Được thiên nhiên ưu đãi, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp có điều kiện thuận lợi để phát triển cây có múi. Trong đó, quýt hồng Lai Vung là loại trái cây đặc sản nức tiếng ở vùng ĐBSCL, là niềm tự hào của người dân Ðồng Tháp. Là sản phẩm đặc trưng, quýt hồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên những năm gần đây, quýt hồng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ sản xuất cho tới thị trường tiêu thụ. Tết năm 2020, giá quýt hồng thiết lập đỉnh cao lịch sử với khoảng 60 ngàn đồng/kg mua tại vườn. Tuy nhiên đi kèm theo mức giá đó, sản lượng quýt hồng cũng rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Lý giải về cái tên “Đất khóc”, nhà báo Thanh Trường chia sẻ: “Đất khóc” là chủ đề xuyên suốt loạt phóng sự. Chúng tôi mượn những hiện tượng đã và đang xảy ra với quýt hồng để nói lên tầm quan trọng của đất trồng đối với sản xuất nông nghiệp. Khi hiện nay đa số chúng ta vẫn đang tập trung làm sao cho ra sản lượng nhiều nhất, chất lượng tốt nhất thì đất trồng lại bị chính những người nông dân bỏ quên, hoặc nếu có cũng chỉ là một sự chăm sóc hết sức sơ sài. Chính vì thế, đất trồng đang phát ra những tiếng khóc, mà những tiếng khóc đó nếu như không thật sự để tâm, chúng ta sẽ không thể nào nghe thấy được. Hiện tượng quýt hồng Lai Vung chết hàng loạt là một cái cớ không thể thích hợp hơn để dẫn chứng cho nông dân thấy được đất đang muốn cất lên tiếng nói như thế nào”.
Phóng sự Trắng tay trong mùa quýt bạc tỉ, Những cách chữa bệnh lạ đời trong loạt bài đã phản ánh chính xác những gì đang diễn ra với cây quýt hồng Lai Vung. Qua hiện tượng vàng lá thối rễ của những cây quýt, nông dân sẽ có cơ hội nhìn nhận rằng mình đã hiểu đất trồng đến đâu. “Không chỉ là nông dân, chúng tôi cũng muốn đặt ra câu hỏi đối với ngành nông nghiệp, hiện có bao nhiêu cán bộ nông nghiệp hiểu về đất trồng? Số lượng đó có đủ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững nền nông nghiệp trong thời gian tới hay không, khi mà số lượng người trẻ lựa chọn học và gắn bó với nông nghiệp hiện nay không nhiều, đặc biệt là đối với ngành khoa học đất trồng lại càng ít” - nhà báo Thanh Trường bày tỏ.
Phóng sự Hành trình cứu cây quýt hồng kể về quá trình ngành nông nghiệp Đồng Tháp phối hợp với trường Đại học Cần Thơ đưa ra một quy trình khắc phục tạm thời, những vùng đất bị suy thoái cùng với đó là chọn 5 khu vườn để làm thí điểm, kiểm chứng hiệu quả. Qua hơn 1 năm triển khai thực tế cho thấy, 5 khu vườn này đang phục hồi tốt. Hiện tượng vàng láthối rễ đã dần được kiểm soát, lá đã xanh trở lại, không có cây chết thêm.
Phóng sự kỳ cuối Đất khóc gióng lên hồi chuông báo động về việc cả người nông dân lẫn cán bộ nông nghiệp chưa hiểu hết về đất, thiếu kiến thức về đất. Ngành khoa học đất không có người học, tất yếu dẫn đến việc ngành nông nghiệp thiếu những cán bộ hiểu về đất nên không có những khuyến cáo thực sự hữu ích cho nông dân.
Nói về cái khó khi thực hiện phóng sự 4 kỳ, nhà báo Văn Lợi chia sẻ, ê - kíp gặp nhiều khó khăn trong việc tìm được những nhân vật thật sự ấn tượng, đại diện được cho người trồng quýt hồng Lai Vung. Đồng Tháp được sông Tiền chia làm 2 khu vực, trong đó khu vực phía Nam của tỉnh, nông dân có đặc điểm là thích làm hơn thích nói.
Thế nên một khi đã tìm được những nhân vật như mong muốn, thì việc thuyết phục để họ có thể chia sẻ những gì sâu kín nhất cũng là một việc không hề dễ dàng. “Sau rất nhiều lần bị các nhân vật từ chối hợp tác, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được những nhân vật đúng như tiêu chí đặt ra. Để họ có thể thoải mái chia sẻ một cách tự nhiên nhất, chúng tôi đã phải cùng ăn, cùng ở với nông dân trong một khoảng thời gian. Nông dân miền Tây rất thật thà và dễ thương, một khi bạn đủ sự chân thành, cởi mở thì họ cũng sẽ đáp lại y như vậy” - nhà báo Văn Lợi nhận xét.
Phóng sự sau khi phát sóng đã nhận được phản ứng tích cực từ ngành nông nghiệp và của cả nông dân. Nhà báo Thanh Trường cho biết: Khi chúng tôi gặp nông dân họ đã thú nhận rằng, bao năm gắn bó với nông nghiệp họ vẫn chưa biết nhiều về đất, chứ chưa nói là hiểu về đất. Sự vô tâm đó đã khiến họ phải trả giá, một cái giá quá đắt nhưng là giúp họ kịp thức tỉnh.
Còn với ngành nông nghiệp địa phương, đây là dịp để có thể phổ biến rộng rãi hơn hiệu quả của giải pháp khắc phục tạm thời cho cây quýt hồng Lai Vung đến với nông dân. Đồng thời cũng là dịp để ngành nông nghiệp quan tâm hơn đến đào tạo kiến thức về đất trồng cho lực lượng cán bộ cấp cơ sở, những người gắn bó nhiều nhất với nông dân. Một tác phẩm mang lại được những tác động tích cực như thế không có gì khó hiểu khi được đánh giá cao tại LHPT./.