Công an tỉnh Quảng Bình vừa bắt quả tang vụ khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn tại mỏ khoáng sản nằm giáp ranh giữa xã Kim Hóa và xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Thật khó hiểu khi việc khai thác khoáng sản trái phép kéo dài nhiều tháng qua mà không thấy ai lên tiếng. Dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm chính của quyền các cấp khi để xảy ra vụ việc nghiêm trọng trên địa bàn.
Khu vực các đối tượng khai thác trộm khoáng sản là mỏ khoáng sản được UBND tỉnh Quảng Bình cấp giấy phép khai thác quặng sắt cho Công ty TNHH Anh Trang vào tháng 8 năm 2010 với diện tích hơn 7 ha. Đến tháng 3/2014, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với Công ty TNHH Anh Trang với lý do: Khu vực khoáng sản được UBND tỉnh cấp phép chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ theo quy định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động khai thác trái phép tại khu vực mỏ khoáng sản này diễn ra ngang nhiên, chở đi tiêu thụ trong đêm. Vụ việc được người dân ở gần khu vực mỏ phát hiện.
Ông N.L.G, ở xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa nêu bức xúc: “Khoáng sản thì người ta cũng lấy rồi mà người dân ở đây cũng không được gì cả, ô nhiễm môi trường. Tôi cũng nghi ngờ không biết có hay không việc địa phương bao che hay phớt lờ cho những người kia khai thác. Theo cá nhân tôi thì trách nhiệm của chính quyền địa phương là phải bám sát, giám sát việc khai thác, bảo vệ khu vực mỏ này. Việc người ngoài vào đây khai thác khoáng sản thì địa phương phải biết chứ sao lại để họ tự ý vào múc đưa đi bán.”
Tại quyết định thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản, UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp bàn giao mỏ quặng sắt thu hồi cho UBND 2 xã Hương Hóa và Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa quản lý theo quy định. Huyện Tuyên Hóa và các phòng ban, cơ quan chức năng của huyện và chính quyền 2 xã Hương Hóa, Kim Hóa có trách nhiệm quản lý, bảo vệ mỏ sắt theo quy định của Luật Khoáng sản.
Thế nhưng, việc khai thác trái phép khoáng sản tại khu vực này xảy ra nhiều tháng nay liệu chính quyền không hề hay biết (?). Đêm đêm, hàng chục phương tiện liên tục di chuyển ra vào khu vực mỏ mà chính quyền địa phương chưa ra tay ngăn cản. Đến khi lực lượng của Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện và bắt quả tang hành vi khai thác khoáng sản trái phép của các đối tượng thì chính quyền địa phương mới “giật mình”.
Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện khu vực này vẫn thuộc đất do doanh nghiệp thuê sử dụng 50 năm. Xã cũng mời chủ đất có khu vực mỏ này làm việc về công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản. Ông Nguyễn Văn Linh giải thích, việc khai thác trộm khoáng sản của các đối tượng trong một thời gian ngắn, xã nhiều lần báo cáo lên huyện Tuyên Hóa và đề nghị các ban ngành phối hợp bảo vệ khoáng sản.
Theo ông Linh, xã có lập chốt tuần tra, các chốt trực gần mấy tháng trời, sau khi rút chốt cử lực lượng tuần tra thường xuyên làm đủ mọi cách để quản lý: "Xã bắt giữ được 3 lần và xử phạt 3 lần, đều có các biên bản xử lý và hồ sơ liên quan. Xã thường xuyên báo cáo lên các cấp để có biện pháp phối hợp bởi vì nguồn kinh phí của xã không thể duy trì giữ chốt tuần tra thường xuyên, có thể một thời gian cắm chốt một thời gian rút về. Có trường hợp trộm cứ vào 1-2h sáng, trộm một vài xe khoáng sản nên chính quyền rất khó bảo vệ”.
Năm 2018, tỉnh Quảng Bình đã có Quyết định ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Theo đó, cấp xã, huyện phải thành lập lực lượng thường trực, lập đường dây nóng, phân công lãnh đạo và cán bộ chuyên môn phụ trách từng khu vực, địa bàn xã đảm bảo kịp thời xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Cấp xã, cấp huyện thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin phản ánh, trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết, cần báo cáo lên cấp trên để xử lý. Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm đối với công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý trước pháp luật khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài hoặc cố tình chậm trễ trong xử lý. Theo quy định này, cần làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND các xã liên quan khi để xảy ra vụ khai thác khoáng sản quy mô lớn tại đây.
Liên quan đến vụ khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn tại mỏ khoáng sản nằm giáp ranh giữa 2 xã Kim Hóa và Hương Hóa, một cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, UBND tỉnh đã thông báo cho chính quyền địa phương, các đơn vị nên không có chuyện chính quyền không biết.
“Việc này liên quan đến chính quyền địa phương, UBND tỉnh đã ban hành quy chế bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp huyện. Đầu tiên là cấp xã, khi người khác vào trộm khoáng sản trên địa bàn thì xã thì xã quản lý, ai làm gì chưa có phép xã phải nắm, trách nhiệm của xã là phát hiện, nếu xử lý được thì xử lý tại chỗ. Nếu không xử lý không được thì báo lên huyện, huyện xử lý mà quá thẩm quyền thì báo lên cấp tỉnh.”
Trước đó, đêm 5/12, Đại tá Phan Đăng Tĩnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp chỉ đạo các lực lượng công an tỉnh đột kích và bắt quả tang vụ khai thác khoáng sản trái phép quy mô lớn tại mỏ khoáng sản nằm giáp ranh giữa xã Kim Hóa và xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa. Lực lượng chức năng tiến hành bắt giữ 9 người, thu giữ 9 xe tải và một máy xúc đang khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.
Tại hiện trường, lực lượng công an xác định khoảng 2- 3 ha mỏ quặng sắt đã bị khai thác, tàn phá với độ sâu từ 5-7m. Công an tỉnh Quảng Bình đã lập chuyên án này từ 3 tháng trước để đấu tranh với nhóm khai thác khoáng sản trái phép. Theo lời khai ban đầu của các đối tượng, người thuê vận chuyển quặng là Phạm Xuân Ngư, trú tại xã Kim Hóa, huyện Tuyên Hóa. Đây là vụ án điển hình về khai thác khoáng sản trái phép với các thủ đoạn tinh vi, khai thác ban đêm, nếu không triệt phá kịp thời sẽ làm thiệt hại lớn đến tài nguyên và ngân sách nhà nước. Đại tá Phan Đăng Tĩnh cho biết, lực lượng Công an Quảng Bình đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án, xác định khối lượng khoáng sản đã bị khai thác và tập trung làm rõ ai đã tiếp tay cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép?:
Đại tá Phan Đăng Tĩnh khẳng định, đây là vụ án tương đối điển hình về khai thác khoáng sản trái phép, đã được lực lượng công an báo cáo, xin chỉ đạo từ cấp dưới lên cấp trên và được lãnh đạo công an tỉnh đồng tình, quyết liệt đấu tranh triệt phá bằng được. Tổ chức, triển khai lực lượng, vận dụng tất cả các biện pháp đảm bảo an toàn và bí mật, đảm bảo chuyên án thành công./.
Thanh Hiếu/VOV - Miền Trung