Xét xử vụ kiện nợ xấu Hoàng Cung (Huế): Chủ tọa phiên tòa: 'Nợ thì phải trả!...'

Vụ kiện thu hút sự quan tâm của báo chí vì đây là lần đầu tiên một cá nhân mua nợ xấu của ngân hàng phải nhờ Tòa bảo vệ quyền chủ nợ…

 

Sau gần 17 tháng thụ lý vụ kiện, sáng ngày 3/2/2021, TAND Tp Huế đã mở phiên tòa dân sự sơ thẩm xét xử vụ tranh chấp Hợp đồng tín dụng giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Định với bị đơn là Cty cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (Huế). Vụ kiện thu hút sự quan tâm của báo chí vì đây là lần đầu tiên một cá nhân mua nợ xấu của ngân hàng phải nhờ Tòa bảo vệ quyền chủ nợ…

Chủ tọa khẳng định không ai có thể dùng Tòa để chây ỳ trả nợ.

Từ Hà Nội bay vào trước 1 ngày, đúng 7h30 ngày 3/2, đại diện phía nguyên đơn đã  có mặt đầy đủ tại TAND TP Huế. Tuy nhiên, phải 8h30, phiên tòa mới bắt đầu.

Ông Nguyễn Xuân Đức, đại diện theo pháp luật của Cty cổ phần khách sạn Hoàng Cung (Cty Hoàng Cung) lấy lý do Luật sư Trần Văn Sơn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hoàng Cung vắng mặt nên đề nghị Tòa hoãn xử.

Sau khi nghe ý kiến của đại diện VKSND TP Huế, HĐXX hội ý, thẩm phán – chủ tọa phiên tòa Hoàng Quang Bình đã tuyên bố: Hoãn phiên tòa theo qui định tại Khoản 1 Điều 227, Điều 233 và Điều 235, Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Hội đồng xét xử  sơ thẩm TAND TP Huế vụ kiện “nợ xấu Hoàng Cung”

Trả lời các nhà báo tham dự phiên tòa, Thẩm phán Hoàng Quang Bình, Phó Chánh án TAND TP Huế, cho biết: “Đây là một vụ kiện như bao vụ kiện khác. Quan điểm của tôi là nợ thì phải trả. Vụ án sẽ được giải quyết theo đúng qui định của pháp luật”.

Trước câu hỏi: Vụ kiện liên quan đến trường hợp cá nhân tham gia mua nợ xấu của ngân hàng, chưa từng có tiền lệ, liên quan đến Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, liệu có xảy ra trường hợp “con nợ” dùng cách hoãn phiên tòa và nhiều biện pháp khác để kéo dài thời gian tố tụng, gây sức ép về phía chủ nợ?

Phó Chánh án Hoàng Quang Bình khẳng định: “Không ai có thể dùng Tòa để chây ỳ nghĩa vụ trả nợ. Hoãn phiên tòa là theo qui định của pháp luật. Trong vòng không quá 1 tháng, Tòa sẽ tiếp tục phiên xét xử. Đúng là vụ kiện này đang có ý kiến khác nhau về Nghị quyết 42 của Quốc hội và Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước. Mọi việc sẽ được giải quyết trong quá trình xét xử.”

Ngân hàng Nhà nước: Thông tư 09 có hiệu lực, không trái với Nghị quyết 42

Theo hồ sơ vụ kiện, ba ngân hàng gồm: Vietcombank, Viettinbank và Agribank chi nhánh tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng thuận tài trợ cho vay đối với Cty Hoàng Cung. Do không có tiền trả nợ, khoản vay của Hoàng Cung biến thành nợ xấu, ba ngân hàng đã đồng thuận tổ chức bán đấu giá khoản nợ. Bà Nguyễn Thị Định (Hà Nội) đã trúng đấu giá với số tiền mua lại khoản nợ là 205 tỉ đồng.

Ngày 13/3/2018, các ngân hàng thông báo đến Hoàng Cung nội dung: Bà Định là chủ nợ mới và số tiền nợ gốc và lãi của Hoàng Cung tính đến thời điểm 31/12/2017 là 405.076.667.185 đồng.

Văn bản của Ngân hàng Nhà nước trả lời VOV về triển khai Nghị quyết số 42 của Quôc hội về thí điểm xử lý mua bán nợ xấu.

Do Cty Hoàng Cung không công nhận tư cách chủ nợ mới của bà Định, buộc bà Định phải làm đơn khởi kiện ra TAND TP Huế. Ngày 19/9/2019, TAND TP Huế đã thụ lý vụ án. Theo yêu cầu khởi kiện, Cty Hoàng Cung phải trả cho bà Định cả gốc lẫn lãi theo các Hợp đồng tín dụng tạm tính đến ngày 30/6/2019 là hơn 463 tỉ đồng.

Quá trình giải quyết vụ án, Cty Hoàng Cung bất ngờ có đơn phản tố công nhiên bác bỏ toàn bộ kết quả bán đấu giá món nợ, bác bỏ tư cách chủ nợ của bà Định. Lý do: Căn cứ vào Nghị quyết 42 của Quốc hội, Hoàng Cung cho rằng, 3 ngân hàng cùng Cty Đấu giá Nam Việt và bà Định đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật.

Để chứng minh, bị đơn dựa vào Khoản 2, Điều 6, Nghị quyết 42 có nội dung: “Điều 6. Mua bán nợ xấu của tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu. (...) 2. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng mua, bán nợ”. Theo đó, bị đơn cho rằng, chỉ có Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu mới được quyền mua bán nợ xấu. Việc Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước ban hành trước Nghị quyết 42 qui định cho tổ chức, cá nhân được mua bán nợ xấu của ngân hàng là trái với Nghị quyết 42  của Quốc hội, do đó không có giá trị pháp lý.

Trước đó, đã từng có Bản án sơ thẩm số 08/2018/KDTM ngày 20/11/2018 của TAND Tp Lào Cai xét xử vô hiệu Hợp đồng mua bán nợ xấu với Ngân hàng của một doanh nghiệp tư nhân không có chức năng kinh doanh mua bán nợ xấu vì trái với Nghị quyết 42 của Quốc hội. Bản án này cũng cho rằng Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước không có hiệu lực.

Tuy nhiên, Bản án số 01/2019/HDTM-PT, ngày 2/4/2019 của TAND tỉnh Lào Cai, xét xử phúc thẩm đã tuyên xử ngược lại nội dung án sơ thẩm kể trên, với nhận định:

“Theo khoản 1 Điều 17 Nghị quyết 42 về áp dụng pháp luật qui định: “Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của Tổ chức tín dụng (TCTD)... được thực hiện theo qui định của Nghị quyết này. Trường hợp Nghị quyết này không có qui định thì áp dụng qui định của pháp luật hiện hành”.

Bị đơn Nguyễn Xuân Đức (Cty Hoàng Cung) xin HĐXX TAND TP Huế cho hoãn phiên tòa vì luật sư phía bị đơn vắng mặt.

Do Nghị quyết 42 không qui định việc bán nợ của các TCTD và cũng không thay thế, không bãi bỏ văn bản pháp luật nào, cho nên việc bán nợ của TCTD (ngân hàng) được thực hiện theo các qui định của pháp luật hiện hành mà cụ thể là Thông tư 09 và các văn bản pháp luật hiện hành khác...

Theo qui định của Thông tư 09, bên mua nợ có thể là tổ chức, cá nhân không kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Vì vậy, doanh nghiệp không có đăng ký kinh doanh dịch vụ mua bán nợ vẫn có quyền mua nợ do TCTD bán”.

Liên quan đến vấn đề này, tại “Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” số 157/BC-UBTVQH, ngày 20/6/2017, UBTVQH đã giải trình rõ Điều 6 Nghị quyết 42 như sau: “Có ý kiến cho rằng, qui định tại Điều 6 có thể dẫn đến cách hiểu việc mua bán nợ xấu đều phải qua một tổ chức xử lý mua, bán nợ, còn TCTD không thể tự bán ra ngoài thị trường được. UBTVQH xin báo cáo như sau: Theo qui định pháp luật hiện hành, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có quyền bán nợ xấu cho tổ chức, cá nhân mà không phải bắt buộc phải là các tổ chức kinh tế có chức năng kinh doanh mua bán nợ. Như vậy, TCTD có thể tự bán nợ, bán cho cả tổ chức xử lý mua bán nợ và các tổ chức kinh tế không có chức năng kinh doanh mua bán nợ. Do vậy, không cần quy định trong dự thảo Nghị quyết”.

Tiếp tục tìm hiểu, VOV đã có công văn và được Ngân hàng Nhà nước trả lời bằng văn bản về nội dung nêu trên.

Với tư cách là cơ quan ban hành Thông tư số 09, đồng thời là cơ quan soạn thảo Nghị quyết 42 của Quôc hội, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản trả lời số 8293/NHNN-TTGSNH, ngày 16/11/2020.

Liên quan đến Điều 6 Nghị quyết 42 và Thông tư 09, Văn bản của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ: “Khoản 2 Điều 6 Nghị quyết số 42 về mua, bán nợ xấu của Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu qui định: “… Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được bán nợ xấu cho pháp nhân, cá nhân, bao gồm cả doanh nghiệp không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ”. Căn cứ các qui định nêu trên, có sự khác biệt về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và bên mua, bán nợ giữa qui định tại Thông tư số 09 và Nghị quyết số 42; do đó, qui định tại Thông tư số 09 không trái với qui định tại Nghị quyết số 42, cụ thể như sau: “i/ Thông tư 09 qui định về hoạt động mua bán nợ, phát sinh từ nghiệp vụ cho vay (kể cả khoản trả thay trong nghiệp vụ bảo lãnh) của Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, không điều chỉnh đối với hoạt động của Cty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam VAMC). ii/ Điều 6 Nghị quyết số 42 qui định về việc bán nợ xấu của Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; trong trường hợp này được hiểu là VAMC”. Văn bản trên do Quyền Chánh thanh tra, Giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Du thừa lệnh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ký.

Báo TNVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến tiếp theo của vụ án đáng chú ý này./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận