Thay đổi nhận thức, hành vi xã hội qua tiểu phẩm phát thanh

Trong các thể loại phát thanh, tiểu phẩm là thể loại hàm chứa nhiều tính đặc thù phát thanh nhất: lời nói, âm nhạc, tiếng động...

 

Lợi thế của tiểu phẩm phát thanh

Tại hội thảo hội thảo “Thay đổi nhận thức, hành vi xã hội qua tiểu phẩm phát thanh” tổ chức tại LHPT lần thứ XIV, các diễn giả quốc tế và Việt Nam đã cùng nhau phân tích các yếu tố tạo nên một tiểu phẩm phát thanh hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của công chúng, mang thông điệp xã hội hiệu quả. 

Là đơn vị tham gia sản xuất tiểu phẩm truyền thanh (khoảng 50 tác phẩm/năm), ông Lê Nghiêm, Trưởng phòng sân khấu, Ban Văn nghệ, Đài TNVN (VOV6) cho rằng, để tiểu phẩm tạo thông điệp truyền thông hiệu quả, trước hết phải phù hợp với nhu cầu và mong muốn của người nghe; phải hấp dẫn người nghe qua những “cách truyền đạt” thuyết phục.

Nếu như “tính thuyết phục” trong thông điệp được quyết định bởi sự chính xác, khoa học của thông tin, trình độ nhận thức của người tiếp nhận (người nghe) thì “cách truyền đạt” chính là hình thức chuyển tải thông tin ấy. Hình thức càng phong phú, hấp dẫn và đa dạng càng thu hút nhiều người nghe và càng đạt hiệu quả truyền thông. Đây chính là lợi thế của tiểu phẩm truyền thanh.

Điểm khác biệt của tiểu phẩm truyền thanh so với các thể loại khác đó là chuyển tải thông tin, thông điệp thông qua một câu chuyện hư cấu… và tính hấp dẫn của tiểu phẩm phát thanh cũng xuất phát từ đặc điểm này. “Tiểu phẩm truyền thanh nằm ở ranh giới giữa hư cấu và hiện thực cuộc sống. Tác giả xây dựng câu chuyện, những nhân vật, các mối quan hệ, số phận và tạo kết nối để tác phẩm chuyển tải được vấn đề của hiện thực, gần gũi với cuộc sống hiện thực” - đại diện của VOV6 cho biết.

VOV6 đưa kịch truyền thanh lên trang web để thính giả có thể nghe bất cứ lúc nào.

Bà Phương Huyền, đại diện Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) cho biết, những năm gần đây, VOH hầu như không còn sản xuất những tiểu phẩm, câu chuyện truyền thanh (CCTT) với thời lượng 15 phút hay 30 phút nữa. “Xu hướng phát thanh hiện đại ngày nay phải gắn với guồng quay tất bật của cuộc sống, người nghe không có nhiều thời gian và đủ sự tập trung để theo dõi một kịch bản quá dài. Vì thế hầu hết các tiểu phẩm của VOH chỉ có thời lượng tối đa 10 phút, thậm chí chỉ 1- 2 phút. Dù tiểu phẩm ngắn do quỹ thời gian ngày càng hạn hẹp của bạn nghe đài nhưng vẫn chuyển tải đầy đủ, trọn vẹn thông điệp đến người nghe. Tính nhanh nhạy, kịp thời của phát thanh được thể hiện qua cách chúng ta dàn dựng tiểu phẩm. Ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu, nhưng cô đọng, không ê a giao đãi dông dài, đi trực diện vào vấn đề, chạm đúng mong muốn của người nghe, như slogan của Đài VOH: Nói những điều thính giả muốn nghe!” bà Phương Huyền chia sẻ.

Đại diện Đài PT-TH An Giang không đồng tình với ý kiến cho rằng, thời hoàng kim của CCTT đã qua rồi khi mà hiện nay có rất nhiều phương thức tuyên truyền, nhiều kênh thông tin để người dân lựa chọn. Với những đặc điểm như vừa có tính thời sự, vừa có cốt chuyện cụ thể, vừa có lời thoại, tiếng động, âm nhạc,…CCTT vẫn là một thể loại báo chí được thính giả, đặc biệt là thính giả ở vùng nông thôn, yêu thích. Từ ngày thành lập, năm 1977 đến nay, thể loại CCTT được xem là thể loại thế mạnh trong công tác tuyên truyền của Đài PT-TH An Giang. Không ít CCTT của Đài không những đảm bảo công tác tuyên truyền mà còn có giá trị văn học. Vì thế, Đài nhận được đơn đặt hàng của các đơn vị trong tỉnh.

Làm thế nào để có tiểu phẩm phát thanh hấp dẫn?

Ông Lê Nghiêm cho rằng, tính hấp dẫn của tiểu phẩm truyền thanh được tạo nên từ các yếu tố: tính hài hước trong câu chuyện, trong diễn xuất, trong đài từ, trong âm nhạc. Ngôn ngữ trong tiểu phẩm nên lồng ghép, khai thác những câu nói, cách nói đang thịnh hành, gần gũi với đời sống, các câu từ đang là “hottrend”. Nhân vật trong tiểu phẩm phải có tính điển hình về giới tính, độ tuổi, nghề nghiệp, các mâu thuẫn nhỏ, bột phát, dễ giải quyết. Các tình huống bất ngờ cũng tạo nên yếu tố hấp dẫn cho tiểu phẩm. Thông điệp truyền thông không quá ôm đồm nhiều vấn đề, mà chia nhỏ, nhấn mạnh vào điểm quan trọng nhất.

Phóng viên Anh Thư, Đài PT-TH Bình Dương đồng tình với những chia sẻ của VOV và cho biết, Đài PTTH Bình Dương ngoài chương trình CCTT phát sóng định kỳ 3 lần một tuần, tiết mục “Đằng sau tay lái” phát sóng hằng ngày, tiểu phẩm truyền thanh còn được Đài lồng vào nhiều chương trình khác. Để thực hiện số lượng tiểu phẩm nhiều mà vẫn đảm bảo yếu tố hấp dẫn đòi hỏi phải có kịch bản hay và đội ngũ diễn viên diễn tốt.

Vì thế, ngoài xây dựng đội ngũ CTV, Đài Bình Dương chủ động xây dựng lực lượng PV, BTV viết kịch bản tiểu phẩm, kịch truyền thanh. Về diễn viên, ngoài CTV là những diễn viên chuyên nghiệp nổi tiếng ở TP.HCM và các tỉnh thành khác thì các diễn viên là các MC, phóng viên, biên tập viên, thậm chí là cả kỹ thuật viên của Đài cũng tham gia đóng kịch truyền thanh rất tốt. Nhờ chú trọng nâng cao chất lượng các chương trình phát sóng, trong đó có đóng góp quan trọng của tiểu phẩm, kịch truyền thanh, các chương trình của Đài PT-TH Bình Dương tạo hiệu ứng rất tốt, thu hút lượng lớn thính giả trong khu vực miền Đông và Tây Nam bộ.

Đại điện của Đài PT-TH An Giang cho biết, thời gian tới đài sẽ khảo sát nhu cầu thính giả để có định hướng rõ ràng, cụ thể hơn trong công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, Đài tiếp tục duy trì cuộc thi viết kịch bản CCTT hằng năm để có nhiều tác phẩm hay. Về diễn viên ngoài  “cây nhà lá vườn” tại đơn vị, Đài tiếp tục xây dựng mạng lưới CVT là diễn viên bên ngoài để các tác phẩm đa dạng, sinh động, hấp dẫn hơn./.

"Để tiểu phẩm là công cụ thay đổi nhận thức và hành vi xã hội, tiểu phẩm phát thanh phải hấp dẫn, phù hợp với hơi thở thời đại đáp ứng 5 yếu tố:  Thứ nhất, phải ngắn. Thứ hai, chủ đề lựa chọn càng thời sự,  càng đời, càng thiết thực càng thu hút. Thứ ba, tiểu phẩm “đời thường hóa”, không kiên cưỡng, lời thoại tự nhiên. Thứ tư, diễn xuất tốt. Thứ năm, dàn dựng hấp dẫn" - bà Phương Huyền (VOH).

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận