Chuyện về những lá chắn Covid-19

Những ngày cả nước căng mình chống dịch và rồi vui mừng chiến thắng đại dịch Covid-19 đã được tái hiện trọn vẹn trong chương trình 'Tự hào Việt Nam'.

 

Những ngày cả nước căng mình chống dịch và rồi vui mừng chiến thắng đại dịch Covid-19 đã được Đài Tiếng nói Việt Nam - Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC tái hiện trọn vẹn trong chương trình chính luận nghệ thuật mang tên “Tự hào Việt Nam”, tối 23/6 vừa qua tại Hà Nội.

Cuộc chiến không tiếng súng

Có lẽ phải bắt đầu câu chuyện Việt Nam phòng chống và chiến thắng đại dịch Covid-19 bằng nhận xét của Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam: “Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19 rất thành công: Số lượng bệnh nhân trên tổng số dân là thấp nhất và là đất nước duy nhất không có bệnh nhân Covid-19 bị tử vong. Tôi cho rằng có 3 nhân tố dẫn đến thành công của Việt Nam. Thứ nhất, Việt Nam đã kích hoạt kịp thời hệ thống ứng phó. Thứ hai, đó là sự lãnh đạo quyết liệt của Chính phủ và huy động nguồn lực ngay lập tức theo cách tiếp cận toàn thể xã hội. Thứ ba, công tác truyền thông đầy đủ, kết nối Chính phủ với người dân. Điều đáng trân trọng nữa là Việt Nam đã hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với cả thế giới chứ không chỉ làm tốt cho riêng đất nước mình”.

Đại dịch Covid-19 được các chuyên gia đánh giá là chưa có tiền lệ với tốc độ lây lan rất nhanh. Tại Việt Nam, ngay từ đầu, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành y tế đã xác định đây là một loại dịch bệnh rất nguy hiểm, từ đó đề ra và triển khai các biện pháp ứng phó mạnh mẽ, luôn đi trước một bước so với diễn biến của dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch được chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, coi “chống dịch như chống giặc” với một tinh thần quyết tâm mạnh mẽ lan tỏa trong toàn xã hội.

 

“Thắng từng trận đánh để thắng cả cuộc chiến” - đó chính là tinh thần xuyên suốt của Đảng, Chính phủ để quyết tâm chống đại dịch Covid-19. Ngành y tế Việt Nam ở tâm thế sẵn sàng, trở thành tấm lá chắn trắng vững vàng bảo vệ sức khỏe cho người dân. Sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đã viết lên một bản hùng ca chiến thắng của cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM tự hào: “Trong đợt dịch vừa rồi, lần đầu tiên trong lịch sử, trí tuệ của ngành y, của các chuyên gia đầu ngành trong cả nước đã được tập trung lại để cùng hội chẩn, hội ý và đưa ra các phương án điều chỉnh hiệu quả nhất có thể”.

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là một địa chỉ tiền tuyến trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Là nơi trực tiếp chữa trị nhiều nhất bệnh nhân Covid-19, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng phải đối mặt với khối lượng công việc khổng lồ và căng thẳng. Nhìn lại những hình ảnh mà đội ngũ y, bác sĩ nỗ lực giành lại sự sống cho bệnh nhân, TS. Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện chia sẻ: “Các bệnh nhân mắc Covid-19 rất đa dạng, có người lớn tuổi, có người nhiều bệnh nền hoặc trong cơ thể có những yếu tố tạo sự phát triển nhanh và đột phá cho virus... Thế nhưng ngay từ khi được Bộ Y tế giao nhiệm vụ chăm sóc và điều trị các bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện đã xác định: Tất cả những người ở bệnh viện liên quan đến bệnh nhân Covid-19 đều phải cách ly tại bệnh viện và thường xuyên trực. Và chỉ có các nhân viên y tế ngày đêm chăm sóc bệnh nhân từ chuyện ăn uống đến khâu vệ sinh cá nhân”. Thức trắng đêm chăm sóc người bệnh, thậm chí những tiếng máy thở đã trở nên ám ảnh mỗi y, bác sĩ.

Những y, bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương rất nhiều ngày tháng không được trở về với gia đình, phải đối mặt với nguy hiểm, nguy cơ cao lây nhiễm bệnh và ra đi, với bao gian nan, khó khăn không lường trước được bởi chưa có tiền lệ, nhưng họ sẵn sàng tham gia cuộc chiến, giành giật sự sống cho bệnh nhân, ngăn chặn sự lây nhiễm cho cộng đồng. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư chia sẻ: “Ngay khi chúng tôi tiếp nhận ca bệnh đầu tiên thì trên thế giới đã có khá nhiều nhân viên y tế tử vong vì bị lây nhiễm bệnh này. Khi mới tiếp xúc với những ca bệnh đầu, chúng tôi có rất ít kinh nghiệm, chỉ có thể tham khảo chút ít thông tin từ WHO và các nước trên thế giới, còn lại phải tự tìm hiểu từ thực tế điều trị của mình để từng bước đổi mới cải tiến thao tác, đảm bảo hiệu quả điều trị cao hơn. Đó cũng là cách duy nhất để chúng tôi tự bảo vệ mình”.

Các y, bác sĩ, nhân viên y tế trở thành những tấm lá chắn trắng vững vàng bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Khi xuất hiện nhiều ổ dịch mới: Trúc Bạch, Bạch Mai, Hạ Lôi... tình hình dịch trở nên vô cùng phức tạp, công tác dự phòng chống dịch tại cộng đồng lúc này đã phát huy thế mạnh trước những thách thức. Bác sĩ Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương nhấn mạnh: “Ở tâm dịch rất nguy hiểm bởi không biết ai là nguy cơ, đâu là nguồn lây, nhưng những người làm công tác dự phòng vẫn không sợ hãi, trực tiếp tiếp xúc, điều tra, lấy mẫu và làm tất cả những việc dập dịch, chống dịch, ăn cùng ở cùng với cộng đồng nơi ổ dịch”.

Từng ngày từng giờ giành giật lại sự sống, chạy đua với thời gian, hệ thống ngành y tế Việt Nam đã kết nối, hỗ trợ nhau rất linh hoạt. Tham dự chương trình “Tự hào Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: “Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện ở nước ta, công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân được tổ chức rất thành công, từ các đơn vị cấp cơ sở đến các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương. Ngay khi dịch bắt đầu, toàn bộ nhân viên ngành y tế đã được tập huấn; 40 đơn vị cơ động được tổ chức ở các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh; ngoài ra, mỗi tỉnh thành lập một đơn vị cơ động để sẵn sàng hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Chúng tôi cũng kết nối với tất cả những đơn vị có thu dung điều trị bệnh nhân để tổ chức hội chẩn báo cáo và hướng dẫn điều trị một cách sát sao”.

Chìa khóa của chiến thắng

Việt Nam là một trong số ít quốc gia đưa quân đội tham gia chống dịch ngay từ những ngày đầu. Hàng trăm khu cách ly là các doanh trại quân đội đã được lập ra, hàng nghìn chiến sĩ vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vừa phục vụ hậu cần cho hàng nghìn người. Rất nhiều những sự hy sinh thầm lặng, rất nhiều những câu chuyện cảm động phía sau cuộc chiến đã được chương trình “Tự hào Việt Nam” ghi lại.

Xúc động và cảm phục đồng đội về tinh thần trách nhiệm, đại tá Đinh Công Chính, Phó Chính ủy, Trường quân sự, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho hay: “Thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần... nhưng các chiến sĩ luôn nhường điều kiện thuận lợi cho bà con, nhận về mình phần gian khó. Những hình ảnh thấm đẫm tình quân dân ấy đã thể hiện tính nhân văn cao cả, tính văn hóa quân sự mà chỉ có trong quân đội nhân dân Việt Nam mới có - quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”.

Cách khách mời tham dự Chương trình Tự hào Việt Nam.

Bác sĩ Trần Minh Quân, Phó trưởng khoa khám bệnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư bày tỏ: “Ngoài tình cảm yêu thương đùm bọc của đồng bào cả nước dành cho ngành y tế trong quá trình chống dịch, thì chính các bệnh nhân Covid đã truyền cảm hứng, cổ vũ chúng tôi. Trong điều kiện áp lực lớn: Bản thân bị mắc bệnh, phải nằm ở phòng cách ly truyền nhiễm nguy hiểm và thời gian nằm viện không dưới 1 tháng, nhưng các bệnh nhân luôn có cách nghĩ rất tích cực. Từng ánh mắt, nụ cười của bệnh nhân cho thấy rõ sự tin tưởng vào chúng tôi. Hơn thế nữa, họ luôn đưa ra các thông điệp rất tích cực tới cộng đồng về quá trình điều trị. Đấy là động lực, là phần thưởng mà chúng tôi nhận được từ các bệnh nhân”.

Góp phần vào thắng lợi trong cuộc chiến chống Covid-19 có vai trò không nhỏ của lực lượng tuyên truyền, trong đó có Đài Tiếng nói Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: “Hiểu rằng dịch Covid-19 nếu lây lan trong cộng đồng thì hậu quả thật khó lường, các cơ quan báo chí đã vào cuộc rất quyết liệt, liên tục với tinh thần sẵn sàng xả thân. Những phóng viên của Đài TNVN dấn mình vào tâm dịch, sát cánh cùng đội ngũ y, bác sĩ, các lực lượng phòng chống dịch và người dân. Các phóng viên thường trú của Đài TNVN ở nước ngoài sẵn sàng lao vào tâm dịch như Hoa Kỳ, Pháp, Nhật, Indonesia... khi nguy cơ bị lây nhiễm rất cao”.

“Chúng tôi bước vào cuộc chiến chống dịch với tâm thế dẫu không biết ngày mai cuộc chiến đó như thế nào, chỉ biết rằng mình phải đối mặt với kẻ thù rất nguy hiểm và buộc phải hiểu về nó để chiến thắng nó”.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư

Chương trình chính luận nghệ thuật “Tự hào Việt Nam” thêm một lần khẳng định: Thành công trong cuộc chiến với Covid-19 có sự vào cuộc rốt ráo của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, quyết tâm, đoàn kết của quần chúng nhân dân ủng hộ chủ trương của Đảng và Nhà nước, và sự nỗ lực tuyệt vời của đội ngũ y, bác sĩ và các lực lượng quân đội, công an, hàng không, hải quan... Chúng ta đã huy động được tất cả tinh thần và lực lượng, nguồn lực để chống dịch, đã vào cuộc với tinh thần như đi ra trận, sẵn sàng hy sinh. Mỗi người dân, từ cụ già đến em nhỏ đều có ý thức phòng chống dịch, đóng góp vật chất dù nhỏ bé nhưng mang giá trị lớn lao về tinh thần, trách nhiệm của một công dân đối với đất nước. Cả nước đồng lòng, đoàn kết, chung sức chống dịch. Nghĩa đồng bào thấm đẫm trong mỗi chuyến bay đón hàng ngàn kiều bào trở về quê hương chống dịch. Và đó chính là chìa khóa mở ra chiến thắng đại dịch Covid-19./.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận