Tác nghiệp trong tâm dịch: Những ký ức khó phai

LTS: Khi đại dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, các phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại nước ngoài luôn là những 'chiến binh' nơi tuyến đầu chống dịch. Bích Thuận - phóng viên Đài TNVN tại Trung Quốc - là một 'chiến binh' như thế.

 

Dấu mốc không quên

Ngày 02/02/2020 sẽ trở thành mốc thời gian quan trọng và đáng nhớ trong cuộc đời phóng viên của tôi ở Trung Quốc. Đó là ngày tôi và nhiều cán bộ khác đang công tác tại Bắc Kinh quay trở lại địa bàn sau thời gian về nước họp tổng kết năm và nghỉ Tết mặc dù chưa đến lịch. Hôm đó, Trung Quốc thông báo có tổng cộng 14.380 ca bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona, tức đại dịch Covid-19 hiện nay, trong đó có hơn 300 ca tử vong. Vũ Hán, nơi dịch khởi phát đã đóng cửa được 10 ngày. Tất cả các tỉnh, thành ở nước này quyết định kéo dài kỳ nghỉ Tết để chặn dịch. Trước đó 2 ngày (31/1), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sự bùng phát của virus corona chủng mới.

Vốn định quay trở lại địa bàn trong chuyến bay cuối cùng của Vietnam Airlines, nhưng do tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, các chuyến bay bất ngờ bị hủy từ ngày 1/2. Không còn cách nào khác, chúng tôi quyết định đi bằng đường bộ sang Trung Quốc qua cửa khẩu Hữu Nghị Quan.

Cảnh tượng vắng lặng nơi cửa khẩu vốn sầm uất, tấp nập mà tôi vừa được chứng kiến hồi giữa tháng 12/2019 sau chuyến công tác tại Quảng Tây, khiến chúng tôi hiểu rằng, không ai chọn sang Trung Quốc vào thời điểm này. Tất cả khách nhập cảnh vào Trung Quốc lúc đó dường như chỉ có mỗi đoàn chúng tôi. Ngay từ những phút đầu tiên bước chân vào khu làm thủ tục xuất cảnh khỏi Việt Nam, tôi đã tự nhủ, từ giờ phút này đường trở về Tổ quốc sẽ vô cùng khó khăn. Đến nay, đã hơn nửa năm trôi qua, đường hàng không giữa hai nước vẫn chưa được nối lại bình thường.

Tác nghiệp nơi tâm dịch

Sau đó là chuỗi ngày tác nghiệp tại đất nước "tâm dịch" của thế giới. Chúng tôi tranh thủ bất cứ cơ hội nào có thể để phỏng vấn, quay hình, chụp ảnh gửi về trong nước, nhằm giúp khán, thính giả của VOV có cái nhìn đầy đủ nhất, chính xác nhất về những gì đang xảy ra tại địa bàn, về loại dịch bệnh chưa từng ai biết và rất có thể đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của những người dân trong nước nếu nó lây truyền và không được kiểm soát tại Việt Nam.

Tác nghiệp nơi “tâm dịch”

Chúng tôi ra đường, vào các khu chợ và siêu thị, tới các địa điểm công cộng, đến bệnh viện và sân bay. Trong bầu không khí căng thẳng chống dịch ở khắp mọi nơi, bên cạnh không ít người sẵn sàng hợp tác, cũng có những người dân và lực lượng chức năng địa phương phản ứng khá thận trọng với báo chí. Lịch sự thì họ né tránh hoặc từ chối, còn không họ sẵn sàng thể hiện sự không hài lòng và tức giận mỗi khi thấy có ống kính hướng về phía mình. Thực ra đây cũng là điều dễ hiểu, bởi với người Trung Quốc đây là thời kỳ "bất thường" ở đất nước họ. Cả thế giới đang dõi theo họ, trong khi trở thành tâm điểm của thế giới bởi một sự kiện y tế công cộng toàn cầu ắt hẳn là điều không ai mong muốn.

Nhưng có lẽ những câu chuyện về các y bác sĩ Vũ Hán và các địa phương ở Hồ Bắc, cũng như cuộc sống và cảnh ngộ của người dân nơi đây mới thực sự hằn sâu trong tâm trí của mỗi phóng viên tác nghiệp ở Trung Quốc vào thời khắc ấy - những ký ức khó phai, thậm chí ám ảnh.

Tôi sẽ không bao giờ quên câu chuyện về một đôi vợ chồng không thể lên nhà ở Bắc Kinh dù đã đến cổng khu chung cư sau thời gian nghỉ Tết ở nhà chồng, chỉ vì cô vợ là người Hồ Bắc. Sau mọi cố gắng, họ đành lên tàu quay trở về quê chồng ngay trong đêm.

Tôi sẽ không thể nào quên hình ảnh một bé trai khoảng 5, 6 tuổi ở cùng ông nội đã mất vài ngày trong nhà vệ sinh ở thành phố Thập Yến, tỉnh Hồ Bắc. Cậu bé đã sống như vậy nhờ vào những mảnh bánh bích quy cuối cùng còn sót lại, mà không dám bước ra khỏi nhà, bởi ông bảo bên ngoài có vi-rút. Nếu không có các đợt gõ cửa từng nhà rà soát tìm người bệnh Covid-19, hẳn không thể tưởng tượng cậu bé ấy sẽ ra sao. Điều mà tôi quan tâm sau khi cậu bé được tìm thấy là liệu di trấn tâm lý mà cậu phải gánh chịu sẽ đến mức nào và kéo dài bao lâu?

Tôi cũng sẽ không bao giờ quên hình ảnh một người đàn ông ở Vũ Hán sau khi được chữa khỏi Covid-19 trở về nhà và phát hiện những người thân còn lại trong gia đình đã ra đi vì chính căn bệnh này, trong 1 phút tuyệt vọng anh đã treo cổ tự vẫn.

Tôi càng không thể nào quên hình ảnh vợ bác sĩ Lưu Trí Minh, Viện trưởng Bệnh viện Vũ Xương, thành phố Vũ Hán, người cũng đang ở tuyến đầu chống dịch cùng các đồng nghiệp, chỉ có thể gào khóc chạy theo xe chở thi hài của anh sau khi anh mất do Covid-19. Chiếc xe thậm chí không thể đi chậm hoặc dừng lại cho chị được nhìn anh và khóc đưa lần cuối. Cũng như nhiều người bệnh khác tử vong vì Covid-19 ở Vũ Hán, anh không được làm đám tang và phải chở đi hỏa táng càng nhanh càng tốt, còn chị không được đến gần anh dù đã mặc sẵn đồ bảo hộ.

Là một người mẹ, tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh một cô bé vì quá nhớ mẹ là y tá của một bệnh viện mà cùng bố mang đồ ăn đến cho mẹ, để được nhìn mẹ, nói vài câu thương nhớ và mở rộng vòng tay ôm mẹ từ xa với nước mắt lưng tròng.

Tôi càng không thể nào quên hình ảnh nữ y tá trưởng vừa cắt tóc cho các đồng nghiệp sắp được điều tới Vũ Hán của mình vừa thổn thức; hình ảnh những nữ hộ lý cạo trọc đầu để hạn chế nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc; hình ảnh vị đội trưởng một đội y tế là nam giới không cầm nổi nước mắt khi nói về cảm xúc lúc đưa các thành viên của mình vào phòng bệnh, bởi ông sợ một ngày nào đó sẽ không thể còn được gặp lại họ; hay những câu chuyện về những nữ y tá, hộ lý không dám ăn, không dám uống, không dám thay cả băng vệ sinh chỉ vì để tiết kiệm một bộ đồ bảo hộ.

Năm tháng không quên

Một bác sĩ nam ở Bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng ở Vũ Hán đã chia sẻ trong nước mắt: "Là bác sỹ, tôi đã quen ĩvới cái chết, nhưng những ngày này tôi không thể cầm được nước mắt. Tôi không rơi nước mắt cho mình, mà bởi nhìn thấy các đồng nghiệp của tôi không thể đi vệ sinh, không dám ăn, không dám uống. Chúng tôi đã làm tất cả những gì mà một người làm trong ngành y có thể làm. Nếu nhìn thấy tình cảnh ấy thì bất cứ ai dù mạnh mẽ đến mấy cũng sẽ cảm động, rất cảm động".

Dù biết dịch bệnh đã được kiểm soát tại Vũ Hán và hầu khắp các nơi trên đất nước Trung Quốc, nhưng có lẽ những câu chuyện như vậy sẽ còn đọng sâu trong tâm trí của bất cứ ai đã chứng kiến những ký ức đau thương từng xảy ra tại đây vào những ngày tháng 2 nghiệt ngã ấy.

Vững lòng khi đồng nghiệp và thính giả động viên

Là một phóng viên tác nghiệp tại Trung Quốc vào dịp "bất thường" này, chúng tôi từng lo lắng, bất an khi có các biểu hiện bất thường về sức khỏe của chính mình và người thân; đó là khi quay trở lại địa bàn, ngồi trên chuyến bay nội địa của Trung Quốc đông kín người và trong đoàn có bạn bị sốt, ho, mệt mỏi; đó là khi bản thân thấy người và đầu nóng ran, họng đau rát sau một ngày làm việc cật lực; đó là khi vợ của đồng nghiệp thấy tức ngực, khó thở phải đi khám; đó là khi đồng nghiệp cơ quan bạn không may bị sốt sau khi đi ghi hình về và uống thuốc mãi không khỏi; đó là khi nơi mình đang sinh sống và làm việc trở thành khu vực nguy cơ cao vì dịch bệnh.

Những lúc như vậy, chúng tôi cảm thấy được an ủi và hạnh phúc rất nhiều, bởi nhận được sự quan tâm, hỏi han, động viên của người thân và lãnh đạo, đồng nghiệp trong nước; được Đại sứ quán ta ở nước sở tại chia sẻ cho những chiếc khẩu trang phòng dịch; được thính giả của VOV ở Trung Quốc dặn dò, thăm hỏi và cũng sẵn sàng gửi tặng khẩu trang khi cần.

Nhưng trên hết khi tin, bài gửi về được cơ quan chủ quản sử dụng triệt để và đánh giá là có đóng góp thiết thực vào công tác phòng, chống dịch trong nước, chúng tôi càng hiểu hơn về ý nghĩa và giá trị của mình khi được cử làm phóng viên thường trú tại các địa bàn trên thế giới, đặc biệt khi xảy ra những sự kiện lớn và nghiêm trọng. Khi đã xác định là những chiến sĩ trên mặt trận báo chí, chúng tôi sẽ không rời vị trí khi chưa có lệnh rút quân./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận