Xử lý xe trá hình, xe dù bến cóc: Cần quy rõ trách nhiệm

Không riêng địa phương nào, câu chuyện xe 'dù' núp bóng hình thức hợp đồng đã tồn tại rất lâu; nguyên nhân, hệ lụy rõ ràng nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

 

Về vấn đề này, cần quy cụ thể người đứng đầu xử lý, không nên đánh đồng trách nhiệm chung chung như hiện nay.

Gần đây nhà nước tập trung xử lý nhiều vấn đề để ứng phó với dịch COVID-19 nên các tuyến đường TP.HCM lại tái diễn việc xe dù, xe khách trá hình hoạt động cả ngày lẫn đêm.

Dạo một vòng vài tuyến đường Sư Vạn Hạnh, đường Lê Hồng Phong, đường An Dương Vương, đường Nguyễn Duy Dương thuộc quận 5 và quận 10, nhiều hãng xe hợp đồng như Kim Mạnh Hùng, Thịnh Phát, Thanh Thủy, Võ Cúc Phương, Minh Tâm… ngang nhiên dừng đậu chờ đón trả khách sai quy định.

Tình trạng xe dù, xe khách trá hình vẫn ngang nhiên hoạt động trên tuyến đường Sư Vạn Hạnh (Ảnh minh họa)

Chỉ tính riêng tại địa bàn quận 1, quận 5, quận 10 đã có hàng chục văn phòng các hãng xe hợp đồng chạy như tuyến cố định phục vụ khách “tận răng” với đủ loại xe từ 16 chỗ đến 45 chỗ; khiến người dân và các doanh nghiệp chân chính vô cùng bức xúc.

"Đường Nguyễn Duy Dương rất nhỏ hẹp nhưng "xe dù bến cóc" đi trong đây rất nhiều. Xe trên 25 chỗ ngồi ra vào thường xuyên gây ùn tắc".

"Chỗ khu công nghiệp Vĩnh Lộc cũng có nhiều, Liên khu 4-5 chỗ cây xăng, xe từ Đà Lạt, Vũng Tàu đi về Cà mau tới chỗ đó hình như địa điểm bắt khách".

"Gần tất cả bến xe ra vào thì có cây xăng, xe dù ở những chỗ cây xăng chờ xe ôm đưa khách tới, nghĩa là có "cò" trong bến xe. Xe đi tới tuyến đường, ngã ba nào đó sẽ thả khách xuống rồi giao cho xe khác, họ có xe dù trái tuyến với nhau để kết hợp với nhau"

Trước thực trạng “xe dù bến cóc” bùng phát, ông Lê Trung Tính - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM đánh giá: nạn xe dù, xe khách “trá hình” ở TP.HCM và các địa phương hiện nay diễn ra ngày càng nhiều và chiêu trò “lách luật” hơn trước.

Do các nhà xe này vừa đăng ký xe hợp đồng, vừa xe tuyến cố định nên lúc thì chạy hợp đồng, lúc thì tuyến cố định; thậm chí đón khách tại văn phòng sau đó chạy vòng qua bến xe để đóng dấu xuất bến nhằm hợp thức hóa tuyến cố định.

Điều này gây thiệt thòi cho nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách chân chính.

"Tình trạng xe hợp đồng núp bóng xe chạy tuyến cố định xảy ra khá phổ biến ở các đô thị, trong đó có TPHCM. Việc này gây nhiều trở ngại cho hoạt động vận tải.Trước hết là gây mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP, cũng như làm mất mỹ quan đô thị.

Thứ hai, gây thất thu cho ngân sách nhà nước, bởi vì đối với những xe hoạt động này không có đóng thuế.

Thứ ba, tạo ra môi trường bất bình đẳng,cạnh tranh không lành mạnh, trong đó những đơn vị, hợp tác xã làm ăn chính đáng luôn bị thiệt thòi".

Xe đón khách trên đường Trần Phú, quận 5. Ảnh: Sài Gòn giải phóng.

Nói về công tác xử lý “xe dù, xe khách trá hình”, ông Đàm Phan Phát - Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho biết: Thanh tra Sở thường xuyên phối hợp các lực lượng thực hiện công tác tuần tra xử lý các lỗi dừng đỗ, đón trả khách sai quy định; nhất là các tuyến đường, “điểm nóng” ghi nhận có hoạt động “xe dù bến cóc”.

"Đội Thanh tra số 5, phối hợp Đội Thanh tra số 7 và Cảnh sát giao thông Bình Triệu đồng loạt ra quân kiểm tra vận chuyển hành khách trên Quốc lộ 1.

Mục đích kiểm tra là để ngăn ngừa tình trạng đón trả khách gây mất trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, chú trọng nhất là công tác xử phạt để đảm bảo trật tự an toàn giao thôngThanh tra giao thông số 5 đã xây dựng kế hoạch với Công an quận Thủ Đức thường xuyên kiểm tra dọc tuyến quốc lộ 1 nơi có tình trạng xe dù bến cóc thường xuyên xảy ra.

Đối với những nhà xe cố tình vi phạm nhiều lần Thanh tra Sở GTVT sẽ có văn bản báo cáo gửi cho bến xe hoặc gửi cho các Sở GTVT để có biện pháp xử lý".

Cũng theo Thanh tra Sở GTVT, nhằm phục vụ Tết, các mùa Lễ hội xuân Tân Sửu 2021, từ ngày 07/12/2020, Thanh tra Sở đã xây dựng và triển khai cao điểm kiểm tra, xử lý trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn Thành phố.

Kết quả đến hết ngày 27/12/2020 có 118 trường hợp vi phạm về hoạt động vận tải hành khách; dừng, đỗ không đúng quy định, với số tiền xử phạt hơn 182 triệu đồng.

Nói thêm về công tác quản lý nhà nước, theo ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, hiện tượng "xe dù bến cóc" đã dai dẳng nhiều năm; nhất là vào các dịp lễ tết, do đây là môi trường thuận lợi để một số doanh nghiệp đưa những xe không đúng quy định, thậm chí không được cấp phép vào hoạt động để thụ lợi.

Hiện tượng này tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM diễn biến phức tạp hơn, do nhu cầu phát sinh vô cùng lớn.

Theo đó, Nghị định số 10 thay thế Nghị định 86 vừa được Chính phủ ban hành đầu năm 2020 đã bổ sung hoặc điều chỉnh một số nội dung quy định nhằm xử lý hiệu quả hơn tình trạng “xe dù, bến cóc” và “xe hợp đồng hoạt động trá hình xe tuyến cố định.

Đây là cơ sở quan trọng để siết chặt loại hình hoạt động này. Tuy nhiên, việc thực thi của các cấp, ngành cần được chú trọng, không “đánh trống bỏ dùi”.

"Tôi cho rằng nhiều nhóm giải pháp. Thứ nhất, góc độ trách nhiệm của cơ quan chức năng, cơ quan quản lý làm sao cho những dịch vụ vận tải phục vụ trên thị trường là đạt chất lượng, hợp pháp và đúng quy định. vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm rất là quan trọng.

Chúng ta kịp thời phát hiện những vi phạm và xử lý nghiêm thì lập tức có tác dụng giáo dục răn đe. Song song đó chúng ta phải duy trì công tác tuyên truyền.

Không chỉ tuyên truyền cho người dân mà cho chính doanh nghiệp vận tải và các chủ xe, để họ nhận ra vấn đề những hành vi như vậy là hành vi sai và sẽ bị xử lý; chi phí họ bỏ ra lớn hơn những lợi ích họ đạt được".

Cần xử lý nghiêm tình trạng xe trá hình, xe dù bến cóc. Ảnh: Tạp chí GTVT

Không riêng địa phương nào, câu chuyện xe “dù” núp bóng hình thức hợp đồng đã tồn tại rất lâu; nguyên nhân, hệ lụy quá rõ ràng nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Do vậy, ngoài những nỗ lực đáng ghi nhận của ngành chức năng, các địa phương cần quy cụ thể người đứng đầu xử lý, không nên đánh đồng trách nhiệm chung chung như hiện nay.

Mời quý vị đến với góc nhìn này của VOVGT qua bình luận nhan đề: “Xử lý xe trá hình, xe dù bến cóc: Cần quy rõ trách nhiệm”.

Cứ “ đến hẹn lại lên”, mỗi dịp tết nạn xe dù bến cóc ở TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành khác trong cả nước lại rộ lên, hoạt động nhộn nhịp, không sao dẹp bỏ.

Nguyên nhân chủ yếu là dịp cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, các nhà xe chạy tuyến cố định dù tăng xe, tăng chuyến nhưng vẫn không đáp ứng đủ nên các xe không phép, không đăng ký kinh doanh tận dụng tối đa để trục lợi.

Đó là chưa kể, xe trá hình, xe dạng hợp đồng du lịch hay các xe vận chuyển gia đình cũng tham gia. Trong khi người dân ở những thành phố lớn nhu cầu đi lại các địa phương rất lớn; người ở nơi khác đến khám chữa bệnh, giao dịch tại các thành phố cũng không hề nhỏ.

Các bến xe, địa điềm chờ xe chạy tuyến cố định lại xa, nhiều bất cập. Xe dù, bến cóc vì thế ra đời đáp ứng một phần nhu cầu tiện lợi của người dân trong việc đi lại nên luôn có khách để tồn tại.

Nạn xe dù bến cóc hiện nay, không chỉ gây nên tắc đường kẹt xe ở những khu vực tự đặt điểm,đặt chốt đón trả khách mà còn ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự, gây bức xúc cho người dân địa bàn.

Đó là chưa kể, khi là hành khách trên các xe dù sẽ thấu cảnh hoang mang đến cùng cực khi xe lúc thì chạy lòng vòng rước khách, lúc lại phóng bạt mạng để tranh giành, bất chấp tính mạng người ngồi trên xe.

Dẹp nạn xe dù bến cóc, lực lượng chức năng như Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông các địa phương hàng năm đều tổ chức các đợt ra quân nhằm lập lại trật tự. Các hội thảo chuyên đề cũng đã được đem ra trao đổi, thảo luận, phân tích.

Và mỗi dịp cuối năm, Bộ Giao thông vận tải cũng ra văn bản yêu cầu lập lại trật tự an toàn giao thông, trong đó có việc dẹp nạn xe dù bến cóc.

Nhưng xem ra tình hình không được cải thiện là bao, đâu lại vào đấy, năm sau cao hơn năm trước.

Chỉ tính riêng tại TP.HCM hiện có khoảng hơn 100 điểm xe dù bến cóc hoạt động rầm rộ suốt ngày đêm, nhất là ở các quận 5, 10, Bình Tân, Thủ Đức.

Đây là các địa điểm gần bệnh viện, trường học, khu công nghiệp nơi tập trung đông người ở các địa phương lên. Điều đáng nói là tham gia vào xe dù bến cóc có cả các hãng xe có đăng ký tên biển hiệu, đón trả khách diễn ra công khai ngay tại địa điểm trụ sở công ty đang hoạt động.

Điều này vô tình khiến dư luận đặt câu hỏi, xe dù bến cóc tồn tại dai dẳng nói hoài không dẹp được phải chăng thể hiện sự bất lực của ngành chức năng hay có bảo kê cho vi phạm?

Hiện nay, thực tế nạn xe dù bến cóc ở nhiều nơi đã dẹp được,ít có đất sống, nhất là ở một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.

Cách làm của một vài địa phương này là cho phép hình thành nhiều địa điểm trung chuyển hợp lý, tạo ra các cự ly gần cho việc đón trả khách có sự giám sát của các ngành chức năng.

Tiếp đó là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông.

Trong đó chính quyền cơ sở là nơi quản lý địa bàn, nắm từng đoạn đường góc phố, với sự đồng tình ủng hộ của người dân; xe lạ, xe đón trả khách sai quy định sẽ được thông báo và xử lý cương quyết, không du di.

Bên cạnh đó, các địa phương và ngành giao thông vận tải cũng tạo mọi điều kiện tốt nhất về phí, bến bãi để các nhà xe đón rước khách thuận lợi.

Rõ ràng đã đến lúc phải chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cơ sở, ngành giao thông vận tải, ngành công an trong việc chỉ đạo ngành chức năng là Thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông nhưng vì sao vẫn để nạn xe dù bến cóc hoạt động không chỉ âm thầm mà rất rầm rộ.

Để từ đó có cách giải quyết vấn nạn này một cách triệt để, không dùng dằng mãi như suốt thời gian vừa qua./.

Theo VOVGIAOTHONG.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận