Tiếng thơ trong lòng Tiếng nói Việt Nam

Khi nhạc hiệu của chương trình Tiếng thơ Đài Tiếng nói Việt Nam vang lên, không gian đêm như tĩnh lặng hơn, thẳm sâu hơn, lưu luyến, ân cần và xao động.

 

Tiếng thơ là một trong những chương trình đồng hành, góp phần vào lịch sử Đài Tiếng nói Việt Nam . 

Khởi đầu từ chuyên mục “Nói chuyện thơ kháng chiến” do nhà thơ Xuân Diệu phụ trách, trải qua năm tháng, chương trình Tiếng thơ với đóng góp của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên đã song hành cùng với lịch sử Đài TNVN, bước qua chiến tranh đến hòa bình đổi mới, chung nhịp thở cùng dân tộc và nhân dân, như câu thơ Xuân Diệu ngày nào: Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/Của triệu người yêu dấu gian lao.

Ngay từ buổi đầu, Tiếng thơ đã chứa đựng đủ đầy vẻ đẹp của Tiếng Việt, của  Tiếng nói Việt Nam. Đó là sự tròn trịa rõ ràng và mềm mại biểu cảm của âm, của  thanh dấu, của nhịp điệu ngôn ngữ, của những giai điệu làn điệu mang hồn dân tộc. Thanh âm ấy đi cùng năm tháng, khó có thể đổi khác, càng không thể để mất mát.

 Để có những chương trình Tiếng thơ trên làn sóng Tiếng nói Việt Nam phải qua nhiều giai đoạn, khâu then chốt nhất nằm ở phần ngâm thơ của các nghệ sĩ biểu diễn. Ngoài tiếng đàn đệm và không gian phòng thu, người nghệ sĩ không sử dụng bất cứ trợ giúp nào khác cho giọng đọc giọng ngâm của mình. Vì thế, cùng chất giọng đẹp, truyền cảm, họ phải có khả năng cảm nhận, khả năng đọc hiểu văn bản thơ  - thứ nghệ thuật ngôn từ đa nghĩa, biến ảo, mượt mà đấy mà cũng trúc trắc gập ghềnh ngay được.

Là sản phẩm âm thanh tiếp nhận qua thính giác, những rung cảm gợi mở từ Tiếng thơ có phần khác với văn bản chữ của nhà thơ. Thơ được đọc hay được ngâm như thế nào phụ thuộc rất lớn vào sáng tạo cá nhân nghệ sĩ. Thơ chính luận hay thơ lãng mạn, thơ tự do hay thơ vần điệu, thơ ngắn hay thơ dài, cổ điển hay hiện đại… Mỗi thể loại, mỗi màu sắc, mỗi lối diễn xuất khác nhau.

 So với đọc thơ thì ngâm thơ có phần phức tạp hơn. Cho đến nay, chưa ai thống kê được có bao nhiêu điệu thức ngâm thơ, cũng không có một trường đào tạo  nào giảng dạy bộ môn ngâm thơ. Đây thực sự là loại hình nghệ thuật truyền thống với biên độ sáng tạo rộng mở, đòi hỏi rất lớn sự chủ động của các nghệ sĩ có nghề. Ngâm thơ như thế nào? Chắc chắn rằng có bao nhiêu người ngâm thơ sẽ có bấy nhiêu câu trả lời bằng chính lối ngâm của mình. Theo NSƯT Vũ Kim Dung - người gắn bó sâu nặng với Tiếng thơ - bà cho rằng: “Ngâm thơ là rung lên thành âm thanh cái tinh ý của thơ, cái nhạc điệu riêng biệt lẩn khuất trong bài thơ, để truyền ý tứ của bài thơ đến người nghe”.

Trong ngâm thơ, các làn điệu kịch hát dân tộc và dân ca vùng miền khắp Bắc - Trung - Nam như hát ru, ca trù, chầu văn, xẩm, ví dặm, ca Huế, cải lương… đều được vận dụng linh hoạt, phong phú. Đặc biệt, các làn điệu chèo rất phù hợp với ngâm thơ. Có hàng trăm làn điệu chèo mang tâm trạng, màu sắc tình cảm khác nhau: vui buồn, hóm hỉnh, hờn giận, chanh chua, nanh ác… Những làn điệu ngâm để bắc cầu cho làn điệu chèo cũng rất phong phú, ví dụ như ngâm xẩm, ngâm tần cung oán, nói sử, ngâm sa mạc, lẩy kiều, hát ví, hát ru… Ở đây, yêu cầu tròn vành rõ chữ được đặt lên hàng đầu. Người ngâm phải thể hiện đúng thanh dấu, ngữ điệu, khả năng biểu cảm, tượng thanh, tượng hình gợi ra từ chữ. Tùy theo nội dung từng bài, từng thể loại, độ dài ngắn của lời thơ mà vận dụng các làn điệu, thể hiện các sắc thái tâm trạng. Có thể nói ngâm thơ là hoạt động trình diễn mang đậm dấu ấn riêng, đòi hỏi nhiều năng lực, sự khổ luyện của người nghệ sĩ, mà nếu không nhiệt tình đam mê cùng tình yêu với thơ ca, với tiếng nói dân tộc, họ sẽ không thể theo đuổi.

Các nghệ sĩ tham gia buổi thu thơ trong phòng thu Đài TNVN   Từ trái qua: NS Đăng Kiên, NS Việt Hà (đàn tranh), NS Lê Hằng (đàn bầu), BTV Anh Thư, NSƯT Văn Chương. Ảnh PVĐi cùng với giọng ngâm, tất nhiên không thể thiếu tiếng sáo, tiếng đàn bầu, đàn tranh, đàn đáy, đàn nguyệt… Đệm thơ cũng giống như chơi một bản nhạc - một bản nhạc đầy ngẫu hứng, tự do, tài tử nhưng phải hài hòa với nội dung, với không gian văn hóa trong bài thơ, và tôn cao lời ngâm. Nhạc công cũng là người lặng lẽ đứng sau thành công của nghệ sĩ ngâm thơ.

        Hơn nửa thế kỷ đồng hành cùng Tiếng nói Việt Nam, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, trong mưa bom bão đạn cũng như lúc thảnh thơi, Tiếng thơ đã vang lên từ đồng ruộng đến chiến hào, rừng sâu, biên ải, chạm vào bao khoảnh khắc vui buồn. Nhiều thế hệ người Việt ở trong và ngoài nước đã quen thuộc với Tiếng thơ trên làn sóng phát thanh mỗi cuối tuần, khi ngày đã tàn đêm đã khuya. Nhạc hiệu Tiếng thơ cũng là nhạc hiệu dài nhất trong các nhạc hiệu chương trình của Đài TNVN - dài nhưng không thể thay thế, hoặc chưa thể thay thế, bởi đi cùng nét nhạc đó là câu chuyện của lịch sử, của cảm xúc đời người. Nhiều thế hệ biên tập viên nối tiếp nhau làm nên tên tuổi Tiếng thơ, như các nhà thơ Trần Nhật Lam, Trần Nguyên Vấn, Nguyễn Bùi Vợi, Trần Mạnh Thường, Trúc Thông, Trịnh Bích Ba... Các giọng đọc giọng ngâm trên làn sóng Tiếng thơ hôm nay như  NSND Hồng Ngát, NSND Vương Hà, NSƯT Văn Chương, NSƯT Hồng Liên, NSƯT Hoàng Tùng, Ngọc Thọ, Đăng Kiên… là sự tiếp nối các giọng đọc giọng ngâm của thế hệ vàng lớp trước, như NSND Quách Thị Hồ, NSƯT Nguyễn Thị Phúc, NSND Châu Loan, NSND Trần Thị Tuyết, NSƯT Linh Nhâm, NSƯT Lài Tâm, NSƯT Vũ Kim Dung, NSƯT Lê Chức… cùng rất nhiều gương mặt nghệ sĩ tài năng khác đầy nhiệt thành, lặng lẽ gom lửa làm nên Tiếng thơ, và cũng chính Tiếng thơ đã trả lại cho họ những niềm hạnh phúc giản dị, lắng sâu - niềm hạnh phúc được sáng tạo, được trải nghiệm nghệ thuật, được thính giả mến thương.  

Tiếng thơ là thanh âm đẹp đẽ, quý giá, sẽ mãi được gìn giữ như một tài sản tinh thần trong lòng Tiếng nói Việt Nam, trong lòng tiếng nói dân tộc. Học theo cách nói của học giả Phạm Quỳnh, thì Tiếng Việt còn, Tiếng thơ còn, để giãi bày không chỉ cái ngày xưa mà cả cái hôm nay, với dâu bể cuộc đời./.

Tiếng thơ là thanh âm đẹp đẽ, quý giá, sẽ mãi được gìn giữ như một tài sản tinh thần trong lòng Tiếng nói Việt Nam, trong lòng tiếng nói dân tộc.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận