Bất cập trong công tác quản lý hệ thống, thiết bị của các đài PTTH
Công nghệ và hệ thống thiết bị công nghệ có vai trò rất quan trọng đối với các Đài PT-TH, góp phần lớn vào thành công của chương trình. Thế nhưng thực tế hiện nay tại các đài PT-TH, nhất là các đài địa phương, việc quản lý, sử dụng các trang thiết bị vẫn còn nhiều bất cập. Do không được đánh giá đúng nhu cầu nên vẫn còn tình trạng các thiết bị vừa thừa, vừa thiếu, chưa đồng bộ và lạc hậu so với các nước trong khu vực. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, sử dụng, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị vừa thiếu về số lượng vừa hạn chế về trình độ chuyên môn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý trang thiết bị.
Với các đài PT-TH, trang thiết bị đóng một vai trò quan trọng trong dây chuyền sản xuất, phát sóng các chương trình. Do đặc thù của ngành PT-TH, đa số thiết bị phải đảm bảo hoạt động 24/24 không gián đoạn. Nếu trong quá trình sử dụng, các thiết bị gặp sự cố sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và phát sóng, gây ra các thiệt hại đáng kể, ngoài chi phí trực tiếp để sửa chữa còn gây ra các thiệt hại như: giảm năng suất, giảm doanh thu và lợi nhuận, tăng hao phí nguyên vật liệu và năng lượng, giảm tuổi thọ máy móc thiết bị, tăng vốn đầu tư cho máy móc thiết bị,
Chính vì những điều này, việc tăng cường ứng dụng công nghệ mới quản lý hệ thống, thiết bị là việc làm hết sức cần thiết nhằm đảm bảo tính khoa học và hiệu quả trong công tác chuyên môn của các Đài PT-TH.
Cần ứng dụng công nghệ mới trong quản lý thiết bị PT-TH
Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, cần tăng cường áp dụng những công nghệ mới cho phát thanh và trang bị ứng dụng công nghệ mới trong quản lý thiết bị.
Ths Đặng Hữu Thuần, Trung tâm Sản xuất và Lưu trữ chương trình, Đài TNVN đã giới thiệu ứng dụng V-BMS do Trung tâm cùng với Công ty cổ phần Công nghệ và Thiết bị truyền thông Emitech xây dựng và phát triển. V-BMS là giải pháp tổng thể, ứng dụng các công nghệ mới trong quản lý hệ thống, thiết bị PT-TH giúp các đài PT-TH giảm thiểu tối đa các thiệt hại do các thiết bị gặp sự cố gây ra, kết nối với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực PT-TH trong nước nhằm xây dựng các quy trình bảo dưỡng, vận hành các hệ thống, thiết bị phù hợp nhất đối với từng đài.
Ông Đặng Hữu Thuần cho biết, V-BMS hội tụ đầy đủ các tính năng cần thiết phục vụ cho nghiệp vụ quản lý các hệ thống, thiết bị PT-TH, cụ thể như: Tính năng tự động nhập dữ liệu thông tin thiết bị vào hệ thống phần mềm để quản trị thông qua các file định dạng thông thường như excel; Tính năng quản lý thông tin thiết bị phục vụ tra cứu thông tin, theo dõi tình trạng hệ thống, thiết bị; Lập kế hoạch sửa chữa định kỳ tự động, giúp bảo dưỡng thiết bị đúng quy định; Tính năng gửi yêu cầu hỗ trợ 24/7; Tính năng tư vấn và hỗ trợ khắc phục sự cố từ xa; Tính năng truy xuất báo cáo, đánh giá tình trạng thiết bị; Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn giải pháp cho việc xây dựng hệ thống các trung tâm sản xuất tin tức, các trang thiết bị; Trực tiếp thay mặt các hãng đứng ra bảo trì, nâng cấp, sửa chữa các trang thiết bị mà Đài đang dùng.
Tham dự hội thảo, các đại biểu còn được nghe các đơn vị giới thiệu những công nghệ mới, ví như hệ thống chuyển đổi giọng nói sang văn bản của Trung tâm R&D, Đài TNVN, công nghệ mạng của Extreme Networks, ứng dụng xử lý độ trễ trong truyền dẫn tín hiệu PT-TH của Đài TH KTS VTC - Đài TNVN, Giải pháp xử lý dữ liệu phi cấu trúc của Công ty Hitachi Vantara (giải pháp này được sử dụng để xây dựng những hệ thống sản xuất, quản lý và phân phối nội dung số với quy mô lớn), Công nghệ PT-TH internet và xe làm tin lưu động của công ty MediaTech, được trải nghiệm công nghệ mới AI về hình ảnh và streaming trực tiếp với Công ty Sony Việt Nam…
Số hóa phát thanh và xu thế ở Việt Nam
Ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng giám đốc Đài TNVN chia sẻ, sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng internet đã mở ra cho phát thanh cơ hội tiếp cận thêm một phân khúc thính giả mới (nghe đài trên máy tính hay các thiết bị di động). Ngoài ra, internet cũng cho phép thính giả tương tác với nhà Đài một cách đa dạng hơn như qua email, MXH, fanpage… tạo ra các giá trị gia tăng cho phát thanh, làm cho chương trình hấp dẫn hơn và công chúng được nghe những điều mình ưa thích vào bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu chứ không phải chỉ nghe những gì nhà Đài có. Bên cạnh thách thức thì đây cũng là cơ hội lớn để phát thanh tự làm mới mình, tạo ra được những chương trình sinh động, thu hút đông đảo khán, thính giả, làm cho tác phẩm đến gần với thính giả hơn, chi phí sản xuất chương trình gọn nhẹ hơn, tiết kiệm hơn và đặc biệt là “hot” hơn. Như vậy phát thanh không những sẽ vẫn tồn tại mà còn phát triển đa dạng và phong phú hơn ngay trong môi trường truyền thông đa phương tiện.
Để giữ được vị thế của mình, phát thanh cần phát huy lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở sản xuất đa phương tiện, truyền dẫn trên đa nền tảng, không ngừng thay đổi nội dung cho phù hợp với nhu cầu của thính giả.
Trong giai đoạn từ nay đến 2025, Đài TNVN sẽ từng bước thử nghiệm phát thanh số mặt đất, trước hết là chuẩn DAB+ đang được thử nghiệm tại Hà Nội và TP.HCM, sau đó sẽ thử nghiệm chuẩn DRM+ để phủ sóng số mặt đất tầm xa cho các khu vực biên giới, hải đảo, cùng Bộ TT - TT trình Chính phủ phê duyệt chuẩn phát thanh số mặt đất tại Việt Nam, và từng bước thực hiện lộ trình số hóa phát thanh trên phạm vi cả nước.
Ngoài ra, Đài PTTH trung ương Trung Quốc cũng giới thiệu đến các vị đại biểu về quá trình số hóa hệ thống phát thanh đối ngoại của đài./.
“Hiện nay, Đài TNVN đã sản xuất thử nghiệm radio kết hợp giữa radio truyền thống thu FM với radio công nghệ mới thu phát thanh số mặt đất DAB+ và radio internet. Loại radio này tích hợp được tất cả các giá trị gia tăng trong thời kỳ đa phương tiện: nghe âm thanh, ảnh tĩnh, ảnh động, đồ họa, văn bản, hướng dẫn giao thông…” ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng giám đốc Đài TNVN.
|