'Tín dụng đen' vẫn nở rộ dù cấm các ngành nghề kinh doanh đòi nợ

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" vẫn xảy ra ở nhiều địa phương.

Ngày 2/12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) và Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo: "Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn", tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 49 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 63 đầu cầu tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, thực hiện Chỉ thị 12 ngày 24/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháo luật liên quan đến hoạt động Tín dụng đen, ngành Ngân hàng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, các quỹ tín dụng, tổ chức tài chính vi mô, mở rộng mạng lưới nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng tại các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài từ năm 2020 đến nay.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, theo ông Đào Minh Tú, do dịch bệnh COVID-19 phức tạp với nhiều đợt dịch, dẫn đến tình trạng tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng ứng dụng công nghệ, dụ dỗ khách hàng cho vay trên các app trực tuyến qua điện thoại với lãi suất cực cao

"Tín dụng đen" vẫn "nở rộ"

Tham luận tại Hội thảo, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà- Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an nhận định, mặc dù từ đầu năm 2021, các ngành nghề kinh doanh đòi nợ ở nước ta đã bị cấm hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng các đối tượng gây sức ép đòi nợ bằng cách gọi điện thoại, đe dọa sử dụng thông tin cá nhân, mạng điện thoại của người đi vay để xâm phạm quyền cá nhân, đe dọa, xúc phạm nhân phẩm, phát tán cho người thân, bạn bè đồng nghiệp... còn phức tạp. Theo thống kê của Cục Cảnh sát hình sự, đến tháng 4/2021, toàn quốc có 27.000 cơ sở kinh doanh hoạt động cầm đồ.

Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự thông tin thêm, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 12 của Thủ tướng chính phủ, lực lượng công an đã phát hiện 1047 vụ với 1718 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Lực lượng công an cũng đã khởi tố 554 vụ với 990 đối tượng, gồm các tội danh liên quan đến giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cướp tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Riêng về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đã phát hiện 539 vụ và 884 đối tượng. Số này chiếm trên 51% tổng số các vụ việc được phát hiện.

Mới tuần vừa qua, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an triệt phá nhóm đối tượng gốc Hải phòng hoạt động ở TPHCM, lãi suất 1700%/ năm. Trong đó chỉ một bị hại vay của nhóm đối tượng này 16,2 tỷ đồng, đã trả cho nhóm đối tượng này trên 20 tỷ, đến nay còn nợ hơn 11 tỷ đồng nữa.

Về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, theo Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, do nguồn thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay tín dụng đen rất cao. Tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật của tội phạm và người dân trong các giao dịch dân sự của một số trường hợp còn hạn chế nên đã tìm đến tín dụng đen vào mục đích bất hợp pháp.

Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập chưa đủ sức mạnh, đủ sức răn đe để phòng ngừa vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Một bộ phận người dân chưa tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ của các tín dụng hợp pháp. Cùng với đó, công tác tuyên truyền phòng ngừa chưa được tiến hành thường xuyên, sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, trong khi đó các đối tượng hoạt động tín dụng đen luôn thay đổi phương thức thủ đoạn hoạt động để len lỏi tiếp cân người dân.

 

Khó khăn khi phát hiện các đối tượng hoạt động "tín dụng đen'

Đồng tình với ý kiến của đại diện Cục Hình sự Bộ Công an, ông Nguyễn Văn Tất, Phó Vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, án trật tự xã hội- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng, việc phát hiện các đối tượng cho vay tín dụng đen rất khó khăn. Chỉ khi xuất hiện các hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác như, bắt giữ người trái phép luật, cướp tài sản, cố ý gây thương tích thì lực lượng chức năng mới phát hiện được vụ việc. Đặc biệt, hiện nay các đối tượng cho vay lãi nặng đã chuyển sang sử dụng công nghệ cao, cho vay tiền qua website, vay tiền qua các ứng dụng và sử dụng số thuê bao không chính chủ rất khó quản lý, khó phát hiện.

Ông Nguyễn Văn Tất dẫn chứng thêm, hiện nay còn có các hành vi liên quan đến các hành vi "tín dụng đen" bên trong các hoạt động của tổ chức tín dụng như: Hành vi cho vay đáo nợ các khoản vay đến hạn, hoặc hành vi thỏa thuận với nạn nhân dùng BĐS của mình để thế chấp cho tổ chức vay tiền vì cá nhân nạn nhân không thể vay số tiền như mong muốn.

Khi vay, đối tượng đã làm hồ sơ lớn hơn rất nhiều, khi không trả được nợ thì bán tài sản của nạn nhân. Thủ đoạn này cực kỳ tinh vi, vì khi làm thủ tục vay và thế chấp tài sản, nạn nhân chỉ ký và không đọc nội dung về số tiền vay.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng này, theo ông Nguyễn Văn Tất cần có giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước mắt, cần tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về " tín dụng đen", nhất là hệ lụy của nó gây ra. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp bóng công ty, cửa hàng hỗ trợ tài chính. Các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhân dân cần mở rộng các khoản vay tín dụng tiêu dùng, có thêm nhiều khoản vay nhỏ. Trong đó, về lâu dài cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay, đơn giản về thủ tục, chặt chẽ hơn về trách nhiệm thực hiện quy trình của cán bộ tín dụng.

Tăng cường công tác truyền thông, xử lý nghiêm minh vụ việc do "tín dụng đen" gây ra. Cùng với đó, nên có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người lao động trực tiếp được tiếp cận nguồn vốn linh hoạt nhanh chóng nhằm xóa bỏ loại hình cho vay biến tướng theo kiểu tín dụng đen…./.

Nguyễn Hiền/VOV.VN
 

Bình luận

    Chưa có bình luận