LS Đặng Thành Chung: Tự do ngôn luận cần phải tuân thủ giới hạn mà pháp luật quy định

Những ai gây nhiễu loạn thông tin làm bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội…, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Những ai lợi dụng hay ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận, thông qua nền tảng mạng xã hội để phát ngôn bừa bãi, bất chấp pháp luật, gây nhiễu loạn thông tin làm bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội…, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Cũng như các quyền khác của công dân, việc thực hiện quyền tự do ngôn luận luôn phải trong khuôn khổ pháp luật quy định. Do đó, những ai lợi dụng hay ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận, thông qua nền tảng mạng xã hội để phát ngôn bừa bãi, ngôn từ phản cảm, bất chấp pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân, gây nhiễu loạn thông tin, làm bất ổn tình hình an ninh trật tự xã hội…, đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Phóng viên VOV.VN trao đổi với Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật An Ninh về vấn đề này.

Luật sư Đặng Thành Chung, Giám đốc Công ty Luật An Ninh.

PV: Quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo hộ, kể cả trên không gian mạng. Thế nhưng, việc thể hiện quyền này như thế nào cho đúng trên mạng xã hội thì không phải ai cũng nắm rõ vấn đề, thưa luật sư?

Luật sư Đặng Thành Chung: Điều 25 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy theo quy định của Hiến pháp “quyền tự do ngôn luận” của mọi công dân là quyền được tự do có quan điểm và giữ vững quan điểm của mình, cũng như được tự do tìm kiếm và tiếp nhận, chia sẻ thông tin nhưng phải nằm trong giới hạn mà pháp luật quy định, phù hợp với các giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, không phải tùy tiện, vu khống, bôi nhọ, lừa bịp, xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, quyền tự do của người khác. Cá nhân, tổ chức phải chịu trách nhiệm về các hành vi, ứng xử trên mạng xã hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi, nội dung thông tin vi phạm pháp luật.

Việc tổ chức, cá nhân hoạt động trên không gian mạng phải tuân thủ quy định chung của Luật An ninh mạng. Tại Điều 8 Luật An ninh mạng quy định những hành vi bị nghiêm cấm như: Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội; … Như vậy, mọi hành vi tự do ngôn luận nhưng vi phạm điều cấm của pháp luật đều không được pháp luật bảo hộ đồng thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông mới ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội có hiệu lực từ ngày 17/6/2021 cũng ghi nhận quy tắc ứng xử của tổ chức, cá nhân như không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép...

Do đó, thể hiện quyền tự do ngôn luận được pháp luật bảo hộ cần phải tuân thủ giới hạn mà pháp luật quy định.

PV: Khi MXH phát triển thì một số nghệ sĩ, người nổi tiếng lại hay ngộ nhận về quyền tự do ngôn luận, phát ngôn bừa bãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức, cá nhân... qua nền tảng mạng xã hội. Vậy họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật như thế nào?

Luật sư Đặng Thành Chung: Đây là hành vi vi phạm quy định pháp luật trên không gian mạng. Người thực hiện hành vi có thể bị xử phạt vi pham hành chính theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định như sau: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...”.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Bộ luật hình sự thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự hoặc Tội vu khống quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự.

NSƯT Đức Hải bị miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn vì phát ngôn lệch chuẩn trên MXH.

PV: Chưa bao giờ chúng ta chứng kiến việc dùng mạng xã hội để kích động, tẩy chay và trả đũa nhau khốc liệt. Luật có quy định và các chế tài gì trong việc hạn chế những phát ngôn ảnh hưởng đến xã hội và thế hệ trẻ?

Luật sư Đặng Thành Chung: Để hạn chế việc này, pháp luật đã quy định rất rõ ràng và cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm và sử dụng mạng xã hội tại Luật An ninh mạng và mới đây nhất là Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng của Bộ Thông tin và Truyền thông. Ngoài ra, liên quan đến các trường hợp cụ thể, pháp luật chuyên ngành cũng quy định quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân như Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, …

Trường hợp phát hiện nhưng hành vi sử dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật thì chế tài phổ biến hiện nay là xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

PV: Để ngăn chặn livestream "bẩn" trên mạng xã hội cũng cần sự vào cuộc và xử lý mạnh tay của các cơ quan quản lý. Pháp luật cần bổ sung các quy định cụ thể, rõ ràng và nghiêm minh đối với hoạt động trên mạng để điều chỉnh hành vi cá nhân như thế nào?

Luật sư Đặng Thành Chung: Để đảm bảo làm trong sạch môi trường không gian mạng; đồng thời răn đe những đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, thành phố) tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động diễn ra trên không gian mạng, nhanh chóng, kịp thời xử lý nghiêm minh theo thẩm quyền được giao.

Hiện nay với mức độ phổ biến của livestream, pháp luật cần xây dựng và ban hành bộ quy tắc ứng xử hoạt động livestream. Khi có những quy chuẩn nhất định thì người tham gia sẽ biết tự điều chỉnh thái độ ứng xử của mình sao cho phù hợp. Trước khi muốn truyền tải nội dung gì cũng phải cân nhắc để không vi phạm các quy chuẩn cho phép. Ngoài việc chịu trách nhiệm trước những nội dung mình truyền tải, người livestream phải lường những nguy cơ có thể phát sinh… để tiết chế phát ngôn cho phù hợp. Đồng thời, người tham gia mạng xã hội dựa vào quy tắc chung để có căn cứ đề xuất, xử lý những livestream vượt quá giá trị đạo đức, pháp luật.

Để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, nhiều người còn đề xuất cần có những mức xử phạt cao hơn đối với những vi phạm trên không gian mạng xã hội mới đủ sức răn đe, giáo dục. Thêm vào đó, cần có sự tham gia của các công ty công nghệ để sàng lọc nội dung, gỡ ngay các clip, livestream có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn luật sư./.

Theo VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận