Bài 3: Công nhân mất 'quyền lợi', Nhà nước 'thất thu'

  • 18/11/2021 05:40:45
  • Vân Hồng - Lê Hải
  • Pháp luật
  • 0

Trong khi nhiều công nhân đang phải thuê với giá cao những căn phòng trọ do người dân tự xây dựng chật chội, ẩm thấp, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt tối thiểu thì dự án Khu nhà ở phục vụ công nhân xã Kim Chung lại cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thuê với 'giá bèo'. Dư luận cho rằng Dự án không những không hướng đến đối tượng thụ hưởng chính đáng là công nhân mà còn làm lãng phí, 'thất thu' ngân sách Nhà nước.

 

Bài 2: 'Lợi ích nhóm' trong việc mở rộng đối tượng thuê nhà?

16.000 công nhân đang phải thuê nhà trọ tư nhân

Như Báo TNVN đã phản ánh trong những bài trước, năm 2017, UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản số 913/TB-UBND về việc thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo UBND TP tại cuộc họp công tác quản lý vận hành sử dụng các diện tích tại khu nhà ở công nhân xã Kim Chung với nội dung: “Chấp nhận đề xuất của Sở Xây dựng về việc mở rộng đối tượng thuê nhà ở công nhân, trong đó cần ưu tiên dành cho công nhân làm việc tại KCN Thăng Long, công nhân làm việc tại các KCN lân cận và trên địa bàn thành phố, sau đó mở rộng thêm các đối tượng là học viên học nghề thuê để ở thực hiện đào tạo và cung ứng lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước”.

Dư luận cho rằng, văn bản 913 mở rộng đối tượng cho thuê nhà ở tại khu nhà ở dành cho công nhân với mục đích hợp thức hóa cho sai phạm trước đó...

Qua đó, UBND TP Hà Nội giao Sở Xây dựng; Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội chịu trách nhiệm việc xét duyệt đối tượng, ký kết hợp đồng cho thuê theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội là đơn vị tiếp nhận hồ sơ, lên danh sách đối tượng cho thuê trình Sở Xây dựng phê duyệt.

Cũng tại văn bản này, UBND TP Hà Nội chấp thuận tiếp tục gia hạn cho thuê đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Những dãy nhà trọ lợp mái broximang, nóng nực về mùa hè, ẩm mốc về mùa mưa là nơi "an cư" c công nhân hiện đang làm việc tại KCN Thăng Long.         Ảnh: PV

Tuy nhiên, theo khảo sát hiện nay, trên địa bàn xã Kim Chung có hơn 16.000 công nhân đang thuê trọ tư nhân, với điều kiện sống không đảm bảo. Cận cảnh một trong những khu nhà trọ này mới thấu hiểu được sự vất vả, khổ cực của công nhân. Căn phòng có diện tích khoảng 15m2, thiết kế dạng khép kín là nơi “an cư” nhiều năm qua của vợ chồng anh Nam và hai đứa con nhỏ. Vật dụng quý giá nhất trong căn phòng có lẽ là bộ máy tính cũ kỹ mới được anh Nam “tậu” về để phục vụ cho con trai học online. Diện tích căn phòng chỉ kê được một chiếc giường bằng sắt mạ kẽm, một bộ bếp gas mini và một vật dụng “đặc biệt” là chiếc thang sắt gắn từ mép giường ngủ lên trần nhà vệ sinh phục vụ anh Nam leo lên xép trên nóc nhà vệ sinh để ngủ, bởi chiếc giường chỉ đủ chỗ cho vợ và hai đứa con nằm.

Diện tích khoảng 14 m2 là nơi "an cư" vợ chồng anh Nam và 2 đứa con. Do ảnh hưởng của dịch covid- 19, anh Nam phải nghỉ làm ở nhà chăm con, mọi chi tiêu trông vào đồng lương công nhân của vợ chỉ nhỉnh hơn 5 triệu đồng. Ảnh PV

Dịch Covid-19 kéo dài, trường học đóng cửa, con nghỉ học không ai trông nom, anh Nam phải nghỉ ở nhà làm “bảo mẫu” để vợ đi làm. “Do ảnh hưởng của dịch, thu nhập của công nhân vốn dĩ đã thấp, nay còn thấp hơn, chỉ nhỉnh hơn 5 triệu đồng/tháng, mọi chi phí trông cả vào đồng lương của vợ, cứ đà này khéo vợ chồng tôi phải đưa con cái về quê sinh sống” - anh Nam chia sẻ.

“Tiền thuê nhà 1,4 triệu đồng/tháng, tiền điện 3.000 đồng/số, tiền nước sinh hoạt 25.000m3, tổng chi phí gần 2 triệu đồng, nếu mùa hè, dùng điều hòa thì chi phí lên đến 2,5 triệu đồng/tháng”, - anh Nam cho hay

Bữa cơm đạm bạc của gia đình chị Bùi Thị Quyên, quê ở Hòa Bình, hiện đang làm công nhân trong KCN Thăng Long. Ảnh PV

Căn phòng anh Nam thuê chật chội là thế nhưng vẫn là “hạng sang” nếu so với các phòng tại khu nhà trọ kế bên, với 2 dãy nhà trọ đối mặt vào nhau, công trình phụ dùng chung. Dãy nhà trọ này dành cho công nhân có thu nhập thấp và không có nhu cầu ở khép kín nên giá thuê 1 phòng diện tích 10m2 là 500.000 đồng/tháng.

Khao khát được thuê nhà ở công nhân

Trao đổi với PV, nhiều công nhân ở đây cho biết, họ có nguyện vọng được thuê trong Khu nhà ở phục vụ công nhân xã Kim Chung, thế nhưng nhiều năm qua vẫn không thể thuê bởi thường vấp phải lý do hết phòng cho thuê. Mà nguyên nhân sâu xa xuất phát từ văn bản 913 của UBND TP Hà Nội chấp thuận mở rộng đối tượng cho thuê không phải là công nhân đang làm việc trong KCN. Công nhân bức xúc cho rằng: Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và Sở Xây dựng Hà Nội là hai đơn vị có “quyền sinh, quyền sát” trong việc xét duyệt và chấp thuận đối tượng được thuê đã không thực hiện đúng tinh thần của văn bản 913 là “ưu tiên cho công nhân”. Thế nhưng việc UBND TP Hà Nội chấp thuận tiếp tục gia hạn cho thuê đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trong văn bản 913 là “hợp lý hóa” cho sai phạm trước đó.

 Dư luận cho rằng, Sở Xây dựng; Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội đang "bóp méo" nội dung trong văn bản 913 "là ưu tiên nhà ở dành cho công nhân đang làm việc tại KCN Thăng Long và lân cận".Ảnh PV

Điều khiến dư luận bất bình, mặc dù dự án Khu nhà ở xã Kim Chung được xây dựng với mục đích phục vụ công nhân, nhưng trước nhiều bất cập trong quá trình sử dụng, thay vì điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu công nhân, TP Hà Nội lại cho phép mở rộng đối tượng cho thuê.

Dư luận cho rằng, Sở Xây dựng; Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội "ưu ái" cho các DN được "thụ hưởng" mọi quyền lợi của công nhân. Trong khi đó, hiện đang có hơn 16 nghìn công nhân phải sống"tạm bợ" xóm trọ tư nhân. ẢNh PV

Thực tế cho thấy khu nhà ở dành cho công nhân có sức chứa gần 12.000 công nhân, nhưng hiện nay số lượng công nhân lưu trú ổn định mới chiếm trên 50%. Trả lời PV Báo TNVN, ông Nguyễn Hồng Giang, Trưởng phòng quản lý nhà ở thuộc Xí nghiệp Quản lý nhà ở xã hội cho biết, hiện nay có khoảng 6.000 công nhân đang lưu trú ổn định tại khu nhà ở dành cho công nhân. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến công nhân, học viên của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động chưa trở lại nên phòng trống...

Như vậy có thể khẳng định rằng, dự án Khu nhà ở phục vụ công nhân xã Kim Chung đã không tiếp cận đầy đủ, hiệu quả đến đối tượng cần thụ hưởng là công nhân. Quyền lợi đáng lý công nhân phải được hưởng đã “chạy” sang các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Lãng phí, “thất thoát” ngân sách Nhà nước?

Vấn đề dư luận đặc biệt quan tâm là việc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội “ưu ái” cho các doanh nghiệp thuê “giá bèo” sẽ làm “thất thoát” ngân sách Nhà nước.

Cho các DN thuê với giá "bèo", trong khi đó hơn 16 nghìn công nhân phải thuê nhà trọ tư nhân giá cao, tiền điện phải trả 3000 đồng/ số; tiền nước 25.000 đồng/m3. Dư luận đang đặt câu hỏi: Ai đang "trục lợi" "chính sách" của công nhân? Ảnh PV

Cũng tại buổi làm việc nêu trên, trả lời câu hỏi giá thuê nhà tại Khu nhà ở phục vụ công nhân xã Kim Chung áp dụng cho các doanh nghiệp thuộc đối tượng mở rộng được thuê như thế nào?, ông Giang cho biết, giá thuê đối với các doanh nghiệp này được tính theo giá cho công nhân thuê là 120.000 đồng/ người/ tháng. Diện tích của 6 tòa nhà khoảng 18.000m2, có sức chứa là 3.160 người. Như vậy các doanh nghiệp đang phải trả ước tính khoảng 21.000 đồng/m2/tháng.

Để có con số chính xác một tòa nhà công suất bao nhiêu người ở? Theo phê duyệt thì diện tích sử dụng của tòa nhà là bao nhiêu m2?, phóng viên đề nghị ông Giang cung cấp hồ sơ có liên quan, ông Giang từ chối vì phải xin chỉ đạo, và không cung cấp thông tin giá tiền cụ thể mỗi doanh nghiệp phải trả như thế nào.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Báo TNVN trên các trang điện tử kinh doanh bất động sản như: https//m.batdongsan.com.vn; https:/homedy.com… giá cho thuê phòng ở hạng C tại khu vực huyện Đông Anh dao động từ 110.000 đồng/m2/tháng - 140.000 đồng/m2/tháng. Với diện tích 18.000m2 mà Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã cho các doanh nghiệp thuê tại các tòa nhà C1; C2; C3; D3; D4; D5 số tiền các doanh nghiệp hưởng lợi ước tính trên 1,6 tỷ đồng/tháng.

Chính sách hỗ trợ lẽ ra hàng vạn công nhân phải được hưởng lại trở thành lợi ích chỉ dành cho một nhóm người. Trước thực trạng nêu trên, dư luận cho rằng UBND TP Hà Nội cần sớm xem xét để có những điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận