Thưa NSND Vương Hà, khán, thính giả có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của chị?
Nghề của chúng tôi không thể thiếu được khán, thính giả. Diễn hay đến mấy, hát hay đến mấy mà không có khán giả xem, không có khán giả chấp nhận mình thì không có khán giả mời mình. Tôi thường tham gia ngâm thơ, hát ru trên Đài TNVN. Lúc đi diễn, có bác dắt cả cháu đến bảo, cô Vương Hà đêm nào cũng hát ru cho con ngủ đây này. Khán, thình giả yêu mến mình vui lắm. Có người còn làm thơ về Vương Hà. Một bài thơ dài ca ngợi giọng hát, giọng ngâm và những vai diễn của tôi. Bây giờ có nhiều hình thức giải trí khác, nhưng ấn tượng về những nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu vẫn còn trong lòng khán, thính giả. Đấy là một điều may mắn, nhất là trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang rất khó khăn để tiếp cận khán giả.
NSND Vương Hà là cộng tác viên thân thiết của chương trình Tiếng thơ đến nay đã hơn 20 năm rồi. Cũng xuất phát từ Tiếng thơ, chị đến với nhiều sân khấu thơ, nhiều không gian thơ khác. Buổi đầu thu âm ngâm thơ, chị có gặp khó khăn gì không?
Nó là cái duyên đấy. Chị Bích Ba là biên tập viên chương trình Tiếng thơ mời tôi đến Đài. Ngày nhỏ, tôi nghe ngâm thơ nhiều, thích giọng ngâm thơ của NSND Châu Loan, NSƯT Linh Nhâm, NSƯT Vũ Kim Dung… Tôi nghĩ mình cũng có chất giọng đấy để ngâm. Buổi đầu thu thơ cũng không khó khăn lắm vì được chị Bích Ba sửa cho, ví dụ ngắt câu thế nào cho đúng nhịp, đúng nghĩa. Không phải là cứ hết hơi rồi ngắt câu được đâu. Mình cố gắng làm sao để tròn nghĩa đã. Sau một vài buổi thì quen. Trong phòng thu, chỉ một mình một miccro cùng với hai nhạc công đệm đàn, nhưng nhiều lúc tôi thực sự thăng hoa đấy. Có nhiều bài thơ hay lắm. Tôi cũng rút ruột, rút gan, làm sao để đẩy được cái hồn của bài thơ. Tôi tâm niệm, tác giả đã đặt hết tâm tình vào tác phẩm, người ta viết được 5 thì mình phải diễn đạt thế nào cho được 7, 8; chứ người ta viết 5 mà mình lại ngâm để tác phẩm xuống còn 2, 3 thì thôi đừng ngâm nữa. Vì thế, không ít tác giả khi làm đĩa riêng đã bảo: “Ôi thơ của anh mà được thế này hả em”! Vui lắm. Tôi không chỉ ngâm thơ ở Đài mà còn tham gia thu cải lương, thậm chí cả tuồng. Đài TNVN là một địa chỉ không thể nào thiếu được đối với cuộc đời hoạt động nghệ thuật của tôi. Đài là nơi mà các nghệ sĩ ao ước được đặt chân đến vì giọng của mình sẽ tỏa đi toàn quốc. Thế nên trân trọng lắm. Dù thơ ngắn hay thơ dài, dù thù lao ít đi chăng nữa thì tôi cũng không ý đến, chỉ quan tâm làm sao giọng của mình còn được khán, thính giả yêu thương. Đấy là điều cần nhất đối với tôi.
Quy trình thu thơ ở Đài TNVN vừa đơn giản vừa khắt khe đòi hỏi chất giọng của người nghệ sĩ phải khoe hết ra, và cảm xúc của người nghệ sĩ tập trung vào lời ngâm. Chị có bí quyết riêng nào không?
Ngâm thơ, nếu nói là ngâm thế này mới là đúng, ngâm thế này là sai rồi, thực ra không phải. Ngâm thơ theo cảm nhận của từng người, không nên bắt bẻ. Làm sao để khi ngâm chạm được vào trái tim, lột tả được cái hồn bài thơ mới là quan trọng. Ai cũng có thể ngâm thơ, nhưng ngâm thế nào để người nghe thấy rằng đúng là tác phẩm ấy được thăng hoa thì Vương Hà nghĩ như thế mới thành công. Vương Hà rất thích ngâm những bài thơ cổ cổ một chút, những văn sĩ mà người ta thất chí một chút, mây gió trăng nước tâm trạng một chút. Hay lắm. Sâu cay lắm. Tôi có biết uống rượu đâu, nhưng khi ngâm như thế tôi cũng cảm thấy bảng lảng cùng ông văn sĩ ấy. Rồi thơ về thời cuộc, thơ thất tình chẳng hạn. Tôi có thất tình đâu. Nhưng khi tôi cầm bài thơ ấy thì tôi là người thất tình ấy. Tôi là nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, được đóng các vai diễn, thể hiện những nội tâm khác nhau. Đó cũng là một lợi thế khi tôi ngâm thơ.
NSND Vương Hà sinh năm 1967, ở Thanh Hóa, trong một gia đình nghệ thuật. Năm 1979, ở tuổi 13, chị là học viên trẻ nhất của khóa đào tạo nghệ thuật tuồng Nhà hát tuồng Việt Nam. Năm 1989, chị chuyển về công tác ở Nhà hát cải lương Việt Nam và tỏa sáng với nhiều vai diễn giành được HCV, được phong tặng danh hiệu NSND năm 2016.
|
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Anh Thư thực hiện