Cây cầu nối những niềm vui

Hình ảnh cây cầu bê tông cốt thép bắc ngang dòng suối Nậm Chim đã nối dài những niềm vui, hạnh phúc, dẫn nhịp cho khát vọng đi học con chữ của học sinh Huổi Hạ.

 

“Dậy sóng” vụ học sinh chui túi nilon vượt suối lũ tới trường

Chính xác hôm đó là ngày 5/9/2018 (ngày cả nước hân hoan đưa trẻ đến trường dự lễ khai giảng năm học mới (2018 - 2019)), trên trang Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam VOV.VN đăng tải phóng sự ảnh, video “Điện Biên: Vẫn còn cảnh học sinh chui túi nilon vượt suối lũ tới trường” của tác giả Vũ Lợi  - Cơ quan thường trú VOV khu vực Tây Bắc. Độc giả “thót tim” trước cảnh học sinh ở bản vùng cao Huổi Hạ (xã Na Sang, huyện Mường Chà) chui vào những chiếc túi nilon mỏng manh để người lớn kéo qua suối lũ Nậm Chim chảy cuồn cuộn, kịp tới trường dự lễ khai giảng năm học mới.

Cây cầu Huổi Hạ khang trang, vững chãi.

Những hình ảnh xúc động, chân thực được phóng viên trực tiếp đến hiện trường ghi nhận, khi đăng tải trên VOV.VN thu hút sự quan tâm rất lớn của bạn đọc. Hàng triệu lượt views, hàng nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội với những dòng bình luận thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nơi đây, cũng như mong muốn được góp sức để sớm có một cây cầu vững chắc giúp các em đi lại an toàn hơn.

Là đồng nghiệp cùng “cắm” trên địa bàn miền núi, biên giới tỉnh Điện Biên, tôi biết phóng viên trẻ Vũ Lợi (SN 1988) gần chục năm nay. Anh là “thổ địa” ở đây nên khá am hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, con người ở mảnh đất này. Với tôi, Vũ Lợi hòa đồng, nhiệt tình, không ngại chia sẻ và hỗ trợ đồng nghiệp khác, trong đó có tôi khi những ngày đầu “lạ nước lạ cái” lên công tác tại những bản vùng sâu vùng xa, khó khăn của tỉnh Điện Biên.

Sau này, lật lại vụ học sinh Huổi Hạ chui túi nilon đến trường, tôi hỏi Vũ Lợi cảm xúc và suy nghĩ của anh? Anh cho biết: “Nghề báo đến với tôi như một cơ duyên. Ở môi trường làm việc đó khiến tôi trưởng thành và năng động lên rất nhiều. Đi nhiều, viết nhiều, năng nổ dấn thân đã nuôi dưỡng niềm đam mê, sáng tạo trong từng tác phẩm báo chí. Đặc biệt, nghề báo đã tôi luyện cho tôi bản lĩnh vững vàng, sự tự tin và luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm xã hội”.

Phóng viên Vũ Lợi trong lần tác nghiệp tại bản Huổi Hạ, ghi nhận niềm vui của bà con khi có cây cầu mới.

Anh kể, sau phóng sự phản ánh học sinh chui túi nilon đến trường, có một vài ý kiến phản biện về tính khách quan của thông tin. Thế nhưng anh không lo lắng bởi anh làm nghề với quan điểm: Đi tận nơi, phản ánh đúng bản chất sự việc, tôn trọng sự thật thì không sợ sai, không áy náy với đạo đức của một người làm báo chân chính.

“Chùm ảnh đó sau khi được đăng trên Báo TNVN đã vinh dự lọt Top 10 “Khoảnh khắc báo chí” và đoạt Giải C - “Giải thưởng Tiếng nói Việt Nam”, phần nào động viên tôi nỗ lực hơn nữa trong nghề. Nhưng phấn khởi hơn là những thông tin bài viết phản ánh chính xác, kịp thời đã được chính quyền các cấp quan tâm và quyết định đầu tư xây dựng ngay một cây cầu khang trang, kiên cố với trị giá gần 6 tỷ đồng, giúp bà con đi lại thuận tiện, học sinh đến trường an toàn hơn mỗi khi mùa mưa bão khắc nghiệt tràn về” - phóng viên Vũ Lợi trải lòng.

Niềm vui ở bản Huổi Hạ

Giữa cái nắng như thổi lửa vào mặt của núi rừng Tây Bắc, hình ảnh cây cầu mới kiên cố đang gấp rút hoàn thành, đưa vào sử dụng không chỉ tô đẹp thêm cho bản làng, củng cố vững chắc niềm tin vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà đã xóa đi nỗi lo của đồng bào nơi đây trước mùa mưa lũ đang cận kề.

Chúng tôi được đích thân Chủ tịch UBND xã Na Sang, Vàng A Pó làm hoa tiêu dẫn đường, vượt hơn 45km đường để vào với bà con Huổi Hạ. Đến một con dốc cao, từ đây vào trong trung tâm bản còn khoảng 20km nữa nhưng đường nhỏ, khúc khuỷu nhiều dốc nguy hiểm và chỉ có thể đi bằng xe máy.

Phóng viên Vũ Lợi tác nghiệp tại điểm nóng phá rừng trái phép huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên).

Đứng trước suối Nậm Chim đang cạn trơ đáy, nhưng Chủ tịch Vàng A Pó bảo: “Hôm nay vậy, nhưng mưa lũ về chỉ một đêm, sáng hôm sau lòng suối rộng chừng 20m khi nước dâng lên rộng tới 50m, xoáy sâu lút đầu người lớn, chảy xiết. Trước khi có cây cầu, vào mùa mưa, bà con bản Huổi Hạ với 76 hộ và khoảng 500 nhân khẩu sinh sống phía bên kia suối Nậm Chim hoàn toàn bị cô lập. Những ngày ấy, người dân rất sợ trong bản có người ốm đau, nhất là vào ban đêm thì không cách nào vượt suối đi bệnh viện được. Nhưng giờ, có cầu bắc qua suối rồi thì nước lên không còn là nỗi lo sợ nữa”.

Chiếc xe máy của chúng tôi bon bon vượt qua cây cầu bê tông cốt thép khang trang rộng 3,5m, dài 100m mới được đưa vào sử dụng. Từng tốp trẻ em tan học về cười nói vui vẻ, nắm tay nhau tung tăng bước qua cầu. Dân bản cũng đi lại tấp nập chở theo nông sản và vật nuôi ra trung tâm xã bán.

Cô giáo Nguyễn Thị Dinh, điểm trường Huổi Hạ, Trường Mầm non số 1 Na Sang phấn khởi: "Tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cơ quan đã quan tâm tới giáo viên và học sinh ở đây. Có cây cầu, không những công tác giảng dạy và học tập được thuận tiện hơn mà bữa ăn của học sinh cũng được cải thiện, đảm bảo hơn, các cháu được ăn đồ tươi. Cứ thứ 4 hằng tuần, các cô giáo ra ngoài để chuyển thực phẩm vào".

Hạnh phúc với chuyến đi “bão táp”

Sau gần 8 năm gắn bó với nghề báo ở vùng đất biên cương cực Tây của Tổ quốc, nơi điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, phóng viên Vũ Lợi chia sẻ: “Cắm” tại một địa bàn mà “đặc sản” thông tin luôn là những vụ án liên quan đến ma túy, cháy rừng, lũ bão… đòi hỏi người làm báo không chỉ có sự nhanh nhạy, kịp thời mà cần thêm những kinh nghiệm trong tác nghiệp, đam mê dấn thân, dám “xách ba lô lên và đi”. Sau mỗi chuyến đi về cơ sở đã cho Vũ Lợi thêm những trải nghiệm thú vị, thêm tích lũy vốn sống, kinh nghiệm và cả những kỷ niệm khó quên. Và chuyến đi “bão táp” về bản Huổi Hạ phản ánh học sinh chui túi nilong vượt suối lũ đến trường, ngày 3/9/2018 sẽ là kỷ niệm khó quên nhất với anh.

          Vũ Lợi nhớ lại: Sau khi nắm bắt thông tin từ cơ sở, sáng 3/9, anh cùng nhóm đồng nghiệp công tác tại một số cơ quan báo chí địa phương và Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh đã bàn bạc và quyết định lên đường, mang theo ý tưởng xây dựng một phóng sự chân thực, chia sẻ những khó khăn với giáo dục vùng cao vào đúng dịp khai giảng năm học mới; đồng thời truyền đi thông điệp đầy tính nhân văn về nghị lực vượt khó đến trường của học sinh vùng cao. Tuy đã có kha khá kinh nghiệm và lường trước được những khó khăn, nguy hiểm khi tác nghiệp tại những “rốn lũ” trên địa bàn, nhưng anh em trong nhóm vẫn không khỏi lo lắng khi trời liên tục đổ mưa nặng hạt, 2/3 hành trình phía trước là đường núi cheo leo, suối lũ dữ dằn.

“Chuyến đi đó lần đầu tiên tôi chân trần cuốc bộ liên lục gần 9 giờ đồng hồ, mang theo đủ thứ máy móc, đồ nghề tác nghiệp đeo trên người. 10 đầu ngón chân tôi sưng tấy, sau bị mưng mủ vì đất nhét đầy móng, 2 bắp chân cũng bị cứng đờ… Suốt cả chặng đường, chanh, ổi, quả rừng chính là thứ giúp chúng tôi có sức đi tiếp. Cứ chừng 15 phút, anh em lại phải nghỉ một lần. Trên con đường ngược núi trơn trượt, tôi không đếm được số lần anh em trong đoàn phải “vồ ếch”, uống nước mưa hay ăn vội quả rừng… Chỉ biết rằng, khi nhìn thấy con suối Nậm Chim, phía bên kia là nhóm dân cư Huổi Hạ, cũng là lúc trời nhá nhem tối. Thân thể rã rời, quần áo nhuộm một màu vàng đất đồi, những đôi chân phồng rộp, thế nhưng thách thức lớn nhất với chúng tôi… bây giờ mới bắt đầu!”, anh Lợi kể.

Chiều muộn hôm đó, sau những lần “thót tim” đứng trên chiếc bè tre chòng chành và 4 lần dũng cảm “đánh vật” với suối lũ Nậm Chim, cùng sự trợ giúp của dân bản, nhóm phóng viên của anh Vũ Lợi, gồm 5 người mới sang được bờ suối bên kia. Đoàn được đón tiếp về nhà trưởng bản Huổi Hạ - Vừ A Giống. Anh em nhanh chóng giũ qua quần áo với nước mưa cho bớt bùn đất, rồi mặc lại lên người, ngồi bên bếp lửa hong khô.

Mãi đến khi tiếng gà gáy đầu tiên cất lên, cũng là lúc tôi nhắm mắt lại và bắt đầu giấc mơ về một chiếc cầu trong tương lai, giúp nối gần hơn hành trình đến trường của trẻ em Huổi Hạ…

“Sau bữa cơm tối, chúng tôi được trưởng bản Giống giục đi ngủ sớm, lấy sức cho công việc ngày mai. Suốt một đêm dài, tôi trằn trọc, không phải vì phải nằm trên những tấm ván ghép nhấp nhô, cũng không phải là chặng đường đã qua; mà tôi thấy trăn trở cho cuộc sống của người dân và những đứa trẻ nơi đây; chỉ biết cầu mong cho trời ngừng mưa, qua một đêm nước suối sẽ không dâng thêm nữa, để ngày mai (4/9) những đứa trẻ đến trường chuẩn bị khai giảng an toàn nhất… Sau này, cây cầu mơ ước ấy đã trở thành hiện thực và đó là hạnh phúc không gì bằng của tôi cũng như tất cả anh em đồng nghiệp làm báo trong chuyến đi “bão táp” ngày hôm đó” - phóng viên Vũ Lợi chia sẻ./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận