Vụ kiện dự án Hòa Lân (Bình Dương): Bác yêu cầu của nguyên đơn, hủy bỏ 'phong tỏa dự án ngàn tỷ'

Sau gần 2 năm tố tụng, chiều ngày 12/11/2020, HĐXX TAND quận 7, TP. Hồ Chí Minh (Tòa Q7) đã tuyên án vụ kiện kinh doanh thương mại, hủy kết quả đấu giá và hợp đồng tín dụng giữa Cty Thiên Phú với Cty đấu giá Nam Sài Gòn và Agribank.

 

Vụ kiện dự án Hòa Lân (Bình Dương): Đồng loạt yêu cầu đình chỉ vụ án!

Bác gần như toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn

HĐXX Tòa Q7 nhận định, Cty Thiên Phú thế chấp Dự án Hòa Lân tại Ngân hàng Agribank nhằm thực hiện Dự án Hòa Lân, sau đó được thực hiện bán đấu giá để trả nợ, không thể áp dụng Nghị định 163 về giao dịch bảo đảm, Nghị định 17 về đấu giá, Luật Đấu giá…

Về thủ tục bán đấu giá, mặc dù có một số thiếu sót như Kết luận Thanh tra số 62/KL- TTr của Thanh tra Bộ Tư pháp, nhưng không có cơ sở để cho rằng Cty đấu giá Nam Sài Gòn không công khai, không khách quan.

Nguyên đơn cũng không có chứng cứ để chứng minh Cty đấu giá Nam Sài Gòn vi phạm dẫn đến phải hủy kết quả đấu giá. Cty Thiên Phú đã bàn giao dự án cho Ngân hàng Agribank để tiến hành bán đấu giá, xử lý nợ, nên không có cơ sở tuyên biên bản thỏa thuận, hợp đồng bán đấu giá là vô hiệu. Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được thực hiện đúng pháp luật về đấu giá và công chứng nên không có cơ sở để tuyên vô hiệu.

Từ lập luận trên, HĐXX đã quyết định bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Cty Thiên Phú về kết quả đấu giá, hợp đồng mua bán đấu giá, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, biên bản thỏa thuận bàn giao tài sản đấu giá.

HĐXX chấp nhận một phần đơn khởi kiện của Cty Thiên Phú về hợp đồng tín chấp, hợp đồng thế chấp, cụ thể là về tính lãi suất. Sau khi tính toán, HĐXX buộc nguyên đơn phải trả thêm cho ngân hàng 609 tỉ đồng.

Phán quyết của HĐXX cho thấy những lập luận vô lý của phía nguyên đơn Thiên Phú làm kéo dài quá trình tố tụng đã không được chấp nhận. Phán quyết cũng phù hợp với nội dung Kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ Tư pháp về khiếu nại của Cty Thiên Phú trước đây.

Hủy bỏ biện pháp “cấm dịch chuyển dự án ngàn tỷ”

HĐXX Tòa Q7 cũng ra Quyết định 10/2020/QĐ-BPKCTT, ngày 12/11/2020, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn cấm chuyển dịch tài sản đối với Dự án Hòa Lân mà Cty Kim Oanh đã trúng đấu giá 1.353.000.000.000 đồng.

Quyết định hủy bỏ biện pháp cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với Dự án Hòa Lân của Tòa Q7 có hiệu lực thi hành ngay.

Quyết định nêu rõ: “Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời “Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp” áp dụng tại Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2019/QĐ-BPKSTT ngày 15/3/2019. Lý do hủy bỏ: Căn cứ của việc áp dụng không còn. Đồng thời, trả lại cho Cty Thiên Phú số tiền đảm bảo thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời là 1 tỷ đồng.

Quyết định hủy bỏ biện pháp cấm chuyển dịch quyền tài sản đối với Dự án Hòa Lân của Tòa Q7 có hiệu lực thi hành ngay.

Chỉ là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án này, nhưng Cty Kim Oanh – doanh nghiệp trúng đấu giá ngay tình Dự án Hòa Lân - đã “lãnh đủ” thiệt hại khi bị Tòa Q7 ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Hậu quả là suốt gần 2 năm qua, Cty Kim Oanh không thể triển khai được dự án, “chôn gần 1.600 tỷ” đồng vốn đã đầu tư vào dự án này.

Cùng với hành trình theo đuổi vụ án, Cty Kim Oanh liên tục làm đơn kêu cứu gửi tới nhiều cấp, nhiều ngành.

Trong Đơn gửi Thủ tướng Chính phủ, Cty Kim Oanh từng kiến nghị: “Đảng, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện việc bảo vệ tài sản ngay tình của doanh nghiệp trong việc mua tài sản nợ xấu thông qua tổ chức bán đấu giá để xử lý nợ xấu của Ngân hàng Agribank; đồng thời có ý kiến để Tòa Q7 hủy bỏ đối với Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đã áp dụng”.

Chủ tịch UBND Bình Dương, tại Văn bản 4538/UBND-KT, ngày 15/9/2020, cũng từng thể hiện quan điểm:

“Với dự án Hòa Lân, qua phân tích và đối chiếu với quy định pháp luật, UBND tỉnh Bình Dương chưa xem xét việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án Hòa Lân. Sau khi bán đấu giá, Kim Oanh có nộp hồ sơ xin chuyển đổi chủ đầu tư, UBND tỉnh Bình Dương đã giao cho Sở Xây dựng thẩm định, tham mưu.

Nhưng khi đang trong quá trình giải quyết thì Thanh tra Bộ Tư pháp thanh tra quá trình đấu giá. Tiếp theo, ngày 14/02/2019, Thiên Phú có đơn ngăn chặn; và ngày 15/3/2019, Tòa Q7 có quyết định “phong tỏa” dự án Hòa Lân.

UBND tỉnh Bình Dương đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng xem xét đề nghị TAND Tối cao chỉ đạo Tòa Q7 đẩy nhanh việc xét xử làm cơ sở để UBND tỉnh Bình Dương hướng dẫn Kim Oanh thực hiện hiện thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư theo đúng quy định.”

Vụ án kinh doanh thương mại, hủy kết quả đấu giá và hợp đồng tín dụng giữa Cty Thiên Phú với Cty đấu giá Nam Sài Gòn và Agribank liên quan đến Dự án Hòa Lân, liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, từng thu hút dư luận bởi hành trình tố tụng kéo dài, đầy yếu tố bất ngờ, khó tin, hy hữu, đã khép lại ở cấp sơ thẩm bằng phán quyết được cho là không bất ngờ của Tòa Q7.

Tuy nhiên, một kết thúc có hậu chỉ có thể là những điều cần rút ra, những việc cần phải làm để không còn những vụ án đầy tình tiết khó tin này, đặc biệt là pháp luật phải bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của những doanh nghiệp trúng đấu giá ngay tình, kinh doanh đúng pháp luật./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận