Đưa ma túy nhập cảnh vào Việt Nam bằng những 'vỏ bọc' bất ngờ

Lực lượng Hải quan thời gian qua chủ trì phối hợp lực lượng chức năng liên tiếp phá nhiều chuyên án vận chuyển trái phép ma túy qua đường hàng không, bưu chính.

 

Số lượng ma túy bị bắt giữ trong các chuyên án này lên đến hàng trăm kg. Thực tế này cho thấy, bất chấp dịch bệnh Covid -19 tội phạm ma túy xuyên quốc gia trên tuyến đường hàng không đang diễn biến phức tạp, khó lường.

Đâu là nguyên nhân của thực trạng này và cần có những giải pháp nào để đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đức Long, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Bắc, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan.

Kiểm soát càng chặt, thủ đoạn càng tinh vi

PV: Từ các chuyên án được triệt phá từ đầu năm đến nay, ông thấy thủ đoạn của các đối tượng như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Long: Từ đầu năm đến nay, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng, việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia từ nước ngoài vào Việt Nam và trung chuyển đi nước thứ ba tiêu thụ vẫn diễn biến phức tạp. Do công tác phòng, chống dịch bệnh Covid được triển khai chặt chẽ trên tuyến biên giới đường bộ, đường hàng không, hạn chế người xuất, nhập cảnh, các đối tượng chuyển hướng hoạt động sang tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện, trong đó thủ đoạn phổ biến là cất giấu ma túy lẫn trong hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đây là thủ đoạn không mới nhưng phương thức cất giấu tinh vi hơn rất nhiều, hoạt động táo bạo liều lĩnh. Ma túy được ngụy trang cất giấu với số lượng lớn trong thuốc tân dược, sữa, thực phẩm chức năng, dầu gội, sữa tắm, đồ chơi trẻ em, thức ăn cho chó mèo; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong loa, thiết bị máy móc, hạt nhựa…

Điển hình gần đây, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các lực lượng chức năng triệt phá thành công 2 chuyên án lớn: Chuyên án thứ nhất do Cục Hải quan TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an và Cục Điều tra chống buôn lậu từ ngày 9 – 27/4 tiến hành kiểm tra, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ với các kiện hàng gửi từ Hà Lan, Đức về Hà Nội qua đường hàng không có dấu hiệu nghi vấn; qua đó bắt giữ 16 đối tượng, thu giữ 127,5 kg ma túy tổng hợp và ketamine, triệt phá 8 đường dây vận chuyển ma túy ở TP Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.

Chuyên án thứ hai do Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy C04 (Bộ Công an) phối hợp bắt giữ 05 đối tượng mang quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc và Việt Nam, thu giữ khoảng 280,85 kg ketamine được cất giấu trong các mô tơ điện và trong các thùng xốp chứa dạ dày lợn, lòng lợn đông lạnh chuẩn bị vận chuyển đi Trung Quốc tiêu thụ.

Ma túy được giấu trong thuốc tân dược (Ảnh tư liệu)

Việt Nam vẫn là địa bàn "thuận lợi" để tội phạm trung chuyển ma túy

PV: Bất chấp dịch bệnh Covid-19, tình trạng vận chuyển trái phép chất ma túy qua đường hàng không, bưu chính quốc tế, chuyển phát nhanh vẫn diễn biến phức tạp, nguyên nhân vì sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Long: Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân khách quan, thứ nhất, tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy ở nước ta vẫn tiếp tục phức tạp do vị trí địa lý gần khu vực “tam giác vàng”, trung tâm sản xuất ma túy lớn của khu vực và thế giới. Việt Nam vẫn là địa bàn thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng trung chuyển ma túy sang nước thứ ba.

Thứ hai, để phòng, chống dịch Covid-19, các lực lượng chức năng tăng cường triển khai kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện đi lại, di chuyển qua biên giới cửa khẩu đường bộ, kể cả các đường biên, đường mòn, lối mở… gây khó khăn cho các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Về nguyên nhân chủ quan, thứ nhất, việc vận chuyển ma túy qua đường hàng không an toàn cho các đối tượng, do đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài, không trực tiếp vận chuyển mà thông qua các đơn vị trung gian làm thủ tục xuất nhập khẩu, vận chuyển logistics, sau đó thuê các đối tượng ở trong nước nhận hàng vận chuyển tiêu thụ ma túy. Ma túy ngụy trang dưới các “vỏ bọc” gửi về Việt Nam dùng địa chỉ giả, trong trường hợp chậm hoặc không được thông quan, các đối tượng sẽ bỏ hàng. Do vậy các lực lượng chức năng chỉ bắt được tang vật, không xác định được đối tượng cầm đầu ở nước ngoài, phần lớn là các vụ “vô chủ”.

Thứ hai, tội phạm ma túy triệt để lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi cho thương mại trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh,… nhất là trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất khẩu, nhập khẩu để vận chuyển ma túy.

Một vụ bắt ma túy do lực lượng Hải quan chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng. (Ảnh tư liệu)

PV: Quá trình đấu tranh, ngăn chặn các vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, đơn vị gặp khó khăn gì khi thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi?

Ông Nguyễn Đức Long: Khó khăn lớn nhất trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc di chuyển, giao thông giữa các khu vực, địa bàn gặp khó khăn, dẫn đến công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình và thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin gặp hạn chế. Trong tình hình đó, cán bộ, công chức Hải quan vừa phải thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh vừa thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Do vậy, nguồn lực bị phân tán, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

PV: Trước thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm ma túy, đơn vị có những giải pháp gì để đấu tranh, ngăn chặn?

Ông Nguyễn Đức Long​​​​​​​: Trong bối cảnh tình hình vận chuyển trái phép ma túy gia tăng trên tuyến hàng không, bưu điện gia tăng như hiện nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, tập trung kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, đặc biệt trên tuyến hàng không, bưu điện để phát hiện các dấu hiệu nghi vấn ma túy trong khai báo các loại hình, hàng hóa xuất nhập khẩu.

Với các phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm ma túy hiện nay, cán bộ, công chức hải quan khi làm thủ tục hải quan phải nâng cao ý thức cảnh giác để kịp thời ngăn chặn, bắt giữ ma túy. Tăng cường sử dụng trang thiết bị phát hiện ma túy.

Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng chuyên trách về phòng, chống ma túy trong nước và quốc tế trong trao đổi thông tin về đối tượng, phương thức thủ đoạn của tội phạm ma túy.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Quang Chính/VOV1
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận