Nam Định: 'Người bạn' gần gũi sớm khuya thời dịch bệnh

Trong 'cuộc chiến' phòng chống COVID-19, loa phường, xã tiếp tục phát huy hiệu quả, thể hiện giá trị riêng có, dù các phương tiện truyền thông khác có phát triển mạnh mẽ đến đâu.

 

Thông tin chính xác, độ tin cậy cao

Đã trở thành thói quen, ngày nào ông Nguyễn Đại Hành, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định cũng thức dậy từ 5 giờ sáng nghe thông tin của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh, thành phố thông qua hệ thống loa công cộng tại phường. Với lớp người từng trải qua cuộc chiến như ông, loa phát thanh trở thành người bạn thân thiết, gắn bó bởi nhờ đó người dân có thể ứng phó với tình hình khẩn cấp như chiến tranh, bão lũ, hay dịch bệnh...

Không phải ngẫu nhiên khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những chiếc loa phường là phương tiện truyền thông chính thống, tin cậy được người dân lựa chọn. Bởi, mạng xã hội tràn lan những thông tin không chính xác, gây hoang mang trong dư luận. Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định triển khai tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, truyền hình cấp huyện và truyền thanh cơ sở về diễn biến dịch bệnh cũng như cách thức phòng, chống dịch để người dân chủ động phòng tránh. Hệ thống truyền thanh, truyền hình tỉnh Nam Định đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, đồng thời xây dựng các chương trình phát thanh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh; Tích cực tuyên truyền các văn bản chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn, khuyến cáo của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo, thông báo của tỉnh, huyện đến từng người, từng nhà.

“Loa phường, xã đã có từ lâu, phát huy tác dụng nhiều mặt. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, nó có vị trí, vai trò, tác dụng, cách thức hoạt động khác nhau. Ngay cả bây giờ, khi mà các phương tiện truyền thông phát triển mạnh: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng xã hội… thì loa phường, xã vẫn có vai trò, có chỗ đứng riêng của nó”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tính đến nay, đã có khoảng 856 tin bài với tần suất phát sóng trung bình 14 lần/ngày và tổng thời lượng phát sóng 23.956 phút/tuần với nội dung tuyên truyền về Covid-19 phát trên hệ thống phát thanh cơ sở. Trong đó, 107 tin, bài được phát sóng hằng tuần trên đài truyền thanh cấp huyện. Nội dung tuyên truyền phong phú, thiết thực như chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch bệnh, kêu gọi người dân nếu đi qua hoặc trở về từ vùng dịch cần khai báo y tế, thực hiện cách ly theo quy định; khuyến cáo người dân không tích trữ thực phẩm, không nên tập trung đông người ảnh hưởng đến công tác chống dịch; nêu cao tinh thần nghĩa cử cao đẹp, sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng... Đài truyền thanh các huyện còn xây dựng các chuyên mục "Vì sức khỏe cộng đồng", "Hỏi đáp về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra”.

Một buổi phát sóng tại Đài Truyền thanh xã Xuân Bắc, Xuân Trường, Nam Định.

Từng có nhiều ý kiến cho rằng loa phường, xã ở thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay không còn nhiều tác dụng, thậm chí “gây phiền” và đề xuất xóa bỏ. Nhưng trải qua dịch bệnh, khi thông tin được cung cấp kịp thời, chính xác đến tận thôn xóm, phục vụ kịp thời nhu cầu thông tin của mọi đối tượng thì người dân đã thấy loa phường thật sự là người bạn thân thiết.

Để loa phát thanh là kênh thông tin hấp dẫn, sinh động

Mặc dù mang lại nhiều hiệu quả thiết thực nhưng hệ thống truyền thanh cơ sở tại tỉnh Nam Định chưa được đầu tư đúng mức. Hầu hết các đài này được đầu tư từ cách đây rất nhiều năm, và trải qua nhiều giai đoạn nên đã cũ kỹ, lỗi thời.

Theo thống kê, Nam Định hiện có đài Phát thanh của 10 huyện, thành phố; 229 Đài Truyền thanh xã, phường, thị trấn, trong đó đài truyền thanh hữu tuyến (có dây) có 149 đài, đài truyền thanh vô tuyến (truyền thanh không dây) có 80 đài. Có 49/80 đài truyền thanh không dây đầu tư ở băng tần không có trong quy hoạch, đến năm 2022 cơ bản phải dừng hoạt động. Đối với đài truyền thanh có dây, hệ thống dây kéo từ máy tăng âm trung tâm ra hệ thống loa đã xuống cấp. Nhiều đài hiện đang sử dụng đường dây điện thoại, dễ bị đứt, hỏng và không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.

Bên cạnh đó, chế độ cho cán bộ làm phát thanh đặc biệt là ở cấp xã còn thấp, chỉ từ 7 trăm nghìn đến 1 triệu đồng. Đội ngũ cán bộ còn hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định tổ chức nhiều lớp tập huấn về kỹ năng viết tin, bài cho thể hiện bản tin, sử dụng trang thiết bị cho đội ngũ này nhằm cải thiện chất lượng tin bài, cũng như hình thức thể hiện.

Sở Thông tin và Truyền thông Nam Định kiến nghị tỉnh cần sớm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương.

Hiện đại hóa hệ thống thông tin cơ sở, số hóa nguồn thông tin cơ sở, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin phổ biến đến người dân và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hệ thống thông tin cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới việc giảm bớt nhân lực trong đài truyền thanh cấp xã, Sở đang cho thử nghiệm tại Đài Liên Minh huyện Vụ Bản ứng dụng công nghệ chỉ cần đưa bản word vào, người dùng có thể tự chọn giọng nam hay nữ, Bắc, Trung hoặc Nam để thể hiện. Như vậy, cán bộ văn hóa xã có thể phụ trách luôn công việc này.

Xây dựng đội ngũ và nâng cao chất lượng chương trình là nhiệm vụ Sở Thông tin và Truyền thông đặt ra để phát thanh cơ sở phát huy thế mạnh trở thành kênh thông tin quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận