Hơi thở cuộc sống phả ra từ các tác phẩm

Chất lượng vượt trội của nhiều tác phẩm tham dự LHPT toàn quốc lần thứ 14 minh chứng sự tiến bộ vượt bậc trong kỹ năng tác nghiệp của các nhà báo phát thanh.

 

Chân dung nhân vật chính

Là “nhân vật chính” trong Liên hoan Phát thanh (LHPT) toàn quốc, các tác phẩm tham dự Liên hoan năm nay trở thành trung tâm thu hút sự chú ý. Trong vai trò Tổng Thư ký Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 14, nhà báo Đồng Mạnh Hùng (Trưởng Ban Thư ký - Đài TNVN) nhận định: “Năm nay, các tác phẩm tham dự không chỉ là đội quân hùng hậu với số lượng lớn, mà chất lượng cũng nổi trội với đề tài đa dạng, phong phú và chạm sâu đến những vấn đề căn cốt về thời sự chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Nhiều tác phẩm bám sát những vấn đề có tính thời sự, nóng hổi của đất nước trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 như: Dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đảm nhận vai trò ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Chủ tịch ASEAN; vấn đề an ninh biên giới, đấu tranh chống các phần tử phản động và các thế lực thù địch; triển khai Nghị định 34 về khoán phụ cấp cấp xã; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính... Những đề tài này cùng với góc tiếp cận và cách thể hiện đặc sắc đã tạo sự mới mẻ và sức hút lớn trong các tác phẩm tham dự LHPT năm nay.

Bên cạnh đó, các tác phẩm cũng đề cập đến nhiều vấn đề mà thực tiễn cuộc sống đặt ra như: Chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long; phát triển cây, con gì để phù hợp với vùng đất ngập mặn hiện nay; vấn đề lạm dụng sức lao động trẻ em; bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc... Thông qua các tác phẩm, chúng ta thấy được sự vận động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.

Theo nhà báo Đồng Mạnh Hùng, nhiều đề tài có tính phát hiện, phản ánh rõ thực trạng, đồng thời đề xuất được các giải pháp có tính khả thi. Đó là các tác phẩm: “Bất cập trong triển khai Nghị định 34 về khoán phụ cấp cấp xã”, “Miền đất lạnh”, “Lời giải ruộng hoang”, “Cần một cuộc đại phẫu ngăn ngừa lao động trẻ em”...

Một chương trình dự thi Phát thanh trực tiếp tại LHPT.

Cùng chung nhận định, giám khảo Lưu Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Đài PT-TH Hải Phòng cho hay: “LHPT năm nay có nhiều đề tài “lạ” như: “Selfham - tiếng kêu gào thầm lặng” khai thác vấn đề nhạy cảm, còn ít được biết đến trong cộng đồng. Khá nhiều tác phẩm đã tìm tòi cách thể hiện mới, sáng tạo, áp dụng linh hoạt nhiều thủ pháp nghệ thuật làm cho tác phẩm có tính tương tác cao và dễ tiếp nhận hơn với công chúng, tác động mạnh vào cảm xúc của người nghe. Có thể kể đến như: Cuộc chiến với Covid-19 - những tấm gương thầm lặng, Khi tình yêu biến thành thù hận, Muốn nghe tiếng chảy dòng sông Tô...”.

Có nhiều tác phẩm ở loại hình Chương trình phát thanh tiếng Dân tộc đạt điểm xuất sắc bởi nội dung bám sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến đồng bào dân tộc, được dư luận quan tâm. Giám khảo Phan Văn Thảo (Bình Phước) cho biết: “Không ít tác phẩm có bản sắc đã vượt lên so với mặt bằng chung. Một số Đài đã lựa chọn góc tiếp cận khá hay, hóc búa, rất khó thể hiện, vậy nhưng từng vấn đề đã được các tác giả giải quyết tốt, thấu đáo, chuyên nghiệp. Điều này cho thấy trình độ của các Đài đã có sự tiến bộ rõ rệt”.

Các câu chuyện truyền thanh tham dự LHPT toàn quốc 2020 đa phần có chủ đề tư tưởng rõ ràng, gắn liền hơi thở cuộc sống và tính thời sự cao như: Phản ánh những mặt trái liên quan đến dịch bệnh Covid-19 hay liên quan đến khô hạn, thiếu nước ở miền Tây Nam bộ... tạo sự phong phú, đa dạng. Đáng chú ý lần này đã có nhiều Đài chọn các nội dung ca ngợi tính nhân văn, nhân đạo trong y học như việc hiến tạng, cứu người... Điều này đã khơi gợi, góp phần tôn vinh cái đẹp, cái hay trong cuộc sống.

“Năm nay, có rất nhiều tác phẩm chỉ cần đọc tít, chúng ta đã thấy nổi bật lên vấn đề cần nói, như “Lời giải ruộng hoang”, “Đất khóc”, “Giải cứu điện”, “Từ kẽ hở quy định tách thửa loạn phân lô bán nền”… Từ cái tít đã thấy LHPT 2020 có rất nhiều bài hay và thể hiện sự chỉn chu, chuyên nghiệp trong từng tác phẩm”.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng

Để công chúng đồng hành cùng phát thanh

Các chương trình tham dự Liên hoan năm nay được đầu tư, dàn dựng kỹ lưỡng, công phu, tạo ra những chương trình phát thanh vừa có thông tin, vừa gần gũi, thiết thực nhưng vẫn mang tính giải trí cao.

Các đài địa phương đã và đang bứt phá, đầu tư vào phát thanh nhiều hơn, các tác phẩm dự thi của họ không còn khoảng cách với Đài Trung ương như những năm trước giữa. Đặc biệt, các tác phẩm phát thanh chuyên đề đã thu hút được đông đảo các đài địa phương tham gia, bởi cách thức làm chuyên đề khiến chương trình chuyên sâu hơn, nói được đến từng lớp lang, rốt ráo những gì mà nhà báo muốn nói. “Điều đáng ghi nhận là các đài đã thể hiện được cách thức làm phát thanh thông qua chuyên đề một cách rất hiện đại - đó là một chương trình phát thanh có nhiều cửa sổ, có những nhân vật khách mời chính - phụ, có những phóng sự, có box thông tin và phỏng vấn ngắn”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Khâu đạo diễn, dàn dựng kết hợp với việc sử dụng âm thanh, tiếng động, âm nhạc hợp lý đã giúp các tác phẩm trở nên ấn tượng và hấp dẫn. Nhiều Đài xử lý âm thanh tốt, các phát biểu đều được chọn lọc kỹ, ngắn gọn, hàm súc, mang đậm chất báo nói.

Giám khảo Phạm Tấn Tư, Giám đốc CQTT Đài TNVN khu vực miền Trung cho rằng, tại LHPT lần này, các Đài địa phương đã khai thác và phát huy tốt các yếu tố đặc trưng của phát thanh. Chương trình Phát thanh tiếng dân tộc, Câu chuyện truyền thanh được thực hiện khá công phu, diễn xuất và dàn dựng khá chuyên nghiệp, bám sát những vấn đề nóng, mang tính thời sự của địa phương mình. Một vài tác phẩm có tính sáng tạo cao. Những phỏng vấn, talk show nói về gương tốt việc tốt cũng gây ấn tượng bởi chỉ trong 5 phút đã dựng lên chân dung tiêu biểu, đặc sắc bằng những tình tiết, chi tiết đắt giá, tinh tế.

Một vài đơn vị đã sáng tạo trong hình thức thể hiện phỏng vấn, như: Dẫn dắt cuộc phỏng vấn như đang kể lại một câu chuyện, đưa vào tác phẩm những âm thanh quen thuộc, đặc trưng để gợi mở và chia sẻ cảm xúc với người nghe như “tiếng chuông nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn” trong phỏng vấn “Buổi chiều đặc biệt ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn” của Đài PTTH Quảng Trị; hay tác phẩm “Từ trái tim đến trái tim” của Đài PT-TH tỉnh Phú Yên đã cho nhân vật được phỏng vấn cùng một vài người liên quan đến câu chuyện đi cùng phóng viên từ đầu đến cuối cuộc phỏng vấn...

Giám khảo Phạm Tấn Tư (Giám đốc CQTT Đài TNVN khu vực miền Trung)

Giám khảo Phan Văn Thảo (Đài PT-TH Bình Phước) đánh giá, phần tham gia diễn xuất và kỹ thuật thu - dựng của các Đài đã có nhiều sáng tạo, biết sử dụng âm thanh, tiếng động phù hợp để đẩy cao trào câu chuyện và tạo được tính chân thật cho câu chuyện. Điển hình trong kỹ thuật dàn dựng khá hiện đại và hấp dẫn như câu chuyện của Đài PT-TH Bình Dương, hay cách diễn xuất, câu từ lời thoại khá dí dỏm của Đồng Tháp.

Sự trở lại ấn tượng của thể loại phỏng vấn

Sau 2 kỳ vắng bóng tại LHPT thì năm nay, thể loại phỏng vấn đã trở lại. Tuy là một thể loại khó nhưng các tác phẩm phỏng vấn đã phát huy được vai trò xung kích chính của phát thanh. “Góc tiếp cận và câu hỏi đặt ra sắc sảo, đi thẳng vào vấn đề. Nhiều phóng viên dàn dựng sáng tạo. Đơn cử như phỏng vấn của Đài PT-TH Lào Cai, phóng viên đã đưa Vox pop, tiếng động hiện trường và âm nhạc vào trong một phỏng vấn, tạo ra cuộc trò chuyện rất thân tình, cởi mở và có nhiều thông tin, đưa được tính thực tế, giải trí, thư giãn song hành trong tác phẩm”, nhà báo Đồng Mạnh Hùng nhận định.

Nhận xét về thể loại phỏng vấn, giám khảo Phạm Tấn Tư cho hay: Có 2 phỏng vấn của Đài PT-TH tỉnh Quảng Trị và Đài PT-TH tỉnh Phú Yên rất sáng tạo trong hình thức thể hiện với sự tham gia của nhiều nhân vật, có nhiều loại tiếng động, âm thanh hiện trường khá hấp dẫn. Nhiều tác phẩm nổi bật tính đặc thù của phát thanh hiện đại, từ việc sử dụng âm nhạc, dẫn dắt tại hiện trường kết nối với nhân vật ở phòng thu đến nền ghép các tiếng động hiện trường khá sinh động...

30 chương trình phát thanh trực tiếp do các địa phương và Đài TNVN tham gia thi từ ngày 24 - 27/6 được LHPT mong đợi bởi thể loại này luôn mang đến bất ngờ và hấp dẫn. Nhiều địa phương còn tạo điều kiện để đưa khách mời từ phía Bắc vào các tỉnh phía Nam tham gia talk show trong chương trình phát thanh trực tiếp của Đài mình. Có những đơn vị nối điện thoại với nhiều địa phương, nhiều địa điểm ở trong và ngoài nước. Điều đó tạo cho LHPT không khí mới và hứng khởi.

Một trong những điều Ban giám khảo rất mong muốn, đó là các đơn vị hãy tận dụng được nhiều hơn mạng xã hội để có thể tương tác, tạo cơ hội cho công chúng cùng làm báo phát thanh. “Chỉ có thế công chúng mới thấy phát thanh rất gần gũi với họ. Và đấy chính là mục tiêu của Liên hoan: “Đổi mới và Đa dạng”, vị Tổng Thư ký LHPT - nhà báo Đồng Mạnh Hùng bày tỏ./.
 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận