Phát thanh trong kỷ nguyên số và xu thế ở Việt Nam

  • 20/06/2020 07:46:34
  • Th.S Vũ Hải Quang/ Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN
  • Xã hội > Nhịp sóng
  • 0

Kỷ nguyên số đã tạo nên một thế giới phẳng, đã lập lại cả trật tự của thế giới, đã làm thay đổi cả tâm lý, tập quán, thói quen... của con người.

 

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số (xã hội số, kinh tế số, chính phủ số, nền văn hóa số… ), kỷ nguyên của IoT, của Big Data và AI,… chính nó đã tạo nên một thế giới phẳng, chính nó đã lập lại cả trật tự của thế giới, đã làm thay đổi cả tâm lý, tập quán, thói quen... của con người.

Phát thanh trong kỷ nguyên số

Trong khi tất cả các lĩnh vực đều chuyển đổi số thì phát thanh cũng không là ngoại lệ. Về phát sóng số mặt đất hiện có rất nhiều chuẩn, điển hình phải kể đến là DAB+/DAB; DRM+/DRM; HD Radio…đã và đang được phát chính thức ở rất nhiều nước Châu Âu, trong đó có Nauy đã dừng hẳn phát sóng FM để phát sóng số tiêu chuẩn DAB+ ở phát thanh đài Quốc gia từ cuối năm 2017; Mỹ (HD Radio); Úc và Newzeland (DAB+ và DRM v.v... trong khi đó một số nước vẫn còn đang trong quá trình thử nghiệm để tìm cho mình một chuẩn phù hợp nhất. Máy phát sóng số cơ lợi thế hơn máy phát Analog là một máy phát có thể phát được nhiều chương trình, với nhiều giá trị gia tăng khác nên lợi ích của phát sóng số mặt đất là tiết kiệm tài nguyên tần số, tiết kiệm đầu tư, tiết kiệm chi phí khai thác vận hành chất lượng tín hiệu âm thanh tốt hơn, không bị can nhiễu, ngoài âm thanh có thể gửi kèm thêm một số thông tin như Text (thời tiết, tỉ giá ngoại tệ, chứng khoán, hướng dẫn giao thông…); hình ảnh (hình ảnh ca sĩ, ảnh PTV, ảnh BTV…). Bên cạnh việc phát sóng số mặt đất thì phát thanh còn được phát trên Web, trên các MXH, trên ứng dụng OTT, Spotify, Youtube, Podcast v.v... Tuy vậy khác hẳn với chuyển đổi số ở các lĩnh vực khác, với phát thanh cách thức chuyển đổi số đa dạng hơn, nhưng chưa có một lộ trình cụ thể, trong khi đó phát thanh truyền thống trên AM, FM vẫn là công cụ và phương tiện thu nghe phổ biến trong phát thanh đối nội của người dân, nhất là những người tham gia giao thông, người dân ở các vùng quê, miền núi, hải đảo .v.v.. Đặc biệt theo thống kê trong thời gian giãn cách xã hội thì số lượng người nghe đài bằng phương thức truyền thống lại tăng hơn nhiều vì lúc này ngoài những thông tin thông thường thì điều đầu tiên mà ai ai cũng quan tâm đến đó là tình hình Covid ở nước ta và các nước trên thế giới, vì thông tin trên phát thanh luôn nhanh nhất và tiện lợi nhất, đặc biệt là các hệ thống truyền thanh cơ sở luôn hoạt động hết công suất và phát huy tác dụng của nó hơn lúc nào hết. Truyền thông đa phương tiện ở đảo quốc Solomon cho biết, trong khi điện thoại thông minh và các loại hình công nghệ đang ngày càng phổ biến, nhưng phát thanh vẫn là một phương tiện hữu hiệu tại Quốc đảo này, đặc biệt với các khu vực ngoài thủ đô. Theo Giám đốc Trung tâm truyền thông đa phương tiện đảo Quốc Solomon Moddie Nanau cho biết: “hầu hết người dân Quốc đảo này không tiếp cận được internet hay tivi, mà nghe đài vẫn là một sở thích hàng ngày của họ”.

Ảnh minh họa.

Như vậy ta có thể nói rằng, trong kỷ nguyên số phát thanh vẫn không hề bị các loại hình truyền thông khác lấn át, các phương thức truyền dẫn số trên phát thanh mặt đất, trên các ứng dụng trên nền tảng Internet chỉ là phát triển thêm phương thức truyền dẫn mới chứ chưa thể thay thế các phương thức truyền dẫn trên nền tảng truyền thống hiện nay.

Thực trạng phát thanh ở Việt Nam

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, hiện nay Đài TNVN có đủ 4 loại hình: Phát thanh, truyền hình, Báo điện tử và Báo in. Trong đó Phát thanh là chủ đạo gồm có 8 kênh: kênh Thời sự (VOV1); kênh Văn hóa Xã hội (VOV2); kênh Âm nhạc (VOV3); kênh Dân tộc (VOV4); kênh Đối ngoại (VOV5); kênh Văn học Nghệ thuật (VOV6); kênh Giao thông; kênh Sức khỏe và An toàn thực phẩm. Phát sóng mặt đất trên cả 3 băng tần SW, MW và FM, tỷ lệ phủ sóng với cả 3 băng tần nói trên chiếm gần 97% dân số và trên 91% diện tích đất liền và một số khu vực biển đảo Việt Nam, phủ sóng một số khu vực trọng yếu trến thế giới như Châu Ắ, Châu Phi, Trung Đông, một phần Châu Âu, Trung Mỹ và vùng vịnh Caribe v.v…Về phát sóng mặt đất thì Đài TNVN còn phát sóng số tiêu chuẩn DAB+ thử nghiệm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Song song với phát sóng mặt đất thì Đài TNVN còn phát sóng trên trang báo điện tử VOV.Vn, trên các ứng dụng OTT như VTC Now, VOV Media…không giới hạn về địa lý tất cả các chương trình đối nội và đối ngoại. Về sản xuất chương trình thì Đài TNVN đã số hóa và ứng dụng biên tập phi tuyến từ những năm 2000 bằng phần mềm Dalet và Netia. Truyền dẫn tín hiệu Đài TNVN cũng đã đã truyền dẫn tín hiệu số qua vệ  tinh từ trước những năm 2000.

Ngoài Đài TNVN ra, ở Việt Nam còn có các đài phát thanh - truyền hình địa phương của 63 tỉnh thành, mỗi tỉnh thành có 1 kênh phát thanh FM (riêng Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, mỗi nơi có 2 kênh FM), ngoài ra còn có trên 600 đài truyền thanh cấp huyện và hàng ngàn hệ thống truyền thanh cấp xã phường.

Cũng chính Radio là một phương tiện có tính lan tỏa nhanh, tiện lợi và rẻ tiền, lại không mất phí thuê bao, không bị ngẽn mạng, không bị Fake news… nên vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho cấp phát thí điểm khoảng 5 vạn Radio cho một số đối tượng đặc biệt thuộc 10 tỉnh miền núi khó khăn, giao Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài TNVN thực hiện. Sau khi cấp phát sẽ giao các bộ, ngành liên quan đánh giá hiệu quả, nếu đạt kết quả tốt sẽ từng bước thay thế việc cấp phát báo in cho đồng bào vùng sâu, vùng xa đã và đang thực hiện từ nhiều năm nay.

Số hóa phát thanh và xu thế ở Việt Nam

Sự phát triển của công nghệ thông tin và mạng Internet đã mở ra cho phát thanh cơ hội tiếp cận thêm một phân khúc thính giả mới  (nghe đài trên máy tính hay các thiết bị di động). Ngoài ra, Internet cũng cho phép thính giả tương tác với nhà Đài một cách đa dạng hơn như qua email, MXH, fanpage…đã tạo ra các gia tăng giá trị cho phát thanh, làm cho chương trình hấp dẫn hơn và công chúng được nghe những điều mình thích vào bất cứ giờ nào, bất cứ ở đâu.v.v…chứ không phải chỉ nghe những gì nhà Đài có. Bên cạnh những điều thách thức thì đây cũng là cơ hội lớn để phát thanh tự làm mới mình, tạo ra được những chương trình sinh động, thu hút đông đảo khán giả, làm cho tác phẩm đến gần với thính giả hơn, chi phí sản xuất  chương trình gọn nhẹ hơn, tiết kiệm hơn và đặc biệt là “hot” hơn. Như vậy phát thanh không những sẽ vẫn tồn tại mà còn phát triển đa dạng và phong phú hơn ngay trong môi trường truyền thông đa phương tiện.

Trong bối cảnh các phương tiện truyền thông như trăm hoa đua nở, vị trí của phát thanh là không thể thay thế.

Phát thanh trong môi trường  truyền thông đa phương tiện cần xác định rõ hai nhóm thính giả là “thính giả đang có” và “thính giả tiềm năng” trung thành với phát thanh truyền thống. Nhóm đối tượng thứ hai chính là những thính giả trẻ sẽ tiếp cận làn sóng phát thanh qua web, điện thoại di động, facebook…Trên cơ sở đó phải xây dựng cơ cấu chương trình theo từng khung giờ, ngày phát sóng phù hợp với từng nhóm thính giả nói trên. Phát thanh hiện nay không còn thông tin một chiều, thông tin cưỡng bức nữa mà phát thanh phải là “nói cùng thính giả”, “thính giả cùng lên sóng với nhà đài” . Sự tương tác tốt sẽ tạo nên sự gần gũi và thân thiện giữa thính giả với những người làm chương trình. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài TNVN đã khẳng định: “Phát thanh có thế mạnh riêng và công chúng riêng. Thế mạnh của phát thanh không chỉ ở tin tức nhanh, trực tiếp, đa dạng, mà bằng lời nói, âm nhạc và tiếng động, phát thanh đưa người nghe tới gần hơn với sự kiện và nhân vật, người nghe như được hòa mình, được cảm nhận đầy đủ sự kiện, nhân vật đó”.

Hiện nay, trong bối cảnh tất cả các phương tiện truyền thông như truyền hình, báo điện tử, MXH đều trăm hoa đua nở nhưng phát thanh vẫn đóng vai trò rất quan trọng, phát thanh còn tham gia xử lý các cuộc khủng hoảng đặc biệt, các tình huống khẩn cấp như thiên tai, tai nạn, cháy nổ, tụ tập đám đông v.v…mà các loại hình khác không thể hoặc không tiện lợi bằng phát thanh. Trong tương lai, phát thanh trong môi trường đa phương tiện sẽ tiếp tục phát triển vì ngoài những lợi thế vốn có của nó, còn có thêm nhiều lợi thế hơn nữa do công nghệ số, Internet và môi trường đa phương tiện mang lại mà các loại hình truyền thông khác không thể có được.

Để giữ được vị thế của mình, phát thanh cần phát huy lợi thế cạnh tranh, trên cơ sở sản xuất đa phương tiện, truyền dẫn trên đa nền tảng, không ngừng thay đổi nội dung cho phù hợp với nhu cầu của thính giả vì dù bất cứ loại hình truyền thông nào thì “ nội dung vẫn luôn là Vua” còn công nghệ chỉ là công cụ và phương tiện.

Trong giai đoạn từ nay đến 2025: Đài TNVN luôn xác định phải đi bằng “hai chân”: (1) Tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng FM đến tất cả các thành phố, thị xã đông dân cư ở Việt Nam, phủ sóng AM đến các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Việt Nam có bờ biển dài 3.260km với nhiều đảo, đặc biệt là có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa với một vùng rộng lớn trên biển Đông, có vai trò vô cùng quan trọng về các mặt chiến lược, phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng, giao thông hàng hải, hàng ngày có trên 14 triệu Ngư dân và các lực lượng chấp pháp làm việc trên biển, trong khi đó ở những khu vực này sóng phát thanh của ta chưa tốt, lại có rất nhiều các đài phát sóng nước ngoài thường xuyên phát sóng với công suất lớn bằng tiếng Việt nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta nên rất cần phải tằng cường hơn nữa việc phủ sóng AM công suất lớn đến những khu vực này để thông tin, truyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao kiến thức pháp luật về biển, thông tin giải trí cho Ngư dân và đặc biệt là các thông tin cảnh báo khi có bão và gặp các sự cố nguy hiểm trên biển. Song song với nó là huy động các tổ chức, cá nhân có các tài trợ để cấp phát miễn phí Radio trực canh (Radio có khả năng cảnh báo) cho Ngư dân và các lực lượng chấp pháp trên biển; (2) Tiếp tục phát triển mạnh các ứng dụng OTT trên nền tảng Internet với đầy đủ các giá trị gia tăng để phục vụ nhóm thích giả sử dụng các thiết bị cầm tay thông minh và phát sóng cho kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè Quốc tế; (3) Từng bước thử nghiệm phát thanh số mặt đất, trước hết là chuẩn DAB+ đang được thử nghiệm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, sau đó sẽ thử nghiệm chuẩn DRM+ để phủ sóng tầm xa cho các khu vực biên giới, hải đảo.v.v.. sau đó cùng Bộ TTTT trình Chính phủ phê duyệt chuẩn phát thanh số mặt đất tại Việt Nam, và sẽ từng bước thực hiện lộ trình số hóa phát thanh trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất cho việc số hóa phát sóng phát thanh mặt đất là giá thành máy thu thanh số quá cao so với thu nhập của đại đa số thính giả hiện nay và hiện nay Việt Nam vẫn là một thị trường đang bị bỏ ngỏ về sản xuất và cung cấp Radio vì sản xuất Radio lợi nhuận rất thấp nên không thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào thì trường này. Thị trường Radio ở Việt Nam hiện nay đều nhập trôi nổi, không đảm bảo chất lượng. Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Đài TNVN, sau khi báo cáo những khó khăn và bất cập nói trên, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận: (1) Giao Đài TNVN chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan để xây dựng Đề án triển khai lộ trình số hóa các đài phát thanh ở Việt Nam theo qui định; (2) Giao Đài TNVN rà soát, đánh giá nhu cầu thực tế, làm rõ sự cần thiết và tính khả thi, lấy ý kiến các cơ quan liên quan để xây dựng, hoàn thiện Dự án xây dựng xưởng sản xuất Radio.

Nếu chúng ta luôn coi thính giả là trọng tâm, luôn hướng về thính giả bằng những sự trợ giúp của công nghệ đa phương tiện hiện nay và được sự hỗ trợ của Chính phủ như các kết luận của Thủ tướng tại buổi làm việc với Đài TNVN ngày 19/2/2020 thì chắc chắn lộ trình số hóa phát thanh ở Việt Nam sẽ đến sớm hơn và phát thanh không những vẫn tồn tại và vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong kỷ nguyên số, trong môi trường truyền thông đa phương tiện như hiện nay.

Hiện tại Đài TNVN đã sản xuất thử nghiệm Radio kết hợp giữa Radio truyền thống thu FM với Radio công nghệ mới thu phát thanh số mặt đất DAB+ và thu Radio Internet. Loại Radio này tích hợp được tất cả các giá trị gia tăng trong thời kỳ đa phương tiện: nghe âm thanh, ảnh tĩnh, ảnh động, đồ họa, văn bản, hướng dẫn giao thông.v.v…./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận