

Xây dựng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên, thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai theo quy định của pháp luật để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn. Tổ chức thực hiện hiệu quả việc bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng rừng, phát huy giá trị của rừng; nghiên cứu, vận dụng các kinh nghiệm quốc tế về quản lý, sử dụng rừng bền vững. Phối hợp tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi hơn để xây dựng vùng sinh thái đầu tư cho hợp tác, phát triển kinh tế nông nghiệp Tây Nguyên.

Đẩy mạnh khâu nghiên cứu, chọn tạo, nâng cao chất lượng giống cây trồng vật nuôi, quản lý giống cây trồng, vật nuôi; đặc biệt cần chú ý phát triển những giống đặc sản, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường. Đẩy mạnh sản xuất gắn với phát triển du lịch nông nghiệp theo nhiều hình thức. Xây dựng, quảng bá để Tây Nguyên trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và du khách trong nước và quốc tế, kích thích sản xuất - kinh doanh nông sản phát triển; gắn kết gần hơn giữa người sản xuất với người tiêu dùng.

Chú trọng nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng. Kết nối hành lang đa dạng sinh học với các vùng Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ; cùng các vùng kết nối chia sẻ thông tin sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh quy mô, diện tích sản xuất phục vụ chế biến, tiêu dùng, giảm rủi ro. Xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ, đường không kết nối nội vùng và với các vùng khác.

Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư vào các khâu liên kết sản xuất, chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản. Cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Tây Nguyên. Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn; nâng cấp, cải tạo hồ chứa và hệ thống kênh mương dẫn nước tưới phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông, công nghiệp, chăn nuôi và chế biến nông sản.

Bình luận

    Chưa có bình luận