Chuyện gì đang xảy ra tại dự án cụm công nghiệp Hòa Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình?

Dự án Cụm CN và dịch vụ Hòa Sơn đang triển khai quy hoạch 1/500 nhưng vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân và người có QSD đất tại khu vực quy hoạch.

 

Kỳ 1. VÌ SAO DÂN KHÔNG ĐỒNG THUẬN?

 

Dự án Cụm công nghiệp và dịch vụ Hòa Sơn (gọi tắt là Cụm công nghiệp Hòa Sơn) đang được các cơ quan chức năng của huyện Lương Sơn và tỉnh Hòa Bình gấp rút triển khai các bước để thực hiện quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500. Thế nhưng, việc thực hiện quy hoạch chi tiết này đang vấp phải sự phản đối gay gắt của người dân và những người có quyền sử dụng đất tại khu vực được quy hoạch. Chuyện gì đang xảy ra ở đây?

 

Gần 40 năm khai hoang phục hóa, giờ bỗng trắng tay

 

Cầm lá đơn trên tay, mấy chục hộ dân ở thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình không nén nổi bức xúc. Họ - những người công nhân, nông dân, cựu chiến binh nghe theo tiếng gọi của tỉnh Hà Sơn Bình trước đây (nay là một phần của Thành phố Hà Nội và tỉnh Hòa Bình) - đã không nề hà vất vả, đưa gia đình đến gửi thân nơi rừng xanh núi đỏ, khai hoang phục hóa giai đoạn 1982 - 1986. Sau hàng chục năm dùng tay không nhặt từng phiến đá, dùng cuốc xẻng đào từng thước đất, giờ đây, hơn bốn chục con người cùng gia đình đã hình thành nên một thôn với những nếp nhà to nhỏ khác nhau, nhưng ấm cúng và bình yên. Cho đến ngày 9 tháng 7 năm 2021, khi cuộc họp lấy ý kiến cộng đồng dân cư về bản đồ quy hoạch 1/500 được tổ chức. Điều nực cười là theo chính biên bản cuộc họp do Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình phối hợp với Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng công nghiệp Hòa Sơn (chủ đầu tư) tổ chức, thì có ít nhất 2 ý kiến nói rõ không đồng ý; 4 ý kiến đặt câu hỏi về tính khả thi, tính minh bạch của dự án, lợi ích của nhân dân khi triển khai; và chỉ có 2 ý kiến của người dân thôn Tân Sơn (cũng bị lấy một phần đất để thực hiện dự án) là đồng ý với quy hoạch này, thế nhưng, biên bản lập xong lúc 10 giờ 00 phút cùng ngày vẫn ghi: "Hội nghị nhất trí với những nội dung đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Hòa Sơn, huyện Lương Sơn" (?!).

Người dân Bùi trám với những lá đơn đề nghị giữ lại thành quả 40 năm khai hoang phục hóa

Ông Nguyễn Duy Thất, 65 tuổi, người dân thôn Bùi Trám, bần thần nhắc lại: "Năm 1985, tôi nghe theo lời vận động của tỉnh Hà Sơn Bình từ Quốc Oai lên đây khai hoang phục hóa, san người sẻ của để khẩn hoang đất trống đồi trọc. Vào đến đây cũng được sự đùm bọc của bà con trong thôn bản. Giờ đây cuộc sống bắt đầu an nhàn, có gia đình xây dựng được trang trại, có nhà lầu xe hơi. Có gia đình cũng còn nhiều vất vả. Thế nhưng cuộc sống vừa mới ổn định thì lại đưa cụm công nghiệp vào đất của chúng tôi, khiến cuộc sống đảo lộn hết. Bà con thực sự cảm thấy bức xúc. Hơn nữa chúng tôi chỉ được mời ra khi sự đã rồi, treo sơ đồ dự án lên, trong đó nhà cửa vườn tược của chúng tôi đã nằm trong quy hoạch cụm công nghiệp. Bà con phản đối việc làm này. Sau cuộc họp đó, chúng tôi được dự thêm cuộc họp của chủ dự án với đại diện xã, huyện và người dân. Tại cuộc họp thứ hai này, chúng tôi yêu cầu giải thích rõ ràng thì Phó chủ tịch UBND huyện Lương Sơn có ghi nhận. Điều bà con bức xúc nhất là quy hoạch chưa rõ ràng, chưa được công bố tới người dân. Thứ hai là nằm trong nhiều diện tích đất của bà con, đều là đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Giờ ngay tại xã Hòa Sơn này một vài dự án còn đang treo, không khả thi mà tiếp tục xây dựng thì chúng tôi không đồng tình với việc đó".

 

Sốt đất làm mất tất cả?

 

Xã Hòa Sơn nằm phía Đông Bắc của huyện Lương Sơn, cách trung tâm huyện 5 km. Hòa Sơn có diện tích tự nhiên 2.387,36 ha, trong đó đất chưa sử dụng 734,84ha. Hòa Sơn được chọn làm nơi đặt nhiều nhà máy, xí nghiệp và xây dựng khu, cụm công nghiệp. Trong đó có dự án Cụm công nghiệp Hòa Sơn.

Cụm công nghiệp đã được quy hoạch và triển khai giờ chuyển đổi thành khu đô thị (!?)

Cũng không quá khó hiểu khi người dân Bùi Trám phản ứng gay gắt với dự án này, bởi hiện nay trên địa bàn xã Hòa Sơn đã có 1 khu công nghiệp Lương Sơn rộng 83 ha đang hoạt động với tỉ lệ lấp đầy 100% và 4 dự án cụm công nghiệp, trong đó có 2 dự án triển khai từ năm 2007, vừa xin rút khỏi quy hoạch và chuyển đổi mục đích sử dụng đất thành khu đô thị. Theo phản ánh của người dân nơi đây, có dự án khi GPMB chỉ chi trả cho người dân 60.000 đồng/m2, nhưng đến nay đang phân lô bán nền với giá 14 - 15 triệu đồng/m2. Nguồn lợi đó vào túi ai thì chưa rõ, nhưng người dân mất đất thiệt đủ đường.

Sinh năm 1940, đến nay, dù mắt đã mờ, chân đã chậm và không thể lao động nặng nhọc, nhưng bà Nguyễn Thị Chích ở thôn Bùi Trám vẫn còn nhớ những ngày cuốc đất đồi tóe máu để gieo được hạt lúa, hạt ngô đúng 40 năm về trước. Dù ở trong căn nhà ngói cấp 4, nhưng bà Chích vẫn rất tự hào khi "Có sức người sỏi đá cũng thành cơm". Vậy mà bây giờ bà lão 82 tuổi ấy đang đứng trước nguy cơ mất đi căn nhà thân yêu, mảnh vườn và thửa ruộng mưu sinh vì một dự án cụm công nghiệp nào đó không biết có thực sự mang lại lợi ích kinh tế cho nhà nước và nhân dân hay không: "Mong muốn của chúng tôi chỉ là ổn định cuộc sống sau 40 năm đổ mồ hôi công sức gây dựng, nghe theo tiếng gọi của địa phương. Giờ bắt tôi phải đi thì tôi không còn làm gì được nữa, tôi sẽ sống như thế nào? Cách chủ đầu tư làm là chúng tôi toàn bộ phản đối!" Bà Chích nghẹn ngào.

Gần bước sang tuổi 90, đã từng có hơn 50 năm trong quân ngũ, ông Ngô Kim Uy, quê miền Trung, sinh năm 1933, không khỏi bồi hồi khi nhớ lại việc mình được người dân ở đây đùm bọc, giúp đỡ gây dựng cuộc sống ở Bùi Trám như thế nào: "Chúng tôi ra ngoài này khai hoang phục hóa như bà con mong ổn định cuộc sống gia đình để con cái có miếng ăn. Chúng tôi vất vả ngày đêm để gây dựng cuộc sống bớt vất vả mà bây giờ lấy đất làm khu công nghiệp ngay trên mảnh đất chúng tôi sinh sống, khai hoang phục hóa thì chúng tôi mất an tâm".

Anh Nguyễn Quý Hải, sinh năm 1983, bức xúc cho biết: "Bố mẹ tôi cùng mấy anh em tôi vào đây cuốc đất cào cỏ, khai hoang phục hóa từ năm 1983, khi tôi còn nằm trong bụng mẹ. Đổ mồ hôi sôi nước mắt, quá khổ mới có được ngày hôm nay, dù chưa khá giả nhưng ít ra cũng có mái nhà che mưa che nắng, có mảnh ruộng, góc vườn. Giờ đùng một cái bảo quy hoạch thành cụm công nghiệp. Mà có phải cụm công nghiệp đâu, rồi lại phân lô bán nền như ở Cố Thổ, Tân Sơn kia kìa, giờ đang bán 13 - 14 triệu/m2, khi đền bù có 60.000 đồng/m2. Cứ lấy cớ quy hoạch để bắt dân dời đi thì dân chúng tôi quá khổ".

Hàng chục người dân già - trẻ - gái - trai thôn Bùi Trám, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đều khẳng định: hầu hết những người được mời dự họp lấy ý kiến nhân dân hoàn toàn không đồng ý với dự án này. Đáng chú ý là trong số 35 "Phiếu lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nội dung lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Cụm công nghiệp Hòa Sơn" do chính chủ đầu tư là Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng công nghiệp Hòa Sơn phát ra mà phóng viên Báo TNVN nắm được thì có tới 33 phiếu của người dân cả hai thôn Bùi Trám và Tân Sơn không đồng ý với dự án này, chỉ có 2 phiếu đồng ý. Còn theo báo cáo số 2021/BC-HS của Công ty này về việc phát phiếu lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại nhà văn hóa hai thôn Bùi Trám và Tân Sơn thì chỉ có 40/83 phiếu phát ra đồng ý, 33 phiếu không đồng ý và 10 phiếu trắng.

Liệu cụm công nghiệp đang được triển khai quy hoạch 1/500 có cùng chung số phận?

Ông Ngô Quang Chung, Bí thư chi bộ thôn Bùi Trám cho biết, nhiều hộ dân hoang mang, lo lắng khi đang sinh sống ổn định thì bỗng dưng lại có dự án cụm công nghiệp mà trước khi khảo sát, quy hoạch đất cụm công nghiệp thì không thấy thông báo và cũng không lấy ý kiến nhân dân. Đến quy hoạch 1/500 mới lấy ý kiến như việc đã rồi, nên nhân dân rất bức xúc. Thêm nữa, điều khiến ông Chung và người dân thôn Bùi Trám nghi ngại là chủ đầu tư không lựa chọn địa bàn có địa hình bằng phẳng mà lại chọn địa bàn có địa hình đa phần là đồi, núi, không bằng phẳng để đầu tư cụm công nghiệp.

"Người dân chúng tôi nghi ngờ dự án này giống dự án Vitaco, trước đây xin làm cụm công nghiệp, giờ lại rút ra khỏi quy hoạch cụm công nghiệp để phát triển dự án bất động sản. Tại buổi họp mới đây do ông Nguyễn Anh Đức, Phó chủ tịch UBND huyện Lương Sơn chủ trì để lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch thì 100% người dân không đồng ý dự án cụm công nghiệp Hoà Sơn. Lãnh đạo huyện đã ghi nhận ý kiến của nhân dân và báo cáo UBND tỉnh Hòa Bình. Nguyện vọng của người dân chúng tôi là đề nghị UBND tỉnh Hòa Bình đưa cụm công nghiệp ra khỏi quy hoạch...", ông Ngô Quang Chung cho biết.

Vì sao một dự án bị phản đối quyết liệt như vậy? Chúng tôi sẽ phân tích vấn đề này trong số báo tới.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận