Tất cả với chị đều là “bị động” vì buộc phải vào thế tác nghiệp, nhưng chính sự chủ động từ trong tâm thế đã giúp chị trở thành “nhà báo chiến trường” trong mắt đồng nghiệp và thính giả.
Làm bão lũ phải lỳ
Hơn 10 năm công tác, tôi nhiều lần tác nghiệp tại vùng bão lũ. Có những trận lũ qua đi mà tôi mãi không thể nào quên.
Ví như chuyến công tác cuối tháng 9/2009. Khi tôi cùng đoàn bộ đội trên đường đi kiểm tra các tỉnh miền Trung trở ra Bắc thì đoàn nhận được lệnh quay lại Quảng Bình để chỉ đạo lực lượng biên phòng giúp dân chống lũ. Đoàn chúng tôi, 17 nam và 1 nữ, nối đuôi các xe đi từ Nghệ An, Hà Tĩnh vào Quảng Bình, tiếp đến là Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, nơi đâu cũng thấy người dân đang phải oằn mình chống lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Khi các xe thông thường đã không đủ sức lao vào vùng ngập nước, tôi được ưu tiên trèo lên thùng xe uran - xe đặc dụng của lực lượng biên phòng, cùng với các anh chỉ huy đoàn. Mưa như tát nước vào mặt. Gió quất tứ bề. Chiếc xe mò mẫm nhích dần. Đi được một đoạn lại có bàn tay của người dân nhoi lên xin cứu hộ.
Suốt một ngày một đêm không có chỗ an toàn để xuống, khi xung quanh tang thương và nước lũ bao trùm, trong khi ở nhà mong chờ từng tin tức. Hoàn cảnh ấy, tôi chỉ có thể tận dụng ưu thế của phát thanh: đọc thẳng vào điện thoại cầm tay. Vậy là tôi thấy gì miêu tả nấy, gặp gì nói nấy, rồi “ở nhà” xử lý âm thanh. Tôi còn tận dụng cả khách mời đang ngồi ngay trên thùng xe chỉ đạo lũ để phỏng vấn. Nhờ đó, thông tin tôi chuyển về nhanh, kịp thời và chính xác.
2 ngày 2 đêm cứ tác nghiệp trên xe như thế, chỉ kịp chợp mắt được vài phút, ròng rã mì tôm sống, tôi cảm thấy mình đang tồn tại bằng tinh thần chứ không còn chút sức lực nào. Nhưng chứng kiến hình ảnh chiếc bàn thờ lập vội trong góc nhà ngập nước; những chiếc thuyền chênh vênh chở người xấu số bị lũ cuốn trôi, những cánh tay vẫy vùng tuyệt vọng trong bốn bề mênh mông nước… lại thôi thúc tôi cố phản ánh tin bài nhanh nhất, làm cả những tin dự báo để người dân biết được những điểm ngập lũ mà phòng tránh. Nhưng có lẽ, trong gian khó người ta sẽ biết phải làm gì, và chính độ chân thực của hiện trường giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ, bằng giọng đọc xúc cảm nhất. Chỉ trong 2 ngày, lượng tin bài tôi gọi về tòa soạn bằng gần cả tháng làm việc ở Hà Nội.
Tháng 10/2010, tôi lại “vô tình” gặp đúng cơn lũ khi đi công tác ở miền Trung. Lần này chỉ một mình một ba lô. Nhận được lệnh của cơ quan, tôi nhanh chóng liên hệ với Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão tại Hà Tĩnh, cho họ số điện thoại cá nhân để có tin tức cập nhật cho mình. Tiếp đó, tôi lên xe khách về thành phố Hà Tĩnh.
Cung đường ngày lũ sao dài quá, nước lênh láng khắp nơi, nhiều đoạn ngập gần hết lốp xe, bác tài phải cho xe về số 1 giữ ga liên tục, hòng không để nước ngập vào ống khói. Nước ngày càng lên cao, toàn bộ 12/12 huyện, thị thành ngập hết, đỉnh lũ liên tục phá vỡ kỷ lục, số người chết tăng…
Quá 19h, chờ mãi cũng bắt được chuyến xe du lịch gầm cao cho đi nhờ vào TP. Hà Tĩnh. Tôi tiếp tục bám theo các đoàn thị sát lũ, vừa đi vừa quan sát dọc đường. Xóm làng đồng ruộng, bờ tre giờ hòa làm một. Lập lờ trong nước là những mái rạ, giường tủ chăn, màn và cơ man những xác động vật…
Qua đợt làm tin bài bão lũ ở Hà Tĩnh, tôi mới thấy tính năng động, xông pha, sự dấn thân của phóng viên quan trọng thế nào. 7h sáng còn ngồi dự họp cùng Ban chỉ đạo để nắm tình hình bão, gần trưa đã có thể nhận lệnh đi xuống hiện trường. Khổ nhất là việc phải lội bộ hàng cây số tìm điểm kết nối internet gửi bài về. Nhiều khi điện thì mất, công nghệ 3G cũng chào thua. Lúc này chỉ có cách điện thoại về trực tiếp. Đây cũng là cách mà phát thanh trở nên ưu thế nhất so với các loại hình khác.
Cứ thế mỗi đợt thiên tai lại cho tôi thêm kinh nghiệm tác nghiệp. Trải qua không ít tình huống ở vùng thiên tai, tôi tự đặt ra cho mình những kỹ năng cần có:
Chủ động về yếu tố bên ngoài
Tác nghiệp trong bão lũ rất khó khăn, vất vả, phóng viên thường phải đi dài ngày, vì vậy việc đầu tiên cần có đó là thể lực phải thật tốt. Khi đi công tác, phóng viên nên mang theo các loại thuốc không cần kê đơn như dầu gió, thuốc giảm đau, hạ sốt, tiêu chảy, khó tiêu, nôn và táo bón.
Dù các đơn vị cử nhà báo thường có xe hoặc nhờ xe của các cơ quan chức năng chuyên ngành, nhưng phóng viên đã xác định đến vùng thiên tai cần có khả năng lái xe thiện nghệ, cả xe máy và ô tô, nhất là phóng viên nam. Khi phương tiện thiếu đương nhiên họ sẽ phải đi một mình hoặc chở các cô giáo, nhà báo nữ vào bản.
Để có thể dễ dàng trong trèo đèo, lội suối, phóng viên nên mặc trang phục gọn gàng, dễ di chuyển, đi ủng, mặc gile chuyên dụng cho nhà báo vì kẹp được sổ bút, máy ghi âm, máy ảnh… Ngoài ra, phóng viên nên trang bị những đồ bảo hộ cho bản thân. Nếu đi rừng, ba vật dụng cần thiết nhất là bản đồ xác định vị trí, la bàn và dây thừng. Chuẩn bị diêm đựng trong hộp chống nước, kìm, giấy bạc, hộp nhựa, pháo sáng, kim, chỉ, băng dính, túi bóng. Các vật này sẽ cứu chúng ta khi rơi vào vị trí bị cô lập. Bỏ thêm vào radio mini chạy bằng pin (để dò đài nghe tin tức cứu hộ khi điện thoại bị hỏng) và đèn pin, pin dự phòng. Hãy trữ sẵn cồn khô bởi nhiều khả năng bạn sẽ cần đến lửa… Điện thoại hãy lưu vào mục quay số nhanh những số quan trọng như cứu hộ, cấp cứu, số của người thân… Cũng cần liên hệ với đồng nghiệp, báo trước địa điểm tác nghiệp để mọi người giúp đỡ khi cần thiết. Thường xuyên giữ liên lạc với địa phương, các ngành chức năng, vừa để có thông tin kịp thời, vừa để bảo hộ chính mình.
Mỗi cơn bão, trận lũ về thường kéo dài từ 5-7 ngày, di chuyển nhiều, mệt mỏi, căng thẳng liên tục, bạn cần phải chuẩn bị những thực phẩm cơ động nhất, không cần giữ lạnh hay chế biến, dễ ăn và no lâu, như bánh quy, bánh gạo, chai nước lọc, lương khô...
Chủ động về tinh thần và kiến thức
Phóng viên cần lên kế hoạch cụ thể cho mỗi chuyến đi. Có những chuyến đi gấp 1-2 ngày, cũng có chuyến đi dài ngày dầm mình trong cơn bão, nhưng chưa khi nào tôi bị động. Bởi kế hoạch chính luôn được vạch trong đầu và thay đổi phương án 2, 3 tùy theo tình huống.
Hiện nay có rất nhiều phóng viên trẻ tác nghiệp ở vùng thiên tai, có thế mạnh là khả năng phản xạ nhanh. Tuy nhiên, hăm hở thôi chưa đủ, nếu thiếu sự bình tĩnh. Trước mỗi cơn bão thường được dự tính kéo dài bao lâu và nguy cơ ra sao, các phương tiện dự báo bây giờ khá chính xác, phóng viên cần dựa vào đó để xây dựng cho mình hành trình chi tiết. Vài ngày trước khi bão ập tới, phóng viên nên đến nơi có khả năng chịu ảnh hưởng mạnh nhất, xem xét các khu vực trung tâm và liên quan quanh đó.
Không chỉ là bão lũ, thiên tai, ở vùng núi còn bao gồm sạt lở đất, hạn hán, rét đậm rét hại, mưa đá, sương muối… Vì thế, phóng viên cần có kiến thức để đối mặt với các hiện tượng này.
Một điều cần lưu ý là luôn đặt sự an toàn của bản thân lên trên hết. Say nghề nhưng tuyệt đối không lơ đễnh chủ quan. Cần biết nói “không” với các trường hợp quá nguy hiểm, hay khi cảm thấy không đủ sức. Bạn cần hiểu rằng, khi bạn đã xung phong đi tác nghiệp ở vùng bão lũ, không ai có thể đánh giá bạn ích kỷ hay hèn kém, mà khi bạn thiếu trách nhiệm với bản thân mới là điều đáng trách./.
Thu Hoà