Hành trình đấu tranh giữa sự thật và trách nhiệm đối với thân chủ

'Nghề nào cũng có mặt trái, không phải luật sư nào cũng có thể giữ được đạo đức nghề nghiệp. Song vượt lên tất cả, đa số các luật sư đã giữ vững được chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích cho khách hàng và bảo vệ công lý', là khẳng định của Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám Đốc, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.

Theo ông, hiện nay những nhân tố nào cản trở sự phát triển của nghề luật sư, cần làm gì để phá bỏ những rào cản này?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của luật sư và nghề Luật sư từ việc hoàn thiện thể chế về Luật sư và nghề Luật sư, đến những tồn tại, khó khăn trong thực tiễn hành nghề của luật sư, phải vượt qua muôn vàn khó khăn về nhận thức, cơ chế, về ý thức pháp luật của người dân, của khách hàng. Ngoài ra, trong suốt quá trình đó, Luật sư luôn phải làm trọn bổn phận là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho khách hàng, vừa phải thể hiện tinh thần tượng tôn pháp luật, bảo vệ pháp chế và công lý.

Không phải lúc nào những giá trị và mục tiêu trong hoạt động nghề nghiệp Luật sư cũng được sự ủng hộ tuyệt đối từ xã hội và các cơ quan công quyền. Nếu xử lý không khéo sẽ rất dễ xảy ra xung đột trong quan hệ pháp lý giữa các chủ thể có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ khác nhau.

Vì vậy, đội ngũ luật sư phải không ngừng hoàn thiện mình, nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, có bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có tinh thần thượng tôn pháp luật và tuân thủ những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, trung thành với lợi ích hợp pháp của khách hàng, dũng cảm, dám dấn thân để bảo vệ công lý, lẽ phải và sự công bằng.

Mặt khác, nhà nước cũng cần hoàn thiện các quy định của pháp luật, giải quyết được những vướng mắc, bất cập đang cản trở bất hợp lý hoạt động tác nghiệp của các luật sư, để nâng cao hơn nữa vị trí và vai trò tích cực của luật sư trong đời sống xã hội.

Hành trình đấu tranh tâm lý của luật sư giữa sự thật khách quan và trách nhiệm của luật sư đối với thân chủ diễn biến như thế nào? Làm thế nào để giải “bài toán” giữa một bên yêu cầu của khách hàng và một bên là sự thật khách quan của vụ án, sự tuân thủ pháp luật, thưa ông?

Hiện nay, hoạt động của luật sư dần mang tính chuyên nghiệp, lấy lẽ phải, công bằng, công lý làm mục tiêu hoạt động, làm pháp luật, làm quy tắc đạo đức làm thước đo cho hành vi và hoạt động nghề nghiệp. Trong quá trình hành nghề luật sư của mình, tôi có cơ hội được tiếp xúc, trải nghiệm với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, phần nhiều là nỗi buồn khi khách hàng của mình phải đối diện với tù tội, vướng mắc về pháp lý, hay đứng trước sự đổ vỡ cuộc sống gia đình, những rủi ro, thiệt hại trong thương trường… Tôi luôn phải đối diện giữa tâm thế của một người hành nghề luật cần đòi hỏi sự tỉnh táo, bản lĩnh trước những áp lực để cố gắng trợ giúp cho khách hàng, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho họ, với cảm xúc của một con người khi chứng kiến những nỗi đau, sự tan vỡ từ bên trong. Mỗi khi tiếp xúc với một khách hàng, điều khiến tôi suy nghĩ nhiều nhất chính là tâm trạng của họ, bởi chính cảm nhận được tâm trạng của khách hàng sẽ là yếu tố quyết định đến sự dấn thân của luật sư trong hành trình tìm kiếm sự thật khách quan.

Cái khó nhất là khi tham gia những vụ án gây bức xúc dư luận. Khi đó cả thân chủ và luật sư đều chịu sức ép, áp lực lớn đến từ dư luận. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao tôi lại đi bênh vực cho kẻ tội phạm này? Còn bản thân tôi cũng tự đặt câu hỏi: “Mình phải bào chữa cho bị cáo thế nào đây? Còn gì có thể bào chữa?”. Tôi cũng đắn đo vì sợ bị trả thù, sợ phản ứng của gia đình bị hại. Nhưng đó là trách nhiệm nghề nghiệp của mình, là quyền của bị cáo. Nhiệm vụ của các luật sư khi tham gia các vụ trọng án không chỉ dừng lại ở việc bào chữa mà còn phải giải thích thế nào để bị cáo thanh thản chấp nhận. Niềm vui của tôi khi tham gia các vụ này là mình đã “cảm hóa” được một tên giết người man rợ, giúp người phạm tội hiểu và biết chấp nhận sự trừng phạt theo quy định của pháp luật.

Có thể nói, Luật sư là một nghề cao quý nhưng để giữ gìn được hình ảnh, uy tín và sự tôn trọng của xã hội là điều không dễ dàng. Nghề nào cũng có mặt trái, không phải luật sư nào trong suốt cuộc đời nghề nghiệp cũng có thể giữ được đạo đức nghề nghiệp. Song vượt lên tất cả, đa số các luật sư đã giữ vững được chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng và bảo vệ pháp chế, bảo vệ công lý thúc đẩy công cuộc cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.

Theo ông khi luật sư hành nghề đối diện với những vụ án nhạy cảm, làm sao giữ được tâm thế hay sự an toàn khi dấn thân?

Luật sư phải nắm vững chắc các quy định của pháp luật và các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết trong từng lĩnh vực, tùy theo tính chất vụ việc mà luật sư cần phải có cách ứng xử kịp thời để giải quyết vấn đề. Giữa muôn vàn áp lực của nghề nghiệp, người Luật sư luôn phải giữ cho mình một cái tâm trong sáng, để soi sáng trên đường hành nghề khi gặp khó khăn. Đối diện với những thử thách khó khăn trong hành trình đi tìm công lý của luật sư để bảo vệ cho thân chủ, mỗi Luật sư cần phải nhận thức mục tiêu và sứ mệnh nghề nghiệp của mình, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật cho phép, không làm những gì pháp luật cấm.

Khi tiếp nhận các vụ việc phức tạp, nhạy cảm Luật sư cần phải giữ được niềm tin vào công lý, tôn trọng pháp luật và sự thật khách quan, xem xét tính chất công việc cần thực hiện có trái với quy định của pháp luật hay không và trong quá trình thực hiện sẽ gặp những khó khăn, trở ngại nào. Đây là một trong những nghề nhiều rủi ro nhất trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, trong quá trình hành nghề, Luật sư cần phải có những phương án, các kỹ năng để tự vệ, bảo vệ bản thân khi phải đối diện với những vụ án nhạy cảm, để giữ được tâm thế hay sự an toàn khi dấn thân vào nghề.

Xin cảm ơn luật sư!

Ánh Phương (thực hiện)

 

Bình luận

    Chưa có bình luận