Sự thật không thể vùi lấp ở 25 Lê Lợi – Sầm Sơn

EITC đã làm sai lệch nhiều việc xảy ra trong quá trình xây dựng, chà đạp lên sự thật, vùi lấp tài sản của đơn vị thi công dưới chân công trình.

 

25 Lê Lợi – Sầm Sơn – Thanh Hóa là địa chỉ của tòa nhà Dragon Style Hotel (sau đây gọi là tòa nhà Dragon). Chủ đầu tư tòa nhà này là Chi nhánh công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử-Tin học–Viễn thông EITC (sau đây gọi là EITC) đã làm sai lệch nhiều việc xảy ra trong quá trình xây dựng, chà đạp lên sự thật, vùi lấp tài sản của đơn vị thi công dưới chân công trình.

Nhiều việc bị làm sai lệch

Từ tháng 1/2010 khi EITC ép cọc làm nền móng xây dựng tòa nhà Dragon đã gây lún nứt nhà của hàng chục hộ dân và cơ quan liền kề. Để che đậy hành vi cố tình không đền bù theo cam kết, EITC cho rằng việc thi công của nhà thầu là Công ty cổ phần tư vấn xây dựng dân dụng và đô thị VACC (sau đây gọi là VACC) góp phần làm lún nứt nhà liền kề, yêu cầu VACC cùng bồi thường. Trong khi đó, VACC đã cung cấp các tài liệu, biên bản nghiệm thu xây dựng các hạng mục, không có văn bản nào thể hiện VACC trong thời gian xây lắp công trình làm lún nứt nhà liền kề. EITC dù cố tình làm sai lệch sự việc nhưng không đưa ra được chứng cứ nào.

Do EITC chây ỳ không đền bù nên các hộ dân ở đây ngăn cản không cho rút hàng trăm cọc cừ dùng để thi công tầng hầm tòa nhà Dragon. Sự việc kéo dài gây thiệt hại lớn cho VACC cùng Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và sản xuất Hoàng Lập (sau đây gọi là Hoàng Lập), doanh nghiệp cho VACC thuê cọc cừ. VACC khởi kiện và Tòa án nhân dân thị xã (nay là thành phố) Sầm Sơn nhận định: việc chưa bồi thường cho các hộ dân và cơ quan liền kề dẫn đến không rút được cọc cừ hoàn toàn do lỗi của EITC. Bản án số 01/2015/KDTM-ST ngày 15/09/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Sầm Sơn buộc EITC phải thu hồi 235 cọc cừ thép trả lại cho VACC (Giá trị của 235 cọc cừ được xác định là 2.927.520.000 đồng). EITC phải bồi thường cho VACC số tiền 5.064.840.000 đồng, là tiền VACC phải trả để thuê số cọc cừ còn nằm tại công trình từ tháng 06/2012 đến tháng 12/2014 .

Những tưởng sự việc đã rõ, nhưng tiếp tục bị làm sai lệch khi phiên tòa phúc thẩm ngày 24/02/2016 bỏ qua chi tiết là trong quá trình khiếu nại EITC không yêu cầu Tòa án phải định giá tài sản tranh chấp, không đưa ra được chứng cứ nào thể hiện VACC vi phạm thiết kế thi công. Bản án số 05/2016/KDTM-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa ngày 02/03/2016 xét thấy một số sai sót của cấp sơ thẩm, đồng thời xác định: “Do hồ sơ còn nhiều mâu thuẫn, tại phiên tòa phúc thẩm các bên không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, cấp phúc thẩm không thể khắc phục được (sai sót của cấp sơ thẩm)”. Từ đó, Tòa phúc thẩm tuyên hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cấp sơ thẩm giải quyết lại.

Hơn 2 năm sau, Tòa án nhân dân thành phố Sầm Sơn mở phiên sơ thẩm (lần 2) đã phủ nhận chứng cứ hợp pháp, ra bản án thiếu khách quan, bác yêu cầu khởi kiện của VACC. Bản án số 01/2018/KDTM-ST ngày 19/03/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Sầm Sơn xác định: “Việc “cản trở” là cơ sở để nguyên đơn khởi kiện đối với bị đơn nhưng lại không chứng minh được hành vi trực tiếp của các hộ dân có thực sự cản trở thi công rút cừ…”.  Trong khi VACC đã đưa ra chứng cứ rõ ràng về việc các hộ dân, công an, chính quyền địa phương yêu cầu VACC và Hoàng Lập dừng không rút 235 cây cọc cừ còn nằm tại công trình, nhưng không được xem xét.

Tiếp đó, bản án phúc thẩm số 10/2018/KDTM-PT ngày 21,22/08/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa nhận định: Tại giai đoạn phúc thẩm, các đương sự kháng cáo nhưng không xuất trình thêm được tài liệu chứng cứ nào mới so với cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá. Từ đó, Tòa phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của VACC, giữ nguyên quyết định của Bản án sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST của Tòa án nhân dân thành phố Sầm Sơn.

Sự thật bị vùi lấp

Trong đơn gửi Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 10/2018/KDTM-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, VACC trình bày rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật của bản án này. VACC khẳng định các cấp tòa sơ thẩm (lần 2) và phúc thẩm đã vi phạm nghiêm trọng quy định về chứng cứ.

Cụ thể là các đơn xác nhận của chính quyền địa phương về việc người dân cản trở không cho rút cọc cừ. Theo đơn đề nghị báo cáo ngày 22/12/2011 của tập thể tổ dân phố Sơn Hải, phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn (nơi các hộ dân có nhà bị lún nứt do EITC gây ra) nội dung có ghi “chúng tôi cũng không gây ồn ào mất trật tự, vẫn tạo điều kiện cho EITC xây dựng công trình. Sự tạo điều kiện của tổ dân phố chúng tôi cho công ty xây dựng công trình đến nay đã đi ngược lại… Nếu EITC không thực hiện thì chẳng còn cách nào khác, tổ dân phố chúng tôi đành đến đóng cửa văn phòng công ty, không cho rút cừ và không cho công trường tiếp tục thi công xây dựng…”. Đây là chứng cứ rõ ràng cho thấy, do EITC không thực hiện cam kết bồi thường thiệt hại nên các hộ dân bị ảnh hưởng đã kiên quyết ngăn cản không cho VACC và Hoàng Lập thực hiện việc rút cọc cừ. Thế nhưng, những tài liệu, chứng cứ này không được Tòa án sử dụng mà chỉ trích dẫn câu: “chúng tôi cũng không gây ồn ào mất trật tự, vẫn tạo điều kiện cho xây dựng công trình”, rồi kết luận.

Nhiều chứng cứ không được các cấp tòa xem xét

VACC còn gửi kèm biên bản một số cuộc họp giải quyết việc các hộ dân ngăn cản rút cọc cừ. Trong đó, ý kiến của đại diện khu phố Sơn Hải khẳng định: “Những ảnh hưởng thiệt hại của bà con nhân dân đã được cam kết bồi thường nhưng đến nay chưa được thực hiện. Nếu chưa bồi thường thỏa đáng các hộ dân sẽ không cho thực hiện việc rút cừ”. Đại diện công an phường có ý kiến “mong rằng các bên có thiện chí hợp tác giải quyết, để làm ổn định trên địa bàn”. Chủ tọa cuộc họp là Phó chủ tịch phường Trường Sơn kết luận: “Trách nhiệm EITC chưa thực hiện xong việc đền bù cho các hộ dân bị lún nứt do công trình xây dựng gây ra thì chưa được nhổ cọc cừ trong khu vực đó”.

Chứng cứ rõ ràng là vậy, nhưng không được các phiên tòa sơ thẩm (lần 2) và phúc thẩm xem xét. Và thế là sự thật ấy cùng 235 cọc cừ đã bị EITC vùi lấp dưới chân công trình để hoàn thiện tòa nhà Dragon và đưa vào vận hành khai thác 2 năm nay.

Tòa nhà Dragon Style Hotel đã hoàn thiện và đưa vào vận hành khai thác 2 năm nay

Đơn đề nghị giám đốc thẩm của VACC còn nêu một số dấu hiệu khác vi phạm Bộ luật tố tụng dân sự của Bản án số 10/2018/KDTM-PT của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa, dẫn đến bản án không khách quan, quan liêu. Nhưng đã gần 3 năm gửi đơn, thời hiệu theo quy định sắp hết, đến nay VACC vẫn chưa nhận được thông báo đưa vụ án ra xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm.

Liên quan đến vụ việc này, cũng tại công trình này, EITC đã tự động cho các đối tượng bên ngoài vào chiếm đoạt cốt pha, giàn giáo của VACC trị giá gần 4 tỷ đồng, nhưng vụ việc chưa được xử lý thỏa đáng. Gần đây, VACC liên tục gửi đơn khiếu nại tới Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa, và mới đây là đơn khiếu nại gửi Thủ trưởng cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong đó cung cấp bằng chứng về việc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có dấu hiệu bao che, bỏ lọt tội phạm, làm sai lệch hồ sơ, không thực hiện điều tra xác minh theo chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra C44 Bộ Công an, dẫn đến kết luận điều tra thiếu khách quan, không minh bạch.

Những vụ việc ấy được làm rõ sẽ lộ ra thêm nhiều chuyện, trong đó có chuyện dư luận râm ran nhiều năm nay về việc EITC được thế lực nào chống lưng mà coi thường nhân dân và chính quyền, chà đạp lên sự thật như vậy?

Nếu không được làm rõ, sự thật vẫn tiếp tục bị vùi lấp dưới nền móng của tòa nhà Dragon 25 Lê Lợi – Sầm Sơn./.

Chính Trực

 

Bình luận

    Chưa có bình luận