Có hay không doanh nghiệp trục lợi từ dịch bệnh?

Dịch bệnh bùng phát khiến người dân lo lắng, trước thực trạng này nhiều hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi bất chính như nâng giá hàng hóa,'thổi phồng' công dụng của các loại dược phẩm về dịch bệnh đã và đang diễn ra.

 

Thuốc thử nghiệm điều trị Covid 19 giống tên thực phẩm chức năng

Vừa qua, nhiều tờ báo đồng loạt đăng tải thông tin “Việt Nam thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị Covid 19 đầu tiên từ thảo dược. Với nội dung, thuốc điều trị Covid 19 VIPDERVIR - chế phẩm thuốc y học cổ truyền đầu tiên điều trị Covid 19 đã được Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học Quốc gia, Bộ Y tế đồng ý cho thử nghiệm lâm sàng.

 PGS.TS Lê Quang Huấn, Nghiên cứu viên cao cấp, Viện Công nghệ sinh học, tác giả của nghiên cứu của thuốc VIPDERVIR cho biết, chế phẩm thuốc điều trị Covid 19 từ thảo dược có tác dụng liên kết mạnh với các phân tử liên quan quá trình xâm nhập và tăng sinh của virus SARS-CoV-2. Theo đó, loại thuốc này sẽ ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ.

Sản phẩm đã được đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn tại Bộ môn Dược lý tại Đại học Y Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, đánh giá khả năng ức chế virus H5N1 tại Viện Công nghệ sinh học, ức chế virus SARS-CoV-2 tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh tính an toàn và khả năng ức chế phát triển của virus SARS-CoV-2 cũng như tác dụng tăng cường miễn dịch. Đây là cơ sở khoa học quan trọng để tiếp tục nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 trên người bệnh ở giai đoạn lâm sàng”. Sản phẩm là sự hợp tác của Viện Công nghệ sinh học, Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinh Gia, và Công ty Cổ phần Hoá dược Việt Nam.

Tuy nhiên thực tế, Công ty cổ phần dược phẩm Vinh Gia đang sản xuất và quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe VIPDERVIR C. Theo công ty này, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ VIPDERVIR C là “thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Sản phẩm đã được công bố tại Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), số công bố 5932/2021/ĐKSP, cấp ngày 29/6/2021. Sản phẩm này đăng ký với công dụng: Hỗ trợ tăng cường đề kháng, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc các bệnh do virus, do sức đề kháng kém gây ra.

Nhiều người cho rằng, cách đặt tên quảng cáo sản phẩm như vậy sẽ gây nhầm lẫn cho người dùng. Không ít người lo ngại, với tình trạng thực phẩm chức năng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh rất khó kiểm soát ở Việt Nam như hiện nay, với tên gọi na ná nhau sẽ khiến người dân rơi vào ma trận nếu tên thực phẩm chức năng và tên thuốc điều trị Covid 19 giống nhau đến 90%.

Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi?

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh Covid 19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu. Cụ thể, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành kèm theo công văn này, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid 19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên, Viên nang Kovir, Bạch địa căn, Siro Viêm họng, Siro Dưỡng âm bổ phế, Siro Ngân kiều, Hạnh tô, Vệ khí khang, Hoạt huyết Nhất Nhất, Viên nang Imboot, Xuyên tâm liên, Viên nang Nasagast - KG. Bên cạnh đó, hướng dẫn cũng đưa ra một số danh mục sản phẩm khác như: Sản phẩm sát khuẩn, thuốc xịt họng, gel rửa tay khô thảo dược, nước súc miệng...; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe như: Bổ trung khí ích, lục vị, hoàn lục vị, bát tiên trường thọ... Tuy nhiên, dư luận cho rằng trong danh mục này có nhiều sản phẩm là thực phẩm thực chức năng, sản phẩm hỗ trợ điều trị không có tính năng và công dụng điều trị bệnh Covid 19, như sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất hay Viên nang Kovir...

Điều ngạc nhiên là sản phẩm Viên nang cứng Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương. Dù chưa được cấp phép nhưng sản phẩm Viên nang cứng Kovir của Công ty CP Sao Thái Dương vẫn có tên trong danh mục một số thuốc cổ truyền và các sản phẩm y học cổ truyền trong phòng và hỗ trợ điều trị Covid 19 được ban hành kèm theo công văn số 5499 của Bộ Y tế. Ngày 14/9/2020, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế (VFA) đã phát đi thông báo cảnh báo với thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir. Theo đó, trên một số phương tiện thông tin đại chúng và trang mạng xã hội có đưa thông tin sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương có thể làm người tiêu dùng hiểu lầm sản phẩm trên có công dụng: hiệu quả cao đối với các bệnh Virus từ sau lần uống đầu tiên; hỗ trợ điều trị Covid 19. Cục An toàn thực phẩm khẳng định thông tin như vậy là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị Covid 19. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ ngành để xác minh, xử lý theo quy định.

Thuốc điều trị Covid 19 giống tên thực phẩm chức năng gây nhầm lẫn cho người dùng.

Ngay sau văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế được phát hành, hàng loạt sản phẩm trong danh sách này đã được người dân đổ xô đi mua sử dụng, tích trữ. Giá nhiều sản phẩm trong danh mục lập tức tăng vùn vụt như hoạt huyết Nhất Nhất của Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất tăng giá 2 lần lên 103 nghìn đồng/hộp; Sản phẩm xuyên tâm liên từ 80-90 nghìn vọt lên 200 nghìn mà vẫn không có để mua. Đặc biệt, sau khi có công văn 5944/BYT-YDCT, sản phẩm Kovir tăng giá chóng mặt. Cụ thể, giá ban đầu từ 90-100.000 đồng/hộp viên 45 nang mềm, và 350 nghìn đồng/hộp 45 viên nang cứng thì sản phẩm này đã tăng lên 250 nghìn đồng/1 hộp/45 viên nang mềm và 1 triệu đồng/1 hộp 30 viên nang cứng. Điều này khiến dư luận dấy lên nghi vấn về việc trục lợi từ sự lo lắng của người dân liên quan đến dịch bệnh. Dư luận cho rằng cần làm rõ dấu hiệu trục lợi của một số đơn vị có sản phẩm được nêu trong công văn này. Trong lúc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, làm nhũng loạn thông tin, vô tình tiếp tay, làm lợi cho các doanh nghiệp để trục lợi cũng là việc khó chấp nhận được.

Mặc dù công văn 5944 đã được thu hồi nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ nghiên cứu nào của Bộ Y tế hay cơ quan có thẩm quyền nào về tác dụng, hiệu quả của các sản phẩm này trong điều trị Covid-19. Nếu vụ việc này không “vỡ lở”, người dân sẽ mất thêm bao nhiêu tiền để mua những sản phẩm với giá cao này và ai là người phải chịu trách nhiệm?

 

Bình luận

    Chưa có bình luận