'Bóp méo và trục lợi' chính sách nhà ở công nhân tại KCN Thăng Long (Đông Anh, TP Hà Nội):

  • 04/11/2021 12:17:32
  • Vân Hồng - Lê Hải
  • Pháp luật
  • 0

Sự càn quét khốc liệt của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã làm lộ ra những 'khoảng trống' lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, vấn đề nhà ở cho công nhân trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đó là cốt lõi của câu chuyện giữ chân người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng. Hàng loạt các chính sách tiếp tục ban hành, các giải pháp tháo gỡ được đưa ra thảo luận nhằm sớm xây dựng thêm các khu nhà ở giúp công nhân 'an cư'. Nhưng việc rút kinh nghiệm từ những khu nhà ở công nhân đã được xây, đánh giá hiệu quả sử dụng ra sao lại ít được nhắc đến. Dư luận cho rằng có hiện tượng 'bóp méo và trục lợi' chính sách nhà ở công nhân. Điều này xảy xa ở ngay dự án nhà ở công nhân thí điểm đầu tiên của cả nước - Khu nhà ở phục vụ công nhân xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

 

Bài 1: Biến nhà ở công nhân thành “trung tâm đào tạo”

Khu nhà ở phục vụ công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, TP Hà Nội là dự án được UBND thành phố Hà Nội thí điểm đầu tư xây dựng với kỳ vọng trở thành “khu đô thị kiểu mẫu” dành cho công nhân. Thế nhưng, sau nhiều năm đi vào hoạt động công nhân vẫn khó tiếp cận. Hiện nhiều tòa nhà bị “biến tướng” cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thuê.
Thực tế khác xa với kỳ vọng...

Theo tìm hiểu, năm 1997, khu công nghiệp Bắc Thăng Long (KCN Thăng Long) được đưa vào sử dụng và là dự án khu công nghiệp tập trung đầu tiên của cả nước. Thời điểm này, các công nhân làm việc trong KCN Thăng Long phải tự tìm thuê nhà trọ tư nhân tại các xã lân cận KCN Thăng Long như: xã Kim Chung, xã Hải Bối và xã Võng La. Tuy nhiên, do số lượng công nhân tập trung quá lớn, gấp ba lần số dân của xã, dẫn đến nhiều hệ lụy cho địa phương như: Quá tải hệ thống hạ tầng cơ sở, xã hội, ảnh hưởng đến an ninh chính trị.

Đơn nguyên (5 tầng) dành cho hộ gia đình công nhân thuê. Ảnh PV
Để khắc phục tình trạng trên, UBND thành phố Hà Nội đã thí điểm đầu tư xây dựng Dự án khu nhà ở công nhân tại xã Kim Chung với quy mô lên đến 20ha. Dự án này được ví như một “khu đô thị kiểu mẫu” có đầy đủ các công trình phúc lợi xã hội như: nhà trẻ, nhà văn hóa, chợ, vườn hoa, sân tập thể thao, khi đi vào hoạt động sẽ là nơi “an cư” lý tưởng cho hơn một vạn công nhân yên tâm “lạc nghiệp”.

Trường mầm non Kim Chung nằm trong khu nhà ở công nhân... Ảnh PV

Dự án được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn một xây dựng 24 đơn nguyên cao 5 tầng với 1.084 phòng, đáp ứng gần 10.000 chỗ ở đối với công nhân chưa có gia đình. Diện tích mỗi phòng ở được thiết kế rộng có sức chứa dao động từ 4 - 20 công nhân/phòng, giường ngủ thiết kế giường tầng, công trình phụ, bếp dùng chung. Đến giai đoạn hai xây dựng bốn khối nhà cao 15 tầng, với gần 550 căn hộ diện tích trên 50m2, công trình phụ khép kín đáp ứng hơn 2.350 chỗ ở cho đối tượng là công nhân đã có gia đình. Như vậy cả hai giai đoạn, 28 tòa nhà đáp ứng được chỗ ở cho 12.000 công nhân. Đơn vị trực tiếp quản lý Dự án là Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội thuộc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà ở quản lý khu nhà ở công nhân.

Đơn nguyên 15 tầng dành cho hộ gia đình công nhân thuê.... Ảnh PV

Trái với kỳ vọng của UBND Thành phố Hà Nội, cũng như mong mỏi của hàng vạn công nhân, khu “đô thị kiểu mẫu” đi vào hoạt động đã bộc lộ nhiều bất cập khiến công nhân khó tiếp cận hầu hết vẫn phải thuê nhà dân để ở.
Mới đây, Báo TNVN nhận được phản ánh của nhiều độc giả là công nhân đang làm việc trong KCN Thăng Long với nội dung: Dự án Khu nhà ở công được xây dựng với mục tiêu đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp trên địa bàn xã Kim Chung nói riêng và TP Hà Nội nói chung. Tuy nhiên, Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội, đơn vị trực tiếp quản lý và vận hành Dự án đã “gây khó dễ” khi công nhân trực tiếp đến thuê nhà với lý do: “hết phòng”, và “ưu ái” cho nhiều đối tượng không phải là công nhân, dành nhiều tòa nhà cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, trụ sở không đóng trên địa bàn thuê dẫn đến tình trạng “khan hiếm” nhà ở công nhân kéo dài trong nhiều năm.
Nhà ở công nhân “biến tướng” thành trung tâm đào tạo nghề...

Để có thông tin khách quan, đa chiều, PV Báo TNVN đã nhiều ngày tìm hiểu nắm bắt thông tin và thấy rằng những phản ánh của công nhân là có cơ sở, bởi:
Thứ nhất: Ghi nhận của PV cho thấy nhiều tòa nhà gần như không có công nhân ở, nhưng khi anh Nguyễn Văn Hoàn, công nhân KCN Thăng Long, đến Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội liên hệ thuê bị “từ chối ” khéo là “hết phòng”, như vậy đang có sự mâu thuẫn giữa tình trạng thực tế và thông tin của nhân viên xí nghiệp đưa ra.

Đơn nguyên 5 tầng dành cho công nhân ở "biến tướng"" thành trung tâm đào tạo tiếng, nghề, và nơi lưu trú của học viên công ty TVC gruop. Ảnh PV

Thứ hai, liên quan đến phản ánh Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội “ưu ái” cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thuê nhiều khu nhà ở dành cho công nhân để hoạt động. Theo ghi nhận của PV, nhiều tòa đơn nguyên (5 tầng) được các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trưng dụng làm trung tâm đào tạo và ký túc xá cho học viên. Cụ thể, tại các tòa nhà đơn nguyên C1;C2;C3;D5 là "đại bản doanh" của Công ty CP Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long (JHL Group) dùng để làm "trung tâm đào tạo" ngoại ngữ và làm ký túc xá cho học viên. Một nhân viên an ninh tòa nhà KTX của JHL Gruop cho biết: Trước khi có dịch, KTX có hơn 1000 học viên ở, hai tòa nhà còn lại dùng để đào tạo ngoại ngữ cho học viên. Hiện nay, đang có dịch nên có ít học viên ở lại.

Tại đơn nguyên D3, Công ty Cổ phần Mirai International, địa chỉ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội sử dụng làm trung tâm đào tạo tiếng và KTX, hiện cửa đóng then cài không có người ở.

Tại Đơn nguyên D3, là "đại bản doanh" của Mirai, tòa nhà xuống cấp trầm trọng. Ảnh PV

Tại đơn nguyên D4 có 2 công ty: Công ty CP phát triển Quốc tế Nhật Việt (JV JSC) địa chỉ quận Cầu Giấy và Công ty CP Phát triển nhân lực thương mại và dịch vụ TVC có địa chỉ: quận Nam Từ Liêm thuê làm nơi đào tạo tiếng và nơi lưu trú cho học viên.
Nhân viên an ninh của công ty JV JSC cho biết: Trước khi có dịch công ty thuê cả 5 tầng để sử dụng làm nơi dạy tiếng, thực hành và làm KTX, nhưng đợt dịch vừa qua, tầng 5 dành cho một số công nhân đến ở.

Nhật Việt JVJ SC "chiếm đóng" một tòa vừa là nơi đào tạo, vừa là nơi lưu trú của học viên. Ảnh PV
Để có câu trả lời thuyết phục cho những phán ánh của độc giả về thực trạng trên, PV đã liên hệ làm việc với lãnh đạo của Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội. Tại đây, bà Nguyễn Thị Vân Anh, người được cử làm việc với PV cũng cho biết: Hiện tại không còn tòa nhà nào có phòng cho thuê. Và bà Vân Anh khẳng định: Đối tượng ưu tiên đầu tiên là công nhân, trong đó bao gồm công nhân độc thân và công nhân đã có gia đình.
Khi PV đề cập phản ánh của công nhân hiện nay có nhiều đối tượng không phải là công nhân, không làm việc trong KCN Thăng Long vẫn được thuê phòng tại đây, bà Vân Anh thừa nhận: Tại các tòa nhà có nhiều đối tượng không phải là công nhân thuê.

Khi phóng viên cung cấp thông tin và đặt câu hỏi, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hiện đang hoạt động trong các tòa nhà dành cho công nhân ở, như vậy có đúng với chủ trương, mục tiêu ban đầu của Dự án là xây nhà ở phục vụ công nhân? Bà Vân Anh thừa nhận: Hiện có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động thuê các tòa nhà dành cho công nhân ở để hoạt động.
“Việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động thuê đã được “cấp trên” phê duyệt, đến nay, những công ty này hoạt động trên dưới 10 năm” - bà Vân Anh bày tỏ.
Từ một chủ trương đúng đắn của TP Hà Nội, khi dự án đi vào hoạt động, khu nhà ở công nhân giải quyết được “vấn nạn” về thiếu “nơi ăn chốn ở” cho công nhân, nhưng khi đi vào hoạt động, việc Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội ký kết hợp đồng cho các doanh nghiệp thuê là nơi “đào tạo” nghề, và nơi lưu trú cho học viên, dư luận đang đặt câu hỏi “ai bật đèn xanh” cho Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội đem nhà ở công nhân cho thuê không đúng đối tượng? Có hay không “lợi ích nhóm” mà “bỏ quên” quyền lợi của công nhân?

 

Bình luận

    Chưa có bình luận